Chức năng xác lập trường phái

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 46)

5. Bố cục của luận án

2.2.4. Chức năng xác lập trường phái

Khi tập trung vào chức năng nhằm phát hiện cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật, phê bình thường có tính chất ấn tượng chủ nghĩa hoặc tính chất phân tích hoặc tính chất diễn dịch. Khi tập trung vào chức năng nhằm quy phạm hoá cái đẹp và những phạm trù hình thức của cái đẹp, phê bình có khuynh hướng trở thành lý thuyết. Trong khi đó, khi tập trung vào chức năng nhằm phủ định những quy phạm đang có, phê bình có xu hướng xác lập nên các trường phái sáng tác cũng như các trường phái phê bình mới. Thực ra đây là quá trình phủ định liên tục và lô gích. Mỗi một nỗ lực phát hiện hay xác lập một quy phạm mới đều hàm chứa trong nó ít nhiều tính chất phủ định đối với các quy phạm đã có trước đó. Xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 20, cả hình thức luận của Nga lẫn Phê bình mới của Anh, Mỹ đều là những hình thức phủ định các quy phạm đã được định hình và đóng vai trò thống trị trong sinh hoạt văn học thế kỷ 19. Tất nhiên, như đã nói đến ở trên, sự phủ định ở đây không phải là “phủ định sạch trơn” mà chủ yếu là nhằm khắc phục những cách tiếp cận và lí giải văn học một cách cực đoan, dọn đường cho sự ra đời của những quy phạm mới ứng với những phương pháp mới. Ðề cao tính tự trị của tác phẩm cũng như đề cao tính chất phi ngã trong văn học, các nhà hình thức luận và Phê bình mới phủ định quan niệm của chủ nghĩa hiện thực cho văn học là một sự phản ánh của hiện thực; của chủ nghĩa lãng mạn cho văn học là một sự biểu hiện của nội tâm. Ðề cao ngôn ngữ, các yếu tố hình thức hay “tính văn chương” của văn học, các nhà hình thức luận và Phê bình mới không những phủ định chủ nghĩa ấn tượng vốn nhấn mạnh một cách quá đáng vào tính chủ quan của người đọc mà còn phủ định cả chủ nghĩa thực chứng lẫn cơ giới luận vốn nhấn mạnh quá đáng vào các sự kiện. Từ thập niên 1960, chủ nghĩa cấu trúc, và sau đó, chủ nghĩa hậu cấu trúc lại lần lượt phủ định những quy phạm do các nhà hình thức luận và Phê bình mới dựng lên khi cho điều quan trọng nhất trong các tác phẩm không phải là ngôn ngữ hay hình

42

tượng mà là cấu trúc, và nhất là khi cho ý nghĩa của tác phẩm, hoặc không quan trọng, hoặc, như các nhà giải cấu trúc chủ trương, cứ phát triển mãi, không bao giờ chúng ta có thể nắm bắt được trọn vẹn.

Tính chất phủ định các quy phạm đã có và xác lập các quy phạm mới trong sáng tác, các hệ thống lí thuyết mới của phê bình văn học chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nhất quán của lý luận: nếu đã chấp nhận một luận điểm nào đó thì người ta phải chấp nhận cả những hệ thống lập luận, những thang bậc giá trị mà nó dựng nên. Benedetto Croce, nhà phê bình lớn của Ý, xem phê bình như là việc diễn dịch một tác phẩm từ vương quốc của cảm xúc sang vương quốc của tư tưởng, và do đó, xem phê bình như một bộ phận của triết học bởi vì “phê bình là phán đoán, và phán đoán bao hàm một tiêu chuẩn phán đoán, và tiêu chuẩn phán đoán lại bao hàm sự tư duy về một khái niệm, và sự tư duy về một khái niệm bao hàm mối liên hệ với những khái niệm khác, và mối liên hệ của các khái niệm, cuối cùng, chính là một hệ thống hay một triết lý” [120]. Đây chính là cơ sở của việc hình thành các khuynh hướng trong sáng tác, các xu hướng, các trường phái trong phê bình văn học.

Văn học phát triển nhờ sự đổi mới, tìm tòi những giá trị mới, sáng tạo cái mới, vượt qua những cái lạc hậu, cũ kĩ. Phê bình là động lực bên trong thúc đẩy sự vận động, tiến hoá của văn học. Chính phê bình đã tiến hành các cuộc đấu tranh văn học, tổ chức các trào lưu, khuynh hướng sáng tác, phát ngôn hay tổng kết các quan niệm văn chương, tuyên cáo mở đầu hay kết thúc các giai đoạn nghệ thuật. Phê bình không ngừng vận động và tiến tới, thúc đẩy đời sống văn học. Lịch sử phê bình văn học là lịch sử cách tân, đổi mới hay cách mạng trong nghệ thuật văn chương.

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)