Một số trường hợp tiêu biểu của đấu tranh tư tưởng trong phê bình văn học

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 129)

5. Bố cục của luận án

4.4. Một số trường hợp tiêu biểu của đấu tranh tư tưởng trong phê bình văn học

ở trên được đánh giá và nhìn nhận lại. Không ít người trong số họ thậm chí đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là sự ghi nhận đúng đắn, kịp thời và cần thiết của Đảng và của Nhà nước ta. Nó cũng là một cách nhìn nhận thẳng thắn những nhược điểm của phê bình văn học trong những giai đoạn đã qua.

Trong giai đoạn mười năm văn học từ 1976 đến 1986, cuộc đấu tranh tư tưởng của phê bình văn học không có các sự kiện đáng chú ý như những giai đoạn trước. Điều này cũng là dễ hiểu, bởi từ năm 1975, khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, cuộc đấu tranh ý thức hệ đã không còn gay gắt. Chức năng đấu tranh tư tưởng của phê bình văn học tự nó cũng nhạt dần đi.

Có thể nói, trong khi thực hiện chức năng đấu tranh tư tưởng, phê bình văn học đã góp phần nâng cao cảnh giác cho nền văn học cách mạng. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp, nó đã gây ra những thương tổn cho bản thân văn học. Dưới đây chúng tôi giới thiệu một số cuộc phê bình như thế.

4.4. Một số trường hợp tiêu biểu của đấu tranh tư tưởng trong phê bình văn học văn học

4.4.1. Trường hợp Phá vây của Phù Thăng – cuốn truyện được coi là thể hiện “tư tưởng hoà bình chủ nghĩa”

Phù Thăng là bút danh của Nguyễn Trọng Phu, nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Con những

người du kích đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1958. Năm 1963, ông

được độc giả biết đến nhiều hơn nhờ hai cuốn tiểu thuyết Con nuôi của trung đoàn

rồi sau đó là Phá Vây. Nhưng cũng đến đây thì sự nghiệp văn chương cũng như đường binh nghiệp của Phù Thăng bỗng nhiên “giữa đường đứt gánh”.

Phù Thăng từng là một hiện tượng. Hồi cuối những năm 50 đầu những năm 60, tiểu thuyết còn hiếm. Trong khi Nguyễn Khải viết Xung đột, mô tả “cuộc đấu tranh chính trị” thì Phù Thăng viết về con người. Là người lính, không gì gần gũi hơn là viết về chính những đồng đội của mình và không gì thấm thía hơn khi viết

125

về những nhọc nhằn trong cuộc đời của lính. Sau tập truyện vừa Trận địa mới, truyện Phá vây ra đời. Cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang viết trực tiếp về cuộc chiến tranh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thời kỳ đầu kháng Pháp. Đó là câu chuyện kể về một tiểu đoàn trinh sát mở một trận đánh nghi binh, thu hút lực lượng địch về phía mình, giải vây cho đồng đội. Bằng trí tuệ và lòng dũng cảm của mình, những người lính của tiểu đoàn trinh sát đã phá được vòng vây, không phải chỉ vòng vây địch, mà cả những vòng vây vô hình nhưng không kém phần nguy hiểm, đang giăng mắc ở ngay trong họ, ấy là những định kiến, những quan niệm hẹp hòi, ấu trĩ, trói buộc con người, cản trở sự tiến triển của cách mạng, của văn hoá và văn minh. Phá vây có thể xem là cuốn sách ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Một chủ đề phổ biến trong văn học ta những năm sáu mươi. Tập sách sẽ là con thuyền êm chèo mát mái, nếu không có vài dòng Phù Thăng bình luận về chiến tranh: “Chiến tranh đã gây nên và sẽ gây ra bao nhiêu nỗi đau khổ, vất vả, tủi nhục, căm giận khác nữa… chiến tranh không có gì đáng ca ngợi cả và đời lính chỉ là một cuộc đời nhục nhằn mà thôi. Nếu như trong chiến đấu có thu được cái vinh quang chân chính của nó, thì cũng đã phải trả bằng một giá quá đắt. Phải

sớm kết thúc cuộc đổ máu cùng với những thảm hoạ của nó” [139; tr.147]. Ngày

nay đọc lại những dòng tâm sự này, chúng ta thấy lời ước nguyện không chỉ là của Phù Thăng mà còn là của hàng triệu con người Việt Nam lúc đó, chỉ có điều ở thời điểm ấy người ta không được phép và không thể nói ra những điều như thế. Những người lính ngoài mặt trận không thể không bị chi phối bởi những dòng văn như thế.

Phá vây ngay sau khi được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm

1963 đã nhận được nhiều ý kiến phê bình. Các bài viết tiêu biểu có thể kể đến là:

Đọc “Phá vây” – tiểu thuyết của Phù Thăng của Phan Nhân (Văn nghệ, số 17-1963),

Đọc “Phá vây” của Phù Thăng của Vũ Hải Phương (Tạp chí Văn nghệ Quân đội,

số 9-1963), Đọc sách: “Phá vây” – tiểu thuyết của Phù Thăng của Nhị Ca (Nhân dân, số ra ngày 10/08/1963),… Về căn bản các tác giả đều thống nhất nhận định rằng đây là một cuốn truyện viết với dụng ý tốt, thể hiện được tinh thần chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu của quân dân ta trong kháng chiến, văn viết hấp dẫn,

126

bố cục chặt chẽ. Song trong một số đoạn, Phù Thăng đã thể hiện quan điểm sai lầm về chiến tranh. Các tác giả cho rằng: tuy đây không phải là tư tưởng chủ đạo của tác phẩm nhưng bản thân nó đi ngược với quan điểm của Đảng nên cần phê phán nghiêm khắc. Tác giả Nhị Ca nhận xét: “Người đọc muốn nhấn mạnh hơn cả vào một khuyết điểm nghiêm trọng của tác giả khi anh đưa ra những suy nghĩ mơ hồ, có tính chất xét lại về chiến tranh. Anh đã gán ghép những luận điệu phản lịch sử đó cho Nghĩa, thậm chí cho cả chính uỷ, những người cán bộ đại diện cho Đảng ta. Những chiến sĩ có ý thức về hành động giải phóng dân tộc của mình không thể trở thành “cô độc, hằn học” như Văn được” [13; tr.5]. Trong khi đó, Phan Nhân cũng cho rằng Phá vây đã thể hiện khá rõ “những thiếu sót lệch lạc về lập trường tư tưởng. Tác giả chưa đánh giá đúng mức tác hại của những sai lầm trong khi đấu tranh bảo vệ đường lối quân sự của Đảng. (…) Một khuyết điểm rõ nhất trong Phá vây là tác giả đã lồng vào suy nghĩ của nhân vật Nghĩa, người đại diện cho tinh thần và chí lãnh đạo ở đơn vị quân đội này những quan điểm sai trái về lòng yêu người, về chiến tranh và hoà bình” [96; tr.4]. Ngoài ra, truyện của Phù Thăng còn bị phê phán ở những nhược điểm khác như: nhân vật công nông viết không đạt; về những nét tiểu tư sản trong các nhân vật, tình yêu nam nữ trong truyện viết cũng chưa tốt,…

Những vấn đề tư tưởng trên đây của Phá vây tuy không khiến nó bị đình bản, bị thu hồi ngay lập tức nhưng nó cũng làm kinh động đến cả những nhà lãnh đạo công tác văn nghệ. Năm 1964, trong bài nói chuyện tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tố Hữu đã dẫn ra Phá vây như là một minh chứng tiêu biểu cho việc ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ: “Vì thiếu cảnh giác chính trị, mấy năm gần đây, chúng ta đã để dịch và xuất bản một số sách, nhập một số phim, bản nhạc trái với quan điểm của Đảng, gieo rắc tâm lí hoà bình chủ nghĩa trong nhân dân ta. Mặt khác chúng ta không kịp thời phê phán những biểu hiện sai trái ấy trong những tác phẩm của một số anh em chúng ta. Trong tiểu thuyết Phá vây có đoạn tác giả oán giận chiến tranh một cách chung chung và chỉ nhận thấy khổ cực và mất mát. (…) Văn nghệ của chúng ta không thể chứa chấp những loại ý nghĩ sợ sệt, buồn tủi như thế được” [142; tr.445].

127

Sau những bài phê bình này, tác phẩm của Phù Thăng cứ thế chìm đi. Nhà văn Phù Thăng cũng biến mất. Mấy tháng sau, ông lặng lẽ rời quân đội, nơi ông gắn bó từ năm 1947, sang làm phóng viên Báo Thể dục Thể thao. Rồi năm 1964, ông chuyển về làm biên kịch thuộc Xưởng phim truyện Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu năm 1988.

Ở thời điểm viết Phá vây, Phù Thăng là một nhà văn còn trẻ, có bút lực và giàu triển vọng. Trong ý nghĩ Phù Thăng lúc bấy giờ, chiến tranh dù nhìn ở góc độ nào cũng không phải là điều tốt đẹp. Bởi nó cuốn theo bao nhiêu xương máu của những người dân vô tội. Đây là một vấn đề lớn có tính thời đại sâu sắc, tiếc là Phù Thăng lại suy nghĩ và trình bày nó một cách giản đơn. Và chính bởi thế, cuốn truyện đã hoá thành sóng gió xô trở lại đời ông. Đọc truyện, chúng ta chắc không quên chi tiết đội trưởng Lê Văn đi kiểm tra trận địa nghi binh về, thấy lính ngả nghiêng nằm ngủ dưới trăng, Văn nghĩ: Ngày mai là trận đánh lớn. Những người lính này sẽ tự nguyện làm mồi nhử địch, thu hút hỏa lực địch. Cậu lính nào cũng trẻ đẹp và khoẻ mạnh. Những sức trai như thế kia vào trận mà chết thì uổng quá. Trước mắt anh, họ đều là thợ càỵ. Nếu không có chiến tranh, những sức vóc ấy mà cho đi phạt bờ, cuốc góc thì sướng biết mấy! Những ý nghĩ đó của Văn, bây giờ có thể cho là hết sức bình thường, nhưng ở thời điểm tác phẩm ra đời, khi cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam đang sôi nổi thì lại khó được chấp nhận bởi nó đi ngược định hướng tư tưởng của Trung ương.

Phá vây có thể không phải là một tác phẩm hoàn mĩ nhưng nó là một tác

phẩm tốt. Nó thực sự là một tác phẩm ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, củng cố được lòng yêu mến của người đọc đối với một loạt nhân vật kháng chiến có đạo đức, có bản lĩnh. Hầu hết các bài phê bình thời đó đều nhận xét cuốn truyện của Phù Thăng chân thực. Nhưng nó vẫn bị phê bình và chủ nhân của nó vẫn phải miễn cưỡng xa rời nghiệp văn chương là vì nó có những chỗ không có lợi về tư tưởng.

Xét về khía cạnh thực thi chức năng “thanh lọc tư tưởng”, phê bình văn học những năm 60 có đóng góp không hề nhỏ. Song cũng thật tiếc cho những trường hợp tương tự như tác giả Phá vây. Cảnh giác để ngăn chặn những sai lệch về chính trị, tư tưởng trong các hoạt động văn học là một trong những trách nhiệm của

128

phê bình. Tuy nhiên, do vận dụng một cách máy móc, thô thiển, phi lịch sử quan điểm giai cấp, một số cây bút phê bình giai đoạn này đã cực đoan, giáo điều trong việc phê bình tác phẩm. Họ phân tích tác phẩm theo lối suy diễn tuỳ tiện về ý nghĩa chính trị, rồi đao to búa lớn, chụp mũ khiến cho không ít nhà văn khốn đốn, mất cả sự nghiệp. Những cây bút loại này tuy không nhiều nhưng ảnh hưởng khá tai hại đến đời sống văn học và những hậu quả để lại cũng không dễ gì khắc phục.

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 129)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)