Các quan điểm chỉ đạo

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 57)

5. Bố cục của luận án

3.1.1.Các quan điểm chỉ đạo

Từ trước Cách mạng tháng Tám, những mầm mống của một nền lí luận, phê bình văn học theo quan điểm Marxist đã được truyền bá vào Việt Nam. Tuy nhiên, phải từ Đề cương văn hoá năm 1943, Đảng Cộng sản Đông Dương mới công bố một cách có hệ thống đường lối văn hoá, văn nghệ, nêu lên những phương châm vận động văn hoá mới làm kim chỉ nam cho cán bộ đảng và quần chúng cách mạng hoạt động về văn hoá, làm vũ khí đấu tranh chống những thủ đoạn văn hoá thâm độc của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Dù các tư tưởng còn sơ lược, song có thể

xem Đề cương là bản tuyên ngôn về văn hoá Marxist ở Việt Nam.

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai (7-1948), Trường Chinh đọc báo

cáo Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam, lần đầu tiên trình bày có hệ thống tư

tưởng Marxist và đường lối văn hoá của Đảng Cộng sản. Báo cáo nêu ra nhiều vấn đề lí luận và thực tiễn có tính chất cương lĩnh, vạch ra những hướng đi cơ bản cho văn nghệ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ mới. Cũng trong bản báo cáo này, Trường Chinh nhận xét: “Một điều ai cũng nhận thấy là cuộc sống văn nghệ của dân tộc ta hiền lành quá. Một tác phẩm văn nghệ mới, hay hoặc dở, công chúng hoan nghênh hay phản đối, phần nhiều ta không biết. Có ai phê bình đâu, có ai khen chê đâu! Một chủ trương, một quan điểm đề ra thường bị rơi thõm vào trong quên lãng và tiếp thụ một cách lạnh nhạt. Thành ra tác giả ít được nâng đỡ, khuyến khích và phê bình, bổ khuyết cho. Không có phê bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ nước ta êm đềm, trầm mặc quá! Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên” [142; tr.94]. Bản báo cáo còn đặc biệt nhấn mạnh tới nhu cầu “phê bình đả kích văn hoá đế quốc, văn hoá thực dân”, cải tạo tư tưởng của giới trí thức và nghệ sĩ ở nước ta; khẳng định quần chúng là người phê bình sáng suốt nhất, chống thái độ tự cao, tự mãn, coi thường quần chúng của văn nghệ sĩ.

53

Sau những chỉ đạo có tính chất toàn diện nhưng cũng rất cụ thể của đồng chí Trường Chinh, một bầu không khí phê bình và tự phê bình được dấy lên mạnh mẽ trong giới trí thức. Các vùng miền như khu III, khu IV, Nam Bộ đều có hội nghị văn nghệ. Các vấn đề văn nghệ và tuyên truyền, thơ không vần của Nguyễn Đình Thi, hình thức văn nghệ cải lương, độc tấu của Thanh Tịnh đều được đem ra bàn bạc. Tất cả nhằm hướng tới xây dựng một nền văn nghệ nhân dân, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo trong nhân dân, phục vụ nhân dân. Đó là tính chất của nền văn nghệ dân chủ mới. Về phương diện phê bình văn nghệ, đóng góp đáng chú ý nhất là đã bước đầu đưa sáng tác đến với quần chúng, hướng vào việc phổ cập văn nghệ cách mạng vào trong nhân dân. Phê bình đã chú ý phát hiện, ngợi ca những sáng tác mới, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ từ trong đội ngũ công nông binh, để bổ sung vào đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp còn ít ỏi. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, trong giai đoạn từ 1945-1954, phê bình văn học phát triển chưa tương xứng với hoạt động sáng tác. Những đóng góp của phê bình văn học còn hạn chế.

Phải từ sau khi hoà bình lập lại trên miền Bắc, hoạt động văn học nghệ thuật nói chung, phê bình văn học nói riêng mới có những phương hướng hoạt động rõ ràng, cụ thể. Tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (1957), Thư của Ban chấp

hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi đại hội nhấn mạnh vai trò tư tưởng,

chức năng giáo dục của văn nghệ, đề cao việc học tập chủ nghĩa Marx-Lenin, yêu cầu văn nghệ gắn bó với quần chúng, đi sâu vào quần chúng và đề cao tính dân tộc. Với phê bình văn học, Ban chấp hành Trung ương Đảng nêu yêu cầu, cần có “những cây bút phê bình vững chắc về các ngành văn học, nghệ thuật, có thể kịp thời phát hiện những tài năng mới, giá trị mới và kịp thời phê phán những khuynh hướng sai lầm, lạc hậu” [142; tr.10].

Cũng tại đại hội này, trong bản báo cáo Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân

tộc phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, Trường

Chinh đã một lần nữa cụ thể hoá những quan điểm chỉ đạo văn nghệ của Đảng. Khi bàn về vấn đề phương pháp phê bình, ông khẳng định hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp phê bình văn nghệ tốt nhất. Và yêu cầu: “Cần mở một phong trào phê bình lành mạnh trên tinh thần thật thà xây dựng; kiên quyết bài trừ những lối phê

54

bình có tính chất xuyên tạc và phá hoại hoặc có tính cách thô bạo… Chúng ta mong mỏi trong giới văn học, nghệ thuật có những nhà phê bình chân chính, phát hiện được những tài năng mới, khuyến khích những cố gắng mới và uốn nắn được những lệch lạc, sai lầm của tác phẩm” [142; tr.125].

Từ đây, đều đặn đến mỗi kì đại hội văn nghệ toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều có những chỉ đạo cụ thể đối với công tác phê bình văn học nhằm thích ứng với tình hình mới. Quan điểm xuyên suốt của Đảng là luôn luôn nhấn mạnh vai trò trọng yếu của công tác phê bình đối với việc xây dựng và bảo vệ những thành quả của nền văn học cách mạng Việt Nam. Chức năng này của phê bình văn học được Đảng cụ thể hoá thành nhiều phương diện tuỳ thuộc vào tình hình phát triển cụ thể của văn học cũng như những thay đổi của thực tiễn cách mạng. Tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba, tháng 12-1962, xác định nhiệm vụ của phê bình văn học, Ban chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Trên nguyên tắc tính đảng, phê bình phải có tác dụng cổ vũ những cái tốt, cái hay, phát hiện những tài năng, phát huy những phong cách mới” [142; tr.19]. Đến năm 1968, tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lại nêu yêu cầu: “Công tác phê bình không những phải giúp quần chúng thưởng thức tác phẩm một cách đúng đắn, nâng cao tư tưởng, nhận thức và trình độ thẩm mĩ của nhân dân, mà còn phải giữ vững vai trò hướng dẫn cho sáng tác và biểu diễn nghệ thuật đi đúng đường lối của Đảng. Công tác phê bình cần mang tính quần chúng rộng rãi: nó phải tổng kết và nâng cao những nhận xét của quần chúng, coi ý kiến của quần chúng là cơ sở để đánh giá tác phẩm văn học và nghệ thuật một cách đúng đắn nhất” [142; tr.25].

Có thể nói, từ sau các cuộc đấu tranh tư tưởng cuối những năm 50, đầu những năm 60, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với văn học và hình thành rõ rệt một hệ thống quan điểm nghệ thuật chặt chẽ, toàn diện trong đó có quan niệm về phê bình văn học. Đó là quan niệm duy nhất và độc tôn suốt giai đoạn văn học 1945-1986. Lí luận cơ bản và xuyên suốt trong quan điểm của Đảng về phê bình văn học đó là xây dựng một nền phê bình văn học phục tùng và phục vụ chính trị của Đảng. Nhiệm vụ của nhà phê bình là phải đấu

55

tranh để bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, góp phần vào việc chỉ đạo sáng tác và nghiên cứu văn nghệ, nâng cao chất lượng của tác phẩm nghệ thuật, nâng cao tư tưởng, nhận thức và trình độ thẩm mĩ của quần chúng nhân dân. Muốn phục vụ cách mạng, phục vụ sự nghiệp của Đảng thì nhà phê bình trước hết phải học tập, trau dồi để có được thế giới quan tiến bộ, cách mạng, mà thế giới quan tiến bộ nhất, cách mạng nhất trong thời đại ta chỉ có thể là thế giới quan Marx-Lenin, là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Nhà phê bình cũng như nhà văn phải được trang bị vốn sống từ thực tế cách mạng, trên các mặt trận sản xuất và chiến đấu. Đặc biệt, nhà phê bình phải biết lắng nghe, biết tổng kết và nâng cao ý kiến phê bình của quần chúng nhân dân. Đánh giá cao phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, Đảng đề ra nhiệm vụ văn nghệ sĩ và các nhà lí luận, phê bình phải nắm vững phương pháp này để sáng tác và phê bình nghệ thuật. Theo đó, nhà phê bình phải được trang bị những vấn đề lí luận về chủ nghĩa duy vật biện chứng, lí luận phản ánh của Lenin, vấn đề điển hình hoá, tính Đảng,… Đó là một phương pháp phê bình giàu tính chiến đấu, kết hợp được nhuần nhị giữa lí trí và tình cảm, tiêu chuẩn chính trị tư tưởng và tiêu chuẩn nghệ thuật, tính khoa học và cảm xúc thẩm mĩ, nội dung và hình thức. Theo đó, sự đánh giá tác phẩm nghệ thuật cũng chủ yếu dựa trên những tiêu chí này.

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 57)