Hình 2.1: Bản đồ hành chính tỉnh Hậu Giang
Hậu Giang là tỉnh nằm ở trung tâm của vùng Tiểu Tây Sông Hậu, được thành lập năm 2004 trên cơ sở chia tách từ tỉnh Cần Thơ. Về ranh giới địa lý, phía Bắc giáp với Thành phố Cần Thơ, phía Nam giáp với tỉnh Sóc Trăng, phía Đông giáp với Sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long, phía Tây giáp với tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu.
Diện tích của tỉnh là 1.602 km2, bằng 3,94% diện tích ĐBSCL và 0,48% diện tích cả nước. Chiều dài lớn nhất từ Bắc xuống Nam khoảng 45km và chiều rộng lớn nhất từ Đông sang Tây khoảng 48km.
Với vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây Nam Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang nằm trong khu vực trung chuyển, giao lưu giữa tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh phía Nam của tỉnh Kiên Giang với đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL là Thành phố Cần Thơ, thông qua nhiều tuyến giao thông thủy bộ quan trọng. Tiếp giáp với các trung tâm quan trọng (thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh) nên sẽ tạo điều kiên thuận lợi để tỉnh Hậu Giang phát huy trong quá trình hợp tác phát triển cụ thể: Có khả năng liên kết với tất cả các mặt kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật về khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, y tế và giáo dục,… Đồng thời tận dụng sân bay quốc tế Cần Thơ; có vị trí gần cảng tổng hợp ngoài khơi Trần Đề - Sóc Trăng và hệ thống giao thông thuận lợi khu vực trên bờ, rất thuận tiện về xuất, nhập khẩu, giảm chi phí lớn trong vận chuyển hàng hóa; Có khả năng giao lưu, liên kết với Sóc Trăng và các tỉnh có biển khác trong phát triển du lịch, phát triển hải sản và kinh tế biển khác; Là trung tâm giao lưu của vùng Tây Sông
Hậu và tiểu vùng phía Bắc bán đảo Cà Mau, Hậu Giang có cơ hội phát triển mạnh các ngành dịch vụ, vận tải, du lịch.
Hậu Giang mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa chung của vùng ĐBSCL, độ ẩm luôn cao hơn 75%. Khí hậu phân hóa thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc tháng 11, trùng với gió mùa Tây Nam, chiếm 95% tổng lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, trùng với gió mùa Đông Bắc. Tổng lượng mưa trung bình lớn, khoảng 1.946 mm, số ngày mưa trung bình là 189 ngày/năm; trong mùa mưa lượng mưa tập trung lớn kết hợp nước lũ sông Cửu Long tràn về (tháng 8 và tháng 10) không kịp thoát nước nên gây ra ngập úng trên phạm vi lớn. Trong những năm trước đây lũ lụt nặng ở khu vực đầu nguồn thuộc Cần Thơ đã ảnh hưởng đến các huyện cuối nguồn của Hậu Giang (huyện Châu Thành và Châu Thành A) gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, các công trình xây dựng và đời sống nhân dân.
Tóm lại, yếu tố tự nhiên có ảnh hưởng rất lớn đối với lĩnh vực kinh doanh của PCHG, các hệ thống đường dây điện và cáp thường xuyên bị sự cố do yếu tố thời tiết mưa lũ, áp thấp nhiệt đới gây mưa liên tục. Đây cũng là cũng là thách thức không nhỏ trong công tác xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh điện của Công ty.