CÁC DẠNG HÌNH THÁI, MỨC ĐỘ DỊCH

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG DỊCH TỄ HỌC THÚ Ý (Trang 44)

Mỗi một dạng dịch có những trạng thái và tính chất khác nhau. Sự hiểu biết về các dạng hình thái dịch của động vật có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng phương án phòng trừ đối với các loại dịch bệnh ở động vật.

1. Các dạng hình thái dịch

* Dịch lẻ tẻ (Sporadic):

Chỉ trạng thái dịch có tính chất lẻ tẻ, bệnh xảy ra không thường xuyên, dạng bệnh không rõ ràng, không dự đoán trước được bệnh. Dịch thường xảy ra trong những trường hợp sau:

- Bệnh dịch vẫn tồn tại trong đàn, nhưng không có biểu hiện lâm sàng, nhưng trong một điều kiện nào đó dịch mới xuất hiện.

- Trong đàn không có dịch bệnh tồn tại, dịch có thể xảy ra khi có một con mang mầm bệnh nhập vào đàn.

- Mầm bệnh khu trú trong một loài động vật nào đó, cùng chung sống trong một môi trường với nhiều loài động vật khác, nên đôi khi có thể truyền lây cho đàn động vật phơi nhiễm.

* Dịch địa phương (Endemic):

Dịch có tính chất địa phương, khi trong địa phương đó bệnh dịch này xảy ra đều đặn và có thể sự đoán trước được về thời gian, địa điểm, có nghĩa là dịch bệnh xảy ra có hạn chế về không gian, nhưng không hạn chế về thời gian.

Dịch địa phương có mức độ nhiễm rất khác nhau:

- Nếu hầu hết đàn gia súc mắc bệnh thì gọi là Holoendemic. - Nếu đa số động vật trong đàn mắc bệnh thì gọi là Hyperendemic - Nếu đàn động vật mắc với một tỷ lệ trung bình thì gọi là Mesoendemic. - Nếu chỉ có một số nhỏ trong đàn mắc bệnh thì gọi là Hypoendemic.

* Dịch lưu hành (Epidemic):

Khi số lượng động vật mắc bệnh trung bình vượt quá con số mắc bệnh thường xảy ra như đã dự đoán trước xảy ra ở một đàn động vật hoặc một địa phương mà đã từ lâu không có bệnh này. Số động vật mắc bệnh tăng lên rõ rệt, có thể chỉ trong một thời điểm hoặc trong một thời gian, tức là bệnh phát tán trong một khoảng không gian vào cùng một thời điểm

* Dịch đại lưu hành (Pandemic):

Là dịch phát tán, lan tràn trên diện rộng cùng một lúc nhưng không cùng một khoảng thời gian. Tức là, dịch có thể xảy ra trong phạm vi một số nước không hạn chế về không gian.

VD: Đại dịch cúm gia cầm xảy ra ở Việt Nam và một số nước trên thế giới năm 2003 - 2005, Đại dịch cúm Type A ở người các năm 1914 - 1918…

2. Mức độ dịch

Một bệnh truyền nhiễm trở thành một vụ dịch, khi trong một thời gian ngắn có tỷ lệ mắc hoặc chết vượt quá tỷ lệ mắc hoặc chết trung bình trong nhiều năm liền tại khu vực không gian đó.

* Hệ số năm dịch:

Để xác định dịnh, người ta tính hệ số năm dịch (HSND):

Chỉ số mắc bệnh trung bình tháng trong một năm

HSND = x 100

Chỉ số mắc bệnh trung bình tháng trong nhiều năm

Trong đó:

- Chỉ số mắc bệnh trung bình tháng trong một năm được tính bằng: Số mới mắc trong năm đó/12 tháng

- Chỉ số mắc bệnh trung bình tháng trong nhiều năm được tính bằng: Số mới mắc trong nhiều năm đó/Số tháng trong thời kỳ nhiều năm đó.

Nếu năm nào có hệ số năm dịch lớn hơn 100 thì năm đó được coi là có dịch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thời kỳ bao nhiêu năm là hợp lý?

Bởi đối với những bệnh truyền nhiễm có chu kỳ năm dịch rõ rệt thì rất dễ xác định, nhưng ít nhất cũng phải có đủ số năm của một chu kỳ, nếu nhiều hơn sẽ có giá trị xác thực hơn, nhưng phải lấy gọn trong một hay nhiều chu kỳ mới chính xác (Chú ý, tính chu kỳ này sẽ mất đi khi có sự can thiệp của con người). Còn đối với những bệnh truyền nhiễm không biểu hiện chu kỳ theo quan điểm hiện nay của dịch tễ học, thì thời kỳ nhiều năm kể trên phải dài, đôi khi rất dài, có khi hàng chục năm, dựa trên căn cứ vào diễn biến của từng loại dịch bệnh.

* Hệ số mùa dịch

Với đa số các bệnh truyền nhiễm, dịch có những diễn biến khá đều đặn theo các tháng trong năm. Dịch theo mùa chịu ảnh hưởng nhiều của các yếu tố thiên nhiên, nhưng cũng có những can thiệp của các yếu tố xã hội.

Chỉ số mắc bệnh trung bình ngày/tháng

HSMD = x 100

Chỉ số mắc bệnh trung bình ngày/năm

Trong đó:

- Chỉ số mắc bệnh trung bình ngày/tháng được tính bằng: Số mới mắc của một tháng/Số ngày của tháng đó (28, 29, 30, 31 ngày)

- Chỉ số mắc bệnh trung bình ngày/năm được tính bằng: Số mới mắc bệnh của một năm/365 ngày

Nếu tháng nào có hệ số tháng dịch lớn hơn 100, được coi là tháng dịch. Nếu thấy có nhiều tháng dịch liền nhau, được coi là mùa dịch.

Các bệnh truyền nhiễm cấp tính thường biểu hiện tính chất mùa dịch rõ ràng, những quy luật đó thường gặp hàng năm, năm nào cũng xảy ra.

3. Ý nghĩa sinh thái học của các dạng hình thái dịch

Dạng dịch có tính chất lẻ tẻ có thể cho thấy tác nhân gây bệnh được bảo tồn trong một vật chủ khác và không thường xuyên tiếp xúc với vật chủ.

Tác nhân được bảo tồn trong vật chủ, thường không thể hiện rõ sự nhiễm bệnh. Triệu chứng lâm sàng của bệnh chỉ xuất hiện khi có yếu tố phá vỡ sự cân bằng giữa tác nhân gây bệnh và vật chủ, tạo điều kiện để tác nhân gây bệnh.

Dạng dịch địa phương có thể cho thấy dịch xảy ra khi sự cân bằng giữa tác nhân, vật chủ và môi trường trong một không gian nhất định bị phá vỡ. Sự khác nhau của điều kiện môi trường sinh thái, có thể giải thích vì sao bệnh xuất hiện lẻ tẻ ở một vùng lại là dịch địa phương so với một vùng khác.

Dạng dịch lưu hành cho thấy có sự mất cân bằng trầm trọng có lợi cho “tác nhân” gây bệnh. Sự mất cân bằng này thường phổ biến khi có một chủng vi sinh vật mới được sinh ra (thường là đột biến từ một chủng vi sinh vật nào đó) hay trong sự tiếp xúc lần đầu giữa vật chủ và vi sinh vật.

4. Vẽ đồ thị và phân tích dịch lưu hành

* Ý nghĩa và cách vẽ đồ thị biểu diễn dịch

Khi vẽ đồ thị của một dịch lưu hành có thể cho ta những thông tin hữu ích về tính chất của tác nhân gây bệnh, số ca bệnh, số ca bệnh mới, thời gian xảy ra bệnh, thời gian nung bệnh, chiều hướng của dịch…

* Cách vẽ

Số ca bệnh mới xảy ra được vẽ trên trục tung Y Thời gian của bệnh được vẽ trên trục hoành X.

Cách chia độ thời gian thực tế trên trục hoành càng ngắn thì đường biểu diễn xảy ra dịch càng rõ

* Điểm xuất phát dịch và sự lan truyền dịch

Bước đầu tiên phân tích một dịch bệnh là xác định điểm xuất phát dịch, sự lan truyền dịch. Giả sử có một số lượng gia súc lớn tiếp xúc với một tác nhân gây bệnh (thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn…) sẽ sinh ra một điểm nguồn dịch.

Nếu đường biểu diễn trên đồ thị từ điểm xuất phát dịch đến quá trình xảy ra dịch có độ dốc lớn chứng tỏ quá trình bệnh dịch xảy ra nhanh chóng đạt tới đỉnh điểm, nhưng sau đó cũng giảm nhanh chóng.

Như vậy, nếu đã có một tiếp xúc “đồng loạt” với một tác nhân là nguyên nhân gây bệnh, thì đồ thị sẽ xuất hiện rõ rệt một điểm nguồn dịch.

Khi một tác nhân gây bệnh được lan truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ vật chủ bị nhiễm (coi là nguồn bệnh) tới vật chủ mẫn cảm (động vật cảm thụ), đó là kết quả của sự lan truyền dịch. Trong trường hợp này, đường biểu diễn trên đồ thị từ điểm xuất phát dịch đến quá trình xảy ra dịch có độ dốc ít hơn.

Cần chú ý, trong các bệnh truyền nhiễm có một số bệnh có thời kỳ nung bệnh rất ngắn, nên có thể coi nó giống như một điểm nguồn dịch. Ngược lại nếu sự nhiễm khuẩn dần dần không “đồng loạt” thì có thể có một đồ thị giống như sự lan truyền dịch bệnh.

* Những nhân tố tác động đến dạng đường cong của đồ thị lan truyền dịch

Dạng đường cong của đồ thị phụ thuộc vào:

- Thời kỳ nung bệnh do thời kỳ này làm chậm sự mở đầu của dịch bệnh. Nếu thời gian nung bệnh kéo dài, trong một số bệnh truyền nhiễm, đường biểu diễn có thể có dạng hình sóng tương ứng với thời kỳ nung bệnh. Đánh giá độ dài của thời kỳ nung bệnh có thể giúp cho việc xác định nguyên nhân của ổ dịch.

- Thời kỳ có khả năng lan truyền do ở giai đoạn này có liên quan tới số lần tiếp xúc giữa động vật thụ cảm với động vật nhiễm bệnh nên nó cũng ảnh hưởng tới quá trình dịch bệnh.

- Khả năng gây nhiễm của tác nhân: những tác nhân gây bệnh (mầm bệnh) nếu có độc lực cao, sức đề kháng lớn sẽ làm cho dịch bùng phát nhanh chóng hoặc ngược lại.

- Tỷ lệ gia súc mẫn cảm trong quần thể: Tỷ lệ động vật dễ nhiễm trong quần thể cũng ảnh hưởng đến tốc độ lây lan bệnh rõ rệt. Nếu tỷ lệ này dưới 20-30% thì thường ít hoặc không thể làm bệnh lây lan. Nếu gia súc dễ nhiễm tăng dần trong quần thể thì sự lan truyền của ổ dịch là tất yếu.

- Mật độ động vật: Mật độ động vật có liên quan tới số lần tiếp xúc và tính hiệu quả của những lần tiếp xúc đều có ảnh hưởng tới sự lan truyền dịch bệnh.

- Hiệu quả theo dõi, giám sát: Công việc này cũng ảnh hưởng tới quá trình đánh giá dịch bệnh, nếu giám sát sát sao, ghi chép đầy đủ, hiệu qủa công việc cao rõ rệt số ca bệnh.

Tuy nhiên có 2 vấn đề đặt ra nếu ghi chép làm tăng số ca bệnh tức là làm tăng tỷ lệ phát bệnh, nếu ghi chép tỷ mỷ các ca bệnh để giúp cho việc phân tích đánh giá tình hình dịch bệnh thì đây lại là phương pháp theo dõi giám sát.

CHƯƠNG 4

BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM I. NGUYÊN LÝ CỦA CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH I. NGUYÊN LÝ CỦA CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH

Bệnh truyền nhiễm xảy ra do mầm bệnh từ nguồn bệnh được truyền sang động vật thụ cảm, thông qua các mối liên hệ giữa nguồn bệnh, yếu tố truyền lây và động vật thụ cảm.

Quá trình sinh dịch gồm có 3 khâu: nguồn bệnh, yếu tố truyền lây và động vật thụ cảm. - Nguồn bệnh: Là khâu đầu tiên là xuất phát điểm của quá trình sinh dịch

- Nhân tố trung gian truyền bệnh: nối liền nguồn bệnh với động vật cảm thụ làm cho quá trình sinh dịch được thực hiện thuận lợi.

- Gia súc thụ cảm: là nhân tố làm cho cho dịch biểu hiện ra, đồng thời nó lại biến thành nguồn bệnh, làm cho quá trình sinh dịch được nhân lên, thúc đẩy mạnh hơn.

Dịch bệnh muốn xảy ra được cần phải có đủ 3 khâu của quá trình sinh dịch và sự liên hệ giữa 3 khâu đó. Nếu thiếu 1 trong 3 khâu, đặc biệt là thiếu nguồn bệnh thì dịch bệnh không thể xảy ra được. Nếu có đủ cả 3 khâu nhưng không có sự liên hệ giữa 2 trong 3 khâu thì dịch bệnh cũng không xảy ra. Do vậy nguyên lý của các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm là xoá bỏ một hay nhiều khâu của quá trình truyền lây hoặc xoá bỏ mối liên hệ giữa các khâu.

Trên cơ sở phân tích những yếu tố này cho thấy nếu xoá bỏ được khâu đầu tiên là biện pháp lý tưởng nhất, tuy nhiên rất khó thực hiện. Nếu tác động đến động vật thụ cảm tức là đã gián tiếp tác động đến nguồn bệnh, do vậy nếu giảm được số lượng động vật cảm thụ sẽ ngăn chặn hoặc hạn chế quá trình sinh dịch, làm dịch ít hoặc không xảy ra. Nếu tác động đến cả 3 khâu cùng một lúc thì hiệu quả phòng chống bệnh sẽ tăng lên.

Tuy nhiên chúng ta thấy cả 3 khâu của quá trình sinh dịch có liên quan ảnh hưởng tới nhau, tác động đến khâu này sẽ ảnh hưởng đến khâu kia. Cho nên các biện pháp phòng chống dịch bệnh phải là các biện pháp tổng hợp để mang lại hiệu quả cao nhất.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG DỊCH TỄ HỌC THÚ Ý (Trang 44)