1. Lựa chọn quần thể nghiên cứu
1.1. Quần thể có liên quan
Quần thể có liên quan là nhóm tổng quát mà người nghiên cứu muốn áp dụng kết quả của thử nghiệm, bao gồm tất cả mọi cá thể, nếu kết quả nghiên cứu có thể áp dụng rộng rãi được. Ngược lại, quần thể liên quan chỉ giới hạn theo vùng, tuổi, giống… hay một đặc trưng nào đó.
1.2. Quần thể thực nghiệm
Quần thể thực nghiệm là nhóm cá thể ta sẽ áp dụng thử nghiệm thực nghiệm. Người nghiên cứu luôn mong muốn rằng nhóm này không khác với quần thể có liên quan, để thu được những kết quả có giá trị mang tính khái quát cao. Do vậy, lựa chọn quần thể thực nghiệm là bước quyết định để đạt được mục đích nghiên cứu.
Những vấn đề cần quan tâm khi lựa chọn quần thể thực nghiệm:
- Xác định xem quần thể thực nghiệm có đủ lớn để đạt được cỡ mẫu nghiên cứu cần thiết kế không.
- Phải có đủ số cá thể phát triển bệnh hay một hậu quả cho phép so sánh có ý nghĩa giữa các phương pháp thử nghiệm khác nhau trong một khoảng thời gian hợp lý.
- Phải đảm bảo khả năng thu thập thông tin theo dõi đầy đủ chính xác trong thời gian thử nghiệm. - Khi quần thể thực nghiệm được xác định, các đối tượng tham gia phải được thông báo đầy đủ về mục đích của thử nghiệm, quy trình của thử nghiệm, lợi ích và những nguy cơ có thể xảy ra.
- Sự loại trừ đối tượng nghiên cứu phụ thuộc vào các yếu tố như tiền sự bệnh, nhu cầu và chống chỉ định của thuốc, vacxin hay phương pháp điều trị.
1.3. Quần thể nghiên cứu
Những đối tượng tham gia nghiên cứu và đủ tiêu chuẩn đề ra sẽ được tập hợp lại thành quần thể nghiên cứu. Quần thể này thường là một nhóm nhỏ của quần thể thực nghiệm. Một điều dễ nhận thấy là những đối tượng tham gia nghiên cứu này khác với những đối tượng không tham gia về nhiều khía cạnh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bệnh mà ta nghiên cứu. Những đối tượng tình nguyện và đủ tiêu chuẩn nghiên cứu thường có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong thấp hơn những đối tượng không tham gia nghiên cứu. Sự tình nguyện này có liên quan đến nhu cầu, nhận thức, trình độ, điều kiện kinh tế của người chăn nuôi… Vấn đề những đối tượng tham gia nghiên cứu có đại diện cho toàn bộ quần thể thực nghiệm hay không? Có thể không ảnh hưởng đến tính giá trị của kết quả nghiên cứu nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng khái quát hoá kết quả cho nhóm quần thể thực nghiệm hay quần thể có liên quan.
2. Chỉ định chế độ nghiên cứu
Vì những đối tượng tham gia và không tham gia nghiên cứu có sự khác nhau về những yếu tố quan trọng có liên quan đến sự phát triển bệnh. Nên việc chỉ định các nhóm thử nghiệm khác nhau chỉ được tiến hành sau khi các đối tượng được xác định là đủ tiêu chuẩn và tình nguyện tham gia nghiên cứu. Ảnh hưởng của một loại thuốc, một phương pháp hay một chương trình có thể được so sánh với một hay nhiều nhóm khác về:
- Liều khác nhau của cùng một loại thuốc, vacxin - Một liệu pháp điều trị hay một chương trình khác
Quần thể có liên quan
Quần thể thực nghiệm
Đối tượng tham gia
(Quần thể nghiên cứu) Đối tượng không tham gia
Chỉ định điều trị
Nhóm điều trị Nhóm so sánh
Sơ đồ phân loại quần thể trong nghiên cứu thực
- Sự tiếp tục điều trị như cũ hay thuốc trơ (placebo)
* Để tăng khả năng so sánh giữa các nhóm nhận các thử nghiệm khác nhau, việc chỉ định chế độ nghiên cứu phải được tiến hành ngẫu nhiên.
3. Duy trì và đánh giá sự tuân thủ chế độ nghiên cứu
Việc thực hiện và duy trì sự tuân thủ chế độ nghiên cứu là một vấn đề quan trọng trong khi thiết kế, tiến hành các bước thử nghiệm lâm sàng. Bởi các đối tượng tham gia nghiên cứu có thể không thực hiện đúng theo chế độ vì nhiều lý do khác nhau. Mức độ không tuân thủ nghiên cứu phụ thuộc vào khoảng thời gian nghiên cứu và sự phức tạp của quy trình nghiên cứu.
Giám sát sự tuân thủ nghiên cứu rất quan trọng vì không theo đúng quy trình nghiên cứu sẽ làm giảm sức mạnh thống kê của thử nghiệm nhằm phát hiện ảnh hưởng thực sự của các phương pháp mà ta nghiên cứu. Như vậy, khi đánh giá bất kỳ một kết quả nào của thử nghiệm lâm sàng phải chú ý đến mức độ tuân thủ của chế độ nghiên cứu. Mức độ tuân thủ nghiên cứu càng cao, càng phản ánh sự khác nhau thực sự về hiệu quả của các phương pháp đã được áp dụng.
Có nhiều phương pháp đánh giá sự tuân thủ nghiên cứu: tự báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, phương pháp lấy mẫu xét nghiệm có hạn chế là chỉ phản ánh được việc sử dụng thuốc một hay hai ngày trước đó, do đó không phải là phương pháp đáng tin cậy và đánh giá sự tuân thủ trong thời gian dài.
4. Xác định hậu quả bệnh với tỷ lệ cao và đồng nhất
Trong việc xác định bệnh, trước hết phải đảm bảo rằng kết quả không bị sai lệch bằng cách thu thập thông tin đầy đủ, chính xác từ các nhóm nghiên cứu. Ngoài ra để xác định bệnh đồng nhất đòi hỏi phải theo dõi đầy đủ các đối tượng nghiên cứu trong suốt thời gian thử nghiệm. Cần áp dụng mọi biện pháp có thể để hạn chế tới mức thấp nhất sai số trong việc xác định một hậu quả (bệnh) mà ta nghiên cứu.
5. Thiết kế giai thừa
Để nâng cao tính hiệu quả của thử nghiệm về phương diện giá thành và khả năng thực nghiệm, người ta tiến hành kiểm tra đồng thời hai hay nhiều giả thuyết bằng một thiết kế giai thừa. Một kiểu thử nghiệm lâm sàng kiểm định hai giả thuyết có thiết kế giai thừa 2x2:
- Trong đó các đối tượng nghiên cứu trước hết được chọn ngẫu nhiên, nhận chế độ thử nghiệm A hay B để kiểm định giả thuyết thứ nhất. Sau đó mỗi nhóm trên lại được chọn ngẫu nhiên để nhận chế độ thử nghiệm khác a và b để đánh giá giả thuyết thứ hai.
- Tương tự, trong một thiết kế giai thừa 2x2x2 mỗi nhóm nhỏ lại được chọn ngẫu nhiên để tiếp tục kiểm định giả thuyết thứ ba và cứ thế tiếp tục.
Ưu điểm cơ bản của thiết kế giai thừa: Có khả năng trả lời hai hay nhiều cầu hỏi ở trong cùng một thử nghiệm mà giá thành lại không cao. Cho phép kiểm định một giả thuyết chưa chín muồi đồng thời với một giả thuyết đã chín muồi mà ta đã có bằng chứng đáng tin cậy để chứng minh nó. Tuy nhiên, chế độ thử nghiệm thêm không được làm phức tạp hoá các bước tiến hành thử nghiệm, không ảnh hưởng đến khả năng thực hiện hay không gây ra những ảnh hưởng phụ làm giảm tuân thủ chế độ và mất đối tượng
nghiên cứu. Ngoài ra, người nghiên cứu cũng phải xem xét tác động tương hỗ giữa các chế độ thử nghiệm khác nhau.