Có 3 phương pháp nghiên cứu mô tả chính:
+ Nghiên cứu tương quan - Correlation Study: Nghiên cứu hình thái của bệnh trong quần thể. + Báo cáo bệnh - Case Reports hay đợt bệnh- Case Series
+ Điều tra ngang - Cross – Sectional Surveys
Mỗi phương pháp này cung cấp thông tin về các đặc tính khác nhau về quần thể động vật, không gian, thời gian và mỗi nghiên cứu đều có những ưu điểm và hạn chế riêng của nó.
1. Nghiên cứu tương quan
Nghiên cứu tương quan là nghiên cứu các hình thái của bệnh trong quần thể để tìm ra mối liên quan giữa yếu tố nguy cơ và bệnh nhằm so sánh tần số mắc bệnh ở những nhóm loài động vật khác nhau trên cùng một khoảng thời gian hoặc những nhóm động vật trong cùng một loài nhưng ở những thời điểm khác nhau.
Cũng có thể nói nghiên cứu tương quan là nghiên cứu mô tả mối liên quan của bệnh với những yếu tố mà người nghiên cứu quan tâm như: tuổi, giống, loài, tính biệt, thời gian, không gian…
Để đánh giá mối quan hệ của các yếu tố người ta dùng hệ số tương quan. Đây là thông số mô tả mối quan hệ trong nghiên cứu tương quan, hệ số này xác định về mặt số lượng mối quan hệ tuyến tính giữa phơi nhiễm và bệnh. Có nghĩa là mỗi thay đổi về mức độ phơi nhiễm thì tần số mắc bệnh sẽ tăng giảm tương ứng theo.
+ Thuận lợi: nghiên cứu tương quan đơn giản, dễ tiến hành, thực hiện nhanh chóng vì đã có sẵn những thông tin, những dữ kiện của quần thể, ít tốn kém.
+ Hạn chế: nghiên cứu tương quan ít hoặc không có khả năng suy diễn, thiếu khả năng kiểm soát ảnh hưởng của các yếu tố gây nhiễu và các chỉ số tương quan chỉ biểu thị mức độ phơi nhiễm trung bình của quần thể, chứ không biểu thị mức độ phơi nhiễm của từng cá thể.
2. Các báo cáo ca bệnh hay đợt bệnh
Khác với nghiên cứu tương quan, người ta tiến hành xem xét toàn bộ quần thể. Trong nghiên cứu ca bệnh, đợt bệnh lại tập trung mô tả chi tiết, tỉ mỉ về căn nguyên, diễn biến của từng trường hợp bệnh hay một nhóm bệnh có cùng một chẩn đoán.
Phương pháp nghiên cứu này có thể nhận biết được những nét khác thường của bệnh đang nghiên cứu và dẫn đến hình thành một hay nhiều giả thuyết mới.
* Nghiên cứu từng trường hợp bệnh: Đây là phương pháp nghiên cứu phổ biến nó cung cấp thông tin về một hiện tượng bất thường về sức khoẻ, là điểm mốc cho việc xác định bệnh mới. Nghiên cứu này thể mở rộng ra nghiên cứu hàng loạt các trường hợp bệnh hay đợt bệnh trong cùng một giới hạn không gian và thời gian nhất định.
* Nghiên cứu đợt bệnh: Là nghiên cứu thu thập các báo cáo bệnh của từng trường hợp bệnh
xảy ra trong một thời gian ngắn. Nghiên cứu này rất quan trọng trong dịch tễ học vì nó thường được áp
dụng để xác định sớm sự bắt đầu xuất hiện dịch hay một bệnh mới.
* Nhận xét: Mặc dù nghiên cứu từng trường hợp bệnh hay đợt bệnh rất có ích trong việc hình thành giả thuyết, nhưng nó cũng có những hạn chế nhất định như sau:
+ Không có khả năng kiểm tra được sự có mặt của một kết hợp thống kê.
+ Phương pháp nghiên cứu này dựa trên tiến triển bệnh của một cá thể, do đó sự có mặt của bất kỳ yếu tố nguy cơ nào cũng có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà nhiều khi ta không thể loại trừ hết.
+ Khi giải thích nguyên nhân thường bị hạn chế do thiếu nhóm so sánh tương ứng và làm mờ đi mối quan hệ hoặc lại gợi ý một kết hợp không có trong thực tế.
3. Nghiên cứu ngang
Nghiên cứu ngang là nghiên cứu được thực hiện trên những cá thể có mặt trong quần thể nghiên cứu dù có bệnh hay không có bệnh, có phơi nhiễm hay không phơi nhiễm được lượng giá vào đúng thời điểm nghiên cứu được thực hiện.
Mục tiêu chủ yếu của nghiên cứu ngang là mô tả dịch tễ học nhằm tìm ra tần số mắc bệnh hoặc sự phân bố của một hiện tượng sức khoẻ nào đó.
Nghiên cứu ngang cung cấp thông tin về tỷ lệ mắc bệnh toàn bộ, trong đó tình trạng bệnh và sự phơi nhiễm được đánh giá đồng thời ở một quần thể xác định tại một thời điểm nhất định. Có thể hiểu “nôm na” rằng nghiên cứu ngang cung cấp “hình ảnh chụp nhanh” về diễn biến sức khoẻ của quần thể ở một thời điểm đặc biệt.
Những số liệu này rất có giá trị đối với những nhà nghiên cứu dịch tễ học, và người quản lý về lĩnh vực thú y trong việc đánh giá tình trạng sức khoẻ và các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ
cuả quần thể động vật đang nghiên cứu để từ đó có những giải pháp thích hợp nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh, nâng cao sức khoẻ của quần thể mà ta quan tâm
Nghiên cứu ngang có thể được tiến hành dưới dạng một cuộc điều tra sức khoẻ của quần thể, thông qua việc chọn một mẫu ngẫu nhiên các cá thể từ quần thể.
Thông thường có thể tiến hành lập các bảng câu hỏi để biết thêm thông tin về các cá thể được chọn từ người chủ của chúng.
Tuy nhiên vì mức độ phơi nhiễm và tình trạng bệnh được đánh giá ở cùng một thời điểm nên hạn chế của nghiên cứu ngang là:
+ Trong nhiều trường hợp không thể xác định được bệnh xảy ra là do phơi nhiễm với các yếu tố nguyên nhân quá nhiều hay phơi nhiễm là do hậu quả của bệnh.
+ Trong một số tình huống đặc biệt, nghiên cứu ngang có thể được coi như một nghiên cứu phân tích để kiểm tra một giả thuyết về dịch tễ học. Đó là khi giá trị của các thông số phơi nhiễm không thay đổi theo thời gian và nó đại diện cho giá trị lúc bắt đầu bị bệnh. Những thông số như vậy thường có từ khi mới sinh như: màu da, tính biệt…