NGHIÊN CỨU MÔ TẢ TRONG THÚ Y 1 Mô tả ca bệnh

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG DỊCH TỄ HỌC THÚ Ý (Trang 73)

1. Mô tả ca bệnh

Là mô hình nghiên cứu cơ bản của phương pháp dịch tễ học mô tả dựa trên dữ kiện thu thập từ từng cá thể. Là bệnh án chi tiết, tỉ mỉ, đầy đủ do một hoặc nhiều bác sỹ thú y lâm sàng thực hiện trên một gia súc bệnh. Khi mô tả đòi hỏi phải khai thác đầy đủ, tỉ mỉ, đặc biệt là về căn nguyên nghi ngờ của bệnh. Kết quả phải nêu được một hay nhiều giả thuyết về quan hệ nhân – quả.

* Lưu ý: Khi mô tả ca bệnh ngoài việc mô tả những biểu hiện chung, cần phải mô tả những biểu hiện không bình thường hoặc hiếm thấy của một bệnh thông thường. Phải trung thực khi mô tả những hiện tượng hoặc những biểu hiện của bệnh, tránh đưa ra những nhận xét về nguyên nhân gây bệnh hoặc những suy luận đánh giá qua kết quả điều trị tốt hay xấu. Cần chú ý những biểu hiện giống nhau ở một số bệnh trên cùng một loài động vật: 4 bệnh đỏ ở lợn; 3 bệnh Tụ huyết trùng, Khí ung thán, Nhiệt thán ở trâu bò…

2. Mô tả các ca bệnh hay mô tả một chùm bệnh

Cũng tương tự như mô tả một trường hợp bệnh nhưng để áp dụng mô tả cho một vài trường hợp cùng mắc một bệnh, cùng có chung một hiện tượng như nhau về sức khoẻ. Mô tả một chùm bệnh sẽ có giá trị hình thành giả thuyết cao hơn so với mô tả một trường hợp bệnh.

Trong phạm vi một trại hay một địa phương có thể có nhiều ca bệnh xảy ra cùng một lúc hoặc muộn hơn hoặc sớm hơn. Do vậy yêu cầu phải mô tả chi tiết và trung thực quá trình biểu hiện lâm sàng của các loại ca bệnh đó trong một điều kiện nhất định giới hạn trong một thời gian nào đó, cùng với sự đánh giá tiên lượng.

Nên khi đọc báo cáo về các loại ca bệnh, có thể đặt ra một số câu hỏi: + Quần thể hay tổng đàn tại khu vực không gian đó có bệnh loại nào?

+ Các ca bệnh đã được mô tả đầy đủ và khách quan chưa? + Có thể đại diện chung cho nhóm, đàn, loài gia súc chưa?

3. Khảo sát chung

Là những nghiên cứu mô tả áp dụng cho một quần thể động vật, mục tiêu của khảo sát là cung cấp những số liệu về sự lưu hành, tính phổ biến của các đặc điểm như:

+ Tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết, tuổi mắc, giống loài mắc, thời điểm, mùa vụ mắc…

+ Các loại bệnh tật, tác nhân gây bệnh, phương thức, tập quán chăn nuôi, quy trình phòng bệnh, tính chất lây lan, mức độ trầm trọng của bệnh…

Ta có thể tiến hành khảo sát bằng phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp:

+ Phương pháp khảo sát trực tiếp có thể tiến hành bằng hình thức phỏng vấn cá nhân, điện thoại, thư tín…

+ Phương pháp khảo sát gián tiếp thì do người khác làm theo mẫu có sẵn hoặc theo các câu hỏi mà người điều tra đưa ra…

4. Kết luận

Như vậy dịch tễ học mô tả quan tâm tới hàng loạt đặc điểm cơ bản về tình hình dịch bệnh, trong một khoảng không gian và thời gian nhất định, tập trung vào đặc điểm của đàn gia súc như: sức khoẻ, bệnh tật, tập quán chăn nuôi, phòng bệnh, tính chất lây lan… thời gian và không gian phát sinh bệnh.

Nghiên cứu mô tả là phương pháp đơn giản nhất và có thể còn nhiều thiếu sót trong khi thực hiện, sự thiếu sót này có thể là thiếu độ tin cậy tương đối và thông thường là chưa có đầy đủ lượng thông tin cần thiết.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG DỊCH TỄ HỌC THÚ Ý (Trang 73)