Tiêu chí đánh giá năng lực điều hành của NNL quản lý các KCN

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực điều hành đối với nguồn nhân lực quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bắc giang_luận văn thạc sĩ (Trang 45 - 48)

Tiêu chí là những tính chất, dấu hiệu để làm căn cứ phân loại, đánh giá, nhận biết các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan.

Để đánh giá năng lực điều hành của NNL quản lý các KCN thì cần dựa vào các tiêu chí: trình độ học vấn, kỹ năng điều hành, quản lý công việc; tác phong và hiệu quả quản lý, điều hành. Tuy nhiên, đối với những điều kiện hoàn cảnh khác nhau mà người ta cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn. Ví dụ như đối với cán bộ, công chức thì dựa vào chức danh và xem đó là một trong những tiêu chí đánh giá.

Giữa tiêu chí và tiêu chuẩn có sự phân biệt, tiêu chí làm căn cứ chung dùng để phân loại, nhận biết hoặc đánh giá, còn tiêu chuẩn là sự cụ thể hóa tiêu chí cho từng đối tượng cụ thể và mang tính chuẩn mực, có tính bắt buộc phải thực hiện. Do vậy mà tiêu chuẩn không cố định, nó có thể thay đổi để phù hợp với những điều kiện cụ thể.

Trong thực tế, còn một cụm từ có liên quan với cụm từ “tiêu chí”, “tiêu chuẩn” đó là “định mức” hoặc “chỉ tiêu”. Chỉ tiêu là mức đặt ra để đạt tới,

thường được biểu thị bằng con số. Ví dụ, chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ đói nghèo từ 2 - 3%/ năm. Chỉ tiêu còn là mức biểu hiện của một đặc trưng, một chức năng nào đó, ví dụ, chỉ số sinh lý. Khác với tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ tiêu phản ánh mặt định lượng của sự vật, hiện tượng trong thời gian tương lai chứ không phải trong hiện tại. Nó chính là cơ sở định lượng cho việc phấn đấu hoàn thành trong tương lai ngắn hạn hoặc dài hạn. Từ các chỉ tiêu đã hoạch định trước và kết quả đạt được sau một quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta có thể đánh giá được mức độ hoàn thành đề ra. Hay nói cách khác chỉ tiêu là sự lượng hóa các mục tiêu phải đạt trong một khoảng thời gian xác định.

“Định mức” là mức qui định cần phải đạt được. Ví dụ, định mức kỹ thuật là mức thời gian qui định để hoàn thành công việc trên cơ sở qui trình công nghệ đã định, với tổ chức hoạt động và sản xuất hợp lý. Hoặc định mức sản xuất là số lượng sản phẩm qui định mà một người lao động phải làm ra trong một đơn vị thời gian...Nếu thực hiện cao hơn (theo hướng tích cực) định mức được coi là vượt định mức, tùy theo phần vượt trội mà có thể đánh giá ở mức xuất sắc hay tiên tiến.

Trên cơ sở cách hiểu các cụm từ trên, cho thấy chúng có mối quan hệ với nhau. Để đánh giá một hoạt động nào đó cần phải căn cứ vào các tiêu chí đánh giá khác nhau, nhưng sự đánh giá này chỉ có ý nghĩa về mặt định tính hoặc định lượng thì cần chuyển hóa những tiêu chí này thành các tiêu chuẩn, định mức cụ thể. Ví dụ, đánh giá về năng lực của cán bộ thì cần phải cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn chức danh, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, kỹ năng thực hiện công việc, phẩm chất chính trị. Để đánh giá năng suất lao động của công nhân tại các nhà máy cần cụ thể hóa thành số giờ lao động hao phí/công việc hoặc số công việc/một giờ lao động...

Đối với tiêu chí đánh giá có thể phân loại thành các cách sau: - Căn cứ vào từng tính chất của tiêu chí, có thể phân thành:

+ Tiêu chí định tính: đó là những tiêu chí phản ánh mặt định tính chứ không xác định cụ thể về mặt lượng. Ví dụ, sự tín nhiệm của nhân dân với các nhà lãnh đạo, đối với chính quyền hoặc sự an tâm, tin tưởng của nhân dân trước hệ thống an ninh của chính quyền cơ sở...Tiêu chí định tính dùng để đánh giá tất cả các mặt, nội dung, đặc biệt là đối với những mặt, nội dung không thể lượng hóa được.

+ Tiêu chí định lượng: đó là những tiêu chí có thể lượng hóa bằng những con số cụ thể thông qua các hệ số đo lường. Ví dụ, số giờ cần thiết để giải quyết một công việc nào đó; năng suất lao động/một đơn vị thời gian; tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm...

- Căn cứ vào nội dung mà tiêu chí đánh giá có thể phân thành:

+ Tiêu chí đánh giá đầu vào: đó là những tiêu chí phản ánh mặt định tính hoặc định lượng của các yếu tố đầu vào. Ví dụ như số lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động tại các KCN; số lượng dân mà chính quyền cơ sở phải quản lý...

+ Tiêu chí đánh giá tiến trình quản lý: bao gồm các tiêu chí hoạt động (ví dụ: số giấy phép được cấp trong ngày). Tiêu chí đánh giá hiệu quả nhằm xác định chi phí cho việc cung cấp một đơn vị dịch vụ (ví dụ, chi phí/ một thủ tục hành chính; chi phí/ một đơn vị dịch vụ; chi phí/ việc ban hành một quyết định hành chính; chi phí/một giấy phép được cấp)

+ Tiêu chí đánh giá đầu ra: phản ánh chất lượng hoạt động quản lý của một tổ chức, của các cấp chính quyền như một số quyết định hành chính ban hành, số dịch vụ cung cấp, số dự án thu hút được...

+ Tiêu chí đánh giá kết quả: đây là những tiêu chí đánh giá tác động thực tế của hoạt động quản lý của các cấp, các tổ chức, hay các cá nhân, chúng tập trung vào các kết quả mong muốn của các hoạt động quản lý của chính quyền. Ví dụ, tốc độ gia tăng sản xuất tại các khu công nghiệp, số dự án thu hút được,

giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các vấn đề về tạo việc làm cho NNL lao động phổ thông...Tất nhiên, để đánh giá được kết quả cuối cùng, nhiều trường hợp đòi hỏi thời gian đánh giá dài. Do đó, khi đánh giá theo tiêu chí này cần đánh giá theo các bước trung gian trong quá trình hướng tới mục tiêu mong muốn. Ví dụ, đánh giá kết quả tác động của một chính sách thu hút nhà đầu tư thì không thể đánh giá trong vòng một năm mà phải đánh giá trong thời gian nhiều năm. Do đó, phải chia thành nhiều bước đánh giá như: tính hợp pháp, hợp lý của chính sách; đánh giá kết quả bước đầu thực hiện chính sách...

Trên cơ sở những nhận thức về tiêu chí đánh giá được làm sáng tỏ ở trên, vận dụng vào đánh giá năng lực điều hành của NNL quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng tôi dựa vào các tiêu chí sau: Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, thâm niên kinh nghiệm công tác, tác phong quản lý, điều hành; hiệu quả làm việc...

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực điều hành đối với nguồn nhân lực quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bắc giang_luận văn thạc sĩ (Trang 45 - 48)