KINH NGHIỆM CỦA INDONESIA

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THỰC TRẠNG VIỆC LÀM, ĐỜI SỐNG CỦA LAO ĐỘNG DI CƯ TỪ NÔNG THÔN RA THÀNH THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP (Trang 106 - 108)

III. TỔNG QUAN CHÍNH SÁCH

1.KINH NGHIỆM CỦA INDONESIA

o Các qui định chung của pháp luật

Luật của Cộng hoà Indonesia số 13 năm 2013 về nhân lực quy định bất kỳ nhân lực nào cũng có quyền bình đẳng và cơ hội lựa chọn việc làm và thay đổi công việc để có thu nhập chính đáng; việc sắp xếp việc làm sẽ được tiến hành trên cơ sở công khai, tự do, khách quan, công bằng và chia đều cơ hội cho mọi người mà không hề có sự phân biệt đối xử, sự công khai ở đây chính là việc đưa ra các thông tin rõ ràng cho người tìm việc về loại hình công việc, mức lương được hưởng và thời gian làm việc, tránh được những tranh chấp có thể xảy ra; đồng thời pháp luật quy định việc sắp xếp việc làm phải hướng tới sắp xếp nhân lực đúng vị trí, công việc thích hợp nhất với khả năng chuyên môn, kỹ năng và tài năng, sở thích của nhân lực và phải tôn trọng nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người lao động; sắp xếp việc làm phải tính tới việc phân bổ đồng đều cơ hội bình đẳng và khả năng cung ứng nhân lực cho phù hợp với nhu cầu phát triển quốc gia và khu vực hoặc vùng miền.

Luật quy định người sử dụng lao động có nhu cầu nhân lực có thể tự tuyển dụng hoặc thông qua cơ quan giới thiệu việc làm, cơ quan giới thiệu việc làm có nghĩa vụ bảo vệ nhân lực và cơ quan này phải chịu trách nhiệm về nhân lực. Chính phủ có trách nhiệm phát huy nỗ lực để mở rộng cơ hội việc làm, Chính phủ cùng xã hội mở rộng cơ hội việc làm dù là trong hay ngoài quan hệ việc làm; tất cả các chính sách của nhà nước ở Trung ương hay địa phương và ở các ngành phải hướng tới mục tiêu thực hiện hoá việc mở rộng các cơ hội việc làm dù ở trong hay ngoài quan hệ việc làm; mở rộng các cơ hội ngoài quan hệ việc làm sẽ được tiến hành thông qua việc tạo lập các hoạt động sản xuất bền vững bằng cách sử dụng có hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực và các công nghệ thiết thực, hữu hiệu và được thực hiện thông qua hình thức tạo cơ chế để mọi người tự tạo việc làm cho mình hoặc phát triển doanh nghiệp để sử dụng nhiều nhân công. Nhà nước và xã hội cùng có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các chính sách việc làm.

Pháp luật còn quy định quan hệ việc làm tồn tại trên cơ sở một hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, hợp đồng lao động quy định rõ yêu cầu đối với công việc được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật hiện hành, mọi người phải tuân thủ. Thu nhập cho phép người lao động đảm bảo cuộc sống bao gồm đảm bảo nhu yếu phẩm (thức ăn, nước uống, quần áo, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, giải trí và phúc lợi tuổi già), mức lương tối thiểu theo lĩnh vực và thiết lập cho nhóm doanh nghiệp và phân theo từng loại doanh nghiệp, doanh nghiệp không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định.

o Chính sách quản lý, hỗ trợ người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị

Chính quyền Indonesia quản lý người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị làm việc bằng việc cấp cho họ thẻ vàng (trong đó có ghi đầy đủ các thông tin của người làm việc như tên, tuổi, địa phương, trình độ) và được quản lý bằng phần mềm người lao động. Những người không có thẻ vàng này sẽ bị đưa về địa phương của họ. Tuy nhiên, trên thực tế phương pháp này tỏ ra không hiệu quả, do phụ thuộc vào ý thức tự giác của người lao động. Người lao động không tuân 99

thủ quy định chỉ có thể bị phát hiện nhờ những đợt kiểm tra ngẫu nhiên của chính quyền thành phố nơi mà họ di cư tới.

Indonesia có một hệ thống Hiệp hội liên đoàn lao động, trong đó có 06 hiệp hội thuộc nhà nước và 01 hiệp hội thuộc tư nhân được gọi là hiệp hội liên đoàn lao động KSBSI. Hệ thống của hiệp hội này bao gồm 11 liên đoàn và 300 chi nhánh, họ giao kết với hơn 1.600 công ty, có hơn 5.000 thành viên. Chức năng, mục tiêu của tổ chức này là bảo vệ và hỗ trợ người lao động di cư từ vùng này sang vùng khác, cụ thể như khi người lao động tái định cư theo chương trình của Chính phủ đưa ra, người lao động được hỗ trợ từ 2-4 ha đất và chi phí để giúp họ sống được đến khi mùa vụ đó kết thúc hoặc hiệp hội hỗ trợ một lượng vốn nhỏ và dạy cách kinh doanh cho người lao động. Những chi phí cho việc hỗ trợ người lao động được cấp bởi Chính phủ Indonesia hoặc từ khoản thu phí 1% trên mức lương của hơn 5.000 thành viên hiệp hội liên đoàn lao động. Chính phủ Indonesia có quan điểm rõ ràng rằng lao động được di chuyển phải là những người lao động có kĩ năng, do vậy Chính phủ hướng tới việc đào tạo những kĩ năng tối thiểu cho người lao động chứ không chỉ đào tạo trình độ học vấn. Điều đó một phần ảnh hưởng tới số lao động làm việc ở khu vực chính thức và phi chính thức.

Nhà nước có hệ thống pháp luật tương đối chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài. Theo đó, người lao động phải trải qua nhiều thủ tục như kiểm tra chứng nhận sức khỏe, nhận dạng vân tay, mua bảo hiểm, cấp hộ chiếu,v.v. Tất cả các công đoạn này sau khi đã hoàn thành sẽ được gửi hồ sơ lên chính quyền Indonesia để lưu trữ trong hệ thống dữ liệu điện tử quốc gia. Sau đó, mỗi người lao động sẽ được cấp một thẻ nhận dạng ghi đầy đủ thông tin chi tiết về người lao động. Dù người lao động làm việc ở bất cứ đâu trên thế giới, nhờ vào thẻ nhận dạng đó, người ta có thể tìm được tất cả thông tin về người lao động, cũng như rất thuận lợi cho việc bảo vệ người lao động Indonesia ở nước ngoài. Tại các nước đến, có những tổ chức bảo vệ và giúp đỡ những người làm việc này khi có những vấn đề xảy ra. Những người đi lao động nước ngoài sẽ được mua bảo hiểm nhân thọ nhằm bảo đảm quyền lợi của họ khi có vấn đề xảy ra. Năm 2011, Indonesia đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài trên khắp thế giới, một số nước nhận lao động Indonesia nhiều nhất là Ả rập với 137.637 người nhưng trong đó có 18.977 người gặp các vấn đề rủi ro, Malaysia có 1.282 gặp rủi ro trên tổng số 133.906 người, tương tự ở Đài Loan là 3.520 người/75.562 người, Hồng Kông là 1.808 người/50.252 người, Singapore là 2.972 người/47.503 người, UEA là 6.770 người/39.819 người, Quatar là 3.460/16.578 người. Riêng tại Hàn Quốc, số lao động Indonexia là 11.248 người (không có số lao động rủi ro được thống kê). Riêng ở Malaysia, tổ chức hội đoàn lao động KSBSI đã ký kết thỏa thuận với một hiệp hội lao động ở Malaysia nhằm bảo vệ hỗ trợ cho khoảng 1 triệu lao động Indonesia đang sinh sống và làm việc tại nước này. Vụ Lao động vấn đề theo từng quốc gia thuộc Bộ Nhân lực và Di cư Indonesia cho biết đứng đầu danh sách các vấn đề rủi ro là việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, có 11.804 trường hợp gặp phải vấn đề này trong năm 2011, đứng thứ hai là vấn đề làm việc quá thời gian quy định với 9.695 trường hợp, ngoài ra còn các vấn đề rủi ro như bệnh nghề nghiệp, bị đánh đập hay quấy rối tình dục, bị nhiễm bệnh, không được trả lương... Trong tương lai, Indonesia đang hướng tới bảo vệ cả hai nguồn lao động di cư hợp pháp và bất hợp pháp.

o Những gợi ý cho việc áp dụng vào điều kiện của Việt Nam

Về cơ bản, Indonesia là quốc gia có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam, thực trạng di cư của người lao động từ nông thôn ra thành thị diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, đảo Java có diện tích chỉ bằng 7% tổng diện tích cả nước, nhưng tập trung tới hơn 60% cư dân cả nước. Chênh lệch giàu nghèo ở Indonesia diễn ra khá rõ rệt. Bên cạnh các khu trung tâm thương mại sầm uất, Indonesia vẫn tồn tại rất nhiều các khu dân cư lao động, đời sống người dân nhiều nơi còn ở mức rất thấp.

Điểm đáng chú ý là các chính sách về người lao động mất đất, lao động di cư từ nông thôn ra thành thị đều có sự tham vấn chính sách của đại diện các giới, bao gồm chính phủ, giới chủ và đại diện người lao động. Vì thế, chính sách đưa ra thường sẽ có sự thống nhất cao và phù hợp với thực tế quan hệ diễn ra.

Tuy nhiên, cũng như các quốc gia đang phát triển nói riêng và tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung, mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn luôn hiện hữu. Người lao động Indonesia có xu hướng áp dụng các cuộc biểu tình, đình công, bỏ việc với tần suất cao để đấu tranh cho quyền lợi của mình với giới chủ. Thế nhưng trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, họ rất lo ngại vì quyền lợi cả về tài sản, thời gian và năng lực sản xuất tại quốc gia này không được bảo đảm. Có vẻ như chính phủ Indonesia đã thực hiện được rất tốt việc bảo vệ quyền lợi của công dân, nhưng việc dàn xếp lợi ích và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư tại quốc gia đông dân thứ sáu thế giới này vẫn chưa thực sự được tốt. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc hai trong số ba ngành công nghiệp sản xuất lớn nhất đã biến mất khỏi Indonesia.

Từ thực tế của Indonesia, vấn đề quản lý nhà nước về lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp của Việt Nam cần chú ý đến những vấn đề như:

- Đẩy mạnh đào tạo nghề cho những người dân tại những vùng mất đất để có thể đáp ứng được nhu cầu của người lao động và cả nhu cầu của các khu công nghiệp tại đó hoặc để học tự tạo việc làm. Phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề phù hợp cho người lao động.

- Phát triển hệ thống dịch vụ việc làm để thực hiện hỗ trợ người lao động di cư, người lao động nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có nhu cầu tìm việc làm.

- Quản lý chặt chẽ người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị bằng việc cấp thẻ điện tử (như là một giấy phép làm việc hay một chứng chỉ đào tạo nghề). Đồng thời tổ chức điều tra hàng năm về tình hình việc làm của người lao động bị mất đất nông nghiệp, di chuyển từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp từ cấp xã.

- Đẩy mạnh đào tạo nghề cho những người lao động di cư để có thể làm đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động và giúp người lao động có điều kiện có việc làm ổn định.

- Phát triển hệ thống dịch vụ việc làm để thực hiện hỗ trợ người lao động di cư tìm việc làm và bảo vệ lao động di cư, thông qua việc cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ lao động di cư....

- Quan tâm đến các điều kiện về vấn đề nhà ở, y tế, giáo dục và các vấn đề hành chính đối với lao động di cư.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THỰC TRẠNG VIỆC LÀM, ĐỜI SỐNG CỦA LAO ĐỘNG DI CƯ TỪ NÔNG THÔN RA THÀNH THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP (Trang 106 - 108)