Chính sách về nhà ở

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THỰC TRẠNG VIỆC LÀM, ĐỜI SỐNG CỦA LAO ĐỘNG DI CƯ TỪ NÔNG THÔN RA THÀNH THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP (Trang 87 - 89)

III. TỔNG QUAN CHÍNH SÁCH

3. Chính sách về nhà ở

Nhà ở là vấn đề bức thiết nhất đối với lao động di cư hiện nay khi nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng khả năng đáp ứng hạn chế. Cả nước hiện có khoảng 1,76 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, 70% là người ngoại tỉnh và có nhu cầu thuê nhà ở. Nhưng hiện các khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%, trên 90% người lao động vẫn đang phải đi thuê nhà25. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, 61% dân nhập cư hiện có khó khăn về nhà ở, nhất là đối với lao động nhập cư tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Đây là nguyên nhân tất yếu do nguồn lực hạn chế của các địa phương không thể tải nổi yêu cầu cấp thiết của vấn đề nhà ở cho lao động nhập cư vào các khu công nghiệp. Báo cáo của Tổng hội xây dựng Việt Nam, hiện chỉ có 4% công nhân được ở trong các ký túc xá đủ tiện nghi, còn lại đại đa số phải thuê nhà trọ tư nhân có chất lượng thấp. Thực trạng này là do chưa có sự chỉ đạo tính toán và lập kế hoạch, quy hoạch khi phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nhà cho công nhân thuê26

.

Số liệu từ khảo sát này cũng gợi lên nhiều vấn đề đáng chú ý. Hiện có 71,1% lao động di cư cho biết phải đối mặt với những khó khăn về nhà ở tại thời điểm di cư lần đầu tiên. Và theo thời gian, vấn đề nhà ở cho người lao động di cư cũng không được cải thiện là mấy. Vẫn có tới 72,8% những người lao động di cư ra thành thị và các khu công nghiệp đang phải hàng ngày đối mặt với vấn đề nhà ở. Có 86,3% lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp đang ở nhà đi thuê. Tỷ lệ lao động di cư hiện đang sở hữu nhà rất thấp, chỉ chiếm 2,9%. Vấn đề nhà ở liên quan đến định hướng công việc lâu dài của người lao động, khi họ chưa “an cư” rõ ràng sẽ khó để “lạc nghiệp”. Để thu hút đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh ở cả cấp độ quốc gia lẫn cấp độ địa phương sẽ cần phải tính đến nhóm giải pháp về nhà ở cho người lao động di cư. Do sự phát triển các khu công nghiệp không đi đôi với sự phát triển các cơ sở hạ tầng nên hầu hết ở các khu công nghiệp đều không có nhà ở cho công nhân. Một mặt do các chủ sử dụng lao động, về mặt pháp lý, họ không có nghĩa vụ lo nhà ở cho công nhân, thêm vào đó những khó khăn lớn về mặt bằng xây dựng (hầu như quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân không có trong quy hoạch ban đầu của các khu công nghiệp) cũng như tài chính... Hơn nữa, xây nhà ở cho công nhân thường lợi nhuận thấp (thậm chí thua lỗ) nên các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà. Mặt khác, thu nhập của lao động di cư nhìn chung là thấp và họ còn phải tiết kiệm để gửi tiền về cho gia đình ở quê, nên họ chỉ có thể thuê nhà trọ giá rẻ. Do vậy, tại các khu công nghiệp, tại các đô thị, hầu hết lao động di cư đều thuê nhà ở giá rẻ với những điều kiện sinh hoạt hết sức tồi tàn, nhiều chỗ không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của các sinh hoạt hàng ngày.

Từ năm 2004, Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 06/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020 đã chú ý đến các chính sách phát triển nhà cho nhóm có thu nhập thấp. Hiện nay, nhiều địa phương đang triển khai thực hiện Quyết định số 25http://dantri.com.vn/c133/s133-572500/buc-xuc-van-de-nha-o-cho-cong-nhan.htm

26 Cục Việc làm, 2011. Báo cáo kết quả hội thảo “Nhu cầu đối với lao động di cư và những kiến nghị”.

80

66/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg, ngày 24/4/2009 ban hành một số cơ chế, chính sách dành cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị nhằm tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở và đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt cần thiết cho người lao động.

Các chính sách về phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người lao động nhập cư nhưng trên thực tế việc thực thi chính sách gặp rất nhiều bất cập. Những khó khăn lớn nhất liên quan đến việc giải ngân vốn và các điều kiện hỗ trợ cho các chủ đầu tư thực hiện; cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn hạn hẹp. Bên cạnh đó cũng còn những nguyên nhân do nhận thức của các ngành các cấp, các địa phương chưa đầy đủ, sự tham gia của xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp có sử dụng lao động trong việc chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân chưa mạnh mẽ.

Hiện nay, việc xây nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là xây nhà ở không đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng xã hội (như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, bưu điện, chợ, siêu thị,v.v..). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng ở một số khu nhà ở đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng người lao động không muốn vào ở. Một trong những đặc điểm khác biệt giữa nhà ở cho sinh viên và nhà ở cho người lao động là người lao động có nhu cầu về lập gia đình, có nhu cầu sinh con, như vậy nhu cầu nhà trẻ, trường học, trạm y tế là không thể thiếu. Tuy nhiên do không có quy hoạch quỹ đất nên việc quy hoạch và thiết kế nhà ở cho sinh viên và cho công nhân lao động không khác nhau là bao. Theo kết quả điều tra, khảo sát (trong tổng số 267 khu công nghiệp, khu chế xuất) thì hầu như chưa có khu công nghiệp nào xây dựng được nhà trẻ, mẫu giáo, và trường học, trạm y tế để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động. Mặt khác, các mô hình nhà ở cho người lao động cũng còn nhiều điểm bất cập. Ví dụ với mô hình doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân đã được thực hiện từ nhiều năm qua nhưng thường không mang lại hiệu quả do sự gò bó về sinh hoạt, thời gian và quan trọng nhất nó chỉ góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt về nhà ở. Họ vẫn là người đi thuê nhà giá rẻ. Chính vì thế hiện nay Bình Dương đang phát triển mô hình nhà ở xã hội để thay thế mô hình nhà ở cho công nhân. Mô hình này có rất nhiều ưu điểm do được quản lý theo hình thức chung cư chứ không phải theo kiểu nhà tập thể của công ty. Người lao động di cư có thể mua trả góp đối với căn hộ của họ trong nhiều năm. Để thực hiện được mô hình này, rõ ràng cần có những hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước về vay vốn từ Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Như vậy rõ ràng Nhà nước cũng nên xem xét đưa ra tiêu chuẩn mô hình khu công nghiệp, trong đó nên tính tới mô hình ở Bình Dương khi sự phát triển của khu công nghiệp được gắn liền với khu đô thị, dịch vụ. Theo đó, khu công nghiệp sẽ có siêu thị, nhà trẻ, công viên, rạp hát…nếu theo mô hình này nhiều vấn đề “quan trọng” đối với người di cư sẽ được giải quyết. Thậm chí nó cũng góp phần đáng kể vào việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động thu hồi đất. Tại Bình Dương các hộ bị thu hồi đất nếu còn đất xây nhà trọ, doanh nghiệp sẽ trợ giá để công nhân tới ở nhà trọ của các gia đình này.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO THỰC TRẠNG VIỆC LÀM, ĐỜI SỐNG CỦA LAO ĐỘNG DI CƯ TỪ NÔNG THÔN RA THÀNH THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP (Trang 87 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)