III. TỔNG QUAN CHÍNH SÁCH
2. Chi tiêu và tích lũy
Chi phí sinh hoạt cao đè nặng lên thu nhập của người lao động: Hơn 85% lao động di cư phải trả giá điện nước sinh cao gấp 2-3 lần giá theo quy định
Chỉ tính riêng các khoản chi phí cố định như tiền thuê nhà, tiền điện nước và tiền phí vệ sinh, hàng tháng người lao động di cư phải chi trung bình khoảng 756 nghìn đồng, chiếm khoảng 23,8% thu nhập trung bình họ kiếm được trong tháng. Đối với lao động di cư làm việc trong các khu công nghiệp, các khoản phí nói trên thấp hơn nhiều so với lao động di cư ra thành thị (547 nghìn so với 756 nghìn/tháng). Ở hầu hết các khoản chi nhỏ, mức chi của lao động di cư ra thành thị đều cao hơn so với lao động di cư tại các khu công nghiệp. Chẳng hạn lao động di cư tại các đô thị phải chi bình quân 649 nghìn đồng/tháng cho thuê nhà trong khi đó mức chi của lao động di cư tại các khu công nghiệp chỉ là 428,7 nghìn đồng/tháng.
Bảng 23. Một số khoản chi của lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp (nghìn đồng/tháng)
NỘI DUNG CHI
MỨC CHI BÌNH QUÂN/THÁNG
CHUNG Di cư ra
THÀNH THỊ các khu công nghiệpDi cư tới
− Tiền thuê nhà 609,8 649,0 428,7
− Tiền điện 96,9 101,0 75,0
− Tiền nước sinh hoạt 44,4 45,0 38,8
− Phí vệ sinh 4,8 4,7 5,0
(Nguồn: Kết quả khảo sát của Dự án)
Tính trung bình, chi phí cho tiền điện hàng tháng là 96,9 nghìn đồng, tiền nước sinh hoạt là 44,4 nghìn đồng. Đáng chú ý là có tới 85,2% lao động chi trả tiền điện và 87,7% chi trả tiền nước theo cách tính của chủ nhà. Đối với hóa đơn tiền điện, nếu theo cách tính giá này người lao động với tư cách là người sử dụng điện thường phải chịu mức giá cao trong cách tính giá điện bậc thang. Để hỗ trợ cho người lao động có thể được hưởng giá bán điện theo bậc thang định mức giống như các hộ gia đình, Bộ Công Thương đã ban hành quy định cứ 4 lao động có đăng ký tạm trú dài hạn được tính như một hộ để áp dụng giá điện bậc thang (thông tư 5/2009/TT-BCT, năm 2010 bị thay thế bởi Thông tư số 08/2010/TT-BCT ngày 24/02/2010). Tuy vậy trên thực tế, không có nhiều người lao động di cư được hưởng lợi từ chính sách trên. Phần lớn các chủ nhà trọ tự áp đặt giá điện với mức cao gấp 2-3 lần so với mức giá điện theo quy định. Nguyên nhân chính khiến cho chính sách ưu đãi tính giá điện cho sinh viên, công nhân thuê trọ chưa đi vào cuộc sống bởi việc tuyên truyền, phổ biến chính sách còn thiếu hiệu quả. Đa số công nhân và chủ nhà trọ đều không biết đến chính sách hỗ trợ giá điện để thực hiện đăng ký. Một số chủ nhà trọ tự ý thu tiền điện cao hơn giá quy định do trình độ còn thấp, chưa hiểu biết đúng chủ trương của Nhà nước trong việc áp dụng giá điện cho công nhân, sinh viên, người lao động cũng như các thủ tục cần thiết để xin cấp định mức điện.
Hộp 6. Lương thấp, người lao động tại các KCN khó có thể tích luỹ
H.T.H quê ở Vĩnh Phúc, năm 2010 – sau khi tốt nghiệp THPT, xin vào làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Em cho biết: “Mức lương hiện tại được 3 triệu đồng/tháng, tháng nào nhận đi làm ca đêm thì được phụ cấp thêm khoảng 200 nghìn. Ngoài chi tiêu cho tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước và ăn uống thì phần thu nhập còn lại không đáng kể. Tháng nào không ốm đau có thể gửi về cho gia đình được một triệu, nếu ốm đau chỉ gửi được về vài trăm nghìn, đấy là chi tiêu chắt bóp, tiết kiệm lắm vì lương thấp”. H cho biết đây là tình trạng phổ biến của công nhân lao động tại các KCN, lao động nữ có thể dành dụm gửi tiền về, còn lao động nam thì rất ít người có thể tiết kiệm được.
(Nữ, 21 tuổi, công nhân tại KCN Thăng Long, Hà Nội) Có một điều đáng tiếc trong bộ dữ liệu khảo sát khi không có chỉ tiêu thống kê chi tiết tất cả các khoản phải chi của người lao động để có thể so sánh mức thu nhập và chi phí theo tháng. Thông tin ghi nhận từ các phỏng vấn sâu đối với nhóm lao động đang làm việc tại khu công nghiệp cho thấy mức chi phí trung bình đối với công nhân dao động trong khoảng từ 1,5 triệu – 2,0 triệu đồng/tháng. Đối với nam giới, mức chi tiêu thậm chí lên tới 2,5 triệu – 3,0 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân hiện nay là 3,17 triệu đồng/tháng, nếu khéo chi tiêu mỗi tháng họ có thể dành dụm được từ 1,0 triệu – 1,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập và chi tiêu như hiện nay, người lao động rất khó có thể tích lũy và gửi tiền về gia đình. Những phân tích trước đó cho thấy, phần lớn thu nhập của người lao động được sử dụng cho chi tiêu hàng ngày và các mục đích cá nhân, chỉ có 40,3% người lao động gửi tiền về gia đình.