7. Kết cấu của luận văn
3.2.4.3. Quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá
gắn bó mật thiết với nhau và tạo động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu
Trong công tác cán bộ có bốn khâu quan trọng, trong đó đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, đào tạo bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Đây là bốn khâu không thể thiếu, gắn bó mật thiết với nhau, khâu này là tiền đề cho khâu kia và nếu làm tốt, công tác cán bộ sẽ tạo động lực hết sức quan trọng để đội ngũ công chức lấy đó làm mục tiêu và động lực phấn đấu, nâng cao năng lực để hoàn thiện mình.
Đánh giá đúng cán bộ là tiền đề quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến chất lượng của các khâu khác. Văn kiện Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Đánh
giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ công tác làm thước đo phẩm chất và năng lực của cán bộ”. Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng đầu tiên của công tác cán bộ, đó là việc làm khó, rất nhạy cảm vì có ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng trong việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác. Đánh giá cán bộ đúng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được sở trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đánh giá cán bộ không đúng thì không những bố trí, sử dụng cán bộ không đúng mà còn làm mai một dần động lực phát triển, có khi thui chột những tài năng, làm cho chân lý bị lu mờ, vàng thau lẫn lộn, xói mòn niềm tin của đảng viên, quần chúng đối với cơ quan lãnh đạo, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Do vậy, cần phải đổi mới công tác đánh giá đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Việc đánh giá trước hết phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, hiệu quả công tác thực tế, hiệu quả về đoàn kết nội bộ, mức độ tín nhiệm của đồng nghiệp, của quần chúng nhân dân, môi trường và điều kiện công tác, căn cứ vào trách nhiệm liên đới.
Công tác Quy hoạch cán bộ cần được xem là nền tảng, cơ sở, căn cứ cho việc đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ. Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII của Đảng về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”. Quy hoạch cần được thực hiện công khai và đồng bộ từ chủ trương, biện pháp tạo nguồn cán bộ đến việc dự kiến bố trí, sắp xếp tổng thể đội ngũ cán bộ, lựa
chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài để đưa vào nguồn kế cận, dự bị; từng bước giao nhiệm vụ, thử thách, rèn luyện, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thông qua trường lớp và qua thực tiễn nhằm tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chât, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Từ đó, tạo cơ chế bình đẳng cho cán bộ, công chức rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
Cần xem luân chuyển cán bộ là khâu đột phá để thúc đẩy việc đánh giá cán bộ, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ. Làm tốt công tác luân chuyển sẽ tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, đã được đào tạo cơ bản đi vào rèn luyện trong thực tiễn, sát cơ sở, bộc lộ tài năng, khắc phục tình trạng khép kín trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức, tạo nên sự đồng đều về chất lượng cán bộ từng cấp.
Cần tiếp tục xem đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vừa là yêu cầu trước mắt nhằm nâng cao năng lực để cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ được giao, vừa là nhiệm vụ lâu dài để xây dựng đội ngũ cán bộ cho tương lai. Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn liền với quy hoạch, sử dụng, đề bạt và bổ nhiệm sẽ tạo động lực cho công chức phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, phát huy năng lực.
3.2.4.4. Đổi mới công tác Thi đua khen thưởng nhằm tạo động lực cho công chức phấn đấu, nâng cao năng lực để đạt hiệu quả cao trong công vụ
Cần xem công tác thi đua, khen thưởng là công cụ trực tiếp tác động đến động lực làm việc của đội ngũ công chức chuyên môn trong thực thi công vụ. Cần hướng tới lượng hóa các tiêu chí thi đua, khen thưởng để tránh việc cảm tính và tránh việc “ suy tôn” trong bình xét thi đua khen thưởng. Việc khen thưởng cần dựa trên kết quả học tập, rèn luyện, phấn đấu và đặc biệt là hiệu quả công tác của công chức. Đồng thời, cần khen thưởng kịp thời, đúng lúc, kết hợp cả vật chất lẫn tinh thần nhằm tạo động lực cho công chức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao năng lực để đạt hiệu quả cao trong thực thi công vụ.