Những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động TTQT tại Vietcombank Kiên

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng tmcp ngoại thương việt nam – chi nhánh kiên giang (Trang 73 - 78)

Kiên Giang

2.2.3.1 Nhân tố bên ngoài ngân hàng (Chính sách vĩ mô, môi trường chính trị, kinh tế, pháp luật,..)

Thứ nhất,từ năm 2010 đến nay, kinh tế thế giới về cơ bản đã thoát khỏi suy thoái, đang dần phục hồi, kinh tế có sự tăng trưởng. Nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu ở các nước tại khu vực EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc vẫn ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam; Chính phủ ban hành một số chính sách như Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết khó khăn, giải quyết nợ xấu, đặc biệt là Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28/08/2013 của Bộ Công thương về quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thứ hai, UBND tỉnh, các sở ban ngành và địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện kịp thời các văn bản để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh kịp thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Cụ thể: Tỉnh Ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở ngành rà soát, đánh giá lại năng lực kho chứa, cơ sở xay xát đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong việc triển khai Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông thủy sản, Quyết định 3242/QĐ-BNN-CB về qui hoạch hệ thống dự trữ 4 triệu tấn gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/05/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Các sở, ngành, các NHTM thường xuyên giữ mối quan hệ với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của mình nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Tình hình kinh tế của Tỉnh phát triển theo chiều hướng tích cực, GDP tăng truởng tốt, giá USD tăng, lãi suất tín dụng liên tục được điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay; Hoạt động kinh doanh hai mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là Gạo và thủy

sản cũng có chuyển biến, sản lượng lúa tăng do đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo luôn có nguồn cung nguyên liệu dồi dào và ổn định, các doanh nghiệp thủy sản lợi dụng ưu thế riêng của mình đối với từng mặt hàng, đa dạng hóa sản phẩm, .. và chủ động tìm kiếm nhiều đối tác, thị trường mới.

Thứ ba, Mặt bằng lãi suất cho vay hạ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn;

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn, thị trường rất dễ biến động. Hoạt động ngoại thương tiếp tục gặp khó khăn do nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, bên cạnh đó, nổi lên vấn đề bảo hộ mậu dịch, các rào cản thương mại, kỹ thuật ở các khối kinh tế và một số cường quốc đối với hàng hóa xuất khẩu, .. gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Một là, Tình hình sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo diễn biến phức tạp. Hợp đồng tập trung ít, nguồn cung tăng mạnh trong khi giá gạo biến động theo chiều hướng giảm làm tăng áp lực cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakistan, Thái lan…; Thái Lan hạ giá, xả hàng tồn để đẩy mạnh xuất khẩu; Nhu cầu từ một số quốc gia như Philippines, Indonesia, Châu phi, ... giảm nhiều; Giá giao dịch tại nhiều thời điểm thấp hơn giá sàn Hiệp hội Lương thực Việt Nam qui định khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra; Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, tuy nhiên tiến độ nhập khẩu tại thị trường này bị chậm lại khi vào mùa thu hoạch và hạn chế quota nhập khẩu để các doanh nghiệp tập trung thu mua lúa gạo trong nước.

Hai là, Mặt hàng xuất khẩu thủy sản với nguồn nguyên liệu chưa thật sự ổn định, thiếu lao động, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu so với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Mặc dù chính phủ và các Bộ ngành Trung Ương đã ban hành một số chính sách hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu nhưng một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn hoạt động kém hiệu quả, một phần nguyên nhân do khó khăn từ vốn. Bên cạnh đó nguồn nguyên liệu khai thác ngày càng hạn chế ( đặc biệt là mực và bạch tuộc), bị nhiễm kháng sinh, tạp chất, thiếu cơ cấu chủng loại ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là việc thị trường EU đặt ra các thủ tục mới về nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng hải sản. Một số doanh nghiệp thủy sản hoạt động cầm chừng hoặc phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài

Ba là, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa chú trọng xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, một số mặt hàng nông, thủy sản tiêu thụ dưới nhãn hiệu nhà nhập khẩu, từ đó thương hiệu sản phẩm Việt chưa chi phối nhiều trên thị trường thế giới.

Bốn là, ngân hàng ngày càng đông đúc, với hơn 30 ngân hàng hoạt động trên địa bàn Kiên Giang là một thách thức lớn cho hoạt động ngân hàng nói chung, và trong lĩnh vực thanh toán nói riêng. Sự chia sẻ thị phần, phân chia thị trường là điều khó tránh khỏi.

Tóm lại, với những thuận lợi và khó khăn đan xen từ môi trường bên ngoài đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động TTQT tại Chi nhánh. Doanh nghiệp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng, dù là trong hoạt động nào. Cả ngân hàng và doanh nghiệp cần giữ quan hệ thường xuyên để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, cùng nhau hợp tác để thành công.

2.2.3.2 Nhân tố bên trong ngân hàng ( Con người, công nghệ, chiến lược, tỉ giá, lãi suất, thương hiệu)

Cho đến thời điểm này, đối với doanh nghiệp, Vietcombank vẫn là thương hiệu có uy tín về hoạt động TTQT với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.

- Vietcombank vẫn là ngân hàng Việt Nam có kinh nghiệm lâu năm về thanh toán quốc tế được các khách hàng tin cậy nên LC có điều kiện thanh toán phức tạp thường được xuất trình tại Vietcombank để kiểm tra và thanh toán.

- Mạng lưới NHĐL rộng khắp trên thế giới, được cập nhật một cách khoa học và kịp thời, phục vụ tốt cho công tác tra cứu; với giá dịch vụ khá rẻ so với các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nên đã thu hút được sự chú ý và lựa chọn của khách hàng

- Được đánh giá cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ TTQT, tốc độ xử lý chứng từ nhanh chóng, chính xác; Đội ngũ cán bộ yêu nghề, tâm huyết và nhiệt tình trong phục vụ và hỗ trợ khách hàng, là lựa chọn lớn cho các doanh nghiệp giao dịch XNK - Hoạt động TTQT luôn được ban giám đốc quan tâm, tạo điều kiện để công tác TTQT đạt hiệu quả cao, hoàn thành chỉ tiêu được giao, lãnh đạo phòng thường xuyên trực tiếp tiếp cận khách hàng để thu hút khách hàng đến giao dịch tại Chi nhánh

- Một số doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu, chiếm tỷ trọng đáng kể trong doanh số thanh toán hàng nhập khẩu của Chi nhánh, do quan hệ lâu đời và thói quen sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế của Vietcombank.

- Vietcombank có nguồn ngoại tệ dồi dào, tạo điều kiện cho vay hoặc bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp để thanh toán hoặc chuyển tiền hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn trong công tác TTQT của Chi nhánh như:

(1) Vấn đề hạn mức: Hiện nay, hạn mức tín dụng Vietcombank cấp cho doanh nghiệp phần nào chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn của một số doanh nghiệp khi vào mùa vụ. Một số doanh nghiệp gạo khi vào mùa vụ, hạn mức được cấp chỉ đáp ứng được 50%, vì vậy, doanh nghiệp buộc phải chuyển LC sang ngân hàng khác nhằm đảm bảo vốn ký hợp đồng mới. Ngoài ra, một số ngân hàng có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần mở LC về, doanh nghiệp sẽ được cấp một hạn mức tín dụng tương đối, mặc dù tình hình tài chính doanh nghiệp không hoàn toàn khả quan;

(2) Vấn đề lãi suất, tỉ giá: Lãi suất của một số ngân hàng thấp, đặc biệt là các gói tài trợ xuất khẩu với lãi suất rất thấp, đã thu hút một số khách hàng của Chi nhánh đến quan hệ tín dụng, kèm theo sự ràng buộc về việc xuất trình các chứng từ xuất nhập khẩu. Mặc dù Vietcombank đã triển khai các gói lãi suất cho vay ngoại tệ, lãi suất chiết khấu ưu đãi nhưng vẫn chưa thật sự cạnh tranh được với các ngân hàng khác.

Tình hình tỉ giá biến động nhiều, chênh lệch tỉ giá giữa các ngân hàng có thời điểm chênh lệch cao. 6 tháng cuối năm 2010, do xu hướng nhập siêu cùng việc một số hợp đồng vay ngoại tệ đến hạn, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mua ngoại tệ nhiều, một số khách hàng lớn của Chi nhánh bị lôi kéo sang giao dịch với các ngân hàng khác vì các ngân hàng này mua tỉ giá cao (có thời điểm chênh lệch 1300đ/USD), trong khi Vietcombank luôn tuân thủ quy định về mua bán ngoại tệ của ngân hàng Nhà nước; 3 tháng quý 2 năm 2013 là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký kết được số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo nhiều nhất so với các thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng khác thực hiện mua ngoại tệ với tỷ giá thỏa thuận thì Chi nhánh không thực hiện chính sách này. Các doanh nghiệp đã chuyển một số hợp đồng xuất khẩu, đặc biệt là các hợp đồng trị giá cao sang giao dịch với các ngân hàng khác để hưởng chênh lệch tỷ giá, làm ảnh hưởng nhiều doanh số TTQT của Chi nhánh, ảnh hưởng hiệu quả hoạt động công tác này tại Chi nhánh.

(3)Vấn đề chất lượng và sự đa dạng của dịch vụ: Trong hoạt động TTQT, các sản phẩm, dịch vụ của Vietcombank chưa đáp ứng được hết yêu cầu của khách hàng và thị trường. Việc xây dựng và đưa sản phẩm mới vào vận hành còn chậm, đặc biệt là các sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. Các sản phẩm, dịch vụ mới dừng lại ở các sản phẩm truyền thống, sự bứt phá về các sản phẩm tài trợ thương mại mới chưa được đầu tư, nghiên cứu phát triển. Một số ngân hàng nước ngoài có nhiều lợi thế về kinh nghiệm, hệ thống mạng lưới rải đều khắp thế giới, .. đã cạnh tranh mạnh mẽ với Chi nhánh về các nghiệp vụ này.

(4) Về chính sách khách hàng:

- Chi nhánh đã có nỗ lực trong việc thu hút khách hàng , tuy nhiên, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ phận có liên quan để tạo nên một dịch vụ khép kín thanh toán, tín dụng, kinh doanh ngoại tệ chưa thật sự tốt, chưa thật sự linh hoạt, uyển chuyển. Do đó, đã làm giảm sức cạnh tranh đối với các ngân hàng khác, đặc biệt là các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;

- Nhằm giữ chân khách hàng, Chi nhánh đã có những chính sách miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng, mặc dù mức phí này đã rất thấp, mà chưa quan tâm đến các loại phí mà ngân hàng nước ngoài thu, thậm chí thu rất cao. Từ việc giảm phí này làm nảy sinh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng.

- Phí dịch vụ là một trong những vấn đề quan tâm của khách hàng. Tuy nhiên, hiện Vietcombank chưa có hệ thống thông tin về giá cả, dịch vụ cụ thể của các ngân hàng đại lý để tư vấn, hỗ trợ khách hàng khi chọn giao dịch, mới chỉ dừng lại ở việc thu được tiền hàng xuất khẩu về. Vì vậy, đôi khi Vietcombank không giải thích được khi khách hàng than phiền về các khoản phí thanh toán bị trừ vào tiền hàng.

(5)Công tác hỗ trợ:

- Công tác đối chiếu và thông tin các khoản treo trễ trên tài khoản Nostro đã có những cải tiến. Tuy nhiên, việc phối hợp để tra soát giữa các bộ phận liên quan đôi khi còn chậm trễ ảnh hưởng đến khâu thanh toán cho khách hàng.

- Công tác hỗ trợ khách hàng đòi tiền hàng xuất khẩu trong trường hợp chứng từ phù hợp nhưng ngân hàng nước ngoài chậm thanh toán đôi khi chưa kịp thời và chưa đạt kết quả cao.

Tóm lại, với một thương hiệu mạnh, uy tín cao về TTQT, Chi nhánh cần sớm khắc phục khó khăn nhằm giữ vững thị phần, thu hút thêm khách hàng đến giao dịch, gia tăng hiệu quả hoạt động TTQT, góp phần thực hiện thành công chiến lược kinh doanh ngân hàng.

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng tmcp ngoại thương việt nam – chi nhánh kiên giang (Trang 73 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)