(1) Môi trường kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và trên thế giới
Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động TTQT của các ngân hàng. Với vai trò trung gian tài chính giữa nền kinh tế trong và ngoài nước, mọi sự biến động
về kinh tế, chính trị, xã hội đều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngân hàng. Nền kinh tế, chính trị ổn định, hoạt động kinh doanh ngân hàng thuận tiện, các ngân hàng phát huy tốt vai trò của mình, đem lại nguồn thu cao, góp phần tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, các ngân hàng khó có thể hoạt động tốt, đặc biệt trong hoạt động TTQT.
Yếu tố đề cập trong môi trường kinh tế, chính trị ở đây là các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô, sự ổn định về chính trị, xã hội. Bất kỳ sự thay đổi nào trong các chính sách trên đều tác động trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động kinh doanh các ngân hàng, các doanh nghiệp, cũng như cơ hội kinh doanh các nhà đầu tư. Nền kinh tế, chính trị, xã hội ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế có một nền tảng vững chắc để hoạt động, lĩnh vực kinh tế đối ngoại cũng có cơ hội phát triển, kéo theo hoạt động thương mại quốc tế được đẩy mạnh làm gia tăng nhu cầu TTQT của các ngân hàng thương mại. Nền kinh tế, chính trị, xã hội ổn định tạo sự an toàn cao trong đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm bỏ vốn đầu tư, mở rộng kinh doanh. Chính điều này làm gia tăng hoạt động TTQT, mở rộng việc thanh toán qua ngân hàng, góp phần thúc đẩy hoạt động TTQT ngày càng phát triển. Ngược lại, mọi sự biến động về kinh tế như suy thoái, khó khăn, hay những rủi ro xấu về môi trường chính trị như bạo loạn, cấm vận, chiến tranh, biểu tình,.. đều gây ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh các nhà đầu tư, kìm hãm sự phát triển, hội nhập của nền kinh tế, tác động tiêu cực đến hoạt động XNK và hoạt động TTQT của các ngân hàng.
(2) Môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý tạo sự an toàn trong kinh doanh; hạn chế rủi ro cho các bên; là cơ sở để giải quyết tranh chấp xảy ra và là cơ sở để các bên thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, giúp các ngân hàng thực hiện tốt hoạt động TTQT.
Môi trường pháp lý ở đây liên quan đến các đạo luật, luật quốc gia và tập quán quốc tế, những kẽ hở, hạn chế cũng như những mâu thuẩn giữa luật quốc gia và pháp luật, tập quán quốc tế. Sự đồng bộ, toàn diện và phù hợp của hệ thống pháp luật sẽ tạo thành hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và ngân hàng. Bởi lẽ, bất cứ hoạt động kinh doanh nào vượt ra khỏi phạm vi một quốc gia đều phải chịu sự chi phối của luật pháp trong nước và quốc tế, ngoài ra, còn chịu sự điều chỉnh của những chuẩn mực,thông lệ, tập quán quốc tế,.. đối với từng nghiệp vụ phát sinh. Trong vai trò trung gian tài chính của mình, hoạt động TTQT của các ngân hàng làm hạn chế được rủi ro, bảo vệ được quyền lợi khách
hàng thanh toán qua ngân hàng trong các giao dịch quốc tế dưới sự chi phối của môi truờng pháp lý.
(3) Kiến thức thương mại quốc tế của các doanh nghiệp XNK
Đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng đem lại hiệu quả cho hoạt động TTQT của các NHTM. Sự hiểu biểt về hoạt động TTQT cũng như việc nắm rõ luật pháp nước sở tại, phong tục, tập quán quốc tế; sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, giá cả hàng hóa và cả trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ của những người kinh doanh quốc tế,.. tất cả đều góp phần thúc đẩy hoạt động TTQT có hiệu quả hơn. Nếu các doanh nghiệp XNK có năng lực kinh doanh tốt, am hiểu và nhạy bén sẽ giúp cho ngân hàng hoạt động TTQT an toàn và hiệu quả.