Các nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng tmcp ngoại thương việt nam – chi nhánh kiên giang (Trang 32 - 34)

Đây là những nhân tố từ nội tại bên trong các NHTM. Đó là năng lực tài chính, năng lực quản trị, trình độ cán bộ, trình độ công nghệ, uy tín, thương hiệu và mạng lưới ngân hàng,…

(1) Năng lực tài chính

Năng lực tài chính của một ngân hàng thể hiện ở tiềm lực về vốn của ngân hàng đó. Ngân hàng có vốn mạnh sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh, trang bị cơ sở vật chất hiện đại, công nghệ tối tân phục vụ hoạt động kinh doanh, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, cũng như thu hút các doanh nghiệp XNK đến giao dịch nhằm được hỗ trợ vốn phục vụ cho hoạt động SXKD của họ.

(2) Năng lực quản trị điều hành

Năng lực quản trị thể hiện ở quản lý nhân sự, sử dụng nhân sự, ở tư duy kinh doanh mới để đạt kết quả tối ưu với chi phí ở mức tối thiểu, sử dụng các nguồn lực sẵn có để đạt được kết quả cao. Một ngân hàng với chiến lược kinh doanh phù hợp với nhiều loại hình dịch vụ, và các chính sách khách hàng hợp lý sẽ giúp hoạt động ngân hàng diễn ra trôi chảy, thu hút được nhiều khách hàng đến giao dịch. Ngoài ra, năng lực quản trị còn thể hiện qua việc xây dựng những qui chế, qui trình hoạt động phù hợp với từng giai đoạn phát triển như qui trình tín dụng, qui trình TTTM, qui trình kiểm tra kiểm soát nội bộ,.. tất cả làm nền tảng cho hoạt động kinh doanh ngân hàng hoạt động trôi chảy, hiệu quả, thúc đẩy phát triển,..

(3)Năng lực quản trị rủi ro

Bất kể lĩnh vực kinh doanh nào cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đó. Hoạt động TTQT của các NHTM cũng tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro, dù là khách quan hay chủ quan. Đó có thể là rủi ro từ thiên nhiên, môi trường, từ sự cố ý lừa đảo của khách hàng, sự thiếu hiểu biết trong thương mại quốc tế, hay những rủi ro chủ quan như sự không đồng bộ, sự lõng lẽo trong các chính sách, qui trình hoạt động, qui trình nghiệp vụ TTQT, rủi ro đạo đức người cán bộ TTQT hay sự thiếu hiểu biết của cán bộ TTQT,.. tất cả đều ảnh hưởng tiêu cực đến công tác TTQT, ảnh hưởng đến tình hình tài chính, ảnh hưởng uy tín và thương hiệu ngân hàng. Chính vì vậy, nếu quản trị tốt rủi ro sẽ tạo điều kiện cho hoạt động TTQT được tiến hành thuận lợi, an toàn và hiệu quả. Các NHTM cần quan tâm sâu sát đến vấn đề quản trị rủi ro để hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và hoạt động TTQT nói riêng mang lại hiệu quả cao.

(4)Công nghệ, kỹ thuật

Trước sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học kỹ thuật và sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ, đòi hỏi các NHTM cần trang bị công nghệ hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố quyết định thành công của các ngân hàng. Công nghệ ngân hàng càng hiện đại càng hỗ trợ nhiều cho hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động TTQT trong việc nắm bắt thông tin kịp thời, đưa ra quyết định đúng đắn, xử lý nghiệp vụ nhanh chóng, an toàn, đẩy nhanh tốc độ thanh toán, sử dụng vốn hiệu quả. Đây là những mặt tích cực mang tính cạnh tranh của công nghệ mà các NHTM cần quan tâm khi áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào hoạt động

(5)Trình độ nguồn nhân lực

Trình độ, năng lực và đạo đức người cán bộ ngân hàng là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào việc thành công của hoạt động ngân hàng. Đây là nguồn lực thực hiện các chiến lược kinh doanh của ngân hàng, quyết định sự thành công hay thất bại các mục tiêu kinh doanh đề ra. Với trình độ, năng lực của mình, người cán bộ có thể làm gia tăng giá trị dịch vụ cũng như làm giảm hay mất đi giá trị của dịch vụ. Với tác phong chuyên nghiệp, thái độ niềm nở, ân cần trong giao dịch với khách hàng, người cán bộ đã trực tiếp tham gia vào việc giới thiệu, bán dịch vụ cho khách hàng.

Ngoài ra, đây cũng là kênh truyền tải thông tin từ thị trường, từ khách hàng và đối thủ cạnh tranh đến các nhà hoạch định chiến lược, chính sách ngân hàng. Cán bộ có chuyên môn tốt sẽ giúp ngân hàng hạn chế được rủi ro trong hoạt động TTQT và

làm tốt vai trò tư vấn, hỗ trợ khách hàng trong việc thực hiện TTQT qua ngân hàng. Từ đó, tạo niềm tin, tăng uy tín, thu hút khách hàng đến giao dịch, thanh toán qua ngân hàng. Bên cạnh đó, một ngân hàng muốn phát triển vững mạnh, bền vững không thể thiếu đội ngũ cán bộ có chuyên môn, trình độ cao để quản lý, vận hành. Một cơ sở vật chất hiện đại, công nghệ cao sẽ trở nên lãng phí, không hiệu quả nếu không có đội ngũ cán bộ có trình độ quản lý và sử dụng, khai thác.

(6)Uy tín và mạng lưới đại lý

Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc giữ vững uy tín, thương hiệu trên thị trường phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung, hoạt động TTQT nói riêng. Uy tín tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng lựa chọn các giao dịch của một ngân hàng. Uy tín thể hiện ở trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tốc độ xử lý, thời gian thanh toán, khả năng tư vấn, hỗ trợ, khả năng đáp ứng các điều kiện thanh toán, sự đa dạng các sản phẩm, dịch vụ,..

Mặt khác, để hỗ trợ tốt cho uy tín, ngân hàng cần có một mạng lưới các chi nhánh rộng khắp, đặc biệt là ở những nơi ngân hàng của họ không có chi nhánh. Quan hệ đại lý giữa hai ngân hàng với nhau là quan hệ dịch vụ. Hai bên cung cấp cho nhau các dịch vụ mang tính chất địa phương hay đơn thuần là ngân hàng này làm đại lý cho ngân hàng kia trong việc xử lý hộ một giao dịch. Mạng lưới đại lý tạo điều kiện cho hoạt động TTQT diễn ra nhanh chóng, an toàn đẩy nhanh tốc độ thanh toán cho các giao dịch quốc tế.

(7)Sự phát triển của hoạt động Marketing trong ngân hàng.

Sự thành công của hoạt động Marketing là một lợi thế cạnh tranh của ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Với chức năng nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm, dịch vụ đa dạng, hoạt động Marketing có nhiệm vụ thu hút khách hàng, kích thích khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, thúc đẩy hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển.

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng tmcp ngoại thương việt nam – chi nhánh kiên giang (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)