Đặc điểm thị trường logistics Việt Nam

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ logistics tại công ty cổ phần vận tải đa phương thức (vietranstimex) (Trang 68 - 70)

Thị trường logistics Việt Nam, theo cách nhìn của nhà kinh doanh 3PL (third- party logistics), có các đặc điểm chính sau:

Quy mô thị trường nhỏ, nhưng có tốc độ tăng trưởng cao: Chí phí hoạt động logistics Việt Nam được ước tính chiếm khoảng 15-20% tổng giá trị GDP, trong đó chủ yếu là giá trị hàng tồn kho. Riêng thị trường dịch vụ 3PL có tổng giá trị khoảng 1.4 tỷ USD năm 2007, chiếm khoảng 2% GDP và đạt gần 4.2 tỷ USD vào năm 2011, chiếm khoảng 24,7% GDP, phần lớn là dịch vụ vận chuyển. Mặc dù thị trường logistics có quy mô tương đối nhỏ so với các nước Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng được dự đoán có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 25% trong vòng 05 năm tới.

Thị trường ngành bán lẻ - FMCG chiếm tỷ trọng cao, thị trường thiết bị ôtô và dược phẩm tiềm năng: Giá trị thị trường logistics được tạo ra chủ yếu từ bốn ngành gồm bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (retail - FMCG), hàng thiết bị công nghệ cao, thiết bị ô tô, và dược phẩm. Theo một số chuyên gia ước đoán thì ngành hàng bán lẻ chiếm khoảng 90% giá trị thị trường logistics, đạt khoảng 1.26 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng trung bình 14.7%/năm.

Kế đến là ngành hàng thiết bị công nghệ cao chiếm khoảng 6% giá trị, đạt 0.08 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình 5.7% /năm, còn lại là ngành thiết bị ô tô và dược phẩm. Tuy nhiên, hai ngành này là những ngành tiềm năng cho thị trường logistics Việt Nam trong tương lai với tốc độ tăng trưởng trên 10% / năm.

Tăng nhanh về bán lẻ và xuất khẩu thúc đẩy thị trường phát triển: Yếu tố chính để thúc đẩy thị trường logistics Việt Nam phát triển là sự tăng nhanh của thị trường bán lẻ và hoạt động xuất nhập khẩu, với tốc độ tăng lần lượt là 14.7 % / năm và 17.5% / năm. Một yếu tố nữa mang tính khách quan là sự gia tăng của việc mua/thuê ngoài của các tập đoàn đa quốc gia kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức WTO.

Tuy nhiên, thị trường logistics Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu của phát triển. Điều này thể hiện qua:

Cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics kém phát triển: Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động logistics tại Việt Nam được đánh giá là kém phát triển và không thể đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường. Tình trạng tắc nghẽn cảng biển hai năm liên tiếp 2008 – 2009 là minh chứng thực tế cho sự yếu kém về cơ sở hạ tầng. Hơn thế nữa, Việt Nam được đánh giá là rất yếu trong hoạch định và thực hiện chiến lược hệ thống giao thông vận tải, trong đó nổi cộm là hệ thống đường bộ, môi trường chính sách cho hoạt động vận chuyển trong đô thị và việc thực hiện chiến lược chung.

Về hệ thống kho, thì hiện nay hơn 90% kho bãi thuộc quyền quản lý của Nhà nước.Và theo một số chuyên gia phân tích, việc sử dụng các kho này không hiệu quả.Các kho này chủ yếu vẫn được xây dựng ngang bằng với mặt đất - đây là một kiểu kho truyền thống và rất khó khăn để làm hàng được đóng trong container - và rất khó mở rộng trong tương lai. Các công ty logistics có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu thuê lại và hoạt động dựa trên chiến lược “ít đầu tư vào cơ sở hạ tầng”.

Các sản phẩm trong ngành là các sản phẩm cơ bản (vận chuyển, kho bãi), và thiếu những sản phẩm mang giá trị gia tăng. Nếu chỉ cung cấp 2 dịch vụ cơ bản vận chuyển và kho vận, mà thiếu hẳn các dịch vụ giá trị gia tăng thì có thể thấy rằng ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, tức là vào những năm 70 của thế giới và chỉ dừng ở mức độ thực hiện trong quan hệ khách hàng.

Thiếu những nhà cung cấp dịch vụ 3PL trọn gói: hiện nay trên thị trường dịch vụ logistics Việt Nam vẫn thiếu hẳn những nhà cung cấp dịch vụ 3PL trọn gói thật sự. Một số doanh nghiệp vận tải lớn trong nước như Công ty Cổ phần Vận tải đa phương thức, Vinatrans và Vietfratch chỉ cung cấp dịch vụ giao nhận đơn thuần, như dịch vụ lưu kho và làm hàng. Còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Maersk, APL, TNT, Kuehne & Nagel… cũng chỉ cung cấp một phần các sản phẩm dịch vụ riêng lẻ.

Sự cạnh tranh trên thị trường cao và cạnh tranh dựa trên giá cả: Hiện nay thị trường Việt Nam có khoảng 1.200 nhà cung cấp dịch vụ giao nhận và logistics, trong đó có khoảng 18% là công ty nhà nước, 70% là công ty tư nhân, 10% là không đăng ký và 2% là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ước tính, mặc dù chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 30-35% thị phần của thị trường. Và hơn 1000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3PL trong nước sẽ phải chia 60% - 65% thị phần còn lại. Vì thế thị trường dịch vụ logistics tại Việt Nam rất phân tán, điều này dẫn đến mức độ cạnh tranh ngành rất cao. Hơn thế nữa, do áp lực cạnh tranh và thiếu hẳn những dịch vụ giá trị gia tăng, giá trở thành công cụ cạnh tranh chính của các doanh nghiệp giao nhận và logistics.

Nhận xét chung

Thị trường logistics Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu của phát triển. Tuy có quy mô nhỏ so với các nước trong khu vực nhưng tốc độ tăng trưởng cao – một yếu tố chính trong việc thu hút sự chú ý của các nhà kinh doanh 3PL trong nước cũng như ngoài nước. Tuy nhiên thị trường vẫn tồn tại những vấn đề cần giải quyết.Nổi cộm nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng lạc hậu và chi phí kinh doanh không chính thức cao. Để giải quyết điều này cần phải có tiếng nói chung giữa Chính phủ Việt Nam, khách hàng sử dụng dịch vụ logistics và cộng đồng doanh nghiệp logistics.

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ logistics tại công ty cổ phần vận tải đa phương thức (vietranstimex) (Trang 68 - 70)