Nhận rõ tầm quan trọng của chính quyền cấp cơ sở trong hệ thống chính quyền địa phương ở nước ta, ngay từ đầu thành lập nước và nhất là trong công cuộc đổi mới hơn 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm rất nhiều đến việc củng cố kiện toàn về mặt tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức hoạt động của HĐND và UBND các cấp năm 1994 (sửa đổi) đã quy định khá cụ thể về tổ chức bộ máy, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền cấp cơ sở. Nghị định 174/CP ngày 29/9/1994; Nghị định 46/CP ngày 23/9/1993; Nghị định 50/CP ngày 26/7/1995; Nghị định 09/1998/CP... đã quy định khá chi tiết về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự và chế độ chính sách đối với cán bộ cấp cơ sở, gần đây là việc triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là một bước tiến mới trong việc đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền cơ sở theo hướng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia vào quản lý nhà nước ở cơ sở.
Tuy vậy, so với yêu cầu của công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước, yêu cầu củng cố và hoàn thiện nền dân chủ XHCN và nhất là những biến động to lớn trong đời sống xã hội ở cơ sở hiện nay thì tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở còn bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế.
Đánh giá đúng thực trạng tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền cấp cơ sở; đặc biệt là đội ngũ cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng để đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng và kiện toàn chính quyền cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng NNPQ Việt Nam XHCN là một việc cần thiết.