Vai trò của pháp luật về cán bộ chính quyền cơ sở trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về cán bộ chính quyền cấp cơ sở theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay ppt (Trang 28 - 33)

xây dựng Nhà nước pháp quyền

Trước hết pháp luật về CBCQCS trong điều kiện xây dựng NNPQ được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống pháp luật, ý thức và nền văn hóa pháp luật. Đã qua rồi cái thời mà khi nói đến pháp luật, lý luận hầu như chỉ quan tâm đến phương tiện "quy phạm học" đến bản thân những điều luật trên văn bản. Những đặc điểm chất lượng của pháp luật được thể hiện không chỉ trong các quy định pháp luật, những quyết định áp dụng pháp luật của các cơ quan công quyền, trong ý thức hành vi và các mối quan hệ xã hội của con người. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, không phải lúc nào, trường hợp nào các giá trị được thể hiện trong các quy định của pháp luật cũng được đảm bảo thực hiện. Tình trạng "Luật một đường, thực thi một nẻo".

Pháp luật về CBCQCS trong điều kiện xây dựng NNPQ vừa là một bộ phận hợp thành vừa là cơ sở tổ chức và hoạt động của chính quyền nhà nước dân chủ ở cơ sở. NNPQ khác Nhà nước cực quyền ở việc Nhà nước thừa nhận các giá trị xã hội, tính phổ biến, bắt buộc chung của pháp luật, sự ngự trị của pháp luật trong các quan hệ xã hội: "Chỉ khi nào được thiết lập như một tổ chức pháp lý hoạt động trên cơ sở pháp luật thì khi đó tư tưởng Nhà nước pháp quyền mới trở thành hiện thực" [49, tr. 19].

NNPQ không chỉ đơn thuần là phục tùng pháp luật mà ở đó phải có sự ngự trị của pháp luật pháp quyền, tức là pháp luật với những yêu cầu rất cao về chất lượng;

yêu cầu, tiêu chí và thực tiễn cho thấy Nhà nước nào cũng đều có pháp luật để quản lý xã hội nhưng không phải Nhà nước nào cũng là NNPQ.

Thực tế đã có không ít những quan niệm không đúng về vai trò của pháp luật đối với đời sống, hoặc quá đề cao pháp luật hoặc hạ thấy vai trò của nó. Những quan niệm đó chẳng những đối lập với kinh nghiệm lịch sử mà còn sai lầm về mặt khoa học. Đặc biệt là trong điều kiện xây dựng NNPQ, nhận thức đúng vai trò của pháp luật là một vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành công việc xây dựng NNPQ ở nước ta hiện nay.

Với tư cách là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật về CBCQCS có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo sự ổn định và phát triển năng động ở cơ sở. Trong điều kiện đổi mới, Đảng và Nhà nước ta khẳng định vai trò hàng đầu của pháp luật trong quản lý nền kinh tế thị trường và các mặt khác của đời sống xã hội. Chính vì vậy, Điều 12 Hiến pháp năm 1992 của nước ta ghi nhận: "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa".

Đối với NNPQ, pháp luật là phương tiện tổ chức và hoạt động của chính mình, là sự ghi nhận về mặt pháp lý trách nhiệm của Nhà nước đối với xã hội và cá nhân công dân, là phương tiện quản lý có hiệu lực đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Hơn bất kỳ phương tiện nào, pháp luật là phương tiện chứa đựng trong chính mình nó có sự kết hợp giữa thuyết phục và cưỡng chế, giữa tập trung và dân chủ, giữa năng động sáng tạo với kỷ cương và kỷ luật. Do đó khi thực hiện chức năng của mình, Nhà nước không thể không sử dụng phượng tiện pháp luật.

Xây dựng NNPQ cũng đặt ra việc đổi mới, tư duy lại hàng loạt mối quan hệ, trong đó có mối quan hệ giữa Nhà nước và pháp luật. Trước đây, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong lý luận và thực tiễn, Nhà nước dường như được xác định là

"đứng trên, cao hơn, ưu thế hơn, trội hơn" so với pháp luật. Đó cũng là những thời kỳ mà Nhà nước coi pháp luật chỉ như một công cụ cai trị của riêng mình, bất chấp pháp luật, tùy tiện chủ quan duy ý chí đặt ra pháp luật hoặc lấy mệnh lệnh chỉ huy thay cho các quy định của pháp luật. Trong điều kiện xây dựng NNPQ, quan niệm đó đã không

còn chỗ đứng. Pháp luật ở đây ngoài việc là công cụ quản lý của Nhà nước còn có vai trò và giá trị xã hội to lớn, là công cụ, phương tiện của toàn xã hội, của mỗi cá nhân. Pháp luật trong NNPQ phải đáp ứng những yêu cầu- những "chất lượng" nhất định: tính khách quan, hợp lý, công bằng, nhân đạo, dân chủ. Không có một sự phát triển bền vững nào cả về kinh tế và xã hội nếu thiếu một Nhà nước mạnh, thiếu một Nhà nước có hiệu quả và thiếu một hệ thống pháp luật đáp ứng được những yêu cầu đó. Điều đó càng chứng tỏ vai trò của hệ thống pháp luật trong điều kiện xây dựng NNPQ; vì pháp luật vừa thể hiện bảo vệ các quyền con người, vừa là phương tiện ổn định các giá trị xã hội tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho mọi hoạt động xã hội. Cương lĩnh của Đảng ta đã xác định: "dân chủ đi đôi với kỷ cương, kỷ luật được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm" [10, tr. 19]. Pháp luật phải phù hợp với đạo đức, công bằng, nhân đạo, dân chủ (những giá trị xã hội quý báu của nhân loại), phải trở thành những định hướng cơ bản trong tổ chức hoạt động của Nhà nước, xã hội và của cá nhân. Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã có tư tưởng đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật: "Bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền... thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ các đạo luật" [25, tr. 436].

Như vậy, có thể thấy rằng, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về CBCQCS là một yêu cầu quan trọng trong điều kiện xây dựng NNPQ, bởi pháp luật về CBCQCS luôn có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở. Vai trò của pháp luật về CBCQCS được thể hiện trên các mặt sau đây:

- Pháp luật về CBCQCS với việc tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước: Pháp luật về CBCQCS là hệ thống các quy phạm điều chỉnh những quan hệ trong tổ chức nhân sự hành chính ở cơ sở, đó là những quan hệ, những con người cụ thể đang thực thi chức năng, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở, trên danh nghĩa nhà nước để thực thi nhiệm vụ. Pháp luật về CBCQCS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước ở cơ sở thể hiện rõ ở mấy điểm sau đây:

+ Quy định phạm vi, quyền hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng loại CBCQCS trên các chức năng được đảm nhiệm.

+ Tạo hành lang pháp lý đối với CBCQCS trong quá trình thực thi nhiệm vụ (CBCQCS được làm gì và không được làm gì). Từ đó nâng cao trách nhiệm, sự nghiêm minh, tính sáng tạo trong công việc. Thông qua đội ngũ CBCQCS, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều được thực hiện.

+ Giữ vững kỷ cương trong hệ thống quản lý hành chính từ Trung ương tới cơ sở, bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước được thông suốt, có hiệu lực và hiệu quả cao.

- Pháp luật về CBCQCS trong việc đảm bảo hiệu lực của bộ máy nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân:

Bộ máy nhà nước ta là một hệ thống thống nhất từ Trung ương đến địa phương, thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước XHCN. Các chức năng, nhiệm vụ đó được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; đội ngũ CBCQCS, đội ngũ được Nhà nước ủy thác quyền lực, lấy danh nghĩa của Nhà nước để thực thi công vụ. Do vậy, hoạt động công vụ của CBCQCS mang tính quyền lực nhà nước. Việc CBCQCS thực thi tốt trách nhiệm của mình trong công vụ cũng đồng thời quyền lực nhà nước được thực hiện, cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vai trò này được thể hiện trong các mối quan hệ sau:

+ Trong mối quan hệ giữa CBCQCS với Nhà nước: CBCQCS có nghĩa vụ với Nhà nước, phục vụ nhân dân, có trách nhiệm thực hiện nghiêm minh các chức danh được giao, bảo đảm cho các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thi hành nghiêm chỉnh. Trong hoạt động công vụ, CBCQCS phải am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững nội dung công việc giải quyết thẩm quyền trách nhiệm mà Nhà nước giao phó.

+ Trong mối quan hệ Nhà nước và CBCQCS: bằng những quy định pháp luật, Nhà nước bảo đảm các quyền lợi của CBCQCS; xác định địa vị pháp lý của CBCQCS;

thực hiện các chế độ chính sách và đãi ngộ đối với CBCQCS; các quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm đối với CBCQCS.

+ Trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân: CBCQCS là người được Nhà nước ủy thác quyền lực, có trách nhiệm, nghĩa vụ phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lơi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, pháp luật phải tạo điều kiện để nhân dân thực hiện dân chủ.

Như vậy với sự điều chỉnh của pháp luật sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biết hướng dẫn và phát huy tính tự quản của dân, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, không tham nhũng, ức hiếp dân, được dân tín nhiệm theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, bảo đảm cho bộ máy nhà nước nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong điều kiện xây dựng NNPQ Việt Nam XHCN.

Chương 2

Thực trạng pháp luật về cán bộ chính quyền cấp cơ sở

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về cán bộ chính quyền cấp cơ sở theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay ppt (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)