- Về chế độ, chính sách đối với cán bộ chính quyền cơ sở
3.2.2.2. Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật về cán bộ chính quyền cơ sở
sở
Để hoàn thiện pháp luật về CBCQCS, cần phải nâng cao chất lượng pháp luật không chỉ đối với những văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội về CBCQCS mà còn cả những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương.
Xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật về CBCQCS nói riêng theo yêu cầu xây dựng NNPQ là một quá trình phức tạp và lâu dài. Trước mắt, nhiệm vụ của xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật về CBCQCS là phải tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, lập quy theo hướng đảm bảo tính dân chủ, hợp lý, khai thác tối đa trí tuệ và tâm huyết của nhân dân vào hoạt động xây dựng pháp luật. Tạo lập và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công cuộc cải cách hành chính, đảm bảo xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Việc tạo lập cơ sở pháp lý cho cải cách hành chính bao gồm nhiều bộ phận thể chế khác nhau, trong đó cần đặc biệt quan tâm xây dựng các thể chế phát huy và đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, nhất là các thể chế về tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở và CBCQCS, thể chế giám sát của nhân dân, các thể chế tự quản...
Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII đã chỉ rõ: nhiệm vụ có tính chất xuyên suốt, thường trực của việc xây dựng pháp luật là phấn đấu trong một thời gian nhất định nhà nước có thể quản lý đất nước chủ yếu bằng các đạo luật, coi trọng cả số lượng và chất lượng, bảo đảm tính khả thi của luật.
Từ những nhiệm vụ trên, hoạt động xây dựng pháp luật CBCQCS cần tập trung giải quyết những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, đặc biệt coi trọng chương trình xây dựng pháp luật, cả chương trình ngắn hạn, nhất là chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội. Cần gắn
chương trình này với yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về CBCQCS, phân định chính xác nhu cầu và các thứ bậc ưu tiên của luật, pháp lệnh cần ban hành, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện, ổn định và khả thi của hệ thống pháp luật về CBCQCS; nâng cao vai trò công tác dự kiến chương trình xây dựng pháp luật.
Đồng thời chương trình xây dựng pháp luật về CBCQCS phải là cơ sở cho việc lập chương trình lập qui của Chính phủ, các bộ, ngành, chương trình tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, gắn chương trình xây dựng pháp luật về CBCQCS với chương trình phổ biến và giáo dục pháp luật; tập trung nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự thảo và phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, bảo đảm các qui định của pháp luật về CBCQCS phải cụ thể, dễ hiểu; giảm bớt tình trạng có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành làm mất đi tính kịp thời của luật, sự thiếu chính xác, sai lệch trong các văn bản hướng dẫn; khẩn trương tổng kết quá trình tổ chức thực hiện các nghị định để có thể tiến hành pháp điển hóa thành luật khi đã có đủ điều kiện, qua đó nâng cao giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật về CBCQCS.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp luật để tạo chỗ dựa khoa học cho hoạt động xây dựng pháp luật về CBCQCS, đồng thời thường xuyên tổng kết thực tiễn về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính quyền cơ sở và CBCQCS trong điều kiện xây dựng NNPQ nhằm:
- Làm rõ về mặt lý luận và thực tiễn về chính quyền cơ sở và CBCQCS; vị trí, vai trò pháp luật về CBCQCS; phạm vi điều chỉnh, đối tượng mà pháp luật về CBCQCS cần điều chỉnh, phương pháp mà pháp luật CBCQCS điều chỉnh;
- Nghiên cứu, sửa đổi Pháp lệnh cán bộ, công chức ban hành năm 1998 theo hướng quy định rõ hơn về CBCQCS;
- Bổ sung hoàn thiện Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật về các vấn đề: thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật của chính quyền địa phương. Cần qui định rõ cấp chính quyền địa phương nào được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phạm vi qui định, tránh chồng chéo, nhất là phạm vi qui định giữa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các bộ, ngành; cũng cần chú ý những qui định hướng dẫn việc ra các qui chế tự quản ở các làng, xã, khối phố để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở; về việc lấy ý kiến của nhân dân để hình thành các dự thảo luật, pháp lệnh và xử lý các vi phạm pháp luật trong vấn đề này.
- Nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật trưng cầu dân ý nhằm tạo tiền đề pháp lý cao cho việc đảm bảo dân chủ, công bằng trong xây dựng pháp luật.