- Về chế độ, chính sách đối với cán bộ chính quyền cơ sở
3.2.1.1. Tiêu chuẩn cơ bản để xác định mức độ hoàn thiện của pháp luật về cán bộ chính quyền cơ sở
luật về cán bộ chính quyền cơ sở
3.2.1. Phương hướng cơ bản
3.2.1.1. Tiêu chuẩn cơ bản để xác định mức độ hoàn thiện của pháp luật về cán bộ chính quyền cơ sở cán bộ chính quyền cơ sở
Để đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật về CBCQCS, cần phải dựa vào bốn tiêu chuẩn cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tính toàn diện, hoàn chỉnh
Tính toàn diện là tiêu chuẩn đầu tiên thể hiện mức độ hoàn thiện của pháp luật về CBCQCS.
Tính toàn diện đòi hỏi pháp luật về CBCQCS ở khả năng bao quát toàn bộ các quan hệ xã hội, đảm bảo không một quan hệ xã hội nào thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về CBCQCS đứng ngoài sự điều chỉnh của nó. Vì vậy, pháp luật về CBCQCS phải mở rộng hơn nữa phạm vi điều chỉnh của mình để có thể bao quát được phần lớn các vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ, cơ chế tổ chức, phương thức hoạt động của đội ngũ CBCQCS đều được dựa trên một hệ thống qui phạm pháp luật đầy đủ, vững chắc.
Yêu cầu chung của tính toàn diện của pháp luật về CBCQCS, thể hiện ở sự đầy đủ các chế định, các qui phạm pháp luật theo cơ cấu nội dung lôgíc khách quan và sự thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật tương ứng. Cơ sở xác định cơ cấu các
chế định là tính đặc thù của các quan hệ xã hội và sự điều chỉnh của pháp luật về CBCQCS.
Tính toàn diện của pháp luật về CBCQCS đòi hỏi không chỉ ở sự đầy đủ các chế định mà còn đòi hỏi ở sự phù hợp về cơ cấu, sự đồng bộ giữa các chế định và các chế định đó phải cùng nằm trên một mặt bằng phát triển.
Thứ hai, tính thống nhất, đồng bộ
Hệ thống pháp luật bao gồm nhiều bộ phận liên quan và thống nhất với nhau. Khi xem xét mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật, phải tính đến việc giữa các bộ phận của hệ thống pháp luật có trùng lắp, chồng chéo hay mâu thuẫn không. Một hệ thống pháp luật không đồng bộ, giữa các bộ phận của nó chứa đựng mâu thuẫn, chồng chéo, thì hệ thống ấy không thể tạo ra sự điều chỉnh pháp luật có hiệu quả.
Sự đồng bộ của pháp luật về CBCQCS trước hết được xác định bởi sự đồng bộ giữa các chế định pháp luật của nó. Để đạt được điều này, pháp luật về CBCQCS cần phải chú ý xác định rõ ranh giới các chế định, tạo ra được hệ thống qui phạm căn bản thống nhất.
Sự đồng bộ của pháp luật về CBCQCS còn được xác định bởi sự thống nhất giữa các qui phạm pháp luật tạo ra lôgíc khách quan trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội do chế định đó điều chỉnh.
Đối với pháp luật về CBCQCS sự thống nhất, đồng bộ được thể hiện qua hai yêu cầu:
+ Một là, sự thống nhất, đồng bộ ngay trong nội tại của pháp luật về CBCQCS. Giữa các qui phạm pháp luật về CBCQCS phải thống nhất với nhau. Việc qui định chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ trong nhiều văn bản qui phạm pháp luật còn rất khác nhau như hiện nay thì chưa thể coi là thống nhất, đồng bộ được.
+ Hai là, sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về CBCQCS với bộ phận khác của hệ thống pháp luật. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX thì cán bộ cơ sở được coi là "cán bộ, công chức cơ sở" thuộc hệ thống chính trị ở cơ sở. Vì vậy, điều quan trọng là phải thiết kế sao cho các quy định pháp luật về "cán bộ, công chức cơ sở" thống nhất với các quy định pháp luật về cán bộ, công chức nhà nước và không mâu thuẫn với pháp luật, văn bản quản lý nhà nước cấp trên.
Thứ ba, tính phù hợp với thực tiễn và có sự ổn định nhất định
Hệ thống pháp luật được hình thành do nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội, hướng chúng phát triển theo một trật tự nhất định. Xã hội nào, pháp luật ấy. Pháp luật là một phạm trù chủ quan, phản ánh hiện thực khách quan. Sự phản ánh đó xuất phát từ đòi hỏi của đời sống hiện thực; không thể cao hơn trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Pháp luật có phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan thì mới điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội và mới được xã hội chấp nhận.
Tính khách quan của pháp luật quy định tính khách quan của hoạt động hoàn thiện pháp luật, như C. Mác đã khẳng định: "Quyền lập pháp không tạo ra pháp luật, nó chỉ phát hiện và nêu pháp luật" [14, tr. 311].
Để hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CBCQCS đảm bảo được tính khách quan, đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn xã hội, thực tiễn yêu cầu của quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bám sát thực tiễn pháp lý trên cơ sở tổng kết tình hình thi hành pháp luật về CBCQCS; đánh giá thực trạng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến CBCQCS; khảo sát đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, thực trạng thái độ, tâm lý, phản ứng của dư luận xã hội, của giai cấp, tầng lớp, cộng đồng dân cư đối với những vấn đề, những nội dung chính, cơ bản về CBCQCS.
Tính khách quan trong hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CBCQCS cũng đòi hỏi phải khắc phục, gạt bỏ căn bệnh cục bộ địa phương, cục bộ ngành, đề cao lợi ích, sự thuận tiện cho địa phương mình, ngành mình, coi thường lợi
ích chung, lợi ích chính đáng của xã hội, của ngành, địa phương khác trong quá trình xây dựng pháp luật về CBCQCS.
Tính khách quan trong hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CBCQCS còn đòi hỏi việc ban hành pháp luật đó phải phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết của nhân dân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về CBCQCS theo những quy định nội tại của nó với nhu cầu điều chỉnh pháp luật của cuộc sống.
Do vậy, tính phù hợp của pháp luật về CBCQCS thể hiện sự tương quan giữa trình độ của pháp luật với trình độ phát triển của kinh tế - xã hội. Nó không thể thấp hơn hoặc cao hơn trình độ phát triển của kinh tế - xã hội nhưng phải đón đầu được sự phát triển của xã hội trong một tương lai gần. Tính phù hợp của pháp luật thể hiện nhiều mặt. Khi xem xét tiêu chuẩn này, cần chú ý đến các mặt và giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức, tập quán, truyền thống và các qui phạm xã hội khác.
Điều này có nghĩa là các quy định pháp luật về CBCQCS phải có nội dung phù hợp với thực tiễn xã hội, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế- chính trị- xã hội, phải phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc. Đồng thời pháp luật về CBCQCS phải có tính ổn định. Việc bố trí các thành viên và các chức danh chuyên môn của UBND như hiện nay (theo Nghị định 174/CP và Nghị định 09/CP) còn gò bó, cứng nhắc, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng cơ sở, có nơi thiếu, nơi thừa... về chế độ, chính sách đối với CBCQCS thay đổi luôn, chỉ trong vòng 6 năm (1993- 1998), Chính phủ đã ba lần ra nghị định về chế độ sinh hoạt phí đối với các bộ, xã, phường, thị trấn (Nghị định số 46/CP năm 1993; Nghị định số 50/CP năm 1995 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP năm 1998). Do đó, chưa thể coi các quy phạm pháp luật về CBCQCS là đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn và có tính ổn định được.
Thứ tư, tính kỹ thuật lập pháp cao
Kỹ thuật lập pháp là một vấn đề rộng lớn, phức tạp, bao gồm tổng thể những phương pháp, phương tiện được sử dụng trong quá trình soạn thảo và hệ thống hóa pháp
luật, chứa đựng các nguyên tắc, các quy tắc khoa học nhằm đảm bảo cho pháp luật có được đầy đủ các khả năng để điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội. Hoạt động này đòi hỏi phải có tính chuyên môn và trình độ pháp lý: ngôn ngữ pháp lý phải đảm bảo tính cô động, lôgíc, chính xác và một nghĩa.
Để pháp luật về CBCQCS có chất lượng, rõ ràng là nó phải được xây dựng, ban hành bởi một trình độ kỹ thuật lập pháp cao. Đồng thời, phải đảm bảo theo đúng quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996.
Để đáp ứng được yêu cầu của tính hoàn thiện nói trên, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CBCQCS ở nước ta giai đoạn hiện nay cần đi theo những hướng cơ bản như: xác định nội dung điều chỉnh của pháp luật về CBCQCS; mở rộng và củng cố dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật về CBCQCS; đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp và nguyên tắc pháp chế trong quá trình hoàn thiện pháp luật về CBCQCS.