Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về cán bộ chính quyền cấp cơ sở theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay ppt (Trang 72 - 75)

Hồ Chí Minh đã nói: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Theo tinh thần đó, cán bộ nhà nước ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở, các ngành trong bộ máy quản lý nhà nước và cả trong hệ thống chính trị đều phải được đào tạo bồi dưỡng.

Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở nói riêng. Đại hội

Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chủ trương: "Đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công

chức với chương trình nội dung sát hợp; chú trọng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn"

[12, tr. 341]. Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương, nhất là CBCQCS.

Tại Quyết định số 874/TTg ngày 20/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã quy định mục tiêu của công tác đào tạo, bồi dưỡng là nhằm trang bị những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với công vụ, có trình độ quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu của việc kiện toàn và nâng cao hiệu của bộ máy nhà nước.

Đến Quyết định số 74/2001/QĐ-TTG ngày 07/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức trong giai đoạn 2001- 2005 đã quy định mục tiêu của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở cấp xã là bảo đảm hàng năm có 20 % cán bộ cơ sở cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ tùy theo tính chất và yêu cầu công việc đảm nhiệm; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng trung cấp trở lên về hành chính lý luận chính trị, chuyên môn cho các chức danh tùy theo yêu cầu công việc.

Để thực hiện được mục tiêu, Quyết định 74 nói trên cũng quy định tiến độ, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở cấp xã, cụ thể:

Trong thời gian 2001- 2002, đào tạo, bồi dưỡng tất cả các thành viên UBND xã (kể cả những người được tái bầu) về kiến thức quản lý nhà nước trong đó, thứ tự ưu tiên cho số cán bộ giữ chức vụ chủ chốt và những người mới lần đầu tham gia công tác chính quyền.

Bảo đảm 50% cán bộ chủ chốt cơ sở cấp xã (bao gồm Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và UBND, Trưởng các đoàn thể) tại các vùng thành thị, đồng bằng và trung du có trình độ trung cấp trở lên về chuyên môn và lý luận chính trị vào năm 2005. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vừa đào tạo trình độ sơ cấp, vừa lựa chọn để quy hoạch đào tạo trình độ trung cấp cho 25% đội ngũ cán bộ này.

Đối với các chức danh chuyên môn ở cấp cơ sở, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhiệm. Đến năm 2005 phấn đấu 35% số cán bộ này được đào tạo trình độ trung cấp chuyên môn trở lên.

Trong thời gian 2001- 2005 tổ chức bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước cho tất cả những Trưởng thôn, Trưởng bản... kể cả những người được bồi dưỡng trước đây.

Tất cả đại biểu HĐND phải được bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước và kiến thức về vai trò, nhiệm vụ, kỹ năng hoạt động của một đại biểu HĐND.

Nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCQCS, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền địa phương. Các cơ sở này đang xúc tiến khẩn trương công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCQCS theo các chương trình khác nhau do hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia (nay thuộc Bộ Nội vụ) biên soạn, trang bị cho đội ngũ này kiến thức về lý luận chính trị, quản lý hành

chính nhà nước và nội dung kiến thức khác phục vụ cho hoạt động của từng đối tượng cụ thể. Đã có hàng vạn người sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, trở về địa phương công tác giữ các cương vị khác nhau trong bộ máy chính quyền cơ sở. Nhìn chung những người được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức về lý luận chính trị, về quản lý hành chính nhà nước và kiến thức pháp luật... khi trở về địa phương công tác đều phát huy được tác dụng, trở thành lực lượng nòng cốt trong giải quyết các công việc tại cơ sở.

Mặc dù trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCQCS được Đảng, Nhà nước quan tâm, các cơ sở đào tạo xúc tiến mạnh, nhưng nhìn vào đội ngũ CBCQCS hiện nay còn nhiều bất cập. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu khoa học Tổ chức Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ về trình độ của thành viên HĐND và UBND và cán bộ chuyên môn thuộc UBND cấp xã trong nhiệm kỳ 1999- 2004, ở 4 nội dung là trình độ học lực (văn hóa), lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước và chuyên môn

nghiệp vụ còn rất hạn chế (xem phụ lục: Báo cáo tổng hợp chất lượng cán bộ hệ thống

chính trị cấp xã: kết quả điều tra 48 xã, thuộc 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - số liệu của Viện Nghiên cứu khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, tháng 12- 2001).

Trên thực tế, những kiến thức mà cán bộ cơ sở cấp xã thu nhận được từ các khóa đào tạo còn rất hạn chế, có nhiều khi kiến thức vẫn chỉ là lý thuyết xa rời thực tế, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc của Nhà nước. Hiện tượng này được xem xét từ nhiều nguyên nhân như từ phía người đi học; từ phía các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhưng cũng phải thừa nhận rằng năng lực hoạt động nghiệp vụ, trước hết là nghiệm vụ quản lý, kỹ năng và phương pháp xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch của đội ngũ công chức quản lý đào tạo chưa cao. Đặc biệt, chúng ta chưa xây dựng được một thể chế hoàn chỉnh quy định rõ ràng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn liền với việc phân công phân cấp có khoa học, với hệ thống tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hợp lý và một hệ thống cơ quan quản lý thông suốt, thích hợp.

Do vậy, trong giai đoạn 2001- 2005 việc xây dựng và ban hành những văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, về chương trình, giáo trình, về chứng chỉ, về giảng viên... là một đòi hỏi cấp thiết.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về cán bộ chính quyền cấp cơ sở theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay ppt (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)