Kiến nghị với Bộ Tài Chính và Tổng cục thuế

Một phần của tài liệu Tăng cường thanh tra thuế đối với doanh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Cục thuế tỉnh Bắc Ninh (Trang 98 - 101)

6. Bố cục của luận văn

4.3.2. Kiến nghị với Bộ Tài Chính và Tổng cục thuế

Để công tác quản lý thuế nói chung và công tác thanh tra thuế đối với DN FDI tại Bắc Ninh nói riêng đạt kết quả cao hơn nữa, xin đưa ra một số kiến nghị với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế như sau:

Một là, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thuế sao cho phù hợp và thống nhất:

Cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thuế và quản lý thuế cho phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Trước khi ban hành văn bản hướng dẫn Luật thuế cần tham khảo ý kiến của đông đảo cán bộ thuế, những người trực tiếp tham gia quản lý thuế. Việc tham gia ý kiến đóng góp hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy về thuế hiện vẫn đang được tiến hành nhưng vẫn mang nặng tính hình thức, với thời gian nghiên cứu rất gấp nên hiệu quả chưa cao, chưa tập hợp được những đề xuất mang ý nghĩa thực tiễn, tiến bộ. Trong thời gian tới, khi hàng loạt các quy định về thuế cần phải được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước thì việc tham gia ý kiến đóng góp của cán bộ thuế lại càng mang ý nghĩa thiết thực, đòi hỏi phải tập trung và đi sâu vào thực tiễn thực hiện công tác quản lý thuế.

Thực tế ngành thuế nước ta hiện nay đang tồn tại hiện tượng có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, phức tạp, thiếu tính hệ thống, thậm chí cùng là văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế nhưng lại có nội dung không thống nhất, hay trái ngược nhau. Điều này gây khó khăn trực tiếp cho NNT khi muốn thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của mình và khó khăn cho cả cán bộ thuế khi thực hiện theo văn bản hướng dẫn. Điển hình nhất vẫn là hệ thống Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn liên quan đến thuế TNCN. Có quá nhiều thông tư, công văn hướng dẫn của Bộ Tài Chính và Tổng cục Thuế với nội dung liên tục sửa đổi, bổ sung hay thay đổi về mẫu biểu, cách thức hoàn thuế, bù trừ thuế, nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế... gây ra những phản ứng thiếu tích cực từ phía người dân. Hệ thống văn bản liên quan đến thuế GTGT, TNDN và TNCN cũng liên tục thay đổi khiến cho DN khó theo dõi và thực hiện cho đúng. Công tác quản lý thuế nói chung và thanh tra thuế nói riêng cũng bị ảnh hưởng. Cơ quan thuế liên tục nhận được những ý kiến phàn nàn về chính sách thuế từ phía các nhà đầu tư nước ngoài do họ không thể theo kịp sự thay đổi của chính sách thuế.

Hai là, tăng cường lực lượng cán bộ thanh tra thuế:

Do số lượng DN ngày càng tăng nhanh cùng với sự đa dạng, phong phú, phức tạp của các loại hình, ngành nghề kinh doanh nên công tác thanh tra thuế ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thanh tra thuế được bổ sung hàng năm rất ít, không đủ nhân lực để thực hiện tốt công việc được giao. Tại Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, theo chỉ tiêu phân công từ Tổng cục thuế, đã tuyển dụng được một

số cán bộ thuế mới nhưng lại ưu tiên cho bộ phận Kê khai kế toán thuế, Tuyên truyền hỗ trợ NNT, Quản lý và cưỡng chế nợ thuế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho hiệu quả thanh tra thuế hàng năm chưa cao, có năm không hoàn thành kế hoạch thanh tra thuế. Vì vậy, kiến nghị Tổng cục Thuế tăng thêm chỉ tiêu tuyển dụng cán bộ, có kế hoạch luân chuyển cán bộ sang bộ phận thanh tra thuế để tăng cường lực lượng cán bộ phục vụ trực tiếp công tác thanh tra thuế.

Ba là, kiến nghị Tổng cục Thuế sớm ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan:

Việc ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình chống gian lận thuế, gian lận thương mại. Khi quy chế này được thực hiện, việc xây dựng phần mềm kết nối mạng giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục hải quan được xúc tiến, cán bộ hai ngành đều có thể tra cứu thông tin xuất nhập khẩu của DN, phối hợp trong việc truy thu thuế hay hoàn thuế GTGT khâu nhập khẩu cho DN.

Hiện nay, cơ quan Hải quan thực hiện thu thuế GTGT hàng nhập khẩu của DN. Nhưng khi DN nộp thừa, nộp sai thuế GTGT hàng nhập khẩu thì cơ quan thuế có trách nhiệm giải quyết hoàn thuế GTGT cho DN. Điều này gây khó khăn cho cơ quan thuế khi cơ quan Thuế không thực thu nhưng phải thực hiện hoàn thuế.

Đồng thời, dữ liệu về thực xuất, thực nhập hàng hoá của DN được thể hiện trên hệ thống phần mềm sẽ giúp cán bộ thuế nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của DN một cách chính xác, tránh hiện tượng DN kê khai trốn doanh thu xuất khẩu. Riêng với DN FDI, doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu cung cấp hàng hoá dịch vụ, là đối tượng hoàn thuế do xuất khẩu nhiều. Việc nắm bắt thông tin về xuất nhập khẩu của khối DN này một cách kịp thời, chính xác sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác quản lý thuế, hoàn thuế GTGT và thanh tra thuế. Hiện tượng DN đề nghị hoàn thuế GTGT cho hàng hoá xuất khẩu trong khi chưa thực xuất, chưa hoàn thành thủ tục hải quan, chưa đáp ứng điều kiện để được hưởng thuế suất thuế GTGT đầu ra 0% sẽ được kiểm soát tối đa.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế:

Kiến nghị Tổng cục Thuế thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý thuế và thanh tra thuế đối với DN FDI với các

chuyên gia thuế nước ngoài. Mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy trực tiếp các chương trình thanh tra thuế nâng cao cho cán bộ thuế nhằm bắt kịp với kinh nghiệm và kỹ thuật thanh tra tiên tiến của nước bạn.

Cử cán bộ thuế có trình độ chuyên môn giỏi, cam kết thời gian cống hiến lâu dài cho ngành thuế tham gia các chương trình du học, chương trình trao đổi, chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn về thuế ở nước ngoài, nhất là các nước đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam.

Kết quả hoạt động chống gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng, một hoạt động có liên quan đến các cơ sở kinh doanh nước ngoài và cơ quan thuế nước ngoài, phụ thuộc khá nhiều vào khả năng hợp tác quốc tế của cơ quan thuế Việt Nam. Thông qua việc trao đổi thông tin thuế với cơ quan thuế nước ngoài, cơ quan thuế Việt Nam sẽ nắm được những chứng cứ, tài liệu để đấu tranh chống gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng. Sự hợp tác hiệu quả giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài sẽ giúp chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại quốc tế cũng như tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Để ngăn chặn bớt hoạt động chuyển giá Bộ tài chính đã ban hành Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế trong quản lý thuế.

Do đó, trong thời gian tới, cơ quan thuế Việt Nam cần xúc tiến soạn thảo, đàm phán các điều ước quốc tế, các hiệp định song phương hoặc đa phương về thuế; tăng cường trao đổi thông tin thuế với cơ quan thuế các nước, hợp tác chống gian lận thuế quốc tế.

Một phần của tài liệu Tăng cường thanh tra thuế đối với doanh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Cục thuế tỉnh Bắc Ninh (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)