Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra thuế

Một phần của tài liệu Tăng cường thanh tra thuế đối với doanh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Cục thuế tỉnh Bắc Ninh (Trang 88 - 91)

6. Bố cục của luận văn

4.2.2.Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra thuế

4.2.2.1. Xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về NNT phục vụ công tác thanh tra thuế

Từ trước đến nay, việc thu thập và xử lý thông tin, đánh giá độ chính xác, so sánh và phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn đối với người sở hữu thông tin luôn có tầm quan trọng đặc biệt, thậm chí quyết định cục diện vấn đề. Trong thời đại ngày nay, đối với chủ thể quản lý hoặc kinh doanh, thông tin càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ quá trình hoạt động. Việc thu thập, đánh giá, so sánh, phân tích, xử lý thông tin để từ đó ra quyết định đúng đắn nhất, luôn được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết, một yếu tố không thể thiếu của chủ thể quản lý.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ đối với việc phân tích, đánh giá rủi ro phục vụ quá trình lập kế hoạch thanh tra và thanh tra thuế tại cơ sở NNT, nhất thiết phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và thường xuyên được cập nhật theo hai dạng chính sau:

* Hệ thống thông tin trực tiếp:

Thông tin trực tiếp là những thông tin do cơ quan thuế thu thập trực tiếp từ DN, do DN báo cáo với cơ quan thuế hoặc qua theo dõi trực tiếp DN và bao gồm: thông tin thu thập từ hồ sơ pháp lý của NNT: loại hình DN, quy mô, cơ cấu tổ chức; thông tin thu thập từ các tờ khai tháng, tờ khai quý, tờ khai quyết toán, báo cáo tài chính, hồ sơ giao dịch liên kết; thông tin về tình hình tuân thủ pháp luật thuế của DN; thông tin thu được qua quá trình thanh tra, kiểm tra tại DN; thông tin do các cơ quan thuế địa phương khác cung cấp. Một nguồn thông tin trực tiếp đầy đủ, chính xác là cơ sở bước đầu để cơ quan thuế phân tích, đánh giá rủi ro, lập kế hoạch, thanh tra thuế.

* Thông tin gián tiếp

Thông tin gián tiếp là những thông tin do cơ quan thuế thu thập từ các nguồn ngoài cơ quan thuế và DN - nguồn thông tin từ các bên thứ ba. Thông tin gián tiếp sẽ được cơ quan thuế sử dụng để so sánh, đánh giá lại các thông tin trực tiếp.

Việc thu thập thông tin gián tiếp có thể từ các nguồn sau: hiệp hội ngành nghề, đại diện các DN; phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình, đài phát thanh, internet; qua tố cáo trong nội bộ DN hoặc từ các đối thủ cạnh tranh; các cơ quan quản lý Nhà nước; thống kê tình hình kinh tế xã hội; nguồn thông tin của nước ngoài, thông tin về các tập đoàn kinh tế, các công ty mẹ - con, thông tin về thị trường chứng khoán.

Việc thu thập, xây dựng kho dữ liệu thông tin gián tiếp rất quan trọng vì các thông tin gián tiếp cho phép cơ quan thuế đánh giá khách quan, toàn diện, thực tế tình hình tuân thủ pháp luật của NNT. Xây dựng kho dữ liệu thông tin trực gián sẽ cho phép cơ quan thuế kết hợp với nguồn thông tin trực tiếp để phân tích, đánh giá rủi ro chính xác hơn.

Hiện tại, CQT đã xây dựng hệ thống kê khai thuế trực tuyến, có thể xem đây là bước tiến lớn của ngành thuế. Tuy nhiên, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của CQT với các thông tin cơ bản như: đặc điểm, quy mô, cơ cấu tổ chức của NNT, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình kê khai, nộp thuế, lịch sử hành vi vi phạm pháp luật của NNT, thông tin khác liên quan đến NNT có từ bên thứ ba như ngân hàng, khách hàng của NNT,…Trên cơ sở thông tin thu thập được sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bộ phận thanh tra thuế phân tích NNT theo mức độ rủi ro về thuế. Việc xây dựng kho dữ liệu thông tin còn khá mới đối với cơ quan thuế. Do đó cơ quan thuế cần có sự hợp tác, học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến, có kinh nghiệm cũng như có sự định hướng cụ thể, hoạch định kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác kho dữ liệu này.

Đồng thời, cơ quan thuế cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức, những nguồn hợp tác, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để xây dựng kho dữ liệu này như:

- Cơ quan Hải quan: cung cấp thông tin về hoạt động xuất, nhập khẩu của DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài; cung cấp, hỗ trợ thông tin về việc nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT hàng nhập khẩu.

- Cơ quan Công an: cung cấp thông tin về tình hình xuất nhập cảnh của người nước ngoài, các thông tin về tội phạm kinh tế, DN, chủ DN vi phạm pháp luật và các dấu hiệu vi phạm khác.

- Tổng cục Thống kê: các thống kê cụ thể về tình hình DN, các ngành nghề, khu vực kinh tế, vùng kinh tế, thông tin kinh tế ngành.

- Bộ (Sở) Kế hoạch và Đầu tư: cung cấp thông tin về tình hình đăng ký kinh doanh, những thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, số lượng DN, lượng vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, phối hợp xử lý các trường hợp DN bỏ trốn, mất tích và một số chỉ tiêu khác.

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: cung cấp các dữ liệu về ngành nghề, các chỉ số tăng trưởng, khả năng sinh lời.

- Bộ (Sở) Thương mại: cung cấp số liệu thống kê về xuất nhập khẩu, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, các vấn đề liên quan đến độc quyền và cạnh tranh, hạn ngạch…

- Bộ Lao động, thương binh và xã hội: cung cấp thông tin về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, các chính sách liên quan đến người lao động.

- Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng liên quan: cung cấp các thông tin về giao dịch qua ngân hàng, thông tin về tài khoản đầu tư vốn

Tuy nhiên, để hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thuế hiệu quả, các thông tin đầy đủ và được cập nhật thường xuyên, cơ quan thuế cần sớm thành lập một bộ phận chuyên trách thu thập và xử lí thông tin. Đồng thời, Nhà nước cũng cần luật hóa cơ chế sử dụng các thông tin do cơ quan thuế thu thập trong công tác quản lí thuế nói chung và thanh tra thuế nói riêng. Chỉ khi có một cơ quan chuyên thu thập xử lí thông tin, một cơ sở dữ liệu thuế đầy đủ, cập nhật kịp thời và một cơ chế, chính sách rõ ràng qui định việc sử dụng thông tin được khai thác từ cơ sở dữ liệu này thì hoạt động thanh tra thuế mới thực sự phát huy sức mạnh.

4.2.2.2. Phát triển hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác thanh tra thuế

- Bổ sung phần mềm liên thông các phần mềm hiện có:

Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản thì Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh đã áp dụng một số ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế như: BCTC (quản lý báo cáo tài chính) TTR, TPR (phần mềm quản lý, hỗ trợ thanh tra thuế) QLT (TINC, QTT, QHS, QLCV…).

Tuy nhiên, mối liên thông dữ liệu cơ sở giữa các ứng dụng này chưa tốt, dẫn đến nhiều thông tin phải nhập lại, không tận dụng được nguồn dữ liệu đã có. Ví dụ:

+ Quyết định thanh tra thuế tại cơ sở NNT khi ban hành đã được cập nhật vào QLCV, nhưng nếu muốn theo dõi quá trình thanh tra trên TTR thì phải nhập lại quyết định này.

+ Các dữ liệu trên báo cáo tài chính của DN đã được quét mã vạch từ chương trình hỗ trợ kê khai HTKK nhưng khi muốn có dữ liệu tại ứng dụng BCTC thì cán bộ phải nhập lại thông tin.

Do vậy, cần thiết phải xây dựng phần mềm có chức năng liên thông, kết nối thông tin giữa các ứng dụng hiện có để khai thác triệt để nguồn tài nguyên thông tin, tránh lặp đi lặp lại các thao tác kỹ thuật gây mất thời gian và tránh được những sai sót trong quá trình nhập dữ liệu thủ công.

Đặc biệt, cần bổ sung chức năng kết nối giữa chương trình QLCV và QLT đối với các quyết định thanh tra. Theo quy định của Luật quản lý thuế, NNT có quyền điều chỉnh hồ sơ khai thuế vào bất cứ thời điểm nào trước khi cơ quan thuế ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra thuế. Vì vậy, việc liên thông thông tin về thời điểm công bố quyết định thanh tra thuế sang chương trình QLT làm cơ sở khoá không cho phép điều chỉnh, bổ sung hồ sơ khai thuế của NNT là vô cùng quan trọng.

- Cần nhanh chóng xây dựng và tổ chức hướng dẫn sử dụng phần mềm phân tích rủi ro để lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra.

- Thường xuyên nâng cấp phần mềm tra cứu hoá đơn DN bỏ trốn để hỗ trợ cho công tác thanh tra thuế.

- Nâng cấp cơ sở dữ liệu về NNT, các chỉ tiêu, đánh giá phân tích tình hình nộp thuế của NNT. Thường xuyên cập nhật thông tin về NNT, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu thông tin về NNT. Bổ sung các trường dữ liệu về NNT trên hệ thống quản lý NNT như: thời hạn hoạt động, thông tin về các bên góp vốn, số người lao động hàng năm, mức độ ưu đãi, miễn giảm thuế, số lần được thanh tra thuế, thời kỳ đã thanh tra thuế, số lần bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế.

Một phần của tài liệu Tăng cường thanh tra thuế đối với doanh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Cục thuế tỉnh Bắc Ninh (Trang 88 - 91)