6. Bố cục của luận văn
1.3.2. Các nhân tố khách quan
1.3.2.1. Cơ chế quản lý thuế
Để quản lý thu thuế, người ta thường áp dụng một trong hai cơ chế: cơ quan thuế tính mức thuế và ra thông báo nộp thuế hoặc NNT tự khai tự nộp thuế. Cụ thể:
- Cơ chế cơ quan thuế tính mức thuế và ra thông báo nộp thuế:
Trước đây, Việt Nam đã thực hiện quản lý thu thuế theo cơ chế này. Theo cơ chế này, cơ quan thuế căn cứ và tờ khai thuế do NNT kê khai để kiểm tra và tính thuế, sau đó thông báo số thuế phải nộp cho NNT. NNT có trách nhiệm nộp đầy đủ tiền thuế theo thông báo trong thời gian quy định. Cơ chế này đảm bảo việc tính toán chính xác số thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước của NNT. Tuy nhiên cơ chế này tạo nên gánh nặng về nghiệp vụ cho cơ quan thuế, dễ xảy ra hiện tượng tiêu cực giữa cán bộ thanh tra thuế và NNT làm thất thu ngân sách Nhà nước, mang tính áp đặt và không phát huy được trách nhiệm và nghĩa vụ của NNT. Do vậy, công tác thanh tra thuế gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thu thuế thấp.
Nhằm khắc phục những hạn chế đó, nước ta đã chuyển sang cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế.
- Cơ chế NNT tự khai tự nộp thuế:
Theo đó, NNT căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh và các nghiệp vụ phát sinh của mình để tự kê khai, tự tính toán số thuế phải nộp và chủ động nộp thuế theo đúng thời hạn quy định của pháp luật thuế. Cơ quan thuế không can thiệp vào quá trình kê khai nộp thuế trừ khi phát hiện các sai sót và các dấu hiệu vi phạm của NNT. Cơ quan thuế có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn để NNT hiểu rõ và tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật thuế của NNT. Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra thuế để phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm của NNT.
Thực hiện cơ chế tự khai tự nộp thuế, bộ máy quản lý thuế được tổ chức tập trung theo các chức năng: tuyên truyền hỗ trợ NNT; xử lý tờ khai và kế toán thuế,
thu nợ và cưỡng chế thuế, kiểm tra và thanh tra thuế. Trong đó chức năng thanh tra kiểm tra thuế là chức năng trọng tâm.
Chỉ khi NNT nhận thức rằng cơ quan thuế đang thực hiện các chương trình thanh tra thuế và nếu có gian lận về thuế, họ sẽ bị cơ quan thuế phát hiện và xử lý, NNT mới có ý thức hơn trong việc thực hiện đúng nghĩa vụ thuế. Trong cơ chế tự khai tự nộp, công tác thanh tra không phải để tăng số thu thuế mà mục tiêu chính là nhằm ngăn ngừa, phát hiện kịp thời những vi phạm về thuế. Cơ chế này tạo nên sự thông suốt cũng như phát huy được tính tương tác hai chiều giữa cơ quan thuế và NNT.
1.3.2.2. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thuế
Hệ thống pháp luật về thuế là nền tảng cho hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT. Một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế đơn giản, đồng bộ, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trước hết giúp NNT hiểu và thực hiện đúng nghĩa vụ thuế. Đồng thời, đó cũng là cơ sở pháp lý để hoạt động thanh tra thuế đi vào khuôn khổ, tuân theo đúng những chuẩn mực, quy trình, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm mà pháp luật thuế quy định.
Nếu nội dung của các sắc thuế quá phức tạp, qui định không rõ ràng, thủ tục hành chính về thuế rườm rà sẽ khó khăn cho cả cán bộ thuế và NNT. Ví dụ: thuế suất thuế giá trị gia tăng vừa qui định theo nhóm mặt hàng, vừa qui định theo ngành nghề kinh doanh thì một mặt hàng có thể được hiểu và xác định theo thuế suất đối với một nhóm mặt hàng này nhưng lại có thể xác định là thuế suất của một ngành nghề kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, tính ổn định của hệ thống văn bản pháp luật về thuế cũng tác động rất lớn đến việc chấp hành pháp luật thuế của cả cơ quan thuế và NNT. Hệ thống văn bản liên tục thay đổi, sửa đổi, bổ sung có thể phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, với các chính sách vĩ mô của Nhà nước nhưng lại có mặt trái là dễ gây chồng chéo, phức tạp, khó nắm bắt. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tuân thủ của NNT và gây khó khăn cho công tác quản lý thuế nói chung và thanh tra thuế nói riêng.
1.3.2.3. Trình độ dân trí và ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của NNT
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế xã hội trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng
cao. Khi người dân thực sự hiểu biết pháp luật về thuế, có ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ nộp thuế thì hiệu quả của công tác quản lý thuế sẽ rất cao. Ngược lại, người dân sẽ không có thái độ rõ ràng trước các hành vi trốn thuế, gian lận về thuế, thậm chí còn thờ ơ, khuyến khích, đồng tình, và trong việc kê khai, tính thuế, tự giác nộp thuế của mỗi người dân sẽ không đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, kịp thời..., sẽ dấn đến hậu quả là nguồn thu từ thuế khó tránh khỏi thất thu, không đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, công tác quản lý thuế kém hiệu quả.
Trình độ dân trí càng cao, sự hiểu biết về pháp luật thuế càng cao thì khả năng trốn thuế cũng như các thủ đoạn trốn thuế, ẩn lậu thuế của NNT cũng ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn. Do vậy công tác thanh tra thuế càng phải sát sao, kịp thời hơn để nhanh chóng phát hiện các gian lận, nâng cao hiệu quả thanh tra thuế và quản lý thuế.
1.3.2.4. Sự hợp tác giữa các cơ quan hữu quan và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế
Trách nhiệm của các cơ quan và tổ chức với việc quản lý thu thuế chưa được qui định đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản pháp luật hóa sẽ dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân này không thực hiện việc cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong điều tra xác định mức thuế, thực hiện cưỡng chế về thuế...
Sự phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an, kiểm sát, quản lý thị trường trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống làm hàng giả, chống trốn lậu thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, chống buôn bán hoá đơn bất hợp pháp... sẽ có tác dụng tốt trong việc phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật thuế. Cơ chế quản lý thuế hiện nay cũng đòi hỏi sự hợp tác đặc biệt giữa cơ quan thuế và các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin về NNT cũng như thực hiện phong toả tài khoản ngân hàng, cưỡng chế nộp thuế trong một số trường hợp nhất định.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, sự hợp tác hiệu quả giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài sẽ giúp chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế cũng như tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
1.4. Kinh nghiệm thanh tra thuế trên thế giới, trong nƣớc và bài học rút ra cho Cục thuế tỉnh Bắc Ninh