Ngôn ngữ giàu chất thơ

Một phần của tài liệu hình tượng cái tôi văn hóa trong tùy bút đỗ chu (Trang 100 - 104)

5. Phương pháp nghiên cứu

3.2. Ngôn ngữ trong tùy bút Đỗ Chu

3.2.1. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống văn hóa với những làn điệu quan họ đằm thắm trữ tình, ngay từ khi còn thơ trẻ Đỗ Chu đã bị chất trữ tình đằm thắm của lời ca tiếng hát ấy thâm nhập vào giọng nói tiếng cười của ông một cách tự nhiên. Lớp ngôn từ giàu chất thơ được biểu hiện trước hết qua cái nhìn tinh tế, nhạy cảm của nhà văn trước vẻ đẹp của con người, thiên nhiên, tạo vật.

Hoa bờ giậu, một loài hoa không có tên riêng, không mấy ai chú ý đến hương sắc của nó, nó tồn tại cách tự nhiên bất chấp quy luật băng hoại của thời gian. Bằng ngôn ngữ giàu chất thơ, Đỗ Chu đã thể hiện tình cảm nâng niu, trân trọng trước cái đẹp tiềm ẩn của loài hoa ấy: “chúng có mặt ở đây từ bao giờ, sao nay ta mới biết và chúng đang thì thầm những gì cùng ta.

Đã bao tháng bao năm ta đi về dan díu chuyện trên trời dưới biển cũng chỉ một lối này vậy mà chẳng một lần ghé mắt tới chúng, tên chúng gọi thế nào cũng chẳng rừ, rất cú thể chỳng là loài hoa khụng tờn, khụng ai thốm đặt tên”. Viết về hoa bờ giậu, ông muốn tìm lại sự công bằng cho loài hoa dại ấy, lưu giữ vẻ đẹp thanh khiết, thầm lặng của nó bằng một những ngôn từ thẫm đẫm chất thơ. Với Đỗ Chu, loài hoa ấy mang “một vẻ đẹp nhũn nhặn không phô phang, một vẻ đẹp không hẹn mùa gặp, chính sự dung dị kia đã đưa nó bước lên một thềm cao của sự thanh khiết mà có lẽ rất nhiều loài hoa khác trên đời phải ước ao ghen tị” [I.2, 6].

Đỗ Chu lần tìm đến những dải cát dọc miền duyên hải Nam trung bộ.

Bao tình cảm, ấn tượng về người, về đất nơi miền Trung này được nhà văn bày lộ trên trang tùy bút bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, chất thơ: “Ấn tượng đầu tiên đến với tôi có lẽ là cát ở vùng này. Cát dâng lóa mắt. Núi cát, đồng cát, sông cát và biển cát. Từ muôn năm nay cát bò vòng vo trên mặt đất, chúng từ biển lùa vào hay từ núi trôi ra? (...) Cát nổi lên thành cồn và thẳm sâu im lặng. Miền Trung là một bản giao hưởng cát” [I.1, 65, 66]. Trong ấn tượng của Đỗ Chu, nơi đây, thiên nhiên tuy khắc nghiệt “nắng dữ, cát nóng

nhưng con người nơi đây “hình như rất đỗi dịu dàng”. Từ đời này sang đời khác cát vẫn tồn tại như nó vốn thế và con người thì sống bên cát, trên cát, khổ đau – hạnh phúc cùng cát, và đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng trộn hòa vào cát. Lúc này cát trở thành một phần trong sự sống của người dân miền Trung. Trong chiến tranh con người làm hầm tránh bom đạn dưới cát, được cát bao bọc chở che. Thời bình, cát uốn lượn dịu dàng thành triền, thành dải khiến Đỗ Chu tưởng tượng miền Trung là “một bản giao hưởng cát”. Thiên

nhiên là vậy, con người sinh ra và gắn bó với mảnh đất này cũng có sự hòa trộn của nhiều nét tính cách khác nhau. Trong chiến tranh họ là những người anh, người chị, người mẹ anh hùng sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho sự nghiệp chung của đất nước. Trong thời bình cát nóng mà tính cách của họ lại rất đỗi dịu dàng, đằm thắm. Có lẽ chính những nét đẹp tính cách của con người nơi đây khiến cho những dải cát “thẳm sâu và im lặng” kia biết nói, biết mời gọi tình cảm của con người khắp nơi đến với nó. Tài năng và tâm huyết của Đỗ Chu khiến cho con người và thiên nhiên miền Trung Nam Bộ trở nên sống động và có sức cuốn hút lạ kì. Tất cả được bộc lộ qua sức mạnh của những ngôn từ mang phong cách riêng Đỗ Chu, là sản phẩm của niềm đam mê tìm và khám phá những nét đẹp trong những con người và cảnh vật rất đỗi bình thường bình dị của ông. Chính vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người đã khiến cho những trang tùy bút của Đỗ Chu viết về mảnh đất miền Trung đậm chất thơ, chất trữ tình đằm thắm.

Ngôn ngữ giàu chất thơ trong phong cách của Đỗ Chu đã phát huy được sức mạnh của nó khi ông trải lòng mình miên man theo dòng cảm xúc khi trở về miền quê đã gắn bó với ông từ trong tiềm thức: “Quê ngoại là một miền lúc nào lúc nào cũng như xa lại như gần. Một màn sương mờ tỏ choàng nhẹ lên, phủ mờ lên những kỉ niệm yêu dấu” [I.1, 128]. Cái mờ tỏ, xa xăm, lẫn lộn giữa quên và nhớ của tiềm thức đã tạo nên tình cảm nhẹ nhàng như sương khói trùm phủ lên không gian quê ngoại. Phải chăng chính thiên nhiên sông núi hữu tình, mang đậm chất thơ ngay khi được kiến tạo đã là một trong những nhân tố quan trọng để sinh thành nơi mảnh đất này những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cho dòng sông văn học Việt Nam như: Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát... rồi đến Kim Lân, Nguyên Hồng, Hoàng Cầm, Đỗ Chu....

Cảm xúc về những kỉ niệm tuổi thơ được gợi lại trong hồi ức của Đỗ Chu cũng tạo nên chất thơ của ngôn ngữ: “Đã bao năm rồi ánh lửa bập bùng trên ngọn núi tuổi thơ tôi giờ vẫn cứ bập bùng, nó luôn luôn thắp sáng lòng

tôi, tinh thần sống tinh thần đi tới, như dây khoai bò trên cánh đồng như bông súng tím ngoi trong ruộng, mùa lại mùa e ấp những thương yêu không nói ra lời và lặng im như lửa” [I.2, 277]. Chảy tràn trên câu văn là những hình ảnh gần gụi, bình dị chốn hương thôn. Không cầu kì, trau truốt trong cách dùng từ đặt câu nhưng những câu chữ trong tùy bút của Đỗ Chu luôn ám ảnh người đọc. Những từ ngữ, hình ảnh cứ đan cài, trộn hòa vào nhau rồi cùng tuôn trào theo dòng cảm xúc của nhà văn.

Với Đỗ Chu, dòng sông quê là nơi bồi tụ nguồn cảm hứng văn chương nơi ông, từ bến sông đó ông ra đi và nơi đó cũng là điểm dừng để tâm hồn ông nương náu trước những buồn vui của cuộc đời. Dường như dòng cảm xúc của Đỗ Chu không bao giờ có điểm dừng khi ông chiếu hướng về dòng sông quê. Tất cả cứ miên man, cứ thăm thẳm và ắp đầy chất thơ: “ dòng sông Thương chảy vào đời tôi, lại có dòng sông Cầu chảy qua đời tôi, và có những trang sách hay nâng bước tôi đi theo năm tháng”. Những dòng sông và những trang sách của “nhân loại tài trí” trở thành “những đôi cánh tinh thần đủ sức nâng bổng ta lên, đủ sức kéo ta đứng dậy” [I.2, 98]. Có lúc viết về dòng sông quê, những dòng tùy bút của Đỗ Chu như dập dềnh giữa thơ và văn, không có bờ bãi, không ranh giới. Rất có thể những lúc đó, tâm hồn ông đang được thả trôi trên dòng tình cảm hồi nhớ bất tận: “Sông Thương nước chảy đôi dòng, cuốn theo chiều gió một con thuyền trôi xuôi, trên sông nào ai biết nông sâu. Lẫn lộn nhớ, chỗ thì là dân ca, chỗ là tân nhạc, có người hát là sông Tương, lại có người hát là sông Thương” [I.2, 133]. Vẻ đẹp của con sông ngay từ trong tên gọi đã tạo nên chất thơ bồng bềnh của những trang tùy bút, nó ám ảnh, mời gọi nơi người đọc một niềm khát khao được một lần đặt chân trên bến sông quê ấy.

Ngay trong những suy tư của người viết về những vấn đề hết sức bình thường, trong cách sinh hoạt giản đơn của cuộc sống, người đọc cũng nhận ra chất thơ trong cách diễn đạt của nhà văn: “Đêm đông thức dậy nhồi một mồi thuốc vào tẩu, xòe một que diêm, lắng nghe làn khói ngào ngạt trong bóng

tối, ngắm nhìn ngọn lửa lập lòe sưởi ấm nơi bàn tay và chợt hỏi nó là thứ gỗ gì vậy, vì sao nó không sợ lửa” [I.1, 152].

Khi nhà văn viết hình ảnh những con người bình thường bình dị trong cuộc sống, chất thơ của cuộc sống đã hòa trộn với vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của họ đã tạo nên chất thơ của ngôn ngữ. Đó là hình ảnh của những người Việt sống trên đất Thái nhưng vẫn giữ được hồn cách của con rồng cháu Lạc: “Họ là những con chim Lạc lìa đàn còn biết lưu lại dấu vết chân móng của mình trên tang trống đồng cổ tích, là những con chim Lạc lúc vỗ cánh bay đi trăm ngả vẫn còn biết để bóng dáng mình ở lại với nước non”.

Là người đi nhiều, tiếp xúc nhiều, gặp gỡ giao lưu nhiều Đỗ Chu hiểu hơn ai hết cái tình người nơi đất khách quê người quý giá đến mức nào. Ông biết

giờ đây trên khắp trái đất đông đúc này, ở đâu có người là ở đó có họ, có những người Việt chúng ta, nếu muốn là sẽ gặp và tôi đã tìm họ như chỉ để nói một lời yêu dấu và quý trọng”. Chính tấm lòng biết nâng niu, quý trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người của Đỗ Chu đã tạo nên chất thơ cho ngôn ngữ của ông. Dường như những nhịp điệu cảm xúc cuộn chảy trong lòng người đã tạo nên sự nhịp nhàng, mềm mại của câu chữ và nó cứ tự nhiên cắm rễ sâu sâu vào tâm thức người đọc.

Có thể thấy, ngôn ngữ giàu chất thơ chính là chìa khóa giúp Đỗ Chu chinh phục người đọc, mời gọi họ đến với thế giới tùy bút của ông. Đồng thời, đây cũng là một đặc điểm riêng vừa phù hợp với tạng cảm xúc của Đỗ Chu vừa tạo nên dấu ấn riêng không trộn lẫn với các nhà văn khác.

Một phần của tài liệu hình tượng cái tôi văn hóa trong tùy bút đỗ chu (Trang 100 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(127 trang)
w