Con người tha thiết với đất đai, sông nước, quê hương

Một phần của tài liệu hình tượng cái tôi văn hóa trong tùy bút đỗ chu (Trang 33 - 40)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Một cái tôi gắn bó với các giá trị tự tại

2.1.1. Con người tha thiết với đất đai, sông nước, quê hương

Tình yêu quê hương, bản quán là tình cảm tự nhiên, trong sáng của mỗi con người nhưng nó chỉ có giá trị khi nó được tiếp nhận, kế thừa qua các thế hệ. Tình cảm này thể hiện trong văn học với nhiều phương diện khác nhau. Có thể nó biểu hiện trong hình ảnh của những con người “bám níu” với đất đai, ruộng vườn quê nhà và cuộc sống lao động đặc trưng của mỗi vùng quê. Cũng có khi tình cảm này được biểu hiện trong hình ảnh của những con người xa quê nhưng vẫn luôn nhớ về quê với những hoài niệm không phai nhạt.

Tùy bút Tản mạn trước đènThăm thẳm bóng người đã để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc về một cái tôi tha thiết với đất đai, sông nước, quê hương. Tình cảm yêu thương, gắn bó đó có khi được biểu hiện bằng những suy nghĩ và cảm xúc trực tiếp của tác giả, có khi được gửi gắm qua thế giới nhân vật trong tác phẩm của ông.

Sinh ra tại vùng thôn quê tỉnh Bắc Giang nhưng lên mười tuổi nhà thơ đã cùng gia đình chuyển lên Bắc Ninh sinh sống. Đến khi học hết phổ thông thì tham gia nhập ngũ rồi theo đuổi nghiệp văn, quê hương nơi chôn rau cắt rốn dần trở thành xa ngái khi ông khi tìm bến đậu ở đất Hà thành. Vì chiến tranh, vì cuộc sống mưu sinh, vì sự tác động của quá trình đô thị hóa mà không ít người như Đỗ Chu phải xa quê nhưng dường như sợi dây tình cảm giữa quê hương và những người con sinh ra và lớn lên từ đó không dễ gì bị rạn nứt dù thời gian có thể làm băng hoại mọi thứ. Có điều, mỗi con người khi xa quê hương đều mang theo một hình ảnh quê hương cùng những kỉ niệm của riêng mình. Với Đỗ Chu, ông nhớ và yêu thương không chỉ là một Kinh Bắc trong hiện tại mà là cả một Kinh Bắc trong quá khứ, trong hoài

niệm của chính ông. Quê hương đó gắn liền với những kí ức tuổi thơ, với dáng hình của những người thân yêu với những buồn vui của một thời.

Trong cuộc hành trình tâm tưởng trở về quê hương, nơi đầu tiên có sức níu kéo tâm hồn Đỗ Chu chính là những ngọn núi bập bùng ánh lửa, là dòng sông quê ắp đầy những kỉ niệm buồn vui, là những âm thanh của tiếng gà, tiếng cuốc thảng thốt trong mỗi lần hồi nhớ.

Trong chiều sâu tâm thức của người Việt, núi - sông gắn bó với nhau như hai mặt tồn tại của vũ trụ, biểu hiện mối quan hệ âm - dương trong trời đất. Người Việt đã tìm thấy ở những ngọn núi vẻ uy linh của trời đất, sự minh triết của trí tuệ và nét thâm trầm cao khiết của tâm hồn. Trong tâm thức của cộng đồng, những giá trị tâm linh dường như bao giờ cũng được hun đúc trên những ngọn núi cao. Hình ảnh ngọn núi Voi trở đi trở lại trong nhiều trang tùy bút của Đỗ Chu như là hiện thân của quá khứ, hiện thân của bóng dáng quê xưa với biết bao kiếp người chìm nổi. Nó như là cầu nối để Đỗ Chu có bến neo đậu khi đi trên chuyến đò cập bến trở về quê hương. Tuổi thơ ông đã từng gắn bó với những ngọn núi cùng ánh lửa bập bùng trên đó mỗi khi chiều buông nắng tắt. Đến tận lúc tóc trên đầu điểm bạc ông vẫn muốn một lần nữa được leo lên ngọn núi ăm ắp kỉ niệm thời ấu thơ ấy.

Hình ảnh những ngọn núi bập bùng ánh lửa mang dấu ấn đậm nét của vùng miền trung du gò đồi trùng điệp rải khắp đất nước ta. Vì thế đọc tùy bút Đỗ Chu con người như tìm lại được cảm giác gần gũi thân quen của bóng dáng quê nhà. Nó không còn là ngọn núi của riêng nhà văn mà tự nó đã mang ý nghĩa phổ quát để trở thành hình ảnh biểu tượng cho quê hương, xứ sở.

Nhất là với những ai sinh ra và lớn lên trên những miền đồi núi trung du trập trùng thì sẽ gặp lại bóng mình trong bóng dáng của nhà văn những năm thiếu thời, sẽ gặp lại những trạng thái tình cảm, cảm xúc trong những miên man hoài niệm của nhà văn trên từng trang viết. Những buổi thả trâu, đốt cỏ trên núi, mùi khoai sắn nướng vùi trong những đống nhấm, những khuôn mặt trẻ thơ nhem nhuốc vì bụi khói và mồ hôi, những trò chơi dân gian như đánh

khăng, đánh đáo, những mối tình thơ dại không nói thành lời của lũ trẻ chốn hương thôn... tất cả đều là những kỉ niệm níu giữ tình cảm của nhà văn với quê hương. Nhớ về những hồi ức tuổi thơ với tâm trạng bồi hồi xao xuyến là cách mà Đỗ Chu thể hiện tình cảm gắn bó tha thiết với cội nguồn xứ sở đã sinh ra và nuôi lớn mình.

Chào đời nơi vùng quê quan họ với phong cảnh sông nước hữu tình, Đỗ Chu không thể không bị ám ảnh bởi bóng hình của những con sông. Từ sâu thẳm tâm hồn nhà văn đất Kinh Bắc này, các dòng sông vận hành trong lẽ tuần hoàn của vũ trụ đã chuyên chở bao nhiêu điều huyền nhiệm của cuộc sống. Các dòng sông là nỗi hoài vọng về cái đẹp nào đó chưa đạt tới ở đời.

Các dòng sông là nỗi ám ảnh, ước mơ về cội nguồn, về thời xa xưa của dân tộc. Và không biết tự bao giờ, những dòng sông ấy trở thành trở thành niềm say mê riêng của một con người vốn sinh ra và lớn lên bên dòng sông quê, được phù sa của dòng sông quê nuôi dưỡng.

Là người gắn bó bền chặt với quê hương xứ sở, Đỗ Chu viết nhiều về dòng sông Thương, sông Cầu với bao nghĩa tình sâu lặng: “Có con sông Thương chảy vào đời tôi, lại có dòng sông Cầu chảy qua đời tôi”. Đó là những dòng sông “đã có cả ngàn năm đi vào văn hóa”. Trong tâm hồn Đỗ Chu, đó là nơi gần gũi và thương yêu nhất không chỉ với ông mà với những người con sinh ra và lớn lên nơi đó. Từ hiện thực đi vào trong tâm thức sáng tạo của nhà văn, những dòng sông quê đã trở thành dòng sông của đời người, gắn với phận người. Mỗi khúc, mỗi đoạn của nó là tâm trạng, suy nghĩ của cái tôi tác giả trước dòng biến dịch của đất trời. Dòng sông trở thành một người bạn cố tri của nhà văn. Nó chuyên chở những buồn vui, lo lắng, những nỗi niềm cô đơn của con người trên hành trình tìm kiếm cái đẹp ở người, ở đời. Có thể thấy, cuộc đời dù có những biến thiên dữ dội nhưng dòng sông thì vẫn vậy, ngàn năm sau vẫn vậy – hiền hòa và đằm thắm như chính tâm hồn con người Kinh Bắc.

Ngọn núi, dòng sông cùng những kí ức tuổi thơ đã định hình trong Đỗ Chu một điểm dừng chân trong chuyến trở về với quê hương xứ sở, đó là làng Việt. Ngay từ khởi thủy, làng Việt cùng những phong tục tập quán tồn tại trong nó là biểu hiện sống động đời sống tinh thần hồn hậu của người Việt Nam. Với Đỗ Chu, “mỗi bước đi tới ngôi làng là một bước tìm về cội nguồn sâu thẳm, tự nuôi dưỡng bằng sữa mẹ đủ sức tiếp nhận những điều mới lạ mà không giờ đánh mất bản thân mình” của người Việt. Làng quê với thiên nhiên, với con người cùng những nếp sống sinh hoạt… chính là môi trường văn hóa mà Đỗ Chu hít thở một cách hồn nhiên, tự nhiên khi chưa hề có ý thức xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương. Những ngôi làng đã thực sự mang đến cho tâm hồn Đỗ Chu những xúc cảm về thiên nhiên, cuộc sống vô cùng mãnh liệt. Gắn liền với những ngôi làng ấy là những đình chùa miếu mạo, những phong tục tập quán, những lễ hội theo mùa, những cây đa, bến nước, sân đình, những cổng làng phủ ngập màu thời gian. Tất cả đều mang đậm chất văn hóa Kinh Bắc mà không phải vùng đất nào cũng có.

Trong tùy bút Tản mạn trước đèn Thăm thẳm bóng người, người đọc nhận ra không chỉ Đỗ Chu nặng tình với đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa mà các nhân vật của ông cũng nặng tình, nặng nghĩa với quê. Mỗi người một hoàn cảnh sống, một cuộc đời, một số phận khác nhau và họ cũng có những cách thể hiện tình cảm với quê khác nhau. Giữa thời buổi chiến tranh, cái chết kề cận thế mà cặp vợ chồng người chủ quán nước ở ngôi đền Ngọc Liên trong Thăm thẳm bóng người vẫn còng lưng đạp xe suốt mười ngày phép để tìm quê, tìm mãi không thấy rồi đành ôm nhau ngồi khóc. Xa quê từ nhỏ, trôi dạt đến đâu thì bám trụ nơi đó để sinh tồn, quê hương trong trí nhớ của họ chỉ hiện lên mang máng qua hình ảnh dòng sông đỏ nặng phù sa, cùng chiếc cổng làng với cây gạo lớn mỗi đêm lại thả những vồng hoa xuống đất lụp bụp như có ma ném trộm; hay nó được gợi khắc bằng hình ảnh của những miền đất những dừa là dừa. Rất cụ thể mà lại rất chung chung, biết bao làng quê việt Nam có những hình ảnh quen thuộc ấy. Không tìm được

quê cha đất tổ, họ dành lấy tổ quốc làm quê hương, đó là cách xoa dịu vết thương lòng cho những con người bất hạnh sớm bị trôi dạt khỏi quê hương của mình. Viết về nỗi lòng riêng tư của những con người này, Đỗ Chu khéo léo đưa ra một lời khuyên cho mình và những ai đang giữ trong tim hình bóng của quê hương. Hãy trân trọng và giữ gìn làng Việt cả về hình hài lẫn hồn cốt của nó trước sức cám dỗ của thời buổi kinh tế thị trường đang xâm thực ngày một mạnh mẽ.

Cũng là nghĩa tình sâu sắc với quê hương, nhưng người nữ anh hùng Dương Thục Trinh trong Kìa đàn hồng hạc (Tản mạn trước đèn) lại có cách thể hiện khác. Cha mẹ cô là người gốc Hà Đông, cô sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở thành phố Sài Gòn. Gần hai mươi tuổi cô mới có cơ hội để về thăm quê cha đất tổ nhân một dịp cùng Đoàn Đại biểu phụ nữ miền Nam ra thăm miền Bắc sau khi hiệp định Paris được kí kết. Cô tháo chiếc nhẫn mẹ tặng trước lúc ra Cứ nhờ người bán đi lấy tiền để quy tụ và xây mồ mả ông bà tổ tiên. Cô đã giúp cha mẹ cô ở nơi xa xôi thực hiện một mơ ước mà họ cất giữ trong lòng suốt một đời xa quê. Từ đây có thế thấy, con người ta chỉ có thể thanh thản sống khi đã làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ với quê hương, nguồn cội. Đó là một nét đẹp làm nên bản sắc của con người Việt Nam xưa và nay.

Với những con người khi sinh ra đã nặng tình với sông núi thì quê hương nguồn cội có một sức sống âm ỉ và dai dẳng trong tâm hồn và trái tim họ. Quê hương khiến cho “con người ta rất có thể sinh ra ở một nơi, chết một nơi và suốt đời lại mang lòng thương nhớ một nơi khác”. Lúc này quê hương là biểu tưởng cho những gì gần gụi, thân thiết và có ý nghĩa đặc biệt với mỗi con người. Có những vùng trời, vùng đất mà con người không sinh ra ở đó nhưng nó lại khiến họ suốt đời phải đi tìm, phải quay trở lại khi còn hơi thở.

Chuyến đi dối già của ông Đắc trong Ghi chép ở Ban Mê (Tản mạn trước đèn) là mang ý nghĩa ấy. Sinh ra ở Hà thành nhưng thời trai trẻ ông đã từng bị giam cầm tù ngục nơi nhà Căng Ban Mê. Rồi trong kháng chiến chống Mĩ, một người con trai của ông đã vĩnh viễn nằm lại trong một cánh rừng gần mé

sông Sêrêpốc. Những buồn vui, đau khổ cùng những kí ức khó quên nơi mảnh đất Tây Nguyên xa xôi đã đưa bước chân ông trở lại nơi đây trước khi núi lời tạm biệt cừi đời. Đến Tõy Nguyờn để một lần gặp lại cảnh cũ người xưa và quan trọng hơn, ông muốn đi tìm phần mộ của đứa con trai đã mất, muốn mảnh đất Tây Nguyên “cổ sơ và nguyên sinh” kia trả món nợ tình nghĩa cho ông. Cái chết của người con trai nơi chiến trường Tây Nguyên là câu hỏi lớn trong cuộc đời của ông và bao nhiêu người. Ông muốn tìm, muốn đưa con trở lại mảnh đất Hà Nội đã sinh ra nó. Tuy nhiên, hình như mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ và hùng vĩ một thời, mảnh đất không hẹn mà gắn bó ấy lại là nơi trú ngụ của bố con ông, cả tinh thần lẫn thể xác. Nó trở thành quê hương thứ hai, trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của ông.

Sức níu kéo và ám ảnh của những mảnh đất ta gọi là quê hương là vậy, dai dẳng và mãnh liệt. Nó là nơi con người khởi bước ra đi tìm những miền đất lạ, là nơi họ hướng vọng về khi tóc trên đầu đã bạc. Và không nơi nào khác ngoài quê hương có thể đem lại sự bình yên cho con người khi họ đã toàn tất một kiếp người.

Trong Thăm thẳm bóng người, Đỗ Chu lại đưa người đọc đến với hình ảnh của ông già người Thanh Nghệ ở ngoại ô Nam Kinh, Trung Quốc – một người suốt đời nhìn về cố hương trong nỗi đau lòng không dứt. Mười sáu tuổi ông theo gót cụ Phan Bội Châu sang Nhật học rồi quay về Trung Quốc.

Thời thế đổi thay, sự nghiệp chung cứ tan rã dần, không thể quay trở về nơi quê hương bản quán, ông đành “như hạt cải, hạt vừng gieo đâu mọc đấy”, lấy xứ người làm nơi lưu trú. Cuộc sống bình yên nhưng tâm hồn ông không tìm được sự thanh thản. “Sáng nào ông cũng mò ra ngôi chùa cổ cạnh nhà, đứng giữa sân đá mênh mông, tay cầm cái chổi đót cán dài ngập đầu, nhúng chổi vào chậu nước lã ở góc sân rồi cứ thế vừa giật lùi vừa phất chổi viết lia lịa, viết cho kín sân thì thôi. Hôm thì viết thơ, hôm thì viết từ, có hôm viết Kinh Thi, chữ đẹp không thể tả, mảnh sân lát đá bỗng hóa thành một sân chữ thảo bút lực tuyệt hảo” [I.2, 146]. Đó là những con chữ biết nói. Cái tài hoa, tung

hoành bay lượn trong từng nét chữ đã dung chứa bao hoài bão tham vọng của thời trai trẻ mà ông và các đồng chí của ông không thực hiện được. Trong những đường nét của tác phẩm nghệ thuật sống động đó, ta còn bắt gặp hình ảnh của những cụ đồ nho mang trong mình cái khí thi thư của một thời vang bóng. Phải chăng, trong công việc tưởng chừng như “lạ lùng” này của ông già người Việt nơi đất khách đã phần nào chuyển tải được nỗi hoài hương luôn cháy âm ỉ trong ông suốt thời trai trẻ tới khi về già. Quê hương còn đó nhưng không thể quay về, ông gửi lòng mình với bao xa xót, đau thương trong hình hài của những chữ thảo uốn lượn trên mặt sân trước ngôi chùa cổ.

Việc làm với tạng người không bình thường của ông cho thấy ông là một người không đơn giản, vì không đơn giản nên ông không dễ quên đi quá khứ, không thể xóa đi hình ảnh của quê hương xứ sở trong đời sống tâm hồn mình.

Vì vậy nỗi hoài hương khiến con người cả đời phải sống trong day dứt, trong niềm hoài vọng âm thầm mà dai dẳng.

Mỗi con người luôn tồn tại trong một môi trường sống nhất định. Tình cảm và sự gắn bó với quê hương không chỉ là tình cảm tự nhiên, sẵn có mà còn là hệ quả tất yếu trong mối quan hệ, ứng xử của con người với không gian sống của mình. Thông qua những nỗi niềm, những suy tư trăn trở của bản thân mình và của các nhân vật trong tác phẩm, Đỗ Chu đã cho ta thấy quê hương, bản quán luôn có mối liên hệ bẩm sinh, tự nhiên với con người như “cuống rốn chưa lìa

dù con người đã trưởng thành, đã già hay đang sống tha hương. Thông qua thái độ của chính nhà văn và các nhân vật của ông, quê hương đã được linh thiêng hóa. Những gì thuộc về quê hương đã trở nên có hồn, có thần và tác động mạnh mẽ đến đời sống của con người. Qua đó, có thể thấy rằng sự gắn bó với cội nguồn, quê hương xứ sở là phẩm chất có giá trị căn bản nhất của con người. Đây là nét đẹp văn hóa mà Đỗ Chu đi tìm và góp nhặt ở những con người khác nhau trên mọi nẻo đường ông qua. Và trước hết nó tỏa rạng trong con người ông, thắp sáng nơi trái tim nặng tình, nặng nghĩa với quê hương của ông, vẻ đẹp này làm nên cốt cách và bản lĩnh văn hóa ở nhà văn.

Một phần của tài liệu hình tượng cái tôi văn hóa trong tùy bút đỗ chu (Trang 33 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(127 trang)
w