5. Phương pháp nghiên cứu
2.2. Một cái tôi luôn hướng tới các giá trị hiện đại 1. Con người ưu tư trước các vấn đề của dân tộc
2.2.3. Con người hướng tới những giá trị nhân văn
Tinh thần nhân văn, tình người, tình đời vừa là điểm tựa vừa là đích đến của mỗi nhà văn. Tùy bút của của Đỗ Chu luôn bám lấy gốc trữ tình để làm điểm tựa, làm đích đến trong cuộc hành trình kiếm tìm, phát hiện vẻ đẹp và chiều sâu bí ẩn trong tâm hồn con người. Khi nói về những ám ảnh từ trước đến nay, cái gì ông đã viết ra được, Đỗ Chu cho rằng: “cái viết ra được là cái yêu thương, cái muốn yêu thương, đối với một khung cảnh nào đó, những cái thực sự là rất hiếm thì có thể nói được và nói ra được”.
Là người đi nhiều, nếm trải nhiều buồn vui và cả những mặn chát của cuộc đời, Đỗ Chu luôn biết trân trọng những cái đẹp của con người và cuộc sống nơi ông đi qua, nơi ông dừng chân. Khi viết về con người, Đỗ Chu luôn tin tưởng họ, tin vào tâm hồn và nhân cách cao đẹp của họ dù họ là người Việt Nam hay người nước ngoài. Ánh sáng nhân văn, khát vọng hòa hợp con người, hòa hợp dân tộc đã giúp nhà văn vượt lên trên những thiên kiến giai cấp hẹp
hòi để hướng tới những vẻ đẹp mang tính nhân loại. Thế giới nhân vật của ông được mở rộng theo sự di chuyển và mở rộng của không gian văn hóa.
Trong tùy bút Thăm thẳm bóng người, Đỗ Chu đã dành gần hai mươi trang sách để viết về người Việt trên đất Thái. Ông viết về họ như một sự tri âm với cái tài cái đẹp, viết như một lần trả món nợ tình người mà Đỗ Chu đã từng hứa hẹn với chính mình: “Đã từ lâu tôi vẫn hẹn với mình đến một lúc nào đó nhất định phải bắt tay vào viết lấy ít ttrang về những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài” [II.2, 25]. Thời gian lưu lại Thái Lan không dài nhưng cũng đủ để nhà văn cảm nhận được vẻ đẹp của con người và cảnh sắc nơi đây. Một đất nước vừa rất hiện đại vừa mang vẻ đẹp cổ kính và đầy bí ẩn giống như tên gọi của nó - đất nước triệu voi. Tại đây Đỗ Chu đã gặp không ít người Việt quần tụ và sinh sống. Có người “chỉ vừa dời khỏi quê nhà dăm ba tháng, tiếng Việt trôi chảy rành mạch, lại có người giọng đã lơ lớ, khó khăn trong tìm lời tìm chữ, một câu tiếng Việt kèm mấy câu tiếng Tây. Có người còn nhớ từng bậc đá bến nước làng mình, lại cú người chỉ biết trong mỡnh cú dũng mỏu Việt chảy mà chịu khụng rừ gốc gác quê cha đất tổ là đâu...” [II.2, 26]. Nhưng qua tiếp xúc, Đỗ Chu thấy tất cả họ đều gần gụi thân thiết như người nhà, nắm bàn tay họ mà thấy không khỏi bồi hồi xao xuyến. Bao cuộc đời, bao số phận, họ trôi dạt đến đây trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Vì mưu sinh mà họ quyết tâm bám trụ nơi đất khách quê người, và lâu dần đất lạ thành quen, thành quê hương thứ hai của họ. Tuy nhiên, từ trong cốt cách, những Việt kiều trên đất Thái vẫn mang cái hồn cốt của con Lạc cháu Hồng. Đỗ Chu nhận ra: “tôi chợt bắt gặp ở họ vừa có cốt cách của người Việt cổ lại vừa có cốt cách của người Việt tương lai. Lại như từ họ, những kiếp người ấy, mà thấy hiện ra biết bao chìm nổi, biết bao buồn tủi, đa đoan, biết bao quả cảm, biết bao cứng cỏi và thủy chung nghĩa khí. Đó là những cốt cách Việt Nam bền vững dẻo dai, là cái gia sản duy nhất mà họ đã kịp mang theo trên những dặm đường xa tuyết rơi gió thổi, là những gì mà quê nhà lam lũ đã kịp dành
dụm đặt vào tay những đứa con mình trong buổi ra đi” [II.2, 26, 27]. Nhà văn cảm thấy mình là người may mắn khi được gặp họ, biết họ và trò chuyện cùng họ. Ngạc nhiên, bồi hồi xúc động khi thấy rằng: “tinh thần bầu ơi thương lấy bí cùng, nhiễu điều phủ lấy giá gương là một tinh thần Việt, rất cổ xưa, lại vẫn đang sống động trong đời sống hàng ngày” nơi những người Việt ở nước ngoài. Trong khi đó, “ở trong nước lâu nay tinh thần đó cũng đang bị mai một”, khiến cho mỗi người trong chúng ta thấy lo ngại về dấu hiệu của sự tha hóa về nhân cách trong cộng đồng. Từ cuộc nói chuyện với anh Thavi Quý, bác Tứ, rồi câu chuyện về cụ Dỏng và nhiều gương mặt Việt trên đất Thái, Đỗ Chu thấy sự tỏa sáng của cái thiện, cái đẹp, của hồn cốt Việt Nam. Họ chính là những hạt giống Việt được gieo mầm trên đất Thái nhưng vẫn mang trong mình cái cốt tủy, cái hương sắc quê nhà.
Trong giới văn nghệ sĩ, Đỗ Chu là người chịu khó giao du và học hỏi theo cách riêng của mình. Nhà văn viết về các nghệ sĩ vừa với tư cách là người làm nghệ thuật vừa với tư cách là người bạn thân thiết của các tác giả.
Ông viết về họ bằng những trải nghiệm thực tế, bằng những cảm nhận, ấn tượng riêng của mình. Đặc biệt, cái mà nhà văn thấy sáng lên trong tên tuổi và cuộc đời của những người nghệ sĩ đó là vẻ đẹp của tâm hồn, nhân cách, cùng những cung cách ứng xử đầy lịch lãm và đậm chất văn hóa. Ông viết về những tên tuổi nổi tiếng, quen thuộc và cả những người được coi là mới mẻ với những ai ít đọc, ít xem... tất cả đều hiện lên sống động và đầy ấn tượng.
Với Đỗ Chu, họ là những “cuộc đời thầm lặng – thầm lặng sống, thầm lặng yêu, thầm lặng cống hiến”, cứ lần lượt hiện lên trên những trang viết “luôn chở nặng tình dân tộc, luôn chứa niềm tự hào về cái đẹp, cái thanh cao của nghề, của nghệ thuật”.
Đỗ Chu gặp Trần Hoài Dương, một cây bút chuyên viết về thiếu nhi trong một chuyến nhà văn này đi tìm một đứa trẻ có tài bẻ khóa vừa trốn khỏi trường. Nhìn vóc dáng “thong thả thư sinh, mềm mỏng nhã nhặn” của Trần
Hoài Dương, Đỗ Chu không khỏi ngạc nhiên thấy bên trong con người này lại có cái “gan bất tử”. Có lẽ chính những năm tháng sống và tiếp xúc với môi trường của những trẻ em có nhiều hoàn cảnh khác nhau dồn tụ về, Trần Hoài Dương đã tích góp cho mình một vốn liếng đủ để cho ra đời những cuốn sách có “sức sống lâu bền giữa một thời cuộc cơ chừng còn lắm bể dâu” [II.2, 94]. Cái đức văn, tài văn của Trần Hoài Dương đã lắng đọng trong những cuốn sách đó. Đặc biệt với bạn đọc nhỏ tuổi, “anh (Trần Hoài Dương - NTH) đã nói với họ nhiều lắm, đã nói được những điều có ý nghĩa rất chính yếu, rất căn bản, đó là việc hàng ngày chăm chỉ nuôi dưỡng lòng trung hậu, lòng nhân ái”. Trong suy nghiệm của Đỗ Chu, Trần Hoài Dương viết không nhiều nhưng những gì nhà văn này để lại “ít mà quý, ít mà tinh”. Cuộc đời bình dị mà có ích của trần Hoài Dương đã đem đến những trang văn của anh, nói như Đỗ Chu: “đẹp một cách yên ả, không ồn ào, đẹp một cách mong manh dung dị như cây cỏ lan kia đang lặng lẽ tỏa hương nơi u cốc”. Qua trường hợp của Trần Hoài Dương, Đỗ Chu đã khái quát: “Thời của chúng ta đang sống quả không thiếu gì được gọi là vĩ đại nhưng rất buồn ở chỗ nó vẫn đang còn thiếu tính nhân hậu trong từng việc lớn nhỏ, trong mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Nhìn kĩ vào con người, thấy nó vẫn chưa thật đẹp như nó cần phải đẹp”. Chính những trăn trở đầy tính lương thiện đó đã làm nên cốt cách và bản lĩnh văn hóa của nhà văn.
Vẻ đẹp nhân văn trong tùy bút Đỗ Chu còn ánh lên trong những trang viết về nhà thơ Phạm Tiến Duật. Dưới cái nhìn tinh tế của Đỗ Chu, những vần thơ của Phạm Tiến Duật được thoát thai từ khói lửa chiến tranh, nó mang cách cảm cách nghĩ của người lính từng xông pha trận mạc. Đó là những vần thơ có lửa và có khả năng thắp lửa nơi người tiếp nhận. Đọc thơ Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu đã cảm nhận sâu sắc: “anh (Phạm Tiến Duật - NTH) là một người lính làm thơ cho lính đọc, anh chưa bao giờ sắm vai người nói hộ, chưa bao giờ yờu hộ, khúc hộ, lo õu hộ. Anh là một đời cừng lửa, chưa bao giờ vui quá, chưa bao giờ sướng quá, chưa bao giờ được làm một nhân vật
quan trọng, nhưng anh vẫn luôn là người biết hát, dám hát, dám sống và viết như chính mình nghĩ thế, cảm thế về những năm tháng mà mình đã đi qua”
[I.2, 55, 56]. Qua những trang tùy bút của mình, Đỗ Chu đã góp thêm tiếng nói không chỉ khẳng định và tôn vinh cái đẹp trong đời người, đời thơ Phạm Tiến Duật, mà còn muốn nói tới vẻ đẹp này đã góp phần bồi đắp cho giá trị nhân văn của dân tôc một nguồn sống mới, mạnh mẽ và bền chặt.
Dưới góc nhìn nhân văn, Đỗ Chu còn tìm thấy biết bao vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách trong cuộc đời, con người những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ và cả những người cả đời theo đuổi nghề y như cụ thiên Tích, Cụ lang Bách... Họ là những bậc trí giả, những nghệ sĩ, những lương y được muôn người yêu kính không chỉ bởi tài năng và còn vì nhân cách hơn người của họ.
Tình yêu thương con người chính là động lực và là đích đến trong mỗi việc họ làm, trong mỗi ngày họ sống. Và trước khi về với ông bà tổ tiên, họ thấy lòng mình thanh thản khi đã “hoàn tất tốt đẹp một kiếp người”, họ “xin bỏ lại hết thảy, tha thứ và xin lỗi hết thảy... chỉ xin được mang theo từ đây một ánh lửa bập bùng ” mà họ “đã thắp sáng suốt nhiều thập kỷ vừa qua”. Lấy chữ tình làm điểm tựa và bến đậu dừng chân, Đỗ Chu khiến những trang tùy bút của ông thẫm đẫm tính nhân văn giản dị. Từ đó chúng ta thấy rằng, điểm dừng và đích đến của những trang tùy bút của nhà văn xứ Bắc này đều là vì con người, cho con người và bồi đắp tính người trong mỗi con người.
Dưới cái nhìn dân chủ thoáng mở, nhà văn có điều kiện để đi sâu vào những vấn đề nhạy cảm của đất nước, của con người khi chiến tranh đi qua.
Trong thời kì hội nhập khu vực và thế giới, hòa hợp dân tộc, hòa hợp con người là một trong những ước vọng không chỉ có ở Đỗ Chu mà nó còn là khát vọng chung của không ít người dân Việt. Tùy bút của Đỗ Chu đã đề cập đến vùng tâm điểm nhạy cảm này. Những cuộc đời, những thân phận, những nỗi đau âm thầm, dai dẳng của những con người đi qua và nếm trải những đau thương, mất mát trong cuộc chiến đã dần dần hiện lên trong dòng suy tưởng miên man của cái tôi Đỗ Chu.
Trên những trang tùy bút của mình, Đỗ Chu hướng ngòi bút của mình đến những góc khuất trong tâm hồn những người mẹ, người cha, người vợ, người con… khi có người thân ra đi không hẹn ngày trở về. Người đọc không cầm lòng được khi hiện lên trang viết của Đỗ Chu hình ảnh người mẹ mỏi mòn chờ đợi con trai trở về, rồi lại mòn mỏi hy vọng tìm được chút xương thịt của đứa con trai nằm đâu đó trong lòng đất mẹ để mang về chôn cất nơi quê cha đất tổ (Thăm thẳm bóng người). Rồi khi “tản mạn trước đèn”, nhà văn khiến người đọc day dứt bởi hình ảnh “một nhà chị nhiều lúc ngủ mà nước mắt vẫn tuôn lã chã trên gương mặt” [I. 1, 367] khi người yêu – người chồng của chị chỉ hiện về trong những giấc mơ. “Anh ngã xuống ở mặt trận Quảng Trị mùa hạ năm 1972. Cái chết của anh khiến đêm nào chị cũng khóc mà lại khóc mơ. Khóc là thực mà mơ là giả” [I.1, 368]. Đó là những nỗi đau trong muôn vàn nỗi đau mà con người Việt Nam phải đối mặt khi chiến tranh đi qua. Viết về những con người bất hạnh đó, Đỗ Chu như muốn nói lời cảm thông chia sẻ với những mất mát, đắng cay không gì có thể khỏa lấp được trong trái tim, tâm hồn họ.
Viết về những vấn đề nhạy cảm chủa chiến tranh, Đỗ Chu còn hướng người đọc tới hành trình đi tìm đồng đội của những người lính còn sống sót khi chiến tranh đã đi qua. Theo bước chân của nhà văn – Thiếu tướng Chu Phác, người đọc đã nhìn, đã gặp biết bao ngôi mộ vô danh, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi vùng quê dọc chiều dài đất nước. Thậm chí cả những ngôi mộ của những binh lính phía bên kia chiến tuyến. Dù những người nằm lại trong lòng đất là ai thì họ cũng là những con người, cũng cần được trở về nơi chôn ra cắt rốn, cũng cần được bao bọc trong tình yêu thương của người thân.
Trong tùy bút của mình, Đỗ Chu đã chạm đến vùng tâm điểm nhạy cảm nhất trong đời sống tâm lí của người Việt Nam. Có lẽ muốn tìm một dáng đứng vững chãi cho dân tộc Việt Nam thì chúng ta phải giải quyết được vấn đề nhạy cảm này, phải lấy tình người cùng tấm lòng khoan hòa, bao dung độ lượng để để xoa dịu nỗi đau trong lòng người còn sống và an ủi
linh hồn người đã khuất. Chúng ta không mong muốn lại có một cuộc chiến tranh sắt thép xảy ra trên đất nước Việt Nam? Muốn vậy, có lẽ cũng không khó. Mỗi người Việt Nam phải vượt qua được chính mình, phải có cái nhìn bao dung độ lượng để khép lại quá khứ và hướng tới tương lai.
Vượt lên trên những tình cảm mang tính nhân bản đó, Đỗ Chu còn muốn cùng người đọc nghĩ suy về vấn đề hòa hợp dân tộc, hòa hợp con người. Ánh sáng nhân văn đã giúp Đỗ Chu tìm thấy vẻ đẹp ấm nồng trong tình yêu giữa anh lính Pháp và người con gái quá thì nhỡ lứa nơi làng quê Việt (Thăm thẳm bóng người). Họ đến với nhau bằng tình yêu chân thành và sống hạnh phúc. Tình cảm đó vượt lên những thiên kiến về giai cấp, vượt qua những bất đồng về ngôn ngữ và chủng tộc. Tình yêu chân thành, trong sáng chính là cái đẹp mang tính nhân văn cao cả mà chúng ta cần phải trân trọng và cho nó có điều kiện để nảy mầm vươn dậy.
Trong tùy bút của mình, Đỗ Chu còn đưa chúng ta đến với không khí ấm cúng trong gia đình một người bạn trên đất Mĩ – Gia đình nhà văn Kevin Bowen. Anh là một nhà văn hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam. Gần gũi với anh, Đỗ Chu thấu hiểu giống như những người đã trải qua chiến tranh, Kevin Bowen không dễ quên đi quá khứ. Và “những người như thế mỗi ngày sống của họ đều đầy ắp kỉ niệm, thăm thẳm bóng người, là những những người giàu có trên phương diện tinh thần. Mỗi ngày của họ là một dòng kinh thánh, là một hơi thở nhẹ của Phật trên đài sen” [I.2, 163]. Cái đẹp của tình người, tình đời của những người bạn Mĩ trong tùy bút Đỗ Chu đã phần nào đem đến cho chúng ta một cái nhìn cởi mở và dân chủ khi nói về người Mĩ, nước Mĩ.
Bởi cái đẹp nhân văn có thể tồn tại ở mọi không gian, thời gian và ở mỗi con người trên khắp hành tinh của chúng ta.
Trong những trang viết của mình, Đỗ Chu đã đã thể hiện đậm nét khát vọng hòa hợp dân tộc, hòa hợp con người trên nền tảng của chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Và khát vọng này đã đẩy lên thành một vẻ đẹp mang tính nhân loại. Nó vượt lên mọi thiên kiến chính trị nhỏ nhen, mọi phân biệt
hẹp hòi về quốc gia, sắc tộc để tìm đến sự giao cảm, hòa hợp giữa con người và con người trên tinh thần của cái thiện, cái nhân bản.
Có thể nói, đặc điểm chung của thế giới nhân vật mà Đỗ Chu kiến tạo trong tùy bút của mình là vẻ đẹp nhân văn cao cả luôn tỏa sáng trong cách sống, cách khu xử lấy tình người làm tâm điểm. Với Đỗ Chu, cái làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt chính là truyền thống tương thân tương ái. Chính tình yêu thương làm con người bất diệt, yêu thương làm con người lớn lên và cao quý hơn. Đó là cái còn lại, vĩnh hằng vĩnh cửu trước quy luật băng hoại nghiệt ngã của thời gian.