5. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Con người tự vấn
Không khí đổi mới từ ngoài xã hội tràn vào văn học, nhiều vấn đề trước kia được coi là chuẩn mực nay được nhìn nhận lại, và người cầm bút có điều kiện để sống là mình, viết ra những khao khát cháy bỏng âm ỉ cháy trong con người mình bấy lâu. Trên hành trình đó, nhà văn đi tìm câu trả lời cho
chính mình: “Ta là ai?”. Có lẽ muốn trả lời được câu hỏi đó mỗi nhà văn phải đánh đổi cả cuộc đời của mình cho những trang văn, bởi cái còn lại khi họ mất đi là những tác phẩm của họ. Những băn khoăn, trăn trở của họ về cuộc sống và con người đều ẩn tàng nơi chữ nghĩa. Từ tác phẩm mà họ trả lời câu hỏi cho mình và đặt ra câu hỏi cho người tiếp nhận.
Trong tùy bút Tản mạn trước đèn và Thăm thẳm bóng người, Đỗ Chu đã tự đặt ra những câu hỏi cho mình, để xem xét lại mình, đối chứng với con người bên trong của mình. Bên cạnh đó, nhà văn còn có xu hướng đối thoại với người đọc qua việc đưa ra những vấn đề xã hội gây bức xúc hiện nay để nhà văn và người đọc có thể cùng đi đến tiếng nói chung, thống nhất.
Trước hết là những câu hỏi tác giả đặt ra cho mình và những người cầm bút. Sự trăn trở với việc làm thế nào để có một tác phẩm có giá trị luôn thường trực trong lòng Đỗ Chu, một nhà văn vốn từng quan niệm: “người ta là nhà văn trên từng trang viết”. Ông băn khoan: “Tóm lại là cần phải hay, rất hay. Nhưng bằng cách nào nhỉ? Vẫn là một câu hỏi muôn thuở, vẫn mãi mãi là câu chuyện bóng chim tăm cá. Phải đi nhiều, học nhiều, từng trải nhiều?” [I.1, 254]. Lời đối thoại của nhà văn là một khát khao muốn được sẻ chia, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm của những người cùng chọn con đường sáng tạo văn chương như mình. Đến đây ta mới hiểu hết ý nghĩa trong lời dăn dạy của Khổng Tử: Hãy tìm lộc trong học hành. Chỉ có học với nhiều cách thức và con đường khác nhau chúng ta mới mới không làm nghèo đi tinh thần lẫn vật chất của dân tộc, mới không làm khốn khó cho đất nước, và chỉ có học thì bản thân chúng ta mới có cái nhìn bao dung độ lượng trước những vấn đề trong cuộc sống.
Trong hai tập tùy bút Tản mạn trước đèn và Thăm thẳm bóng người, người đọc thấy hiện lên chân dung của nhiều nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng vốn được giới cầm bút hoặc giới chuyên môn nể trọng. Họ là những con người của ngày xưa và của hôm nay. Với từng chân dung nhân vật, Đỗ Chu muốn đặt ra câu hỏi và trao đổi về các vấn đề quan thiết của hoạt động
sáng tạo hay nhận thức về nghệ thuật hôm nay. Ở từng vấn đề, ta thấy Đỗ Chu có cái nhìn đa diện, tránh được rất nhiều cực đoan trong đánh giá và nhận chân được cái đẹp của một lớp người cầm bút có tinh thần trách nhiệm trước cuộc sống. Khi đề cập đến những nhạy cảm của người cầm bút, Đỗ Chu
“muốn đặt lại và tái khẳng định vấn đề trách nhiệm của nhà văn đối với vận mệnh đất nước, bản lĩnh văn hóa của người viết, sự cô đơn người nghệ sĩ trên hành trình đi tìm cái đẹp, sự tỉnh táo của một nhà văn giữa muôn nẻo đường sáng tạo để làm sao thoát khỏi mê lầm” [II.12, 57].
Là người từng trải, Đỗ Chu xem: “cuộc sống là cả vui lẫn buồn, mà xem chừng cái buồn nhiều hơn cái vui. Còn biết buồn chính là bởi còn yêu, còn gắn bó” và tất cả sự vui buồn trong mỗi ngày chúng ta sống “chính là tình cảm, là nhựa sống, là cái đủ sức nâng cao người ta dậy, là cả mớ những quấn bện, nghĩ ngợi, vân vi” [I.1, 287, 288]. Nhìn đời, nhìn người bằng ánh sáng chủ nghĩa nhân văn, nhà văn thấy trong cuộc sống hôm nay còn quá nhiều những tấn bi kịch đau khổ hơn cả cuộc đời của chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố ngày xưa. Vậy nhà văn phải đứng ở đâu để thông cảm, sẻ chia bất hạnh với những kiếp đời không may mắn đó. Ông tự đặt mình trước câu hỏi: “Giữa trời đất này mà dám đặt mình lên trên mọi người là dễ thành bất nhẫn, dễ thành liều lĩnh tham lam, dám mưu tính những việc động trời.
Liệu sống như vậy phúc có dày không, phận có mỏng quá không?” [I.1, 288].
Đây cũng là một minh chứng cho quan niệm sống rồi hãy viết của nhà văn.
Khi đọc tùy bút Thăm thẳm bóng người, những gì Đỗ Chu nói đến, bàn đến khiến chúng ta vỡ lẽ ra một điều: những gì chúng ta biết và hiểu về cuộc sống xung quanh còn quá hời hợt và nông cạn. Một câu hỏi đặt ra, tại sao những quán cóc nhỏ mọc khắp nơi bình thường, bình dị lại có sức sống dẻo dai, vượt thời gian như vậy? Điều gì khiến nó có sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa của người Việt? Gợi khắc câu hỏi trong lòng người đọc nhưng Đỗ Chu cũng hé mở cho chúng ta hướng đi của câu trả lời. Thì ra, đó là nơi lịch sử của dân tộc được ghi lại một cách trung thực nhất, mộc mạc thô
sơ nhất trước khi nó trở thành giai thoại, huyền thoại. Nơi đó chứa chất dấu ấn của một thời đã qua, là kho lẫm của nhân dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đỗ Chu cũng trưởng thành từ nơi trường học đặc biệt đó, và biết bao nhiêu nhà văn, nhà sử học cũng từ đó mà ra. Bí ẩn về sức mạnh kì diệu của không gian văn hóa di động đó còn là điều ám ảnh tâm hồn của những ai thật sự tha thiết với những giá trị văn hóa của dân tộc.
Không chỉ nói lên những suy tư, trăn trở một cách trực tiếp, Đỗ Chu còn gửi những nỗi niềm đó qua những nhân vật mà ông kiến tạo trong tác phẩm của mình. Mỗi nhân vật mà ông nói đến trong những cuốn tùy bút như là điểm tựa để nhà văn đối thoại với người đọc và ngược lại người đọc cũng như được giải tỏa những thắc mắc, trăn trở của mình trước cách nghĩ, cách làm của các nhân vật. Đặc biệt, khi viết về những cuộc đời, những con người bình thường, Đỗ Chu cũng luôn gợi khắc nơi người đọc những băn khoăn, trăn trở. Vì sao người thanh niên có giọng hát trong veo, mượt mà một thời lại phải ngồi tù? Trả lời câu hỏi này chúng ta lại phải quay ngược thời gian về thời điểm giọng hát đó xuất hiện. Giữa thời chiến mà hát nhạc vàng thì đều bị đi lao động cải tạo. Thì ra cái đẹp muốn tồn tại thì cũng không được lạc thời, chệch thời của nó. Hàng trăm câu hỏi về các vấn đề mang tính dân tộc và thời đại cứ xoáy sâu vào lòng người đọc và để giải thích nó cho ngọn ngành thì quả là không đơn giản.
Có thể thấy, những câu hỏi mà Đỗ Chu đặt ra trong tác phẩm không chỉ dành cho mình mà nó còn có sức âm vang trong lòng người đọc. Văn học là nhân học, với sức mạnh nội tại của mình, văn học có thể thanh lọc tâm hồn con người. Cái mà nhà văn tự cật vấn và suy nghĩ trên từng trang tùy bút vừa là những nỗi ưu tư trên con đường tìm về chính mình, vừa là bài học cho những ai đang và sẽ muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “ta là ai?”.