3.1.1. Giới thuyết về khái niệm
Cũng như khái niệm văn hóa, biểu tượng được đánh giá, nhìn nhận và soi chiếu ở nhiều góc độ khác nhau. Nó là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau như tâm lý học, triết học, văn hóa học…
Dưới góc nhìn từ cấp độ văn hóa, ngôn ngữ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Ngân Hoa cho rằng: “biểu tượng là một yếu tố gồm hai mặt: cái biểu
trưng và cái được biểu trưng. Mối quan hệ của hai mặt này là mối quan hệ có lý do. Chức năng chủ yếu của biểu tượng là chức năng nhận thức và chức năng biểu hiện”. Như vậy biểu tượng là một hình thái ngôn ngữ đặc trưng
của con người và là tế bào của văn hóa. Cho nên, khi tìm hiểu về biểu tượng, cũng là đang tìm hiểu về văn hóa. Hay nói cách khác thế giới văn hóa chính là thế giới của biểu tượng.
Biểu tượng bao gồm mọi dạng thức hình ảnh tác động chủ yếu đến thính giác và thị giác gây cho con người những rung động, cảm xúc về chúng theo nhiều mức độ khác nhau. Biểu tượng có mặt hầu hết trong các biểu hiện của cuộc sống. Thực chất, cuộc sống ngoài những nhận thức bằng tư duy lý tính mang tính logic, nhưng còn biết bao điều không thể hiểu biết trực tiếp được.Vì vậy người ta dùng một vật môi giới làm trung gian để hiểu được những điều khó hiểu. Ta gọi nó là biểu tượng (Les Symboles) như “Hoa cúc” biểu tượng cho sự thủy chung; “Bồ câu” biểu tượng của hòa bình; “Hoa sen” biểu tượng của sự thanh cao; “Cái bắt tay” biểu tượng cho tình hữu nghị…
Biểu tượng có năng lực bày tỏ rất nhiều về mặt ý nghĩa, vì bản thân nó mang nhiều đặc tính huyền ảo, tính phức tạp và tính đa nghĩa với nhiều dáng vẻ khác nhau tương ứng với sự từng trải và vốn sống của mỗi con
người. Từ đó có thể có sự giải mã khác nhau trong việc “giải mã” các biểu tượng và sự khác nhau trong nhận thức, trong sự tiếp nhận thông tin của mỗi cá nhân, của nhóm và cả cộng đồng dân tộc.
Bản sắc văn hóa dân tộc là sự biểu hiện về bản lĩnh sáng tạo của mỗi dân tộc. Nó được kết tinh thành những biểu tượng văn hóa và thông qua các hệ thống biểu tượng, ta có thể hiểu được tính cách, tâm hồn của con người, của dân tộc đó. Nó tồn tại trong văn học là một phương tiện tạo hình và biểu đạt mang tính tượng trưng và đa nghĩa ở một dạng hình tượng cụ thể. Nó được sử dụng như một mã nghệ thuật mang dấu ấn của văn hóa, dân tộc, thời đại, khuynh hướng sáng tác, phong cách cá nhân, cá tính sáng tạo.
Dù hiểu theo góc độ nào đi nữa thì biểu tượng luôn là một kích thích, là một nơi gợi mở giúp chúng ta vượt qua dáng vẻ bên ngoài để đi tìm ý nghĩa ẩn kín bên trong. Nó chính là một nhân tố giúp cho ta phát hiện và sáng tạo ra các giá trị mới - giá trị văn hóa. Biểu tượng thực sự vén mở cho ta thấy chân trời của trí tuệ bằng sự cảm nhận những giá trị đúng đắn của cuộc sống. Nhận thức các hệ thống biểu tượng và “giải mã” nó để hiểu về những giá trị, những tư tưởng được chìm ẩn trong thế giới của biểu tượng.