1.2.1. Các mốc thời gian chính
Đầu những năm 90 là giai đoạn hợp tác khu vực còn bị coi nhẹ nhưng trong nửa cuối thập kỷ đó, các nước đã chứng kiến những động thái thể chế hoá các dàn xếp mậu dịch tự do thông qua các khu vực mậu dịch tự do song phương và thông qua các sáng kiến khác. Nếu như những năm đầu thập kỷ 90 là giai đoạn Mỹ tăng cường can dự vào khu vực này, thì nửa cuối thập kỷ chứng kiến việc tăng cường mở rộng hợp tác khu vực thông qua nhóm ASEAN + 3 (10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu á đã làm các nước trong khu vực nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của hợp tác kinh tế trong khu vực. Sự hợp tác về tiền tệ Châu á và việc tổ chức các cuộc gặp 10 + 3 đã cho thấy, hợp tác kinh tế trong khu vực này đã trở thành một vấn đề rất quan trọng. Theo chương trình này, nhiều kế hoạch hợp tác kinh tế đã được đưa ra, như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – ấn độ, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Nhật Bản, Khu vực mậu dịch tự do giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Khu vực mậu dịch tự do Đông á, … Vấn dề quan trọng nhất là việc các cường quốc kinh tế đã bắt đầu chú trọng đến phát triển hợp tác kinh tế khu vực. Nhật Bản, nước luôn theo hướng hợp tác thương mại đa phương, nay đã bắt đầu đàm phán với Hàn Quốc, Singapore và Mehico về các hiệp định thương mại song phương. Từ năm 1999, Trung Quốc cũng đã thay đổi thái độ trước đây của mình về hợp tác kinh tế khu vực. Thực tế là Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, tạo điều kiện để đưa hợp tác kinh tế khu vực lên mức cao hơn trên cơ sở thương mại tự do theo quy định của WTO.
Mọi đề nghị về hợp tác kinh tế khu vực ở Đông á đều có thể trở thành hiện thực, nhưng đồng thời những đề xuất này cũng vấp phải những trở ngại nhất định.
Xét về mặt khả thi của các mối liên kết kinh tế khu vực, có khả năng nhất trong giai đoạn hiện nay là quan hệ hợp tác giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc. Sự thành công của mối hợp tác kinh tế 10 + 1 này có thể sẽ được phổ biến ra các nước khác trong khu vực Đông á và làm đối trọng với khối Liên hiệp Châu Âu (EU) đã được mở rộng và Khu vực mậu dịch tự do Châu Mỹ (FTAA).
ý tưởng về việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do giữa Trung Quốc và ASEAN xuất phát từ đề xuất của Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ASEAN lần thứ 4 tổ chức vào tháng 11/ 2000. Trong năm này, Trung Quốc còn thoả thuận sẽ tăng cường hợp tác và đưa ra những hạng mục hợp tác cụ thể như khai thác sông Mekong, xây dựng tuyến đường sắt xuyên á…
Đến năm 2001, những thoả thuận này giữa Trung Quốc và ASEAN đã có những bước tiến mới. Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của ASEAN thiết lập khu vực không có vũ khí hạt nhân, xem xét ký kết Hiệp định hợp tác hữu nghị Đông Nam á, cam kết đầu tư 5 triệu USD để nạo vét sông Mekong và tài trợ 1/3 chi phí xây dựng tuyến đường cao tốc Bankok - Côn Minh. Đặc biệt, tại Hội nghị giữa những nhà lãnh đạo ASEAN - Trung Quốc tổ chức vào ngày 6 /11/ 2001 tại Banda Seri Begawan (Brunei), các nhà lãnh đạo Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã đi đến nhất trí về việc thành lập Khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) trong vòng 10 năm, đồng thời chính thức uỷ quyền cho các bộ trưởng và quan chức của hai bên đàm phán về vấn đề này.
Từ sau khi đạt được thỏa thuận thành lập ACFTA, hai bên đã nỗ lực xúc tiến các công tác thúc đẩy tiến trình ra đời của ACFTA. Các tổ chức như Uỷ ban đàm phán thương mại ASEAN - Trung Quốc (TNC - Trade Negotiation Committee) và Hội đồng thương mại ASEAN - Trung Quốc đã được thành lập. Đồng thời các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai bên để đàm phán về phát triển hợp tác kinh tế thương mại đã diễn ra liên tục trong năm qua như: Cuộc gặp giữa các quan chức kinh tế cao cấp ASEAN - Trung Quốc (SEOM - Senior Economic Officials Meeting) lần thứ 3 hồi tháng 5/ 2002 tại Bắc Kinh, Hội thảo quốc tế về hợp tác trong thương mại, đầu tư và phát triển ASEAN - Trung Quốc diễn ra vào tháng 6 tại Côn Minh Trung Quốc, Diễn đàn về hợp tác ASEAN - Trung Quốc vào tháng 8 tại Kuala Lumpur (Malaysia), Hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN - Trung Quốc lần thứ nhất vào tháng 9 tại Brunei, cuộc gặp giữa các quan chức kinh tế cấp cao
của hai bên vào tháng 10 tại Singapore, … Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo cũng như của các nhóm khảo sát của hai bên đến cả Trung Quốc và ASEAN để tìm hiểu tình hình thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Với những nỗ lực của cả hai bên, ngày 4/ 11/ 2002, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 diễn ra ở thủ đô Phnompenh (Campuchia), các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã chính thức ký bản hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc (Framework Agreement on Asean–China Comprehensive Economic Cooperation - FAACCEC), mở đường cho việc thiết lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) trong 10 năm tới. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong thế kỷ này.
ý nghĩa của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc
Trước đây, không phải không có những lo ngại về ý tưởng thành lập khối kinh tế chung giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam á vốn có xu hướng cạnh tranh hơn là hợp tác, thậm chí còn có ý kiến cho rằng sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, với tỷ lệ tăng trưởng liên tục đạt khoảng 7% [5], sẽ gây nên mối đe dọa đối với ASEAN. Trong bối cảnh đó, theo thông lệ, người ta trông đợi rằng ASEAN sẽ dựng lên những rào cản tự vệ để chống lại hàng hóa của Trung Quốc và triển khai các biện pháp bảo hộ mậu dịch để đánh bật sự thách thức của Trung Quốc. Tất nhiên, đấy là một giải pháp. Nhưng ASEAN đã chọn giải pháp khác, mang tính thách thức hơn, đó là gần gũi hơn và mở cửa nền kinh tế của tổ chức này với Trung Quốc trên cơ sở có đi có lại. Hơn nữa, sau cuộc khủng hoảng 1997, e sợ bị gạt ra ngoài lề công cuộc toàn cầu hoá, ASEAN đã và đang nỗ lực phấn đấu trở thành khu vực kinh tế năng động nhất thế giới. Thêm vào đó, Trung Quốc đưa ra những ưu tiên nhất định – hứa hẹn mở cửa thị trường trước các nước ASEAN, đồng thời ưu đãi các nước kém phát triển trong khối gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Thế là ASEAN chấp thuận: “Trung Quốc đã có thiện
chí, chúng tôi cũng đáp lại” [22] – Noordin Azhari, phụ trách hợp tác kinh tế trong
Ban thư ký ASEAN đã phát biểu như vậy. Tại cuộc hội thảo “Quan hệ đối tác kinh tế giữa ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc” tổ chức vào cuối tháng 3/ 2002 tại Singapore, Giáo sư Tommy Koh, giám đốc Viện nghiên cứu chính sách của
Singapore cũng nhận định: “Trung Quốc đã đưa ra đề nghị thành lập Khu vực
mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Đây là một động thái rất thông minh của Trung Quốc và ASEAN đã hành động đúng khi chấp nhận đề nghị này của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không coi ASEAN là một cỗ máy thân phương tây, tức là mang tính thù địch với những lợi ích của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc coi ASEAN là một người bạn và một Đông Nam á thật sự mang tính bản địa có trách nhiệm với vận mệnh của mình” [23].
Như vậy, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc ra đời đã đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài của ASEAN và Trung Quốc. Hiện nay, trong bối cảnh suy giảm của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ, các nước ASEAN nhận thấy rằng đã đến lúc họ không thể chỉ dựa vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ mà cần phải khai thác thị trường mới để phát triển kinh tế. Từ trước đến nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hầu hết các nước Đông Nam á. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của các nước ASEAN nên khi kinh tế Mỹ giảm sút thì nền kinh tế của các nước này cũng bị suy thoái, trong khi đó Trung Quốc vẫn giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng khâm phục. Vì vậy, các nước Đông Nam á không những cần điều chỉnh chính sách kinh tế mà còn cần tìm một thị trường mới để không bị quá phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ. Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc chính là giải pháp cho vấn đề trên. Hơn nữa, ASEAN và Trung Quốc là những nước đang phát triển và đang ở những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau nhưng đang cùng phải đối mặt với những cơ hội và thách thức của xu thế toàn cầu hoá và khu vực hoá kinh tế một cách mạnh mẽ của thế kỷ 21 này. Các khu vực chính trên toàn cầu đều đã thiết lập các Khu vực mậu dịch tự do như Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ, Liên minh Châu Âu. Quan trọng hơn, Khu vực mậu dịch tự do đã trở thành phương thức hội nhập quốc tế song song với toàn cầu hoá. Vì vậy, các nước Đông Nam á cũng cần có một giải pháp để đảm bảo lợi ích khu vực cũng như tránh tác động của sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Do đó, việc thành lập một hiệp định mậu dịch tự do giữa hai bên và tăng cường quan hệ song phương lúc này là một quyết định sáng suốt của ASEAN và Trung Quốc trong quá trình theo đuổi những cơ hội phát triển mới.