Chính trị ngoại giao và an ninh

Một phần của tài liệu Khu vực mậu dịch tự do ASEAN trung quốc và một số giải pháp thúc đẩy hội nhập của việt nam (Trang 28 - 29)

Về mặt chính trị ngoại giao và an ninh, các nước ASEAN và Trung Quốc đã có truyền thống hợp tác hữu nghị lâu đời. Từ đầu những năm 90 đến nay, một số nước trong ASEAN đã lần lượt thiết lập, khôi phục hoặc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, từ đó góp phần mở đường hoặc khai thông cho quan hệ kinh tế và các quan hệ khác giữa hai bên phát triển toàn diện. Giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc tuy vẫn còn tồn tại một số bất đồng về biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhưng tại cuộc gặp gỡ ở Phnompenh tháng 11/ 2002, lãnh đạo cao cấp hai bên đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nhằm tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), mở đường cho một giải pháp cơ bản, lâu dài đối với các tranh chấp ở biển Đông. Ngoài ra, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Gần đây nhất, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 diễn ra vào đầu tháng 10/ 2003 tại Bali (Indonesia), các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung về đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hoà bình và thịnh vượng, đồng thời Trung Quốc cũng chính thức tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC). Điều này một lần nữa khẳng định vài trò và uy tín ngày càng cao của ASEAN, mở ra triển vọng biến Hiệp ước TAC thành Bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và các nước ngoài khu vực. TAC sẽ là cơ sở để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đồng thời xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc. Hơn thế nữa, những văn kiện trên đánh dấu sự tín nhiệm về chính trị – an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc đã phát triển tới một trình độ mới, tạo cơ sở và là điều kiện đảm bảo quan trọng cho việc thành lập khu vực mậu dịch tự do nói riêng và cho việc bảo vệ hoà bình, ổn định ở khu vực nói chung.

Nói tóm lại, hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc đã phát triển nhanh trong thập kỷ qua trên tất cả các lĩnh vực nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững có lợi cho cả hai bên. Trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, các thể chế thương mại khu vực đòi hỏi phải có sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các bên nhằm vượt qua thách thức và tận dụng các cơ hội. Trong bối cảnh đó, ASEAN và Trung Quốc cần quyết tâm đưa ra một khuôn khổ hợp tác kinh tế toàn diện và hướng về tương lai nhằm đặt ra nền tảng pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai

bên, bao gồm một khu vực mậu dịch tự do. Việc thiết lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ mang lại những cơ hội to lớn và cả những thách thức. Để bảo đảm thành công, ý chí chính trị là một yếu tố quyết định, do đó cần xây dựng một lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể để Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc sớm được thực hiện theo mong muốn của các nhà lãnh đạo hai bên.

Một phần của tài liệu Khu vực mậu dịch tự do ASEAN trung quốc và một số giải pháp thúc đẩy hội nhập của việt nam (Trang 28 - 29)