Tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn, thách thức

Một phần của tài liệu chính sách giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện a lưới, tỉnh thừa thiên huế (Trang 60 - 62)

7. Kết cấu luận văn

2.1.4.3. Tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn, thách thức

a. Tiềm năng, thế mạnh

- Huyện A Lưới có vị trí địa lý - kinh tế khá thuận lợi, nằm trên đường Hồ Chí Minh đi qua 14 xã, thị trấn với chiều dài trên 100 km, nối xuyên Bắc - Nam; có quốc lộ 49 kết nối Đông - Tây thông suốt với Huế và các huyện đồng bằng; đường 74, 71 đang được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới nối A Lưới với Nam Đông, với Phong Điền, quốc lộ 1A; có hai cửa khẩu quốc gia là A Đớt và Hồng Vân, đặc biệt Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt đang được đầu tư phát triển.

- Diện tích tự nhiên lớn nhất toàn tỉnh, đất đai màu mỡ, thời tiết khí hậu thuận lợi cho sự sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, cây ăn quả với quy mô tập trung. A Lưới còn có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ cao và thảm thực vật phong phú với trữ lượng trung bình 6-7 triệu m. Diện tích đất trống đồi núi trọc chưa sử dụng còn nhiều. Đây là tiềm năng lớn có thể khai thác đưa vào phát triển nông, lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác.

- A Lưới có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như các khu rừng nguyên sinh rộng lớn, các thác nước, sông, hồ, các đèo, hang động là những điểm tham quan hấp dẫn; có các bản làng của đồng bào Pacô, Tà Ôi còn lưu giữ nhiều nếp sống, truyền thống văn hóa đặc sắc, có nghề dệt zèng nổi tiếng... có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử-văn hóa, du lịch cộng đồng... Đây là lợi thế lớn cho phép A Lưới phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

- Là huyện có tiềm năng về thủy điện, khoáng sản cao lanh, vàng, đá xây dựng và nguồn nguyên liệu nông, lâm sản lớn... có thể phát triển mạnh công nghiệp. Các công trình thủy điện lớn như A Lưới, A Lin đang được đầu tư hoàn thành xây

dựng; đã có một số dự án công nghiệp lớn như nhà máy tinh lọc cao lanh, chế biến vàng đa kim loại, khai thác đá, chế biến gỗ, lâm sản… Kết cấu hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ.

- Đồng bào các dân tộc huyện A Lưới có truyền thống cách mạng, đoàn kết, một lòng theo Đảng; anh hùng trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; có đội ngũ lãnh đạo năng động, tâm huyết với quê hương. A Lưới còn được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ Trung ương và Tỉnh. Các chương trình, dự án ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới và các chương trình mục tiêu quốc gia được Trung ương, Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư. Đó là nguồn lực to lớn để A Lưới tiếp tục phát triển đi lên trong tương lai.

b. Khó khăn, thách thức

Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh nổi trội thì nhìn chung A Lưới vẫn là một huyện nghèo, còn nhiều khó khăn, thách thức.

- Quy mô, tiềm lực nền kinh tế còn nhỏ bé, trình độ phát triển thấp; tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định; thu ngân sách còn thấp. Phương thức canh tác, thâm canh trong nông nghiệp chậm đổi mới; công nghiệp đang trong quá trình xây dựng; thương mại, du lịch chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Mức chênh lệch về thu nhập của người dân trong huyện so với bình quân chung toàn tỉnh còn cao. Nguy cơ bị tụt hậu vẫn rất lớn. Đây đang là khó khăn, thách thức lớn đối với A Lưới trong những năm tới.

- A Lưới nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng động lực phát triển của tỉnh như thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; cách xa sân bay, cảng biển nên ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển và giao lưu kinh tế. Chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu đàn đầu tư các công trình, dự án lớn về sản xuất, kinh doanh và xây dựng đô thị.

- Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, công nhân lành nghề; tỷ lệ lao động được đào tạo thấp; năng lực đội ngũ cán bộ còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT - XH và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Trình độ dân trí thấp, chuyển biến nhận thức chậm, vẫn còn tư

tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận nhân dân. Đời sống dân cư còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

- Địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh, gây nhiều khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai lũ lụt, lở đất thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân cư. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

- A Lưới là địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, có nhiều yếu tố còn tiềm ẩn khó lường. Sự chống phá của các thế lực thù địch vẫn đang tiếp tục bằng âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. An toàn giao thông và một số tệ nạn xã hội vẫn đang là những vấn đề bức xúc đặt ra.

2.2. THỰC TRẠNG NGHÈO, ĐÓI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO Ở HUYỆN A LƯỚI THỜI GIAN QUA

Một phần của tài liệu chính sách giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện a lưới, tỉnh thừa thiên huế (Trang 60 - 62)