7. Kết cấu luận văn
1.1.1.4. Các tiêu chí, tiêu thức đánh giá hiệu quả chính sách xóa đói giảm nghèo
+ Xác định tiêu chí đánh giá hiệu quả chính sách XĐGN phải quán triệt các
quan điểm sau:
Thứ nhất, quan điểm nhân văn: Đòi hỏi chính sách dù là chính sách kinh tế
hay chính sách văn hóa hoặc chính sách xã hội đều phải luôn luôn coi trọng “yếu tố con người”, phát huy yếu tố con người trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, lấy việc phục vụ con người và quan tâm đến con người là tiêu chuẩn đạo đức thiết yếu. Cần nhận thức được rằng mục tiêu và động lực của sự phát triển là vì con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi sự phát triển, giải phóng sức sản xuất, khơi dậy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân, của tập thể lao động và của cả cộng đồng dân tộc.
Thứ hai, quan điểm lịch sử: Mỗi chính sách đều là sản phẩm của Nhà nước
trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Vì vậy, các chính sách KT - XH đã đề ra dù đúng và hợp lý cũng chỉ phát huy tác dụng, có hiệu lực và hiệu quả trong mỗi giai đoạn nhất định, nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định trong từng thời kỳ lịch sử của đất nước. Khi có chính sách không phù hợp, Nhà nước phải thay bằng chính
sách mới hoặc thay đổi các giải pháp, công cụ của chính sách đó, tránh bảo thủ, nóng vội, chủ quan.
Thứ ba, quan điểm hệ thống: Tất cả các chính sách thường có mối quan hệ
chặt chẽ với nhau và tạo thành một hệ thống các chính sách. Mỗi chính sách thường hướng vào những mục tiêu có tính chất trọng điểm của chính sách đó. Những mục tiêu của các chính sách là khác nhau, về cơ bản không được mâu thuẫn với nhau và đều phải hướng vào việc thực hiện những mục tiêu tổng quát của đất nước. Do đó, phải có một hệ thống phối hợp đầy đủ các chính sách để giải quyết tất cả các vấn đề đã chín muồi của chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước trong từng thời kỳ phát triển nhất định.
Thứ tư, đặt XĐGN trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế: Phát triển kinh tế thị trường tất yếu có sự cạnh tranh và phân hóa
giàu nghèo sẽ tăng lên. Do đó, chiến lược phát triển KT - XH luôn luôn coi trọng khuyến khích làm giàu chính đáng đi đôi với XĐGN. Chủ thể XĐGN là bản thân người nghèo. Vì thế, người nghèo cần tự mình vươn lên trong lao động sản xuất, kinh doanh với sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Coi XĐGN là hoạt động tổng thể với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, nhiều tổ chức đoàn thể tham gia dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đặt công tác XĐGN trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, nghĩa là chúng ta không chỉ tích cực thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về XĐGN hoặc tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế trong vấn đề này mà phải từng bước tiếp cận dần với chuẩn nghèo quốc tế trong đó có cả chuẩn nước nghèo và chuẩn người nghèo.
+ Các tiêu chí, tiêu thức đánh giá hiệu quả của chính sách XĐGN:
Chính sách XĐGN nằm trong hệ thống các chính sách KT - XH. Do đó việc xem xét, đánh giá hiệu quả của các chính sách XĐGN phải căn cứ vào nhiều loại tiêu chí, tiêu thức khác nhau, cả về định tính và định lượng.
Loại tiêu chí thứ nhất: Đánh giá hiệu quả chính sách XĐGN dưới góc độ
Về nhân tố khách quan:
- Khả năng của nền kinh tế và nguồn lực cho XĐGN. Trong quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế và XĐGN có mối quan hệ biện chứng với nhau: Tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề, điều kiện vật chất để giảm nghèo. Ngược lại, giảm nghèo là nhân tố đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế mang tính bền vững. Giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề XĐGN không thể tách rời với phát triển kinh tế, không thể vượt ra ngoài khả năng của nền kinh tế cho phép. Song không phải vì thế mà để kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội trong đó có XĐGN mà phải gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội ngay từ đầu, trong từng bước và từng chính sách phát triển.
- Nền kinh tế tăng trưởng và phát triển thì thu nhập bình quân trên đầu người tăng lên, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Từ đó, chuẩn nghèo được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo cũng tăng lên, chính sách giảm nghèo phải được mở rộng. Do đó, việc cân đối, huy động nguồn lực để đáp ứng yêu cầu cũng trở nên khó khăn hơn. Chuẩn nghèo nâng lên thì số hộ vừa thoát nghèo có khả năng tái nghèo. Những hộ có thu nhập bình quân đầu người nằm ngay cận trên chuẩn nghèo có thể rơi vào tình trạng nghèo theo tiêu chuẩn mới. Như vậy, diện hộ nghèo theo chuẩn mới sẽ tăng lên, người nghèo tăng lên đòi hỏi nguồn lực để giải quyết đói nghèo tăng lên trong điều kiện nguồn vật chất, tài chính của Nhà nước và của xã hội còn hạn hẹp.
- Quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa đi kèm với việc thu hồi đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ và công trình công cộng khiến cho người lao động ở những nơi này mất đất, không kịp chuyển đổi nghề nghiệp hoặc không có tay nghề phải di cư ra thành thị hoặc những vùng ven đô để tìm kiếm việc làm, với mức thu nhập thấp, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản và phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe, việc làm, tệ nạn xã hội nên nguy cơ rơi vào đói nghèo của nhóm này rất cao.
- Thiên tai, dịch bệnh và tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác và chính sách XĐGN.
- Tác động của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa kinh tế đã mở ra các mối quan hệ kinh tế, thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT - XH của Việt Nam.
Tuy vậy, toàn cầu hóa cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, đưa lại những rủi ro khó dự báo và quy mô lớn như nguy cơ xảy ra đại dịch lớn, bệnh AIDS, bệnh cúm gia cầm, sự bất an về giá cả trên thị trường thế giới. Đây đã và đang là thách thức lớn với công tác XĐGN ở Việt Nam hiện nay.
Về nhân tố chủ quan:
- Nâng cao nhận thức của người nghèo, của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của công tác XĐGN, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án, mô hình XĐGN đến nhân dân, đặc biệt chú trọng đến vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS, hộ sát chuẩn nghèo; phát huy vai trò của cộng đồng các doanh nghiệp, cả xã hội tham gia vào công tác XĐGN; tạo cơ hội cho người nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập; mở rộng cơ chế cho phép và vận động người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và thuận tiện, chi phí thấp; phát huy tinh thần trách nhiệm của các tổ chức triển khai chương trình, dự án XĐGN và chủ động tích cực của các hộ nghèo, người nghèo trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai; nhân rộng các mô hình XĐGN phù hợp với từng địa phương để tạo ra một phong trào rộng rãi về XĐGN.
- Hiệu lực và hiệu quả của chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo và vùng nghèo. Cụ thể là: Tiến tới xóa bỏ bao cấp trong chính sách hỗ trợ XĐGN; tổ chức thực hiện tốt chương trình, dự án, chính sách XĐGN; chính sách hỗ trợ người nghèo phải sát với thực tế địa phương và đưa đến đúng đối tượng được hưởng thụ; sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn lực cho XĐGN.
- Tạo môi trường xã hội thuận lợi cho XĐGN và thực hiện công bằng xã hội. Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu với người nghèo, phụ nữ và trẻ em; thực hiện bảo hiểm miễn phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xã, phường, thị trấn để người dân, trong đó có người nghèo được tham gia vào quá trình triển khai thực hiện và giám sát thực hiện chính sách; mở rộng mạng lưới tuyên truyền và trợ giúp pháp luật cho người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh ĐBKK.
- Sự quản lý của Nhà nước trong công tác XĐGN, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo và đội ngũ làm công tác XĐGN có trình độ, năng lực.
Loại tiêu chí thứ hai: Đánh giá hiệu quả chính sách XĐGN với tiêu chí đảm
bảo kết hợp tăng trưởng và phát triển kinh tế với XĐGN, thực hiện công bằng xã hội. Điều kiện quan trọng và quyết định giải quyết thành công vấn đề giảm nghèo là đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao, bền vững phải đảm bảo phân phối công bằng bởi sự chênh lệch quá đáng về thu nhập sẽ làm cho người nghèo trở nên nghèo hơn, nghèo tương đối bộc lộ rõ hơn. Sự bất bình đẳng quá lớn sẽ là lực cản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với XĐGN, thực hiện công bằng xã hội được thể hiện nổi bật: Tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động; thu nhập và chất lượng cuộc sống được nâng cao; cải thiện chỉ số phát triển con người (HDI) và tỷ lệ nghèo giảm nhanh; tăng trưởng kinh tế với bất hình đẳng về thu nhập.
Loại tiêu chí thứ ba: Hiệu quả chính sách XĐGN nhìn dưới góc độ thực hiện
các chỉ tiêu cụ thể về phát triển xã hội (hẹp và giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách) mà trực tiếp nhất là: Thực hiện mục tiêu chung về XĐGN; tốc độ giảm nghèo, hộ nghèo và vùng nghèo; sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các miền; phân hóa giàu nghèo.