Cơ chế điều hành, quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (Trang 78)

- Chưa có quy định cụ thể để bù đắp những chi phí hợp lý cho doanh nghiệp tham gia bình ổn giá , dẫn đến lũy kế số dư Quỹ bình ổn giá của các

3.1.4. Cơ chế điều hành, quản lý nhà nước

Từ năm 2009, Chính phủ chủ trương điều hành giá mặt hàng xăng dầu theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không còn bù lỗ, hỗ trợ đối với kinh doanh các mặt hàng xăng dầu. Thực tế, do nhiều nguyên nhân cho đến nay, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mang tính thị trường do chưa có cơ chế cạnh tranh thị trường đầy đủ.

Về cơ bản, giá xăng dầu được phân quyền quản lý giữa các đơn vị chủ quản và một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu truyền thống độc quyền. Thậm chí, đã có lúc người ta thấy có sự vận dụng ngược trình tự quy luật thị trường, tức chủ trương cho phép các doanh nghiệp độc quyền được định giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới mà không phải cạnh tranh thị trường. Trong khi cần làm ngược lại, phải cho cạnh tranh thị trường đầy đủ và lành mạnh trước khi tự do hóa giá cả thị trường để tránh biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Từ khi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP có hiệu lực, trong các thông báo tăng, giảm giá xăng dầu được công bố, khái niệm "giá cơ sở" luôn được đưa ra như một căn cứ quan trọng nhất cho quyết định điều chỉnh. Tuy nhiên, có một điểm mà thông báo đã không chỉ ra, đó là sự cao, thấp của giá cơ sở lại

không phản ánh lỗ lãi thực tế của doanh nghiệp.

Giá cơ sở được tính dựa trên giá xăng, dầu thành phẩm tại thị trường Singapore bình quân gia quyền của 30 ngày (theo lịch) tính đến thời điểm chốt số liệu. Trong 30 ngày đó, giá có lên, có xuống. Doanh nghiệp có thể nhập vào thời điểm giá cao trong 30 ngày nhưng cũng có thể nhập vào những thời điểm giá thế giới thấp hơn nhiều so với giá cơ sở trung bình. Điều này có thể làm cho giá cơ sở cao hơn nhiều giá bán hiện hành nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn lãi lớn. Vì thế, giá cơ sở chỉ là công cụ giám sát mà không thể là căn cứ để quyết định tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Ngoài ra, dù vẫn đều đặn công bố bảng giá thành đều đặn nhưng chưa phải là tất cả hay đúng hơn mới chỉ là một phần nổi của giá. Còn rất nhiều vấn đề khác về các định mức kỹ thuật, chế độ hoa hồng, dữ trữ lưu thông, sử dụng quỹ bình ổn cho đến thời điểm và giá cả thực tế của mỗi lô hàng nhập khẩu và phân phối,... tác động đến giá chưa được nói đến. Bên cạnh đó, chế độ kế toán, hiệu quả quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp và nhất là những ưu đãi và nguồn lực đầu tư của nhà nước cho doanh nghiệp và cho toàn ngành xăng dầu vẫn chưa rõ ràng.

Việc để thị trường quyết định giá xăng, dầu là phù hợp, nhưng vấn đề là thị trường nào để tránh các hiện tượng thông đồng giá. Đó không thể là thị trường mà Petrolimex thống trị. Trong điều hành giá xăng dầu hiện nay, có vẻ như Nhà nước thực hiện theo kiểu nửa vời, vừa muốn để thị trường vừa lo sợ sốc giá, dẫn đến việc tăng giá theo kiểu “đánh du kích”. Một thực tế cho thấy cứ mỗi lần quyết định tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính thường đưa ra quan điểm mức tăng đó chưa bù được khoản lỗ của doanh nghiệp, nói như vậy vô hình trung sẽ tạo tâm lý cho doanh nghiệp muốn “vòi” thêm tăng giá. Đến nay các bộ, ngành luôn hô hào điều hành theo giá thị trường, đã thị trường thì phải cạnh tranh nhưng xăng dầu thì Petrolimex chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường và quản lý khép kín từ nhập khẩu đến bán buôn, bán lẻ. Do đó, ai sẽ đảm bảo tính minh bạch và đúng trong những lần thanh tra, kiểm soát mặt hàng này là vấn đề không đơn giản. [63]

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, cho rằng bất cập trong điều hành giá bán lẻ xăng dầu đã bộc lộ từ 2009. Mục tiêu của Chính phủ là "trả" giá xăng về cho thị trường, Nhà nước sẽ không bù lỗ hoặc bao cấp nữa. Thế nhưng, từ đó đến nay, xăng dầu chưa lúc nào thực hiện theo đúng cái nghĩa của thị trường. Thậm chí trong các đợt điều hành giá cả còn bộc lộ sự "thỏa hiệp" giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp kinh doanh độc quyền xăng dầu. [54]

Sự bất cập trong quản lý, điều hành, kinh doanh xăng dầu bị đẩy lên đến cao trào khi Bộ Tài chính tổ chức buổi đối thoại trực tiếp có sự góp mặt của các bộ ngành, doanh nghiệp, chuyên gia và đông đảo báo chí. Cuộc họp này được đánh giá là "có một không hai" trong lịch sử ngành xăng dầu khi nó trở thành cuộc tranh cãi giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và giữa chính những nhà điều hành xăng dầu với nhau.

Trong khi Bộ Tài chính liên tục yêu cầu Petrolimex giải trình con số lỗ lãi của từng mặt hàng từ đầu năm đến nay thì đại diện Bộ Công Thương lại lên tiếng phản đối vì cho rằng câu hỏi này là không cần thiết. Tổng giám đốc Petrolimex - Bùi Ngọc Bảo được sự hậu thuẫn của Bộ chủ quản nên không cần phải giữ kẽ mà nói thẳng: "Chúng tôi không tách ra từng mặt hàng giá lỗ

lãi bao nhiêu mà tính tổng thể". Cũng chính vì không hạch toán từng mặt

hàng nên ông Bảo cũng không thể nắm được cụ thể số lỗ của từng loại xăng cũng như dầu [54].

Thống nhất việc quản lý giá xăng dầu hướng về thị trường nhiều hơn, Nhà nước nên tập trung vào đạt được mục tiêu quản lý bằng chính sách kinh tế như quy hoạch, giấy phép, thuế, phí... giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhiều hơn như tự chủ về nguồn cung, về việc định giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường, mạng lưới kinh doanh... Nhà nước phải thể hiện vai trò giám sát, quản lý của mình trong các doanh nghiệp bằng việc kiểm toán, thanh tra độc lập. Vì vậy, để hoàn thiện pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu, việc đổi mới cơ chế điều hành, quản lý Nhà nước là hết sức cần thiết.

Một phần của tài liệu Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (Trang 78)