Tố tụng cạnh tranh

Một phần của tài liệu Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (Trang 57)

- Dầu Diesel

2.1.3. Tố tụng cạnh tranh

Tố tụng cạnh tranh là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Tố tụng cạnh tranh được quy định từ Điều 56 đến Điều 116 Luật Cạnh tranh.

Trong tố tụng cạnh tranh liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, mục tiêu chính của các cơ quan tố tụng là xác định xem thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thiết lập giữa các doanh nghiệp có thuộc loại thỏa thuận bị cấm

không? Vấn đề sẽ rất đơn giản trong trường hợp các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thuộc nhóm thỏa thuận bị cấm theo nguyên tắc “tự dạng”. Tức là bản thân sự tồn tại của thỏa thuận đã là vi phạm pháp luật mà không cần phải chứng minh thêm bất cứ điều kiện nào khác.

Với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh áp dụng theo nguyên tắc “hợp lý”, việc chứng minh sẽ rất phức tạp vì để chứng minh được những thỏa thuận đó là những thỏa thuận bị cấm, phải thỏa mãn hai điều kiện sau:

(1) Các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.

(2) Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh này không thuộc trường hợp được miễn trừ theo quy định tại Điều 10 Luật cạnh tranh.

Vấn đề chứng minh điều kiện (1) là cực kỳ quan trọng vì nếu không chứng minh được điều kiện này sẽ dẫn đến những bế tắc trong quá trình giải quyết vụ việc hoặc kết luận sai về vụ việc.

Để xác định được thị phần trong điều kiện (1) trước hết phải xác định được thị trường liên quan. Tầm quan trọng của việc xác định thị trường liên quan đã được Cục thương mại công bằng của Anh nhận định như sau: “định nghĩa thị trường là một giai đoạn rất quan trọng trong bất cứ cuộc điều tra nào về hành vi lạm dụng. Bởi lẽ, thị phần chỉ được tính toán sau khi những ranh giới của thị trường đã được xác định. Do đó, nếu thị trường được xác định sai, thì tất cả những phân tích tiếp theo dựa trên thị phần hoặc cấu trúc đều không hoàn thiện” [28].

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Cạnh tranh thì thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong đó “thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả”; “thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự phân biệt đáng kể với các khu vực lân cận”. Rõ ràng, để chứng minh cho những tiêu chí này là rất khó khăn bởi khái niệm có thể thay thế cho nhau

cũng là rất chung chung. Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP thì “thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ được xác định như sau:

- Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có nhiều tính chất về vật lý, hóa học, tính năng kỹ thuật, tác dụng phụ đối với người sử dụng và khả năng hấp thụ giống nhau.

- Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế được cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng giống nhau.

- Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế được cho nhau về giá cả nếu trên 50% của một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan chuyển sang mua hoặc có ý định mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp.

Trường hợp số người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan quy định tại điểm này không đủ 1.000 người thì lượng mẫu ngẫu nhiên được xác định tối thiểu bằng 50% tổng số người tiêu dùng đó”

Vấn đề ở đây cần hiểu thế nào là “có nhiều tính chất về vật lý, hóa học, tính năng kỹ thuật, tác dụng phụ đối với người sử dụng và khả năng hấp thụ giống nhau”. Nhiều là 2, 3, 4 hay 5 hay…..? Tương tự như vậy phải hiểu như thế nào là có mục đích sử dụng giống nhau vì một sản phẩm trên thị trường, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, thường không phải chỉ có một mà có thể có rất nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Trong trường hợp đó mục đích sử dụng nào của sản phẩm sẽ được đem ra so sánh?

Việc xác định sẽ thực sự trở lên rắc rối khi khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định số 116/2007/NĐ-CP lại quy định:

“6.Trường hợp phương pháp xác định thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 5 Điều này cho kết quả chưa đủ để kết luận thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ, cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền xem xét

thêm một hoặc một số yếu tố sau đây để xác định thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ:

a) Tỷ lệ thay đổi của cầu đối với một hàng hóa, dịch vụ khi có sự thay đổi về giá của một hàng hóa, dịch vụ khác;

b) Thời gian cung ứng hàng hóa, dịch vụ ra thị trường khi có sự gia tăng đột biến về cầu;

c) Thời gian sử dụng của hàng hóa, dịch vụ;

d) Khả năng thay thế về cung theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này. 7. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể xác định thêm nhóm người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan không thể chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp.”

Rõ ràng các quy định về xác định thị trường sản phẩm liên quan trong pháp luật hiện hành là quá phức tạp. Nó đòi hỏi phải có những thao tác rất chi tiết về mặt kỹ thuật với các số liệu cụ thể. Để thực hiện điều này nhiều khi rất khó khăn cho các cơ quan quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh vì việc có được những số liệu, phân tích chính xác về thị trường, về sản phẩm là cực kỳ khó khăn trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó, mục đích cuối cùng của việc xác định thị trường sản phẩm liên quan thực chất là việc xác định thị trường mà ở đó với người tiêu dùng sản phẩm X’ có thể thay thế cho sản phẩm X nào đó. Do đó, việc xác định thị trường sản phẩm liên quan sẽ trở lên rất đơn giản nếu áp dụng các quy định của WTO trong việc xác định hàng hóa tương tự.

Pháp luật của WTO không đưa ra một khái niệm hàng hóa chung chung, khái quát mà hàng hóa trong WTO được hiểu rất cụ thể đối với từng nhóm hàng, từng loại hàng. Đó là tất cả những loại hàng hóa được quy định trong hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa HS (The Harmonized Commodity Description and Coding System) của Tổ chức hải quan thế giới trong đó bao

gồm quy tắc tổng quát, các chú giải bắt buộc và danh sách những nhóm hàng (mã 4 chữ số) được sắp xếp một cách có hệ thống ứng với tên, mô tả và mã số hàng hoá. Như vậy để xác định loại hàng hóa nào là có thể thay thế cho nhau ta có thể dựa vào bảng phân loại của hàng hóa đó. Nếu hàng hóa có mã số giống nhau sẽ được coi là hàng hóa tương tự và có thể thay thế cho nhau.

Bên cạnh việc quy định xác định thị trường sản phẩm liên quan, pháp luật cạnh tranh Việt Nam cũng quy định về việc xác định thị trường địa lý liên quan, trong đó:

“Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có các hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận”.

Ranh giới của khu vực địa lý này được xác định là:

“a) Khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối sản phẩm liên quan;

b) Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác đóng trên khu vực địa lý lân cận đủ gần với khu vực địa lý quy định tại điểm a khoản này để có thể tham gia phân phối sản phẩm liên quan trên khu vực địa lý đó;

c) Chi phí vận chuyển trong khu vực địa lý quy định tại khoản 1 Điều này; d) Thời gian vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong khu vực địa lý quy định tại khoản 1 Điều này;

đ) Rào cản gia nhập thị trường” (khoản 2 Điều 7 Nghị định số 116/2007/NĐ-CP).

Khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây:

“a) Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá bán lẻ hàng hóa tăng không quá 10%;

b) Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập thị trường quy định tại Điều 8 của Nghị định này” (khoản 3 Điều 7 Nghị định số 116/2007/NĐ-CP).

Các rào cản gia nhập thị trường bao gồm:

- Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp.

- Các rào cản về tài chính bao gồm chi phí đầu tư vào sản xuất, phân phối, xúc tiến thương mại hoặc khả năng tiếp cận với các nguồn cung cấp tài chính.

- Quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước.

- Các quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; các chuẩn mực nghề nghiệp.

- Thuế nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu. - Tập quán của người tiêu dùng.

- Các rào cản gia nhập thị trường khác.

Với những quy định như thế này, tố tụng cạnh tranh thực sự trở thành quá khó khăn cho những cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc cạnh tranh, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực phức tạp vì hàng loạt các thao tác cần phải tiến hành trong quá trình điều tra để xác định tính hợp pháp của một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Một phần của tài liệu Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (Trang 57)