- Dầu Diesel
1.4.3. Pháp luật của Cộng hòa Pháp
Pháp luật về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh của Cộng hoà Pháp được xây dựng trên nguyên tắc hợp lý (Rule of Reason). Theo đó, nguyên tắc hợp lý được áp dụng căn cứ vào một số tiêu chí như tính chất của loại hành vi phản cạnh tranh hoặc vai trò không đáng kể trên thị trường của các chủ thể thực hiện hành vi đó.
Phạm vi điều chỉnh về hành vi phản cạnh tranh được xác định đối với "mọi hoạt động sản xuất, phân phối hoặc dịch vụ, bao gồm cả hoạt động của các pháp nhân công, đặc biệt là các hoạt động được tiến hành trong khuôn khổ các hợp đồng uỷ thác dịch vụ công" và phạm vi áp dụng về mặt lãnh thổ là chỉ cần xác định có hệ quả đối với cạnh tranh trên thị trường trong nước của Pháp. Đối tượng áp dụng về hành vi phản cạnh tranh được xác định đối với các "doanh nghiệp" và "hiệp hội doanh nghiệp".
Để có cơ sở cho việc xác định các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Bộ luật Thương mại Cộng hoà Pháp xác định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, đó là
"các hành vi phối hợp hành động, các thoả ước, thoả thuận công khai, thoả thuận ngầm hoặc liên minh" (Điều L420-1) [8, tr 140]. Như vậy, theo quy định này thì hình thức pháp lý của sự thoả thuận và thống nhất ý chí không có ý nghĩa đối với việc xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (thoả thuận phản cạnh tranh). Điều kiện để xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là (1) sự thoả thuận giữa một số bên độc lập với nhau và (2) thoả thuận đó có mục đích hoặc có hệ quả hạn chế cạnh tranh. So sánh với quy định trong Luật Cạnh tranh của Việt Nam, pháp luật của Việt Nam cũng không xác định hình thức biểu hiện của sự thoả thuận là tiêu chí để xác định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh .
- Xác định các hành vi chống cạnh tranh:
Điều 7 Pháp lệnh về tự do giá cả và cạnh tranh của nước Cộng hoà Pháp quy định: "Nghiêm cấm các hành vi thông đồng, thoả thuận, liên minh, liên kết dưới mọi hình thức nhằm ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong trường hợp nhằm mục đích sau đây:
+ Hạn chế các doanh nghiệp khác gia nhập thị trường hoặc tự do tham gia cạnh tranh;
+ Cản trở việc hình thành giá theo thị trường thông qua việc can thiệp để làm tăng giá hoặc giảm giá;
+ Hạn chế hoặc kiểm soát mức sản xuất, đầu ra của sản phẩm, dịch vụ, mức đầu tư hoặc mức độ cải tiến kỹ thuật;"
- Về nguyên tắc mọi cam kết, thoả thuận, điều khoản hợp đồng liên quan đến các hành vi bị cấm trên đây sẽ bị coi là vô hiệu. Tuy nhiên, pháp luật cũng đưa ra những giới hạn nhất định đối với các hành vi này. Sở dĩ pháp luật của Cộng hoà Pháp quy định về những giới hạn đối với phạm vi áp dụng quy định cấm thoả thuận phản cạnh tranh vì các nhà làm luật cho rằng xác định thoả thuận phản cạnh tranh càng rộng thì pháp luật càng gây ra sự mất an toàn pháp lý, các doanh nghiệp, công đoàn, người quản lý càng có nguy cơ bị liên quan mà không biết và cơ quan quản lý càng có nguy cơ bị quá tải vì phải giải quyết quá nhiều vụ việc. Trên cơ sở đó, pháp luật xác định các cam kết, thoả thuận, liên minh... sẽ không thuộc trường hợp pháp luật cấm (giới hạn của
thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Trên cơ sở áp dụng một văn bản pháp luật có liên quan;
+ Người thực hiện hành vi có căn cứ chứng minh được rằng việc thực hiện hành vi có tác dụng thúc đẩy tiến bộ kinh tế, mang lại cho người sử dụng một phần lợi nhuận hợp lý và không tạo khả năng cho các doanh nghiệp có liên quan loại bỏ cạnh tranh đối với phần lớn thị trường của sản phẩm có liên quan. Các hành vi này có thể biểu hiện đối với các sản phẩm nông nghiệp hoặc có nguồn gốc nông nghiệp, cùng nhãn mác, thoả thuận với nhau về khối lượng, chất lượng sản phẩm, về chính sách thương mại, về giá cả và điều này là cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển.
Ngoài những trường hợp trên đây, Chính phủ có thể đưa ra những quy định (sau khi có ý kiến thuận của Hội đồng quản lý cạnh tranh) về các trường hợp giới hạn thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nếu những thoả thuận đó nhằm mục đích cải thiện doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Hội đồng quản lý cạnh tranh được thành lập với 16 thành viên được bổ nhiệm theo Nghị định của Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Kinh tế. Mục đích của việc thành lập, đồng thời cũng là chức năng của Hội đồng quản lý cạnh tranh là nhằm đảm bảo cho việc xây dựng các dự luật về mọi vấn đề có liên quan đến cạnh tranh, cho ý kiến về mọi vấn đề liên quan đến cạnh tranh, giải quyết các vụ việc liên quan đến cạnh tranh...
- Bên cạnh việc xác định vô hiệu là hậu quả pháp lý được áp dụng đối với các thoả thuận phản cạnh tranh, các thoả thuận phản cạnh tranh phải chịu những biện pháp chế tài nhất định. Hội đồng quản lý cạnh tranh có quyền yêu cầu doanh nghiệp vi phạm phải chấm dứt hành vi chống cạnh tranh trong một thời hạn xác định trên cơ sở những điều kiện cụ thể. Nếu doanh nghiệp vi phạm không thực hiện biện pháp cưỡng chế, Hội đồng có quyền phạt tiền và quyết định phạt tiền có hiệu lực pháp luật ngay. Mức phạt tiền tương ứng đối với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mức thiệt hại gây ra cho nền kinh tế và khả năng của doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt tối đa đối với một doanh nghiệp là 5% tổng doanh thu chưa trừ thuế được thực hiện tại Cộng hoà Pháp trong năm tính thuế trước đó, nếu người vi phạm không
phải là doanh nghiệp thì mức tiền phạt tối đa là 10 triệu Frăng. Nếu cá nhân tham gia tích cực vào những thoả thuận phản cạnh tranh có thể bị phạt tù 4 năm và/hoặc phạt tiền đến 500.000 Frăng. Tố tụng trước Hội đồng quản lý cạnh tranh được thực hiện theo hình thức tranh tụng.