Trong hệ thống thần linh của người Việt, ba vị thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không được các nghiên cứu coi như là nhân thần có thật trong lịch sử. Một số công trình viết chung về ba vị thánh, chẳng hạn cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận tập I - II - III (2000) của tác giả Nguyễn Lang giới thiệu về tiểu sử, hành trạng của các thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không. Sách chép Đạo Hạnh là thế hệ 12, Minh Không là thế hệ 13 của phái Tỳ ni đa lưu chi. Không Lộ là thế hệ thứ 10 của phái Vô Ngôn Thông [60, tr.114-153- 172]. Tác giả Chu Huy trong bài báo “Về nhân thân hai vị Quốc sư thời Lý, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không” đã chứng minh hai vị Thiền sư thời Lý Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không có công lao và hành trạng giống nhau là hai nhân vật khác nhau trong lịch sử [43].
Bên cạnh đó có khá nhiều các nghiên cứu viết riêng về từng vị thánh. Nghiên cứu về Từ Đạo Hạnh, có một công trình tổng hợp các bài viết về thân thế, sự nghiệp, không gian thờ cúng và lễ hội. Năm 2012, Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo về chùa Thầy và chư thánh tổ sư, tập trung vào 4 chủ đề chính bao gồm: Bối cảnh Phật giáo triều Lý với xứ Đoài, chùa Thầy trong lịch sử và hiện tại, chư tổ và cố Hòa thượng Thích Viên Thành. Tại hội thảo có nhiều bài viết nghiên cứu sự nghiệp của thánh Từ Đạo Hạnh, đặt trong bối cảnh tương quan với Phật giáo thời Lý, cũng như những bài viết về hành trạng tiểu sử và sự suy tôn Từ Đạo Hạnh như ông tổ nghề múa rối [53]. Các công trình về thiền sư Từ Đạo Hạnh [7] [54] đều tập trung làm rõ tâm thức dân gian về vị thiền sư như là người có nhiều phép thuật của Mật giáo, là một tăng sĩ am hiểu đời sống dân gian.
Về thánh Dương Không Lộ, có một số tài liệu đồng nhất giữa hai thánh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không, cho đó là một vị thiền sư, hoặc cho rằng hình tượng thánh Không Lộ là sự kết hợp của hai vị. Luận án tiến sĩ văn hóa học của Lê Thị Thu Hà mang tên Thánh Không Lộ trong đời sống văn hóa cư dân vùng duyên hải Bắc Bộ là công trình nghiên cứu về thánh Không Lộ trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư duyên hải Bắc Bộ, các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Tác giả khẳng định hiện tượng thánh Không Lộ là một nhân vật được cộng
đồng dân cư duyên hải Bắc Bộ sáng tạo ra trên cơ sở lai lịch, hành trạng của hai thiền sư thời Lý là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Bản chất của hiện tượng này chính là nguyện vọng của người dân về sự trợ giúp của một vị thần trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ [27, tr.8-9]. Bài viết “Về các lớp văn hoá trong sự tích thánh Dương Không Lộ” của tác giả Phạm Thị Thu Hương đã lý giải hiện tượng các lớp văn hoá bồi đắp lên một hiện tượng tín ngưỡng bản địa, hoà nhập với tín ngưỡng bản địa trở thành một hệ phái mang sắc thái Việt. Sự đan xen các lớp văn hoá, tín ngưỡng cho thấy những mảnh vụn huyền thoại đã được thần thoại hoá, lịch sử hoá trở thành tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần ngư nghiệp, thờ tổ nghề [44, tr.6]. Trong bài ''Hình bóng người anh hùng văn hóa Không Lộ...'' đăng trên Tạp chí Văn học số 6 năm 1974 tác giả Nguyễn Quang Vinh chỉ ra trong đời sống của cư dân, Không Lộ không còn hiện hữu với những chi tiết đơn lẻ của một nhà sư có phép thuật cao siêu mà được bồi đắp thêm nhiều công trạng, các yếu tố li kì, huyền thoại thỏa mãn trí tưởng tượng của người dân [114].
Sự phi thường cũng như các lớp lang văn hóa bồi đắp vào tiểu sử, hành trạng của Dương Không Lộ còn được mô tả khá kỹ trong cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam (tập 3). Lê Mạnh Thát khẳng định: "Không Lộ không phải là một vị thiền sư bình thường như bao vị thiền sư khác. Ngược lại, Không Lộ có nhiều phẩm chất phi thường mà ta không thể tìm thấy ở bất kỳ vị thiền sư nào khác" [96, tr.436]. Ông cũng cho rằng Không Lộ là nhà luyện kim đúc đồng, trên cơ sở kế thừa kỹ thuật đúc đồng đã có ở Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước. Thiền sư là người có công lớn trong việc xây dựng chùa và hoằng dương Phật pháp ở chùa Phả Lại (tỉnh Quảng Ninh), chùa Nghĩa Xá, chùa Keo ở làng Hành Thiện (tỉnh Nam Định). Theo Lê Mạnh Thát, Không Lộ đã có đóng góp thiết thực vào đời sống người dân địa phương, và được dân gian tôn làm thành hoàng làng Hành Thiện. Trong cuốn Các vị thánh thần sông Hồng của Vũ Thanh Sơn, giới thiệu các vị thần hai bên bờ sông Hồng, từ Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai ra tới cửa Ba Lạt ở Thái Bình - Nam Định, tác giả đã đề cập đến thiền sư Không Lộ có nhiều phép thuật như đi trên mặt nước, bay trên không, hàng long, phục hổ. Về sau, ông dựng chùa Nghiêm Quang làm nơi tu hành và có công chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông khỏi bệnh hóa hổ. Đến đời vua Lý Anh Tông ban chiếu sửa chùa và đổi tên thành chùa Thần Quang, được vua phong Quốc sư [92, tr.502]. Tác giả Nguyễn Thanh đã làm rõ về tiểu sử, hành trạng của Dương Không Lộ vừa là thiền sư, vừa là thánh tổ, vừa là đấng tối linh, tối thiêng, vừa gần gũi và đồng thời là những người có phép màu nhiệm, nhiều phép thuật để cứu giúp nhân gian [94, tr.63]. Theo tác giả Nguyễn Thanh, trong tâm thức người dân ở châu thổ Bắc Bộ, Không Lộ, là vị thiền sư để lại
nhiều vết tích ở làng Phụng Thượng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ví dụ dấu tích những phiến đá lớn, có hình vết chân, vết tay khổng lồ. Trong dân gian, tương truyền ông khổng lồ Không Lộ gánh hai tảng đá đi chắn ngang sông để đơm đó và đánh rơi. Đối với người dân, họ cũng không quan tâm đến việc bóc tách những huyền thoại này là Nguyễn Minh Không hay Không Lộ. Đơn giản, họ “chỉ biết ngày xưa có một ngài là Minh Không, hoặc Khổng Minh Không, hoặc còn gọi là Không Lộ, hoặc còn gọi là Khổng Lồ đi đơm đó qua đây để lại” [94, tr.52]. Còn các công trình về Nguyễn Minh Không [19] [26] [41] tập trung vào nhân vật kỳ bí, nhưng đầy giai thoại và các lớp lang văn hóa chồng chéo nhau về một vị sư có nhiều phép thuật, một nhà sư đắc đạo, nhà sáng lập các chùa và truyền giáo đạo Phật, nhà thám hiểm giàu nghị lực, nhà y học năng động, nhà công nghệ đúc kim loại tài ba.
Về thánh Nguyễn Minh Không, như tác phẩm Thiền sư Việt Nam, Thích Thanh Từ cho biết: Thiền sư Minh Không sinh năm 1076, mất năm 1141, thuộc đời thứ 13 của phái Tì ni đa lưu chi. Thiền sư Minh Không sang Trung Quốc quyên đồng về đúc An Nam tứ khí. Thiền sư thu cả kho đồng của vua nhà Tống mà vẫn không đầy chiếc đẫy của thiền sư và câu chuyện thiền sư ngả nón xuống nước làm thuyền vượt sông Hoàng Hà trong nháy mắt [112]. Cuốn Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình [106]
cho biết thiền sư Minh Không được nhân dân tôn là thánh, được vua phong là Quốc sư qua câu tục ngữ: "Đại Hữu sinh vương, Điềm Giang sinh thánh". Thiền sư là ông tổ của nghề đúc đồng, đã sang Trung Quốc quyên đồng đúc ''Tứ đại khí'' nổi tiếng ở Việt Nam dưới thời nhà Lý.
1.1.2.2 Nghiên cứu về di tích, lễ hội ở các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh Không gian vật chất, các di tích thờ phụng ba vị thánh ở vùng châu thổ Bắc Bộ cũng được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu. Trong bài viết Chùa tiền Phật hậu Thánh - một biểu hiện của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Chu Quang Trứ nghiên cứu dạng chùa tiền Phật hậu Thánh trong tổng thể các chùa thờ Phật ở Việt Nam. Đây là nghiên cứu có tính hệ thống đầu tiên về chùa dạng này. Nghiên cứu chỉ ra đặc điểm riêng của những chùa này đặc biệt coi trọng ngoại cảnh, tạo ra một tổng thể có tính thiêng, uy linh với vai trò trung tâm là các vị thánh, không phải Phật. Kiến trúc của những chùa thờ thánh thường có sự kết hợp giữa tam quan của chùa với nghi môn của đền [108]. Một công trình khác, như Chùa Việt Nam của tác giả Hà Văn Tấn tập trung vào đặc điểm riêng của loại chùa tiền Phật hậu Thánh. Đó là sự hòa nhập Phật giáo với các tín ngưỡng truyền thống Việt Nam qua một loại chùa “Tiền Phật hậu Thần”, cũng gọi là "tiền Phật hậu Thánh". Trong các chùa loại này, đằng sau điện thờ Phật là hậu cung thờ một vị thần. Nếu ở điện Phật người ta có
thể đến cúng lễ bất cứ lúc nào, thì khám thờ thần đóng kín suốt năm, không ai được vào và chỉ mở trong một số ngày lễ hội nhất định [90, tr.10].
Một công trình tiêu biểu khác về những ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh là luận án tiến sĩ văn hóa học của Phạm Thị Thu Hương (2007) [45] mang tên Những ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở châu thổ Bắc Bộ. Luận án giới thiệu khái niệm
“thánh”, tiểu sử, hành trạng, lai lịch của ba vị thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, các lễ hội phụng thờ các vị thánh. Đây là công trình nghiên cứu tổng thể về dạng chùa tiền Phật hậu Thánh ở châu thổ Bắc Bộ cả về giá trị vật thể và phi vật thể, giải mã ý nghĩa của những biểu tượng thể hiện qua kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, truyền thuyết và lễ hội. Công trình đúc kết nhiều đặc điểm mới của dạng chùa này và cho rằng tiền Phật hậu Thánh là một biểu hiện đặc sắc của văn hóa người Việt về kiến trúc, nghệ thuật, thờ phụng. Do mục đích tập trung vào khảo sát, nghiên cứu dạng chùa tiền Phật hậu Thánh, phân tích nghệ thuật kiến trúc, giá trị của dạng chùa này ở vùng châu thổ Bắc Bộ thông qua các tư liệu ghi chép, dã sử, nên tác giả chưa đề cập nhiều đến thực hành thờ phụng ba vị thánh ở trong các ngôi chùa trong xã hội đương đại [45].
Ở phạm vi nghiên cứu từng ngôi chùa phụng thờ ba vị thánh có nhiều nghiên cứu đề cập tới từng vấn đề cụ thể. Luận án tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học về chùa Thầy của Nguyễn Văn Tiến nghiên cứu khá kỹ về di tích chùa Thầy.
Tác giả tổng thuật khoảng 40 tư liệu viết về chùa Thầy cho tới thời điểm đó, phân tích về lai lịch, thần tích của thánh. Dưới góc nhìn của một nhà khảo cổ, tác giả chú trọng nghiên cứu ngôi chùa như là một công trình kiến trúc, niên đại các di vật, cổ vật trong di tích [105].
Cũng về nghệ thuật và kiến trúc chùa, luận án tiến sĩ Văn hóa học Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Thầy của Đặng Thị Phong Lan đi sâu tìm hiểu không gian thờ phụng thánh. Ở phần tổng quan, ngoài phần tổng thuật tình hình nghiên cứu về chùa Thầy, tác giả trình bày về thần tích, lai lịch Từ Đạo Hạnh, làm rõ mối quan hệ của thiền sư trong việc hưng công xây dựng ngôi chùa từ thời Lý.
Hiện nay, chùa Thầy còn nhiều dấu ấn Thiền - Tịnh - Mật, đặc biệt là dấu ấn Mật giáo thông qua truyền thuyết về thiền sư tụng trì kinh Đà la ni, có nhiều phép thuật, mô típ đầu thai, hóa thân để lại chân thân (xác ướp), trong nghệ thuật kiến trúc xây dựng chùa, các di vật đồ thờ tiêu biểu, các nghi lễ trong lễ hội dân gian thờ thánh [60].
Luận văn thạc sĩ Văn hóa học của Khúc Mạnh Kiên mang tên Di tích và lễ hội chùa Keo làng Hành Thiện khảo cứu tiểu sử, thần tích, công trạng của thánh
Dương Không Lộ, vai trò của thánh trong đời sống cư dân vùng Hành Thiện và khu vực ven biển Nam Định, Thái Bình; giá trị nghệ thuật của chùa Keo và lễ hội phụng thờ thánh ở chùa Keo Nam Định. Luận văn so sánh chùa Keo ở Nam Định với chùa Keo Thái Bình và chỉ ra sự tương đồng và khác biệt về kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử. Từ kết quả nghiên cứu của luận văn, tác giả nhận thấy hai vị thánh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không có tiểu sử, hành trạng khác nhau là hai vị thánh khác nhau. Hai vị thánh có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống cư dân vùng hạ lưu sông Hồng. Luận văn này cũng mới chỉ mô tả về lễ hội, kiến trúc, chưa đi sâu về tâm thức thờ phụng thánh trong cuộc sống của người Việt [57].
Một số công trình khác tập trung vào kiến trúc của các ngôi chùa, tiêu biểu là cuốn sách Chùa Keo của Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tưởng xuất bản năm 1974 [52]
nghiên cứu về kiến trúc, mĩ thuật chùa Keo Thái Bình đã có phần viết về thiền sư Dương Không Lộ. Dưới góc nhìn của khảo cổ học, các tác giả chủ yếu phân tích, nêu bật các giá trị của chùa Keo, giá trị của các di vật cổ vật và giới thiệu khái quát về lễ hội chùa Keo. Luận án tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học của Đặng Hữu Tuyền mang tên Chùa Keo lịch sử nghệ thuật và kiến trúc tổng thuật một số tài liệu liên quan đến thánh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Tuy nhiên, trong phạm vi của luận án tiến sĩ khảo cổ học, tác giả chủ yếu tập trung đi sâu nghiên cứu các giá trị, nghệ thuật, niên đại của chùa và các di vật của chùa Keo Thái Bình [111].
Lễ hội phụng thờ các vị thánh ở vùng châu thổ Bắc Bộ cũng được nhiều tư liệu đề cập, nghiên cứu. Cuốn Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam [73] có một số bài viết về các lễ hội thờ thánh Từ Đạo Hạnh. Bài Hội chùa Thầy của Lê Hồng Lý [73] mô tả lễ hội có các diễn trình cơ bản như tắm tượng (mộc dục), cúng Phật chạy đàn, múa rối nước. Tác giả nhận định đây là lễ hội tiêu biểu hòa nhập giữa tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Đạo giáo. Nguyễn Vinh Phúc [73] có bài viết nghiên cứu về hội Láng (Chiêu Thiền tự), phỏng vấn hồi cố về hội chùa Láng trước năm 1945, cho biết lễ hội trước đây mười lăm năm mở một lần, mỗi lần kéo rất dài chừng hai tháng. Không gian của hội mở rộng suốt hai bên bờ sông Tô Lịch với trung tâm là chùa Láng, kéo dài xung quanh khu vực sông Tô, vùng Cót, Láng, Mọc, ngược lên tận vùng Cầu Giấy, dịch Vọng. Rước kiệu trong hội Láng kéo dài mấy ngày với nhiều trò đặc sắc như trò 'đấu thần'. Các tác giả Phạm Minh Đức, Phạm Thị Nết, Phạm Thị Lan có bài viết miêu tả lễ hội chùa Keo (Thái Bình) thờ thánh Dương Không Lộ [73], khẳng định hội chùa Keo là một trong số ít hội lớn vùng đồng bằng sông Hồng, một năm có hai lần mở hội: Hội vui xuân (vào mồng 4 Tết) và hội tháng 09 (vào các ngày 13, 14, 15 âm lịch). Hai hội này có tính chất hoàn toàn khác nhau: với hội xuân phản ánh phong tục văn hóa của cư dân nông
nghiệp vùng châu thổ Bắc Bộ, lễ hội tháng chín là hội chính phụng thờ thánh Dương Không Lộ, với những nghi lễ tôn giáo, hình thức diễn xướng dân gian, âm nhạc, múa dân gian, diễn ra nhiều hoạt động bơi trải, rước kiệu và các hoạt động khác phụng thờ thánh. Tác giả Lê Ngọc Canh [17] nghiên cứu về hội chùa Bi (Nam Định), có chi tiết sau khi bị Đại Điên giết cha, thánh Từ Đạo Hạnh đưa mẹ về đây tìm nơi lánh nạn. Tại đây, Từ Đạo Hạnh đã kết bạn với Nguyễn Minh Không, Giác Hải, rồi sang Tây Trúc học kinh. Lê Trung Vũ nghiên cứu lễ hội chùa Keo Thái Bình, miêu thuật các nghi lễ, diễn xướng diễn trình hội trong hai dịp hội xuân và hội thu. Tác giả cũng nghiên cứu về hội bơi trải, bơi thuyền cò cốc ở chùa Keo (Nam Định) thờ thánh Không Lộ, mang đậm dấu ấn nguồn gốc chài lưới của thánh Dương Không Lộ [1114]. Trong cuốn Truyện Đức Không Lộ, Minh Không của Lê Xuân Quang, ngoài phần khảo tả lễ hội như nhiều tư liệu khác, có thêm chi tiết ngày 15 (ngày rằm) là ngày cuối của hội có diễn ra lễ chèo trải trên cạn, sau khi kiệu thánh đã hồi cung. Đội rước kiệu có 12 người, cùng ông chấp hiệu diễn lại cảnh chèo thuyền trong tiếng hò dô của ông chấp hiệu, thể hiện quãng đời chài lưới của thánh Không Lộ trong không gian thiêng [90].
Đánh giá chung lại, các ghi chép về các nhân vật lịch sử, các vị thánh, các vị thiền sư Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không khá đa dạng, có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều mâu thuẫn. Điều này khiến cho những cuộc tranh luận kéo dài về Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ là một hay là hai nhân vật có thật trong lịch sử. Đối với luận án này, NCS cho rằng dù có thật hay không, thì nhân vật Dương Không Lộ cũng là một vị thánh tồn tại trong tâm thức người dân và được thờ phụng như những vị thánh khác trong đời sống dân gian.
Quan trọng đối với nhân dân, là biểu tượng một vị nhân thần mà họ có thể cầu tới thần mỗi khi cần trợ giúp, gặp khó khăn, hạn hán, mất mùa, tức là thánh đáp ứng muôn mặt của đời sống trần gian.
Nhìn chung, những ghi chép lịch sử, thân thế và sự nghiệp các vị thiền sư tập trung vào tiểu sử linh thiêng và quá trình lịch sử hóa, thánh hóa. Qua thời gian năm tháng, các vị thánh được bồi đắp thêm nhiều lớp lang văn hóa mới và được lập đền thờ, thờ cúng như những vị thánh linh thiêng. Các truyền thuyết, sự tích về các thánh như là một đối tượng thờ cúng, một hiện tượng của văn hóa dân gian như là những công trình riêng, hoặc trong các nghiên cứu tổng hợp về các di tích, các công trình kiến trúc chùa thờ các vị thánh, hoặc là về đối tượng phụng thờ của các lễ hội lớn vùng châu thổ Bắc Bộ.
Chủ đề về các thiền sư và các chùa tiền Phật hậu Thánh được nghiên cứu nhiều. Hầu như các nghiên cứu trước đây chủ yếu là những mô tả, cung cấp thông