Lý thuyết vùng văn hóa

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 38 - 41)

1.2. Cơ sở lý luận

1.2.4. Lý thuyết vùng văn hóa

Nói đến khu vực phụng thờ ba vị thánh, không thể không nhắc đến vùng địa- văn hoá Bắc Bộ. Vì vậy, lý thuyết vùng văn hoá cũng là nền tảng lý luận cho công trình này. “Vùng văn hoá” là một khái niệm được dùng trong nhân học văn hoá, thể hiện sự quan tâm đến mối quan hệ giữa văn hoá và môi trường tự nhiên. Các tác giả Clark Wissler và Alfred Kroeber là hai nhà nhân học Mỹ đã có công trong việc phát triển khái niệm này từ đầu thế kỷ XX [130], [131], [150].Vùng văn hoá được xem là một vùng mà cư dân sinh sống ở đó có những đặc điểm chia sẻ với nhau về văn hoá, như ngôn ngữ, tôn giáo, sinh kế, v.v. Biên giới của một vùng văn hoá thường không rõ ràng mà có sự chồng lấn, cũng như có sự lan toả. Vì vậy, có vùng trung tâm và ngoại vi khi nhìn nhận một vùng văn hoá: những đặc điểm ở vùng văn hoá ở vùng lõi/trung tâm thường mạnh hơn, và ở vùng ngoại vi thì các đặc điểm văn hoá thường nhạt hơn. Trên thực tế sự phân tách các đặc trưng gắn với trung tâm và ngoại vi cũng gặp phải những phê phán nhất định (vì trong một số trường hợp, những đặc trưng văn hoá gốc rễ lại được bảo lưu tốt hơn ở vùng ngoại vi).

Kế thừa những nghiên cứu của nước ngoài về vùng văn hoá (cultural area), tác giả Ngô Đức Thịnh trong cuốn sách Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam đã có những thống kê về khái niệm không gian văn hóa, văn hóa vùng, vùng văn hóa và phân vùng văn hóa. Theo tác giả “văn hóa vùng là một dạng thức văn hóa, mà ở đó trong một không gian địa lý xác định, các cộng đồng người cùng sống trong một môi trường tự nhiên nhất định, trong những điều kiện phát triển xã hội tương đồng, và nhất là các mối quan hệ giao lưu văn hóa sống động, nên trong quá trình lịch sử lâu dài đã hình thành những đặc trưng chung” [100, tr.64]. Như vậy, vùng văn hoá không trùng khớp với vùng địa lý hành chính, mà “tiêu chí để phân định vùng văn hóa những nhân tố quyết định đến sắc thái đặc thù của từng vùng văn hóa” [100, tr.69].

Như vậy vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ có những tương đồng về mặt hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có những mối quan hệ nguồn gốc lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế -xã hội, giữa họ đã diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại. Những biểu hiện của một vùng văn hoá có thể được thể hiện trong lối sống, lối sinh hoạt sản xuất, các hình thức vui

chơi giải trí, cũng như các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội, nghệ thuật dân gian [63].

Vùng văn hóa bị chi phối bởi môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, và môi trường kinh tế. Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội, truyền thống lịch sử và giao lưu văn hóa đã tạo nên những sắc thái văn hóa đa dạng của mỗi địa phương ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Và có thể nhìn nhận những sắc thái địa phương này từ quan điểm vùng địa - văn hóa. Tác giả cho rằng “Vùng địa - văn hóa là một thực thể văn hóa, hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, là kết quả của sự thích ứng của cộng đồng dân cư với những điều kiện tự nhiên nhất định và sự giao lưu, ảnh hưởng qua lại giữa các nhóm dân cư trong vùng và với các vùng kế cận. Từ đó hình thành nên một tổ hợp các đặc trưng văn hóa chung, khiến người ta có thể phân biệt nó với vùng địa - văn hóa khác” [63], [trích từ 41, tr.58].

Luận án vận dụng lý thuyết vùng văn hoá để nhìn nhận đặc trưng của vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ trong việc sản sinh và nuôi dưỡng các thực hành tín ngưỡng thờ các vị sư tổ. Việc thờ phụng ba vị thiền sư sẽ được phân tích trong tham chiếu đến các nhân tố môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử của vùng châu thổ Bắc Bộ.

Tiểu kết Chương 1

Trong chương này, luận án đã phân tích một số công trình liên quan đến tiểu sử, hành trạng, không gian và tập tục thờ cúng các vị thánh. Đa số các công trình đều mô tả về hành trạng theo các tài liệu lịch sử và dã sử, cũng như mô tả về cấu trúc, mĩ thuật của các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh. Luận án cũng đưa ra những khái niệm công cụ về việc thờ thánh trong hệ thống tín ngưỡng Việt Nam và những quan điểm đồng nhất và chưa đồng nhất về cấu trúc, điện thờ, tâm thức thờ thánh.

Luận án này không đặt mục đích lý giải ba vị thánh có phải là những nhân vật có thật trong lịch sử, hay Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là một hay là hai nhân vật, mà quan tâm đến việc người dân thờ họ như là những vị thánh linh thiêng, không phân biệt hành trạng và con người có thật của họ trong lịch sử. Một số khái niệm học thuật về ma lực, tiểu sử linh thiêng, về tâm thức dân gian và vùng văn hoá là nền tảng lý luận cho nội dung phân tích của luận án. Những quan điểm lý luận này giúp nhìn nhận rõ hơn về mối tương quan giữa tâm thức thờ ba vị thánh trong xu hướng thờ thánh của người Việt và trong bối cảnh lịch sử, kinh tế, văn hoá Việt Nam truyền thống và đương đại.

Chương 2

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)