Tiểu sử và công lao của thánh Từ Đạo Hạnh

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 62 - 65)

Chương 3: HÀNH TRẠNG CỦA BA VỊ THÁNH

3.1. Tiểu sử và công lao của ba vị thánh

3.1.1. Tiểu sử và công lao của thánh Từ Đạo Hạnh

Có thể nói các tư liệu dân gian, tiểu sử, sự sinh, mất, hóa thánh, hành trạng của thánh Từ Đạo Hạnh có nhiều điểm thống nhất về một vị thánh tài ba, có phép thần thông biến hóa và là ông tổ của nghề rối nước và rối cạn. Tư liệu có niên đại sớm nhất ghi chép nhiều về thánh Từ Đạo Hạnh là Thiền uyển tập anh - một tài liệu cổ nhất về lịch sử Phật giáo Việt Nam còn lại. Đây là một cuốn sách ghi chép thể thức các dòng phái thiền ở Việt Nam vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và một số thiền sư đầu đời Trần, tức là vào khoảng cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ XIII [98].

Về lai lịch, thiền sư họ Từ, húy là Lộ. Cha là Từ, húy Vinh, quê ở làng Láng, làm chức Tăng Quan Đô Sát, tuổi nhỏ có cốt khí tiên phật, hào hiệp phóng khoáng, có chí lớn, phàm việc làm, lời nói không ai đoán trước được. Ông kết bạn thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người kép hát là Vi Ất (có tài liệu nói là Phí Ất). Ban đêm ông miệt mài đọc sách, ban ngày đá cầu, thổi sáo đánh bạc vui chơi. Cha ông bị Diên Thành hầu nhờ Đại Điên dùng phép thuật giết chết. Thánh đi

trả thù không thành, tìm đường sang Tây Trúc học phép thuật, đường đi đến nước Kim Xỉ7 gian nan, bèn bỏ về núi Phật Tích tu luyện, đọc chú Đà-la-ni mười vạn tám ngàn lần, hoàn thành đạo pháp, tìm Đại Điên trả thù. Từ đó rửa sạch oán thù, sư đi khắp nơi trong chốn tùng lâm tìm thầy ấn chứng. Thánh đã gặp Thiền sư Trí Huyền và Thiền sư Sùng Phạm để học hỏi, mở rộng kiến văn [120]. Theo Thiền uyển tập anh, thánh mất năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112), đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu, được lập là Thái Tử. Đến năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ nhất (1127) mùa đông, tháng 12 vua Lý Nhân Tông băng. Hoàng thái tử lên ngôi hoàng đế, năm 21 tuổi, vua ở ngôi 11 năm, thụy hiệu là Thần Tông. Sách còn cho biết tương truyền Thần Tông là hậu thân của sư, còn Giác Hoàng là sư Đại Điên [98].

Các thư tịch, tư liệu cổ còn cho biết thánh Từ Đạo Hạnh là bậc cao tăng đắc pháp, có nhiều tài phép và thuật lạ. Trong lịch sử, ngài có công lao to lớn trong việc xây dựng, mở rộng quy mô cũng như tầm ảnh hưởng của chùa Thiên Phúc, biến nơi đây thành một miền đất Phật, một trung tâm của Phật giáo đương thời. Văn chuông chùa Thiên Phúc (Thiên Phúc tự hồng chung minh văn) được Đại sa môn Thích Huệ Hưng soạn vào ngày 09 tháng 08 năm thứ 9 niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa, tức ngày 05 tháng 09 năm 1109. Bài văn chuông cho biết về thánh Từ Đạo Hạnh như sau: "Tuổi nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kỳ lạ". Văn chuông chùa Thiên Phúc cho biết thêm: ''Gặp thời đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; học người xưa không ăn, ngồi đó nhiều năm mà mặt không sắc đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng nước vảy mà dứt hết ốm đau; việc chưa manh nha, dự đoán trước mà trúng như bùa phép... Sư ở lại chùa mươi ngày đã có sự cảm ứng. Hổ hoang tới phục, rồng núi tự thuần. Các chi tiết như đốt ngón tay cầu mưa, tu trì theo lối khổ hạnh, vảy nước chữa bệnh, dã thú quy phục, dự đoán tương lai đều là các chi tiết li kì mang màu sắc Mật giáo. Trùng hợp với chi tiết này, có sách chép thêm: "Ẩn cư trong hang núi đá Phật Tích, ngày ngày chuyên chú trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni.

Một hôm sư thấy thần nhân đến bảo Đệ tử là tứ trấn thiên vương, cảm công đức của sư trì tụng kinh Đại Bi nên xin đến hầu để sư sai [82] [98]. Từ Đạo Hạnh được bà cụ dạy cho mọi phép thiêng, lại trao cho phép rút đất và thần chú Đà La Ni [120, tr.89].

Theo dã sử, Từ Đạo Hạnh đầu thai làm kiếp vua và ngày nay chùa Thầy thờ ngài như là một vị vua. Câu chuyện đầu thai, một mô típ khá phổ biến trong tự sự dân gian nhằm lý giải căn nguyên của sự siêu phàm. Từ Đạo Hạnh đầu thai làm vua, là hậu thân của vua Lý Thần Tông được đề cập trong cả sử sách và trong các

tuyển tập các chuyện linh dị ở Việt Nam. Sách Đại Việt sử kí tiền biên có đoạn chép về Lý Thần Tông, là hậu thân của Từ Đạo Hạnh: "Thần Tông hoàng đế, vua tên húy là Dương Hoán, là cháu vua Thánh Tông, con của Sùng Hiền Hầu, Nhân Tông không có con nối dõi, nuôi ở trong cung, lập làm Hoàng Thái Tử. Nhân Tông băng, bèn lên ngôi báu, ở ngôi 11 năm, thọ 23 tuổi" [21, tr.315]. Trong 3 sách được ghi chép sớm nhất về chuyện kinh dị đều có tình tiết về đầu thai của thánh. Sách Lĩnh Nam chích quái [82, tr.93] có bản A. 750 chép chi tiết về việc lúc thánh hóa và đầu thai. Sách Thiền uyển tập anh chép thánh đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu, được lập là Thái Tử và Thần Tông là hậu thân của thánh [98]. Việt điện u linh cho biết thêm Đạo Hạnh thác sinh là vua Lý Thần Tông [120].

Về sự mất của thánh Từ Đạo Hạnh cũng có nhiều chi tiết linh dị. Khi Từ Đạo Hạnh hóa, xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho, người làm lấy làm lạ bèn bỏ vào trong khám để thờ. Đến thời Vĩnh Lạc (1403-1424) nhà Minh, quân Minh sang ta, đến chỗ này thấy mùi hương thơm nức, tìm đến trong khám thấy chân thân một vị đạo nhân, nét mặt tươi như lúc còn sống, người Minh cho là tiên mới rước sang chùa Hương Sơn làm phép hỏa táng, lửa đốt đến bảy đêm ngày không cháy đến chân thân. Thánh biết trước nghiệp duyên chưa hết, phải thác sinh để tạm giữ ngôi vua. Ngày sau thọ chung sẽ được làm thiên tử. Khi nào chân thân hư nát thì mới nhập niết bàn, không còn trụ trong vòng sinh diệt. Việt điện u linh cho biết thêm: Sau khi vua mất, chùa Thiên Phúc hiện lên khí thiêng lạ thường... vua Anh Tông (con vua Thần Tông) liền sai sứ lên tế, tôn phong làm "Thượng đẳng tối linh thần". Từ đó chùa nổi tiếng linh thiêng, nhà nước và dân gian cầu đảo việc gì cũng linh ứng. Tới nay hương khói không bao giờ dứt [120, tr.96-97].

Ngày nay dân gian thờ phụng ngài như là một ông tổ nghề rối cạn và rối nước. Để tỏ lòng tôn kính vị thánh tổ, lễ hội ở chùa Thầy và chùa Đại Bi có tổ chức múa rối nước và rối hầu. Tương truyền, rối nước là do Từ Đạo Hạnh truyền dạy, nhưng không phải người dân ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, Sơn Tây, nơi có chùa Thầy biểu diễn rối, mà là dân làng Ra (nay là Phú Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) cứ đến hội là diễn rối tại thủy đình với mục đích mua vui là chính. Sự tích kể rằng Từ Đạo Hạnh trên đường đi giảng đạo qua làng Ra, thấy cảnh trí vui tươi, người dân cởi mở, yêu văn nghệ, nên ngài đã đem nghề rối truyền dạy cho dân trong làng. Trong các tiết mục rối nước, tiết mục “Rước kiệu rời tượng” mang tính thiêng tái hiện cảnh rước tượng Từ Đạo Hạnh để tỏ lòng biết ơn đối với thánh tổ sáng nghề rối [60].

Từ Đạo Hạnh còn là vị thánh tổ của rối hầu Ổi Lỗi, còn gọi là hát và múa rối hầu thánh ở chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định). Đây là loại

hình rối cạn độc đáo “có một không hai” ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chỉ được diễn vào đêm giao thừa, 30 tháng Chạp và trong dịp lễ hội tại chùa Đại Bi vào đêm 20, 21, 22 tháng Giêng hàng năm. Theo huyền tích, một lần thiền sư Từ Đạo Hạnh đang đi thuyền dạo trên sông thì thấy một cái bọc nổi lềnh bềnh, khi thiền sư vớt lên xem thì thấy trong đó có sáu đứa trẻ quái thai. Động lòng trắc ẩn và từ tâm, thiền sư đã đem sáu đứa trẻ về chùa nuôi nấng và dạy dỗ. Để tưởng nhớ công lao của thiền sư, nhân dân đã sáng tạo ra sáu đầu rối, mang khuôn mặt của sáu người trưởng thành, khôn lớn, và rước các tích trò ca ngợi công đức của thánh Từ Đạo Hạnh.8

Có thể nói, với những chi tiết đặc biệt trong tiểu sử, Từ Đạo Hạnh trong đời sống dân gian như là một vị thánh. Qua từng giai đoạn lịch sử, cuộc đời ngài lại có thêm nhiều chi tiết mới mà càng về sau, càng mang màu sắc linh dị, huyền thoại.

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)