Chương 5: THỜ THÁNH Ở VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ: MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRUYỀN THỐNG VÀ ĐƯƠNG ĐẠI
5.3. Kinh tế thị trường
Tôn giáo và kinh tế luôn có mối quan hệ mật thiết. Tâm thức thờ thánh và đời sống tôn giáo tín ngưỡng hiện nay bị chi phối không nhỏ bởi bối cảnh kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là một hình thức kinh tế mở, tuân thủ các quy luật vận động, điều tiết của thị trường, tôn trọng tự do cạnh tranh, tạo cơ hội cho mọi chủ thể kinh tế cùng tham gia vào thị trường. Hoạt động của các cơ sở kinh tế trong nền kinh tế mở này hướng tới mục đích tìm kiếm lợi nhuận, có khách hàng, có cung và cầu. Bắt đầu từ Đại hội Đảng XI với cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội, quan điểm về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối” [23, tr.73-74]. Tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế thị trường ở nước ta, Đại hội XI đã chỉ ra: “Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất;
các nguồn lực nhà nước được phân bố theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường” [24, tr.25-26]. Nền kinh tế thị trường ở nước ta hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội. Thực tế diễn ra trong bối cảnh hiện nay cho thấy phát triển kinh tế thị trường với tự do kinh doanh của các cá nhân, đoàn thể, công ty, dẫn đến sự chênh lệch trong thu nhập, và do đó phân hoá giàu nghèo ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến việc phân chia đẳng cấp xã hội. Trong khi một nhóm
người làm giàu một cách nhanh chóng, còn nhóm khác đi làm thuê, không đủ sức cạnh tranh trong vòng xoáy của cơ chế thị trường. Xã hội phân hóa theo nhiều tầng, nhiều lớp, giàu sang phú quý, nghèo, đói. Thậm chí nhiều gia đình không đủ ăn phải đi làm thêm nhiều ca, hay chấp nhận rủi ro cho con ra nước ngoài tìm việc làm. Các cá nhân, gia đình nỗ lực mọi cách để kiếm sống, có thêm thu nhập để trang trải cho những chi phí khá cao cho cuộc sống hiện đại.
Kể từ năm 1986 đến nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, bộ mặt xã hội, văn hóa Việt Nam thay đổi đáng kể. Nền kinh tế thị trường dần dần đi sâu vào từng ngóc ngách của cuộc sống, tác động lên cuộc sống con người từ giáo dục, đến thực hành tôn giáo. Với đặc tính là sự thống trị của các quan hệ cung - cầu, quan hệ cạnh tranh, quan hệ hàng hóa - tiền tệ, đã tạo nên sắc thái của thị trường không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn trong toàn bộ lĩnh vực khác của đời sống, xã hội. Các yếu tố của nền kinh tế thị trường tác động sâu sắc đến lĩnh vực tâm linh.
Kinh tế thị trường, một mặt đem lại sự phồn vinh và phát triển, tạo điều kiện có cuộc sống ấm no, tiện nghi hiện đại về vật chất (nhà lầu, xe hơi, thiết bị, đồ dùng hiện đại) và về tinh thần (vui chơi, giải trí, đi du lịch, thưởng thức văn hóa nghệ thuật) cho một bộ phận người dân. Mặt khác, nền kinh tế thị trường đang đem lại nhiều bất cập và khủng hoảng xã hội, như sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên, tệ nạn xã hội gia tăng, tham ô, ô nhiễm môi trường, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em, bệnh nan y tràn lan. Cuộc sống mặc dù đầy đủ hơn về vật chất, nhưng bất an về tinh thần luôn rình dập và gây tai họa cho bất cứ ai: từ tai nạn giao thông bất ngờ, hay phơi nhiễm HIV vì một người nghiện... Sự không chắc chắn, đầy rủi ro của cuộc sống hiện đại, sự tráo trở của cộng sự trong làm ăn buôn gán, sự ghen tức của đồng môn, v.v.. khiến cho nhiều người tìm đến chốn tâm linh để giải tỏa và mong cầu được thoát những rủi ro, bất an. Trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày nay, làm ăn bấp bênh, nhiều công việc không ổn định, cũng như những hệ quả về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, hiểm họa từ thiên nhiên, khiến cho một bộ phận người dân hay đi lễ. Tâm lý người Việt, mỗi khi bất trắc, làm ăn không được suôn sẻ, người ta “đi lễ nhiều hơn”. Điều này cũng phản ánh thực trạng của người dân, khi
“mất sạch sành sanh, không còn manh áo đỏ” thì nhiều người mới quan tâm đến sự phù trợ của thánh, cũng như khi không có con thì người ta cũng đi cầu tự hơn, hay khi bị bệnh mới “vái tứ phương”. Hoặc khi gia đình, cá nhân có việc không ổn, luôn gặp trắc trở trong đường làm ăn, buôn bán, công việc, thì họ cũng làm lễ cầu thánh phù hộ cho công việc tốt đẹp.
Chính bối cảnh đầy rủi ro, trắc trở của cuộc sống hiện đại đó, với nền kinh tế thị trường mở cửa, đã tạo điều kiện cho các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng phát triển. Một số nghiên cứu về sự bùng nổ của thờ cúng trong bối cảnh đương đại đã lý giải nguyên nhân khiến cho nhiều dịch vụ tôn giáo phát triển và con người tìm đến sự hỗ trợ tâm linh nhiều hơn là thể hiện sự mất an toàn về tinh thần trong xã hội đương đại [31], [33], [136]. Sự không chắc chắn về kinh tế đang trong giai đoạn khởi sắc, với nhu cầu về vật chất tăng cao, giá các dịch vụ xăng dầu, ăn uống cũng tăng theo, khiến cho cuộc sống của một bộ phần dân cư rơi vào bế tắc, khó khăn. Giá trị hàng hóa trở thành giá trị của thị trường [Mác, 1977, trích theo [33], tr.44], như thần, như thánh, hàng hóa bán ở thị trường vượt lên trên sự kiểm soát của những người sản xuất [33, tr.42].
Trên thực tế, nhà nước hiện đại tự nó không thể đủ mạnh để tạo ra một hệ tư tưởng phù hợp nhằm thay thế cho hệ tư tưởng cũ. Nhà nước cũng khó có thể kiểm soát được những thực hành tôn giáo, tín ngưỡng và để theo kịp với sự phát triển của kinh tế thị trường [148]. Vì vậy, nhiều hiện tượng thực hành tôn giáo, tín ngưỡng bùng phát, khó kiểm soát, mà chỉ giải quyết sau khi đã diễn ra như xin ấn đền Trần, áp vong, oan gia trái chủ, v.v. Hiện tượng thờ cúng ở đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh là một trong những hiện tượng nổi cộm đầu tiên vào những năm 1990 trong thời kỳ mở cửa về sự bùng phát tín ngưỡng vay tiền âm phủ vào dịp đầu năm và trả nợ vào dịp cuối năm. Trong nền kinh tế thị trường, thế lực đồng tiền, sự giàu có, lối sống công nghiệp đã trở nên có “uy quyền mới”, một sức mạnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người, thậm chí của nhà nước, của các ban ngành có chức năng.
Sau thời kỳ đổi mới, với chính sách mở cửa, kinh tế thị trường đã kéo theo sự hồi sinh và phát triển của các thực hành tín ngưỡng, lễ hội, thờ cúng thần thánh tại các chùa tiền Phật hậu Thánh, các điện thờ, đình làng. Chúng ta chứng kiến sự trỗi dạy của các thực hành tôn giáo như việc cúng sao giải hạn, phổ độ gia tiên, các đàn tràng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các chức sắc, các nhóm tôn giáo, các hội đoàn, các đoàn hành hương dần dần được hình thành và hoạt động sôi nổi với những đặc thù và mục đích khác nhau, thu hút những người tham gia, với tư cách như là những khách hàng. Đánh giá về thực hành tôn giáo tín ngưỡng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, Phùng Thị An Na cho rằng “Những năm qua, đời sống tín ngưỡng tôn giáo trong nhân dân khu vực đồng bằng sông Hồng có chiều hướng
phát triển với những biểu hiện phong phú. Cái hay, cái dở, cái lành mạnh, cái không lành mạnh luôn đan xen nhau. Biểu hiện của mặt tích cực là các cá nhân có xu hướng tự tu dưỡng, giữ gìn đạo đức theo kiểu “tu nhân tích đức”, hướng thiện, phục thiện trong hoàn cảnh xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, hệ thống các giá trị chuẩn mực đang bị đảo lộn, đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội phát triển...
Đó còn là xu hướng quay trở lại gìn giữ truyền thống thờ cúng tổ tiên, thờ các anh hùng dân tộc, thờ Mẫu...” [71, tr.30-31].
Những lời giải thích này chỉ đúng một phần, khi cái mới chưa được ổn định, bị xáo trộn, có sự xuống cấp của lối sống, tư tưởng, đạo đức, ứng xử, v.v. thì những giá trị cũ, truyền thống tốt đẹp ngày càng được đánh giá cao. Tuy nhiên, đứng từ khía cạnh thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, những thực hành thờ cúng ba vị thánh đã ăn sâu trong tiềm thức, trong nếp nghĩ, trong đức tin của người dân. Những thực hành liên quan đến các vị thánh như lễ hội, cúng tế, người dân đi lễ thì mang tính
“truyền thống” hơn và không bị hạn chế bởi những chính sách nhà nước về chọn lọc tôn giáo [66]. Những thực hành như lên đồng, bói toán, xin xăm, nghi lễ trừ tà, áp vong, chữa bệnh, bị coi là “mê tín dị đoan”, cần loại bỏ. Một thời kỳ dài một số thực hành mang tính ma thuật này bị cấm đoán hoặc hạn chế sinh hoạt, thì nay trong cơ chế mở cửa chúng đang được hồi sinh và phát triển để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng cư dân. Trong khi đó, những thực hành liên quan đến ba vị thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không vẫn luôn được thực hành, tôn thờ, ở nhiều nơi như là các vị thần hoàng, vị thánh tổ.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, xu hướng thương mại hoá tín ngưỡng dân gian cũng không tránh khỏi. Với nhu cầu của người dân đi lễ, nhiều dịch vụ cũng ăn theo bằng cách kinh doanh các loại hình dịch vụ (như ăn, nghỉ, bán hàng, thu tiền vé, sử dụng các dịch vụ, quảng cáo tràn lan, buôn thần, bán thánh). Tình trạng đặt lễ thuê, khấn vái thuê, bói toán, đặt hòm công đức tràn lan, tạo dựng các di tích mới để thu tiền. Hiện nay, ở nhiều đền thờ thánh, điện thờ Mẫu tràn lan các ban thờ, hòm công đức, đĩa đặt tiền giọt dầu, dẫn đến việc đặt tiền vung vãi, gây phản cảm [71, tr.32]. Những việc lộn xộn nhằm làm lợi trên thực hành thờ cúng của người dân không thấy rõ trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh. Như đã miêu tả ở Chương 3 về không gian thờ ba vị thánh, về các ngôi chùa cổ với lối kiến trúc xây
cùng với thượng điện thể hiện sư uy linh của thánh. Điện thánh luôn được xây dựng nằm bên phải chùa, là nơi tối linh trong kiến trúc cổ truyền. Điện thờ ba vị thánh luôn nằm chính giữa - trung tâm trục thần đạo tiêu biểu như chùa Thầy, chùa Keo, chùa Láng, chùa Điềm Giang thể hiện thần uy của thánh. Ở trong không gian linh thiêng và cảm nhận được thần uy của thánh, con người cũng bị quy phục bởi cái linh, cũng như đức độ và lòng từ bi của thánh. Ở nơi này, những hành vi thiếu nhân tính, trục lợi, thương mại hóa, cũng như những lời cầu cúng trái với lương tâm đạo đức như cầu đảo, bùa chú và làm nghi lễ với mục đích làm hại người khác có vẻ
“không phải lễ”
Với việc đi lễ cầu cúng vì mục đích của cá nhân, thay vì đi lễ vì cái tâm, khấn nôm, thể hiện niềm mong mỏi của mình tới thánh, thì nay khi đến các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh như ở chùa Thầy, chùa Keo (Nam Định, Thái Bình), chùa Điềm Giang (Ninh Bình), chúng ta thấy một “đội ngũ” khấn thuê, với những bài bản có sẵn, chỉ thay tên, đổi họ, đổi lời cầu cúng. Người đi lễ chỉ cần vào viết sớ, cung cấp họ tên, quê quán, và nói nguyện vọng. Người cúng thuê sẽ làm đầy đủ thủ tục. Điều này cũng tiện cho người đi lễ vì không biết trình tự, thủ tục (đồ lễ, mâm lễ, lá sớ, v.v.), nhưng việc cúng thuê phần nào không đúng với quan điểm dân gian thờ thánh với cái tâm và lòng thành. Hiện tượng cúng thuê hiện nay phản ánh một dịch vụ mới trong nền kinh tế thị trường, có cầu thì có cung.
Các thực hành thờ thánh có xu hướng chính trị hóa, thị trường hóa đang lấn át giá trị văn hóa, từ đó dẫn đến nhận thức sai lệch về nội dung và mục đích tổ chức lễ hội làng truyền thống. Luận án đã phân tích, lễ hội là sự biểu hiện tâm thức về thánh, diễn lại những tích truyện liên quan đến thánh. Mỗi lễ hội có một số lễ rước, diễn xướng mang đặc thù của lễ hội đó như lễ rước ở chùa Thầy. Các làng rước đến đền Quán Thánh, nhang án cùng lễ vật được bày ra làm lễ thánh. Khi đó áo vàng của thánh mặc trên bài vị thánh Từ Đạo Hạnh sẽ được thay bằng áo cà sa của Phật. Sở dĩ có hiện tượng là do người dân quan niệm Từ Đạo Hạnh “đi thánh về Phật”, tức là ban đầu luyện phép tu tiên, khi đắc đạo mới tu Phật. Lễ rước ở chùa láng diễn tả lại Đức Thánh Từ diệt ác. Tuy nhiên, do bối cảnh xã hội thay đổi, việc tổ chức lễ hội truyền thống làng ở nhiều nơi, như chùa Láng cũng thay đổi theo. Trước đây, hội Láng hấp dẫn nhất là nghi thức rước kiệu với sự tham gia của 9 làng (nay là 7 phường thuộc
quận Đống Đa và 2 phường thuộc quận Cầu Giấy). Các đoàn rước kiệu thánh Từ Đạo Hạnh đi thăm Thánh Phụ, Thánh Mẫu và diễn thuật lại tích Đức Thánh diệt ác, trừ gian trên sông Tô Lịch. Sự độc đáo làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn đấu thần bằng pháo nổ mang tính biểu tượng. Tới cửa chùa Thánh tổ (thờ Đại Điên) đám rước dừng lại, pháo lệnh nổ vang, pháo thăng thiên và pháo chuột phóng sang chùa Thánh tổ, sang chỗ kiệu Đại Điên đang núp.53 Ngày nay, việc tổ chức hội Láng đã được đơn giản hóa, bớt ngày đi và với sự tham gia của lãnh đạo trên địa bàn, cũng như đại diện các phường. Như vậy, cái hồn cốt của lễ hội là diễn tả trận đấu thần với Đại Điên đã không còn. Những nét văn hóa làng dần bị thay đổi, thay vào đó là hơi thở của cuộc sống hiện đại, của các mối quan hệ xã hội và kinh tế.
Một số nghi lễ theo kiểu “lễ mỏng lòng thành” đã có xu hướng chuyển sang
“tốt lễ dễ kêu” với những giá đàn lễ lên đến hàng trăm triệu đồng để chi cho việc đốt hàng mã, lễ, phát lộc. Quan điểm “trần sao âm vậy” là chuyện của dân gian, thổi hồn vào nghi lễ và thực hành. Điều muốn nói ở đây là sự ra giá của những người làm lễ, những thầy cúng, nhà sư như câu chuyện ở chùa Ba Vàng. Đối với những người “có tâm”, sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho nghi lễ đạt mong cầu một điều tốt đẹp. Nhưng đối với nhiều trường hợp, việc “mâm cao cỗ đầy” đã làm họ khánh kiệt, cũng như làm ô uế những đàn lễ thanh tao dâng lên thánh với “cái tâm” hơn là của cải vật chất. Những nghi lễ tốn kém này dường như diễn ra ở những ngôi đền thờ Mẫu hơn là các ngôi chùa Tiền phật hậu Thánh. Khi được hỏi về chi phí cho một nghi lễ do thầy cúng, nhà sư thực hiện ở chùa Thầy, hay chùa Keo (Nam Định) thì các thầy cúng đều trả lời rằng “tùy tâm”, và theo quy định của một khóa lễ.
Thậm chí đối với các chủ doanh nghiệp ở Tống Xá, với lợi nhuận lên đến vài chục, hàng trăm tỉ một năm, nhưng khi dâng lễ thánh, họ cũng chỉ có mâm lễ hoa quả với lòng thành tâm. Về cơ bản khi người dân đi lễ ở các ngôi chùa này vẫn mang theo những đồ lễ cơ bản như hoa quả, bánh, tiền vàng để đặt lễ. Ở những nơi này, không thấy có sự ồn ào của các quán, chèo kéo khách, và dịch vụ sắm lễ, mâm lễ như ở đền Bà Chúa Kho hay như ở Phủ Dầy. Qua đây, một phần nào cho chúng ta thấy
53
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/263/0/10998/Le_hoi_chua_Lang_va_chuyen_tai_sinh_cua_mot_