Chương 5: THỜ THÁNH Ở VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ: MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRUYỀN THỐNG VÀ ĐƯƠNG ĐẠI
5.2. Chính sách tôn giáo tín ngƣỡng
Sự tồn tại của tâm thức dân gian và tín ngưỡng thờ ba vị thánh nói riêng, và sự trỗi dậy của những thực hành tín ngưỡng, lễ hội truyền thống nói chung trong bối cảnh hiện nay có liên quan chặt chẽ tới những thay đổi của đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam từ sau khi Đổi mới năm 1986 và cụ thể là những chỉ thị, nghị quyết, thông tư, và tiêu biểu là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004.
Sau một thời kỳ dài nhiều thực hành tôn giáo bị hạn chế để tập trung cho kháng chiến, và bị coi là mê tín dị đoan, ngay sau khi có định hướng đổi mới trong kinh tế, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khóa VI về
“Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” có hai luận điểm quan trọng góp phần “cởi trói” cho việc thực hành tín ngưỡng và lễ hội, trong đó ghi “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới.” Sau Nghị quyết 24- NQ/TW nói trên, Đảng còn có một số văn kiện đổi mới khác về tôn giáo, đó là Chỉ thị 37-CT/TW ngày 2/7/1998 của Bộ Chính trị về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới.” Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Đảng thông qua Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003, “Về công tác tôn giáo.” Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” Từ năm 1990 đến năm 2003, đã có 13 văn kiện về các vấn đề tôn giáo gồm 2 nghị quyết, 2 chỉ thị, 9 thông báo. Ban Bí thư ban hành 1 chỉ thị, 7 thông báo; Bộ Chính trị ban hành 1 nghị quyết, 1 chỉ thị và 2 thông báo; Ban Chấp hành TW ban hành 1 nghị quyết [84].
Một sự kiện quan trọng diễn ra trong đời sống tôn giáo, tâm linh của người Việt Nam, đó là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành năm 2004. Pháp lệnh gồm sáu chương, 41 điều, quy định rõ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; quyền và nghĩa vụ công dân của chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo; sự bảo hộ nhà nước đối với các tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động của các tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam;
quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo. Tiếp theo nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 8 tháng 11 năm 2012, của Chính phủ “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo” (gồm năm chương, 46 điều), thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 01/3/2005, của Chính phủ, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định này bổ sung nhiều điểm mới về quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng, trong đó có điều kiện, quy trình và thời hạn giải quyết đăng ký sinh hoạt tôn giáo, đăng ký hoạt động tôn giáo, thời hạn công nhận là tổ chức tôn giáo; quản lý đối với trường đào tạo tôn giáo trong việc tuyển sinh; đăng ký hiến chương, điều lệ sửa đổi (nếu có) của tổ chức tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và một số những quy định cụ thể khác. Pháp lệnh và nghị định này mang tính đột phá, là khuôn khổ pháp lý giúp cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.
Gần đây nhất, Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có chín chương, 68 điều, trong đó hầu hết các điều được kế thừa từ các quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ- CP ngày 18/12/2012 của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh các nội dung kế thừa từ Pháp lệnh, dự thảo Luật đã bổ sung 12 quy định mới nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Trong số 12 điều mới thì điều quan trọng đối với người thực hành là mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ
“công dân” thành “mọi người”, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013. Luật đã bổ sung một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Chương này quy định về các nội dung: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo Hiến pháp, pháp luật;
các nguyên tắc cơ bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền, nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức tôn giáo; tổ chức tôn giáo trực thuộc.52
52
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/10300/Mot_so_diem_moi_trong_du_thao_Luat_Tin_nguo
Như vậy, tính từ năm 1990 đến nay, trong lĩnh vực tôn giáo, thực hành tín ngưỡng, Đảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt quy định, nghị định, chỉ thị, thông tư về lĩnh vực tâm linh để đáp ứng nhu cầu cuộc sống tinh thần của con người Việt Nam. Mặc dù chưa có quy định cụ thể về các thực hành tín ngưỡng và mối quan hệ giữa tôn giáo và tín ngưỡng (như thực hành lên đồng, nhập hồn, đốt vàng mã), những nguyên tắc cơ bản này đã tạo điều kiện cho người dân thực hành các hoạt động mang tính tâm linh, thờ phụng thánh thần theo tập tục và như là một nhu cầu nội tại của tâm thức người Việt.
Nhờ có các chính sách mới cởi mở và luật tín ngưỡng tôn giáo mà các thực hành tín ngưỡng, thờ thánh có nhiều hạn chế trước đây như lên đồng, làm lễ đàn tràng, tổ chức cúng bái ở các đền chùa được tự do thực hành. Đến nay, chúng ta chứng kiến sự tự do hoạt động tôn giáo của những thầy cúng ở các ngôi chùa Tiền Phật hậu Thánh. Những thực hành thờ Thánh Mẫu cũng đặc biệt được quan tâm.
Một sự kiện đối với ông đồng bà đồng là di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Sự ghi danh này, trước hết là sự quan tâm của nhà nước đối với hoạt động thờ thánh, tiếp đến là sự công nhận giá trị của thực hành thờ Mẫu đối với cuộc sống của một bộ phận những tín đồ. Vượt lên trên tất cả là sự tôn trọng cộng đồng của những người thực hành và khuyến khích sự đối thoại giữa các cộng đồng tôn giáo. Sự ghi danh như là một “công cụ” pháp lý cho tín đồ thể hiện sự bình đẳng với những tôn giáo chính thống khác.
Một ví dụ sinh động cho việc thể hiện sự bình đẳng này là sau khi di sản thờ Mẫu được vinh danh, tại một số ngôi chùa, như chùa Ba Vàng, các sư đã thuyết giảng những điều chưa thật sự phù hợp với tinh thần của thờ Thánh Mẫu như Mẫu là một nhân vật hư cấu, theo Mẫu là mê tín, tin vào những điều viển vông, v.v.. Sau sự kiện này, những ông đồng bà đồng đã tập hợp thành một nhóm đại diện, có đơn kiện tới Ban Tôn giáo chính phủ với gần nghìn chữ ký. Sự việc này đã được các cơ quan cấp địa phương và trung ương giải quyết theo tinh thần của pháp luật. Hơn nữa những chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã thể hiện sự đáng tiếc cũng như là các thầy ở chùa Ba Vàng cũng đã quá lời trong việc thiếu tôn trọng những tôn giáo bản địa khác, v.v.. Sự hòa giải giữa hai nhóm Phật giáo và thờ Mẫu
để nói lên rằng sự ghi danh đã giúp các ông đồng bà đồng, những người thờ Thánh Mẫu và thần linh bản địa tìm được chỗ đứng của mình trong diễn đàn tôn giáo. Sự việc này cũng dần khẳng định vị trí thờ thánh nói chung và Thánh Mẫu nói riêng trong bối cảnh tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam
Trong thời kỳ đương đại với chính sách mở cửa của Nhà nước về bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc đã dẫn đến hiện tượng “bùng phát" các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trên phạm vi toàn quốc. Nhiều địa phương đua nhau tổ chức lễ hội, nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo được khôi phục, trong đó có lễ hội thờ các vị thánh tổ. Do nhu cầu của đời sống tâm linh ngày càng đa dạng, đông đảo những người hành lễ từ Nam đến Bắc, từ thành thị đến nông thôn với mọi lứa tuổi, thành phần, là nông dân, công nhân, cán bộ văn phòng, các nhà quản lý, nghiên cứu, công an, bộ đội, sinh viên, người buôn bán tham dự lễ hội đầu xuân đền Trần và xin ấn đền Trần vào đêm ngày 14 tháng giêng âm lịch để trừ tà, trấn trạch, cầu may mắn.
Cũng nhờ những chính sách và chủ trương nhà nước mà Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã được thực hiện trong một thời gian dài từ 1997 đến 2015, trong đó nhiều lễ hội được khôi phục, hỗ trợ tổ chức, nhiều đền chùa, trong đó có nhiều ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh được tu bổ. Trong các hạng mục công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có nhiều không gian thờ tự được xếp hạng quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt như chùa Cổ Lễ, chùa Đại Bi, chùa Keo (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình) được trùng tu. Cụ thể, theo quyết định số 751/QĐ-UBND ngày 16 tháng 04 năm 2009 của UBND tỉnh Nam Định phê duyệt dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích chùa Cổ Lễ gần 25 tỉ đồng.
Quyết định 1969/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định ngày 08 tháng 11 năm 2011 phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Đại Bi khoảng 29 tỉ đồng. Quyết định số 2448/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định ngày 22 tháng 10 năm 2014 về việc duyệt kinh phí cho hạng mục công trình tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục của chùa keo Hành Thiện với tổng kinh phí gần 14 tỉ đồng.
Các ngôi chùa cổ kính này thường có tuổi đời khoảng 400-500 năm và nhiều hạng mục bị xuống cấp trầm trọng. Việc ưu tiên trùng tu các ngôi chùa tiêu biểu này thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền đến cơ sở kiến trúc thờ các vị thánh.
Việc trùng tu các ngôi chùa cổ mang lại nhiều thành tựu và kỹ thuật trùng tu di tích đáng kể. Tiêu biểu là chùa Keo Thái Bình-một câu chuyện về sự thành công đầu tư
kinh phí nhà nước trong việc trùng tu chùa. Quy trình trùng tu di tích chùa Keo được thực hiện nghiêm túc từ khâu lập đề án, lấy ý kiến các nhà khoa học đến giám sát thi công, nghiệm thu kết quả. Những người trực tiếp thi công các hạng mục của di tích tuân thủ bảo vệ di tích theo nguyên gốc, sử dụng triệt để các vật liệu tương đồng. Các ngôi chùa qua những đợt trùng tu mà vẫn giữ được những đặc sắc trong kiến trúc Việt Nam về xây dựng chùa.