Chương 3: HÀNH TRẠNG CỦA BA VỊ THÁNH
3.2. Thiêng hóa và ma lực của ba vị thánh
3.2.1. Thiêng hóa ba vị thánh
Trong tâm thức dân gian, Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không được coi là những vị thánh tối linh. Những người được dân chúng coi là thiêng liêng gắn với tiểu sử là những người trong đời thực thì phi thường, có phép thần thông biến hóa, làm được những việc không ai làm được. Khi qua đời, họ được hóa thánh, gắn với những điều kỳ diệu, huyền ảo, và mang tính thần thánh mà họ có thể làm được nhiều việc, trong khi đó những người bình thường không làm được.
Họ có quyền uy, khiến người khác phải quy phục. Sự thiêng liêng chứa đựng các khái niệm về tối thượng, quyền năng, sức mạnh vượt trội khiến cho con người phải sợ hãi và mê hoặc, đôi khi bị cuốn hút, tức là có ma lực. Bí ẩn, siêu việt được ghi nhận trong một biểu tượng cụ thể, hành động, ý tưởng, hình ảnh, con người, hoặc cả một cộng đồng làng, xã. Sự linh thiêng của những người theo tín ngưỡng đa vật giáo cũng làm thiêng hóa những cái họ thờ cúng như một hòn đá, một con vật, một cái cây, hay một bức tượng mà chúng là những chủ thể tự quyết (agency) tác động đến con người, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực. Không phải tất cả mọi người đều tìm thấy sự thiêng liêng biểu hiện trong cùng một hình thức, mà là đối với một số người là thiêng liêng, đối với những người khác là phàm tục.
Cái thiêng không cụ thể, mà nó là một ý niệm về một cái gì đó mà con người khó có thể giải thích bằng thực nghiệm, đôi khi chỉ là những trải nghiệm. Cái thiêng cũng khiến người ta tôn kính những điều gắn với nó, như sự tôn trọng, sự quy phục, sự tuân thủ, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt. Khi đến các ngôi chùa thờ ba vị thánh, đa số người dân được hỏi đều khẳng định “thánh của chúng tôi thiêng lắm!”11. Thánh thiêng có mối liên quan mật thiết tới việc thờ cúng. Thánh thiêng thánh quở phạt cho những ai làm không đúng, dám ăn trộm đồ thờ trong chùa, trong đền. Thánh thiêng, thì khi được thánh che chở, con người cũng cảm thấy được bình an.
Sự linh thiêng về ba vị thánh thể hiện trong nhiều hình thức, trong dã sử, trong truyền thuyết, huyền tích, tiểu sử, trong nghi lễ, lễ hội, trong các lá sớ, bài cúng, tượng thờ, đền thờ, không gian thờ, trong trang phục của thánh, v.v. Tức là,
11 Nói chuyện với một người dân đi lễ tại chùa Keo, làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định, ngày 20 tháng 03 năm
tất cả các vật, các hiện tượng, không gian liên quan đến thánh đều mang tính thiêng.
Và một lần nữa, tuân thủ cái thiêng đem đến hồng phúc, ban tài phát lộc, chữa bệnh, may mắn, trẻ con khỏe mạnh, không quấy khóc, ăn khỏe. Những mảnh áo đã được mặc cho thánh và được cởi ra sau khi làm lễ mộc dục, nước tắm cho thánh, xoa tay vào tượng thánh… đều trở nên linh thiêng và cái thiêng có thể có công hiệu, trợ giúp cho con người. Sự mong đợi của người dân hưởng phúc của ba vị thánh thực chất là sự phản ánh niềm mong mỏi để có một cuộc sống tốt đẹp.
Khi ba vị thánh được gắn với cái thiêng thì từ khi sinh, tu, đắc đạo và hóa đều liên tưởng đến những điều linh diệu. Sinh ra thần kỳ, cuộc đời làm những việc kỳ diệu mà người khác không làm được, đi tu đắc đạo - học được phép thần thông biến hóa, sau khi chết hóa thánh - thành nhân vật thiêng được thờ cúng trong nhiều hình thức, tế lễ, lễ hội. Tất cả những sự tích, hành trạng, mảnh vỡ cuộc đời... kết nối với nhau, tạo ra cả một hệ thống tôn giáo, và tạo ra một quyền lực đối với con người - trợ giúp con người. Thờ cúng các vị thánh thể hiện trong các lễ hội và tế lễ với hai chức năng tôn giáo kết hợp: (1) cung cấp quyền năng đối với con người và (2) thanh tẩy sự ô nhiễm, ô uế.12
Tính thiêng linh diệu của các vị thành không chỉ được dân gian bồi đắp mà chính các vương triều cũng đã trao quyền chính thống cho họ. Các nhân vật lịch sử và thiền sư đắc đạo hóa thánh đều được nhận sắc phong của triều đình. Việc này chứng tỏ nhà nước thừa nhận vai trò của họ đối với vương triều và trong dân chúng.
Các ngôi chùa linh thiêng cũng một phần nhờ sắc phong vua ban. Trong sách Việt điện u linh có đoạn viết: “Sau khi vua mất, chùa Thiên Phúc hiện lên khí thiêng lạ thường... vua Anh Tông (con vua Thần Tông) liền sai sứ lên tế, tôn phong làm
"Thượng đẳng tối linh thần". Từ đó chùa nổi tiếng linh thiêng, nhà nước và dân gian cầu đảo việc gì cũng linh ứng. Tới nay hương khói không bao giờ dứt” [120, tr.96- 97]. Việc sắc phong của nhà vua đối với một số thần, theo tác giả Cadière là “sự tiếp diễn cho một sự sùng kính tiên nguyên đối với các thần vốn không định rõ, không tên không tuổi hoặc là lâu quá nên không rõ tên tuổi là gì, nhưng toàn cộng đồng thảy đều biết đến vai trò của họ chế ngự vận mệnh chúng sinh [16, tr.63].
12 Frederick J. Streng. “Cái thiêng tôn giáo,” https://www.britannica.com/topic/sacred. Truy cập ngày 15 tháng 05 năm 2017.
Trong các đạo sắc phong cho thiền sư Dương Không Lộ, thờ tại đền thôn Nội, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, có sắc phong Không Lộ đại pháp thiền sư, ngày 16 tháng 5 triều vua Lê niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783). Trong sắc phong có đoạn viết: “Sắc Không Lộ linh thiêng ứng nghiệm, biến hóa khôn lường, đức rộng giúp nước, thông tỏ đạo pháp, chân thật sâu lắng, ơn sâu trợ nước, thi hành cứu giúp, gian nan trong lặng, non sông tốt đẹp, có phép màu tu luyện, bảo trợ dân chúng, oai nghiêm thấm nhuần, đời đời giúp dân, nêu cao uy vũ phò xã tắc, đức dày nhân nghĩa trí tuệ, dứt khoát quyết đoán, độ trì lớn lao, ngay thẳng kính thiên, phép của tổ trí tuệ sâu rộng, đạo thần thông suốt rộng khắp, phúc đức lâu bền, mưu sâu phò giúp, muôn dân đời tốt đẹp, cảm động ứng nghiệm, sắp đặt lo liệu mọi việc, đời nối đời yên vui, vô vi huyền diệu mà lại thông tỏ, phúc lộc để lại sâu dày, dốc sức bồi đắp việc tốt đẹp, trí sáng tầm đạo, thông minh sáng suốt, linh thiêng ứng nghiệm, ơn sâu ban rộng, phúc lớn để lại cho nước non, công lao còn mãi trong dân, sáng suốt tinh thông, tôn sùng đạo pháp.”13 Sắc phong và sự bảo trợ của vương triều một lần nữa, như là một hình thức tăng quyền cho các vị thánh.
Sự linh thiêng của ba vị thánh còn được thể hiện trong không gian thờ tự, các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh, các ngôi đền thờ thánh. Vì là nơi thờ vị thánh linh thiêng nhất nên tất cả các chùa đều được xây dựng trên khu đất cao ráo và trong lịch sử tách biệt với khu dân cư.14 Vị trí xây dựng chùa được cân nhắc và lựa chọn theo nguyên tắc phong thủy chặt chẽ, bởi đó là nơi ngự của thánh, người có vai trò quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của các thành viên trong cộng đồng làng xã sở tại nên phải là nơi “hội tụ linh khí, chung đúc kỳ tú”, túc là nơi đắc địa theo quan niệm phong thủy dân gian: Xây dựng trên đất cao ráo, dương cơ. Tựa lưng vào chủ sơn, hai bên có tả thanh long, hữu bạch hổ, phía trước có dòng nước chảy quanh (chi huyền thủy) làm minh đường mang ý nghĩ tụ thủy - tụ linh, tụ phúc [58]. Chùa Thầy nằm trên một thế đất phù hợp với quan niệm của thuyết phong thủy: Phía trước có núi Long Đẩu làm án, hai bên có hai dải núi ôm bọc tạo thành thế tay ngai, phía trước là hồ nước mang tính chất tụ thủy, tụ phúc. Theo phong thủy, chùa Đại Bi ở
13 Tư liệu sưu tầm tại địa bàn đền thôn Nội, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định tháng 10 năm 2017.
14 Một thực tế là vào thời kỳ buôn lỏng quản lý những năm 1980, nhiều hộ dân đã chiếm dụng đất của khu chùa như ở chùa Thầy ở xã Sài Sơn, Sơn Tây, Tp. Hà Nội, chùa Đại Bi ở thị trấn Nam Giang, Nam Trực, tỉnh
Nam Định nằm ở thế đất đẹp, đầu rồng, hai bên có hai giếng nhỏ mà nhân dân gọi là mắt rồng. Cụm kiến trúc đầu tiên là tam quan, nghi môn trong đó tam quan được xây ở chính trục thần đạo, chếch về phía Tây trong hệ thống chùa tiền Phật hậu Thánh mà ngay ở chùa Đại Bi có thể nhận thấy vai trò của thánh chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người dân. Tam quan chiếu thẳng với cung thờ thánh Từ Đạo Hạnh, cho thấy đó mới là trục thần đạo của chùa, thể hiện vai trò tối linh của thánh, các công trình khác xây dựng đối xứng qua trục thần đạo. Biểu hiện rõ nét nhất thánh là vị thần tối linh qua lễ hội phụng thờ thánh. Tại chùa Đại Bi, cũng như các chùa tiền Phật hậu thánh khác, việc thờ thánh quan trọng hơn thờ Phật, hay nói cách khác, lễ thánh là chính. Người dân các thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba và vùng lân cận khi lên chùa thường gọi là lễ thánh, lễ vật dâng thánh.
Trong các chùa, thánh được thờ ở Tam bảo, phía sau là khám thờ trong đó có tượng thánh, không ai được vào trừ những người có trách nhiệm, và chỉ được vào trong những ngày giỗ, ngày hội, đêm 30 Tết làm lễ mộc dục, thay khăn áo và hương khói. Tượng thánh, thể hiện cho đức thánh, đã được hô thần nhập tượng thì vô cùng linh thiêng, không ai được di chuyển tượng. Hàng năm, hoặc một số năm tùy vào từng chùa, những người có trách nhiệm (trụ trì chùa, thầy cúng cao tay, v.v.). Mới được phép làm lễ mộc dục, tắm tượng và thay khăn áo (nếu có). Ở chùa Thầy, lễ mộc dục được cử hành vào sáng mùng 5 tháng Ba âm lịch. Từ nửa đêm hôm trước, nước thơm được các già nấu và rước về chùa để các bô lão, người có vai vế trong làng làm lễ tắm cho tượng. Những người làm lễ mộc dục dùng miếng vải đỏ nhúng vào nước thơm, lau rửa tượng một cách thành kính. Sau khi tế lễ xong, mọi người tranh nhau nhúng tay vào nước thơm để lấy may mắn. Họ xoa lên mặt, lên đầu, hay nhúng khăn ướt, mang về nhà lau cho các con cầu khỏe mạnh. Miếng vải đỏ cũng được chia nhỏ cho các gia đình, mang theo miếng vải đỏ bên người để có sức khỏe, bình an, tránh được tà ma, rủi ro. Còn ở Chùa Keo (Nam Định) thờ Dương Không Lộ, người dân chỉ tiến hành lễ mộc dục vào những năm hạn hán, mất mùa. Nước tắm tượng Dương Không Lộ được lấy từ giữa dòng Ninh Cơ. Lễ hội Chùa Láng cứ 15 năm mới có một kỳ đại lễ tổ chức mộc dục. Tượng thánh, vật thay thế thánh và những hiện vật liên quan đến thánh như trang phục, mũ, kiệu, v.v. đều mang tính
thiêng. Và vì vậy, chúng phải được thanh sạch, không ô uế và tránh sự tiếp xúc trực tiếp với trần thế.
Những không gian, hiện vật vật chất gắn với thánh đều mang tính thiêng. Nếu sống gần khu chùa, đền thì chúng ta đều được nghe những câu chuyện thiêng gắn với khu thờ tự, rằng không được chỉ ngón tay vào thánh thượng, không được ô uế ở khu vực chùa, không được chạm vào thánh, không được báng bổ thánh, v.v. Không gian thiêng ắt phải được bảo vệ và không được vi phạm, nếu không sẽ bị quở phạt.
Câu chuyện linh thiêng gắn với những hiện vật thiêng, và những việc ly kì, như về việc kẻ trộm trả lại đồ thờ cúng, hay người lấy trộm bị điên, bị hành, bị chết.
Các cụ trong Ban quản lý chùa Keo (Nam Định) kể trong thời kỳ Pháp chiếm đóng ở chùa, có một người lính Pháp lấy trộm lá trầu, quả cau bằng vàng. Thời gian sau, thầy trụ trì phát hiện thấy lính Pháp đút trả lại vào một cái ngách ở trong chùa.
Trường hợp thứ hai ở chùa Keo là chiếc lộc bình cổ bị mất, sau đó có người mang trả lại. Câu chuyện thứ ba ở chùa Keo, bát hương vuông ở cung giữa bị cậy cửa lấy mất. Theo lời kể của ông Khanh, một thành viên trong Ban Quản lý chùa, thì cụ tổ rất linh thiêng. Khi dân làng khấn cụ, xin đài thì có người đến mách tên trộm lấy bán ở Hà Nội. Dân làng cử người lên Hà Nội chuộc về.15
Hay câu chuyện về thánh thiêng hỗ trợ người dân mỗi khi tổ chức đua thuyền trên dòng sông Ninh Cơ tại lễ hội chùa Keo (Nam Định). Trong lễ hội có trò thi bơi trải và được dân làng giải thích là để tưởng nhớ tới cuộc đời chài lưới, đăng đó của Dương Không Lộ. Anh Trọng kể, ngài linh thiêng, nên từ xưa đến nay, chưa có chuyện gì xảy ra với dân làng. Nhiều năm tham gia đua thuyền, mà không ai bị làm sao. .Có những năm bơi trải, thuyền của một nhóm người bị đâm vào tàu và lật thuyền mà không ai làm sao, thánh thương, thánh cứu giúp.16
Sự linh thiêng của thánh thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, bằng đức tin, bằng hành vi tôn giáo, bằng sự che chở của thánh, hoặc có sự liên tưởng đến những sự việc diễn ra và người tin vào có sự trợ giúp của thánh. Sự linh thiêng gắn với quyền năng, với sức mạnh, với cái tối thượng mà những vị thánh được tôn thờ như là những vị thần tối cao, có thể làm được nhiều việc cho dương gian.
15 Nói chuyện với Ban Quản lý chùa Keo ở làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định, ngày 13 tháng 02 năm 2018.