Chương 5: THỜ THÁNH Ở VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ: MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRUYỀN THỐNG VÀ ĐƯƠNG ĐẠI
5.1 Xu hướng thánh hoá và hỗn dung tôn giáo tín ngưỡng trong tâm thức dân gian
5.1.2. Sự hỗn dung tôn giáo trong tâm thức dân gian
Sự hỗn dung tôn giáo, có thể nói, là một hiện tượng của tâm thức dân gian người Việt. Việc hình thành hệ thống chùa tiền Phật hậu Thánh với việc phụng thờ ba vị thánh cũng là sự phản ánh tập tục thờ cúng của người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Hỗn dung tôn giáo là một hiện tượng pha trộn các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng với nhau tạo thành một hệ thống tôn giáo, hay một tục thờ cúng dựa trên những nền tảng mà nó hình thành. có thể coi là một sự hỗn dung tôn giáo khá tiêu biểu, dung nạp tín ngưỡng bản địa thờ các nữ thần, các vị thánh bản địa với những yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo, Khổng giáo. Hay hệ thống Tứ pháp là sự dung hợp một số yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Tứ Pháp, gồm Mây, Mưa, Sấm và Chớp, tượng trưng cho bốn nữ thần đại diện cho các hiện tượng tự nhiên, có vai trò quan trọng đối với nghề nông. Tín ngưỡng Tứ Pháp hình thành và phát triển trong buổi đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam, mang đậm màu sắc của nền văn minh lúa nước kết hợp với Phật giáo. Ngược lại, ở vùng châu thổ Bắc Bộ, ngay trong các chùa Phật, chúng ta cũng thấy việc phối thờ Thánh Mẫu bản địa. Hay đối với người Công giáo, họ vẫn kính cha mẹ, những người đã mất, nhưng bàn thờ tổ tiên đặt thấp hơn so với bàn thờ Chúa. Họ cũng thắp hương vào những ngày giỗ, tổ chức 49 ngày, 100 ngày, nhưng họ không khấn vái và cầu xin như người không theo Công giáo.
Tính hỗn dung tôn giáo thể hiện rõ nét trong tín ngưỡng thờ ba vị thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, trong đó sự dung hợp các yếu tố Đạo giáo, Phật giáo, với tín ngưỡng dân gian tạo nên một hệ thống thờ cúng khá đặc trưng của cư dân Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ.
Yếu tố Đạo giáo:
Tín ngưỡng thờ ba vị thánh có ảnh hưởng sâu sắc của Đạo giáo. Đạo giáo vào Việt Nam với hai trường phái cơ bản là tu tiên, luyện đan cầu trường sinh bất tử và trường phái phù thủy. Trong đó trường phái tu tiên phù hợp với giới trí thức, tầng lớp trên và trường phái phù thủy với các phép thuật cầu đảo, hô phong hoán vũ, tịch cốc cầu mưa rất phù hợp với tín ngưỡng dân gian. Có thể thấy dấu vết của Đạo giáo rõ nét qua phong tục thờ phụng Từ Đạo Hạnh. Nhiều tài liệu gọi thánh Từ Đạo Hạnh là thánh tổ, tam thánh, tam thánh tổ với ba vị thánh Từ Đạo Hạnh, Nguyễn
Minh Không, Nguyễn Giác Hải. Hiện các đình Ngãi Cầu, đình An Hạ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội phối thờ cả ba vị Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Nguyễn Giác Hải ở chùa Nghĩa Xá, Viên Quang tự, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường cùng rất nhiều chùa khác ở tỉnh Nam Định phối thờ cả bốn vị thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, Nguyễn Giác Hải trong đó tượng Thánh Từ Đạo Hạnh luôn đặt ở giữa. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến mô hình Tam Thanh trong Đạo giáo, hay hình tượng Đức Thánh Trần, Yết Kiêu, Dã Tượng. Cặp ba thánh Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Công chúa Tây Sa tại các đền thờ, đình làng ở vùng Hưng Yên, tiêu biểu là đền Dạ Trạch, v.v..
Ngay phong cách điêu khắc tượng thờ cũng có thể thấy ảnh hưởng của Đạo giáo rất rõ nét tại các pho tượng thánh Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy, thánh Dương Không Lộ ở chùa Keo Nam Định và Thái Bình thay vì mặc áo nhà Phật, đã được tạc theo hình Đạo sĩ, mặc áo choàng phủ từ vai xuống chân trong tư thế ngồi, với chiếc khăn phủ đầu mang đậm dấu ấn đạo sĩ.
Các truyền thuyết về hành trạng của ba vị thánh cũng có nhiều yếu tố Đạo giáo như các phép thoát xác đầu thai, các yếu tố linh dị ma thuật trong quá trình hành đạo của ba vị thánh đã được sử sách ghi chép như hô phong hóa vũ, tịch cốc luyện đan, hàng long phục hổ của ba vị thánh. Thánh Từ Đạo Hạnh có phép thuật khiến cây gậy dựng đứng, trôi ngược dòng nước, phép rút đất. Thánh Dương Không Lộ có phép thuật cải tử hoàn sinh, thánh Nguyễn Minh Không với mô típ nồi cơm Thạch Sanh ăn mãi không hết, chữa bệnh hóa hổ bằng phép màu nhiệm.
Việc cầu cúng tại các chùa tiền Phật hậu Thánh hay tại các đền thờ thánh cũng mang đậm màu sắc Đạo giáo với phép phù thủy, bùa chú, mật chú, xua đuổi ma, chữa bệnh bằng nước thánh, cùng với những phép trừ tà ma của tín ngưỡng Trần Hưng Đạo, hay phép cúng, bùa chú của phái Thái Thượng Lão Quân. Ngày nay, tại một số chùa tiền Phật hậu Thánh, các pháp sư hành nghề bùa chú, ma thuật, trì chú cũng ảnh hưởng một phần cũng Đạo giáo, trong đó các khoa cúng, cầu đảo, bùa chú, chữa bệnh thỉnh cầu tới quyền năng của các thánh.
Yếu tố Phật giáo Mật tông:
Phật giáo Mật tông khá phù hợp để phát triển trong bối cảnh tín ngưỡng đa thần ở Việt Nam khi cuộc sống của người nông dân vào thuở đầu dựng nước đương
đầu với rủi ro, đại hạn, lũ lụt, và với rừng thiêng nước độc, cùng với tục xăm mình để tránh thuỷ quái của người Việt. Những chuyện kì dị, thần bí luôn được thêu dệt lên trong bối cảnh cuộc sống và nó vẫn không ngừng phát triển và lan tỏa cho đến ngày nay. Hiện nay, những câu chuyện về tà ma, về sự ẩn hiện của những vong chưa được giải thoát, hay những câu chuyện ma quỷ ngụ tại cây gạo, cây đa vẫn còn đậm nét trong tín ngưỡng người việt và hiện hữu trong cuộc sống, công việc. Một ví dụ điển hình là khi mở rộng, xây dựng một số con đường quốc lộ (ở Nghĩa Hưng, Nam Định) có các cây đa to mà người dân đặt miếu thờ thần, chủ thầu dự án không dám chặt cây, sợ tai ương, sợ bị trừng phạt. Hay câu chuyện lan truyền ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, dân làng chặt cây đa hàng trăm tuổi, nhiều trai làng chết trẻ một cách bí ẩn.51 Những chuyện ly kỳ, khó giải thích và mang tính tâm linh, huyền bí vẫn luôn ngự trị trong cuộc sống của những người dân Việt. Tất cả những điều kiện đó là nền tảng để cho Phật giáo Mật tông dễ tiếp cận và nhanh chóng hoà nhập với hệ thống thần linh bản địa. Đặc biệt, hệ thống thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), ngay từ đầu đã gắn bó mật thiết với thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Các yếu tố Mật giáo được du nhập vào từ rất sớm và dễ dàng pha trộn với tín ngưỡng bản địa, phát triển và lan tỏa. Hiện nay, nhiều ngôi chùa Mật tông thuộc các dòng thừa Mật tông ở chùa Hương và các dòng Drukpa Tây Tạng thực hành trong các phép tu, trì chú, làm bùa, các khóa lễ khá thịnh hành ở miền Bắc.
Mật Tông vào Việt Nam từ rất lâu, đặc biệt vào khoảng thế kỷ XI. Vào thời gian đó, trong Phật giáo Việt Nam xuất hiện nhiều thiền sư, mà sự tu luyện của họ có liên hệ đến các pháp hành trì Đông Mật, tiêu biểu là ba vị thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không có mối liên hệ với các pháp Tổng trì tam muội, Đại Bi Đà la ni, các phép trị bệnh, huyền mật, thần thông biến hóa. Thiền sư Đạo Hạnh chuyên tập pháp môn Tổng trì tam ma địa và lời sư nói ra thiên hạ đều cho là phù sấm. Nguyễn Minh Không dùng phép lạ chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông khi vua bị mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, tiếng kêu gầm rú. Thiền sư dùng một cái vạc lớn đựng dầu, đun sôi sùng sục, rắc vẩy lên khắp mình vua và như
51 Tham khảo bài “Chặt đa xong, nhiều trai làng chết trẻ”. http://baophapluat.vn/the-gioi-sao/chat-da-xong-
một phép màu mau khỏi bệnh. Còn thiền sư Dương Không Lộ có thể bay lên không, đi trên băng giá, bắt hổ phải phục, bắt rồng phải giáng.
Nhục thân của thánh được các đệ tử mang về lập tượng thờ mang đậm màu sắc Mật giáo. Tại chùa Láng (Chiêu Thiền tự) ở Hà Nội trong điện thánh vừa có tượng Từ Đạo Hạnh, vừa có tượng Lý Thần Tông. Có một số chi tiết trong tài liệu sử: Xác Đạo Hạnh để trong khám thờ cho đến thời Vĩnh Lạc (khoảng năm 1414) bị quân Minh đốt. Sau này xuất hiện tượng bó cốt của Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường vào năm 1638 - 1639 ở chùa Đậu, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội hiện nay là sự tiếp nối của truyền thống nhục thân bồ tát này [6, tr.433]. Loại tượng này phổ biến trong Mật giáo ở Tây Tạng, như vậy, đầu thai và tượng bó cốt là hai đặc điểm Phật giáo Tây Tạng đã thấy trong Phật giáo Việt Nam. Thêm vào đó, việc thờ Phổ Hiền, tụng thần chú Phổ Hiền, thờ Quan âm nghìn mắt nghìn tay, tụng Đại Bi chú, là những dấu ấn Mật giáo.
Ngoài ra, vào thời Lý, theo tác giả Thích Hải Ấn (2012) [7], người ta tin vào phép thuật, phù chú, chuyện tái sinh. Điều đáng nói sự “tái sinh” này không diễn ra theo lí giải thông thường của Phật giáo, mà chuyện tái sinh đầu thai khá phổ biến trong các câu chuyện dân gian. Từ Đạo Hạnh đã tái sinh là con vua, và sau này trở thành vua Lý Thần Tông, con của vua Lý Nhân Tông. Trong Thiền uyển tập anh cũng ghi rõ: “Sư bèn đi ngay đến phủ đệ của Sùng Hiền Hầu, vào thẳng nơi phu nhân đang tắm mà nhìn.
Phu nhân tức giận nói lại với chồng, nhưng Sùng Hiền Hầu đã biết trước nên không căn vặn gì. Từ đó phu nhân cảm thấy mình có thai. Sư dặn Sùng Hiển Hầu: „Khi nào phu nhân sắp sinh thì bảo cho bần tăng biết trước‟. Và phải đợi đến lúc phu nhân của Sùng Hiền Hầu sắp đến giờ sinh nở thì Từ Đạo Hạnh mới thoát xác nhập thai, theo như lời hứa trước đó” [7, tr.39]. Giai thoại này được ghi chép lại, và giờ vẫn đang tồn tại trong dân chúng về sự đầu thai làm vua của Từ Đạo Hạnh.
Yếu tố dân gian:
Trong truyền thuyết, huyền thoại, lưu truyền nhiều tình tiết mang tính ma mị, huyền bí, siêu nhiên của tín ngưỡng dân gian gắn với cuộc đời và tài năng của các thiền sư. Một số tác giả như Thích Hải Ấn còn cho rằng thời nhà Lý, thường có các lễ cầu đảo, cúng tế, cầu phúc cho dân thoát khỏi thiên tai, bệnh dịch. Tác giả cho rằng tất cả những công việc này đều liên đới tới vai trò của các thiền sư, đạo sĩ và
luôn nhận được quan tâm của triều đình và dân chúng. Thực tế, những huyền thoại, câu chuyện dân gian được quần chúng sáng tạo, thêu dệt xung quanh cuộc đời của ba vị thánh. Vào thời Lý, tác giả cho rằng “phép thuật là một dạng tài năng có thể tu luyện thành công được, nên những đạo sĩ phải thi triển để thể hiện tài năng, phép lạ”
[7, tr.39].
Tại một số làng xã thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ còn lưu truyền nhiều sự tích, huyền thoại về Dương Không Lộ. Tại các làng Phụng Thượng, Động Trung, Quân Hành thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình còn lưu dấu tích liên quan đến Dương Không Lộ. Người gánh hai tảng đá đi chắn ngang sông để đơm đó, qua làng Động Trung đã đánh rơi những phiến đá lớn, có phiến mang hình chiếc giày, có phiến còn cả vết chân, vết tay khổng lồ. Hiện phiến đá đã được đưa về trước gác chuông chùa Hanh Cù xã Vũ Quý huyện Kiến Xương, kèm theo lời chú dẫn bằng chữ quốc ngữ khắc trên bia: „Phiến đá tương truyền của Dương Không Lộ sử dụng vào thời Lý‟ [7, tr.51].
Tôn thờ ba vị thánh cũng thể hiện rõ nét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tại các chùa thờ ba vị thánh thường có tượng cha, mẹ các vị thánh như chùa Lý Quốc Sư, Chùa Bối Khê (Hà Nội), Chùa Bi (Nam Định) được thờ trang trọng, cao hơn hoặc bên cạnh tượng thánh. Đạo giáo Trung Quốc khi vào Việt Nam kết hợp với tín ngưỡng thờ tổ tiên, mọi thần thánh cũng đều do cha mẹ sinh ra, khi một nhân vật tài giỏi nào đó hóa thánh, được dân suy tôn là thánh thì bố mẹ cũng được nhờ. Tại các chùa ở Hà Nội còn có sự phối thờ cả thân phụ và thân mẫu của thánh Từ Đạo Hạnh cho thấy ảnh hưởng đậm nét của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Nói tóm lại, hệ thống tín ngưỡng thờ phụng ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh là sự hỗn dung tôn giáo thể hiện trong sự hòa trộn, kết hợp giữa những tập tục, thực hành, hành vi tôn giáo của Đạo giáo, Mật tông và tín ngưỡng dân gian. Việc hình thành cả một hệ thống thờ cúng các vị thiền sư vừa là thánh vừa là Phật trong các chùa tiền Phật hậu Thánh phản ánh một sự phức hợp, sự lai tạp, không đồng nhất tại các địa bàn thờ cúng (nơi sinh, nơi hóa, nơi hành đạo, nơi lánh nạn, v.v). Điều này một phần nào đó cũng phản ánh về một tâm thức thờ phụng của người dân Việt ở đồng bằng Bắc Bộ về đối tượng thờ cúng là các vị thiền sư, như là những vị thánh tối linh mà họ có thể nhờ cậy vào trong nhiều hoàn cảnh nhằm thỏa mãn nhu cầu cuộc sống tinh thần.