Điều kiện văn hoá xã hội

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 45 - 51)

Chương 2: BỐI CẢNH HÌNH THÀNH TÂM THỨC DÂN GIAN VỀ BA VỊ THÁNH Ở VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ

2.2. Điều kiện văn hoá xã hội

Khu vực đồng bằng châu thổ Bắc Bộ là nơi tập trung dân cư đông nhất, khoảng 20 triệu người và có mật độ dân cư dày đặc (khoảng 1225 người/km2).6 Điều đó đã tạo ra áp lực của sự gia tăng dân số. Khi dân số đông mà kinh tế chậm phát triển, không đáp ứng được nhu cầu về việc làm thì sẽ phát sinh nạn thất nghiệp, đến việc nhiều người dân phải sống bằng dịch vụ nhỏ lẻ. Hơn nữa, thất nghiệp, cùng với kinh tế thị trường dẫn đến nhiều hậu quả xã hội như các tệ nạn, trộm cắp, nghiện ngập. Những nơi tập trung đông dân cư sinh sống dễ dẫn đến tình trạng môi trường bị tác động bởi các hoạt động sản xuất, kinh doanh (làng nghề, thủ công, nhà máy không xử lý chất thải) gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tuy nhiên, dân số đông cũng có những mặt tích cực, như có nguồn nhân lực dồi dào để phát triển kinh tế, là thị trường tiêu thụ rộng lớn, là thế mạnh để thu hút nguồn đầu tư trong nước và nước ngoài [40, tr.30-31].

Một đặc trưng văn hóa cơ bản của vùng đồng bằng Bắc Bộ là cư dân sống quần tụ thành làng, một đơn vị cơ bản của quản lý hành chính, cũng là không gian tạo nên cả một nền văn hóa làng với những tập tục, lễ hội, tập quán sinh hoạt, cơ sở thờ tự và ứng xử văn hóa. Làng là hạt nhân của xã hội người Việt, đồng thời là sức

sống và văn hóa Việt Nam. Xưa kia, làng bao gồm nhiều nóc nhà, quanh làng có lũy tre bao bọc, có giếng làng, cổng làng. Đường làng nối liền các nhà trong làng và ăn thông ra cổng làng, bên ngoài là ruộng đồng, sông ngòi... Mỗi làng có ranh giới phân định rõ ràng với các làng kế cận và được ghi trong hương ước của làng. Xét về hình thức, làng là một điểm tụ cư, nhưng thực chất nó là một hình thức tổ chức xã hội nông nghiệp. Một mặt, nó được hình thành trên cơ sở nền sản xuất nông nghiệp tiểu nông tự cung, tự cấp, mặt khác, nó là mẫu hình xã hội phù hợp đảm bảo sự cân bằng và bền vững của xã hội nông nghiệp [32]. Theo tác giả Phạm Thị Thu Hương, làng được sinh ra từ khi có nhà nước mà chức năng ban đầu là tổ chức xã hội của người dân (thị tộc) với chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất và quan hệ thân thuộc về dòng máu. Khi chế độ quân chủ bộ lạc chuyển sang chế độ quân chủ nhà nước thì làng cũng chuyển thành công xã nông thôn. Nhà nước đặt ra đơn vị hành chính gọi là xã và lồng vào đơn vị xã hội là làng [45]. Nhưng ngày nay, bộ mặt làng truyền thống đã thay đổi về không gian, kiến trúc, khuôn viên, cũng như văn hóa, nếp sống, tập tục. Làng đã trở thành

“phố”, với những thành phần pha tạp, lối sống giằng co giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghề nông, bán nông nghiệp, công nghiệp, v.v.

Văn hóa làng truyền thống là một hệ thống các quan niệm, chuẩn mực đạo đức, hành vi, những thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, lệ làng. Nói đến làng khiến chúng ta liên tưởng đến ngôi đình, ngôi chùa, miếu, cây đa, giếng nước. Nhiều cảnh quan của làng xã giờ không còn nữa, thay dùng nước ở giếng làng, người dân dùng nước máy. Nhiều ngôi chùa làng bị hư hại, bị tháo dỡ trong thời kỳ những năm 1954 của thế kỷ trước. Nhiều giếng làng bị lấp vì không còn phục vụ nhu cầu của làng. Hiện nay, một hệ thống thờ tự, thực hành tín ngưỡng đã được khôi phục, xây mới, trùng tu, tái hiện các di tích của những nét văn hóa truyền thống làng. Các vương triều phong kiến đã lập nên, duy trì mô hình hành chính làng xã. Ngày nay, khi mà nông thôn hóa thành thị, nhiều làng quê đã trở thành thành phố, thị trấn, thì các làng trở thành các phường, quận, đơn vị làng, cấu trúc làng với lũy tre làng, nhà tranh dần chuyển sang nhà mái bằng, và đường phố. Thực tế cho thấy, những nét văn hóa làng truyền thống như lễ hội, tế tự ở các đình, các miếu vẫn duy trì trong các khu phố nếu làng đã trở thành phố như chùa Láng (Hà Nội). Hội làng ở khắp mọi nơi vẫn được tổ chức long trọng cho dù có bị thay đổi, nhưng điều quan trọng nhất là tâm thức thờ cúng vị thành hoàng, các vị thánh tổ, thần bảo trợ vẫn còn lắng đọng sâu trong tâm trí của các thế hệ.

Đô thị hóa ở vùng ven đô khiến cho nhiều làng đã trở thành phố và những con đường làng giờ làng những con phố với hàng quán, cửa hàng tấp nập. Tiêu biểu là vùng đất trồng rau (như húng Láng) nức tiếng một thời ở khu vực Láng (Tp. Hà Nội), nay đã trở thành khu dân cư, đường phố, nhà hàng dày đặc, bao trùm lên cả không gian chùa Láng-nơi thờ thánh Từ Đạo Hạnh. Một bộ phận cư dân ở khu vực láng là những người ngoài cộng đồng mua đất và định cư. Do vậy, việc hội nhập vào cuộc sống của người dân tại chỗ và tham gia vào thờ phụng thánh có phần mờ nhạt. Họ trở thành những người “quan sát” hơn là những người coi thánh là ông tổ, là vị thành hoàng của làng. Quan hệ xã hội giữa những người nhập cư và những người dân tại chỗ không còn là quan hệ của những “bà con” cùng làng nữa, mà là quan hệ của những người sống cạnh nhau thời hiện đại, thậm chí có những gia đình sống nhiều năm gần nhau mà không hiểu và biết nhau. Công nghiệp hóa, đô thị hóa có nhiều tác động vào các thực hành tôn giáo tâm thức của người dân khi nền sản xuất nông nghiệp, thành phần cư dân, cũng như quan điểm về thờ thánh đã thay đổi.

Về mặt văn hoá, Bắc Bộ là cái nôi hình thành văn hóa của dân tộc Việt, cũng là cái nôi sinh ra các nền văn hóa lớn như văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đại Việt.

Đây là vùng đất tập trung đông nhất cư dân người Việt và nhiều hình thức văn hóa truyền thống như lễ hội làng, văn hóa dân gian, kiến trúc, nghệ thuật diễn xướng như chèo, múa rối, dân ca, các trò diễn.

Văn hóa truyền thống của vùng châu thổ Bắc Bộ là một kho tàng văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của người Việt bao gồm thần thoại, truyền thuyết liên quan đến các anh hùng văn hóa như thánh Chử Đồng Tử, Tản Viên, thánh Gióng.

Hệ thống các câu chuyện về những vị thánh được thờ trong chùa dạng tiền Phật hậu Thánh mang tính linh diệu, pha trộn nhiều tình tiết ly kỳ, huyền ảo. Những loại hình văn hóa dân gian như ca dao, tục ngữ, từ truyện cười, truyện trạng v.v..

cũng phong phú. Mỗi thể loại đều có một hình thức biểu đạt riêng bằng ngôn từ cũng như diễn xướng, mang đậm nét văn hóa của Bắc Bộ. Truyện trạng ở Bắc Bộ như truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, v.v.. sử dụng các hình thức câu đố, câu đối, nói lái, chơi chữ nhiều hơn truyện trạng ở các vùng khác. Ca dao, dân ca như hát Đúm, Trống quân, dân ca Quan họ trau chuốt, tình tứ và ca từ chọn lọc, tinh tế. Ngoài ra, hệ thống các bài kệ, các bài văn tế, văn khấn là những hình thức văn học tôn giáo thể hiện tâm thức về thờ phụng các vị thánh, gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của cư dân Bắc Bộ.

Một trong những đặc trưng văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ là văn hóa làng.

Như trên đã nói, cư dân nơi đây sống thành từng làng, khép kín bên trong lũy tre xanh, ao làng, cánh đồng lúa và rau màu với hệ thống thờ tự phong phú là thờ thành hoàng, các vị thần bảo trợ. Những người trong cùng một làng có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau, sản phẩm của lối liên kết này tạo ra cộng đồng theo ngõ, xóm.

Cộng đồng xóm, làng giúp đỡ nhau trong vụ mùa, trong thu hoạch, trong các công việc hiếu hỉ của gia đình. Do vậy, bên cạnh quan hệ huyết thống, người dân trong các làng xã cũng sống theo quan niệm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Văn hóa làng vùng đồng bằng Bắc Bộ thể hiện tiêu biểu qua việc thờ thành hoàng làng và tổ chức lễ hội hàng năm. Đối với dân làng, “thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hi vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho làng thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chẽ” [32]. Người Việt có câu, “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tức là tháng của hội hè. Hàng năm ở đồng bằng Bắc Bộ có hàng trăm lễ và hội khác nhau. Lễ, hội là dịp để dân làng tập trung lại tổ chức biểu diễn văn nghệ và thể thao dân gian. Hội làng là dịp người dân thể hiện sự tôn kính các vị thần bảo hộ cho dân làng, cũng là dịp mà người dân cầu cúng, gửi gắm tới thành hoàng, vị thần những điều mong mỏi thầm kín nhất là mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, chống tai ương, hạn chế rủi ro.

Không khí cuộc sống ở làng quê không chỉ có lễ hội, là các đám giỗ, các đám cưới, hiếu, hỉ diễn ra trong suốt một năm vì công việc của một gia đình cũng là việc của gần như cả làng bởi mối quan hệ nhiêu chiều: huyết thống, hàng xóm, bạn bè, đồng môn, hội đoàn, v.v. Hội hè, hiếu hỉ một mặt kết nối mọi người cùng tham gia, mặt khác có thể là gánh nặng của một số người khi thu nhập của họ dưới mức trung bình, không đủ chi trả cho cuộc sống. Trước đây, dịp hiếu, hỉ, cũng là dịp để mọi người cùng nhau tổ chức các nhà đám, nhưng nay đa số các vùng quê cũng đã có các dịch vụ nấu ăn thuê, tổ chức sự kiện thuê phục vụ tang ma, đám cưới.

Đáng kể nhất là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân Việt Bắc Bộ với một hệ thống thờ đa thần. Các đối tượng được thờ rất đa dạng, có thể là một nhân vật lịch sử, một hòn đá, một cây cổ thụ, hay là một nhân vật huyền thoại mà Chương 5 luận án sẽ phân tích kỹ hơn về xu hướng thánh hóa trong văn hóa vùng châu thổ Bắc Bộ. Các tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước như tôn thờ thành hoàng, thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ, thờ các ông tổ nghề đúc, nghề rối, nghề thêu ren, nghề chiếu, v.v.. có mặt trên hầu khắp các làng quê Bắc Bộ. Hệ thống các tín

ngưỡng thờ đa thần được biểu hiện trong các lễ hội, các câu chuyện truyền thuyết, các hình thức tế lễ, cúng bái, cầu khấn (khấn nôm, theo khoa cúng, lễ thỉnh thánh).

Bên cạnh đó, hệ thống thờ nữ thần cũng khá tiêu biểu trong tâm thức người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Các nữ thần được thờ phụng không chỉ là những nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, mà còn có các nhân vật là công chúa giáng trần, Ngọc Hoa Công chúa, các chầu, các cô là những nhân vật được sáng tạo ra trong điện thần Tứ Phủ. Vai trò của Thánh Mẫu trong tâm thức người Việt thể hiện tâm lý Mẫu, Mẹ, người che chở không chỉ trong gia đình mà còn ở ngoài thế giới dương gian. Mẹ dương gian đã được sáng tạo thành Mẹ vô lượng, mẹ của đấng toàn năng, có quyền năng luôn che chở cho các con. Những tín đồ của thờ Mẫu, con nhang đệ tử tự xưng là “con” của Thánh Mẫu, để “hầu” Mẫu và mẫu độ cho cuộc sống của họ ở dương gian. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một hình thức thờ thánh khá sâu đậm trong tâm thức người Việt và cũng trở thành một thứ Đạo Mẫu mà học giả Ngô Đức Thịnh đã chứng minh và luận giải trong công trình kinh điển của mình về Đạo Mẫu [101].

Bên cạnh tín ngưỡng đa thần bản địa, người Việt ở Bắc Bộ còn theo Phật.

Phật giáo đã có mặt tại Giao Châu từ thế kỷ III trước công nguyên. Dần dần Đạo Phật tìm được chỗ tại các ngôi đền thờ của người Việt bằng cách Phật hóa một số thần trong tín ngưỡng bản địa và biến đền trở thành chùa, tạo ra kiểu chùa vừa thờ thần, vừa thờ Phật, mà tiêu biểu là những ngôi chùa thờ Tứ Pháp như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Đậu (Hà Tây). Tiếp đến, Phật giáo cũng phát triển và hình thành một hệ thống những ngôi chùa Phật và một số dạng chùa khác [45]. Chùa ở Bắc Bộ cũng có những đặc điểm riêng, là sự sự hòa nhập, cộng sinh cùng với hệ thống tín ngưỡng đa thần của người Việt. Trong các ngôi chùa ở Bắc Bộ, chúng ta thấy hiện diện các gian thờ Mẫu, thờ Trần Hưng Đạo, thờ vong, và một sự thật là nhiều ngôi chùa, chính các sư cũng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, lên đồng, mở phủ. Và chính trong các ngôi đền thờ Mẫu, hình tượng Phật Bà Quan Âm cũng có chỗ đứng ở vị trí cao, và thậm chí có ban thờ riêng trong điện thần. Trước khi thực hiện một buổi lễ lên đồng, các thầy cúng làm khoa cúng thỉnh Phật và Thánh để chứng giám cho buổi lễ.

Một số đạo khác như Đạo giáo, cũng bị địa phương hóa, hòa nhập và tín ngưỡng bản địa và rất khó phân định đâu là nghi thức cúng tế theo Đạo giáo, đâu là tín ngưỡng dân gian trong một số khoa cúng, đàn tràng. Hệ thống tín ngưỡng dân gian là sự hỗn dung tôn giáo mà luận án sẽ làm rõ ở Chương 5. Theo Phạm Thị Thu Hương, dấu tích của Đạo giáo này để lại là “hệ thống Quán Đạo khá phong phú, có mặt ở hầu hết các địa phương trong vùng Bắc Bộ. Dù hiện nay, hầu hết các ngôi

quán này đều đã chuyển thành chùa do sự dung hội giữa các tôn giáo, nhưng người ta có thể tìm thấy những đặc điểm của Đạo giáo Trung Hoa cũng như ảnh hưởng của nó tới tín ngưỡng bản địa và vai trò của nó trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Qua những kiến trúc và di vật còn lại, có thể khẳng định, quán Đạo là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.” [45]

Trong văn hóa của người Việt, Nho giáo cũng in đậm dấu vết trong cuộc sống, mỗi quan hệ gia đình, làng xã. Về mặt lịch sử, theo Phạm Thị Thu Hương,

“trong suốt thời Bắc thuộc, Nho giáo chưa thực sự phát triển mạnh mẽ trong xã hội bình dân Việt. Chỉ đến thời Lý, nó mới chính thức được tiếp nhận bằng việc vua Lý Thánh Tông cho lập Văn miếu thờ Khổng Tử năm 1070”[43, tr.28]. Nho giáo nhanh chóng phát huy thế mạnh của mình trong việc tổ chức xã hội, quan hệ gia đình, làng xóm. Dấu ấn vật chất của Nho giáo để lại là hệ thống Văn miếu, Văn chỉ, Văn từ ở nhiều địa phương. Trong các hoạt động văn hóa, Nho giáo tác động chủ yếu trong văn hóa tổ chức cộng đồng. Ở cấp độ gia đình, Nho giáo phối hợp với văn hóa Hán làm hình thành chế độ gia đình phụ hệ đi đôi với nam quyền, tồn tại song hành với truyền thống trọng nam đi đôi với trọng nữ của văn hóa dân gian. Trong gia đình, gia tộc, quốc gia, Nho giáo trực tiếp làm hình thành chế độ tông pháp, trao quyền thừa kế, thừa tự cho con trai trưởng chính dòng, song hành với tập quán trao quyền thừa kế, thừa tự cho con trai út của dân gian. Ở cấp độ quốc gia, Nho giáo có tác động trong việc tổ chức nhà nước của Đại Việt, bao gồm hệ thống hành chính, tổ chức quân sự, quan chế, tồn tại song hành với tổ chức cộng đồng làng xóm [36]. Hệ thống thứ bậc của các triều đại vương quyền và mô hình gia đình gia trưởng phần nào cũng có những mối tương quan với hệ thống thờ phụng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tứ phủ, với thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tới các Quan, các Chầu, các Cô, v.v. [101]

Trong hệ thống tín ngưỡng hỗn dung tôn giáo có sự hội nhập của nhiều yếu tố Phật giáo, Mật tông, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian phải kể đến hệ thống chùa tiền Phật hậu Thánh. Những ngôi chùa này là một kho di sản vật thể, phi vật thể của cha ông để lại với nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, cũng như phần nào về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa Việt Nam suốt từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Nghiên cứu về chùa và tượng chùa thời Lý, tác giả Trần Lâm Biền cho rằng đây là một dạng chùa có kiến trúc dạng “đền thờ”, mà “đôi khi người ta quên mất đó là chùa, và họ Từ [Đạo Hạnh] là nhà sư, nên kế tục sau ông đã một thời là ông Thống hoặc bà Tự mang tư cách một

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 45 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)