Tiểu sử linh thiêng của ba vị thánh

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 69 - 72)

Chương 3: HÀNH TRẠNG CỦA BA VỊ THÁNH

3.1. Tiểu sử và công lao của ba vị thánh

3.1.4. Tiểu sử linh thiêng của ba vị thánh

Ba vị thiền sư hóa thánh, trở thành những nhân vật thờ cúng linh thiêng, có tầm ảnh hưởng quan trọng trong tâm thức dân gian trong quá khứ cũng như hiện nay. Nhiều thư tịch Phật giáo chép là các vị tổ truyền đăng của các phái Tỳ ni đa lưu chi, Vô ngôn thông. Quá trình tu luyện, học đạo, hành đạo của ba vị thánh có nhiều điểm trùng hợp và có mối tương quan với nhau. Trong mối tương quan giữa ba vị

thánh, Từ Đạo Hạnh được tôn làm anh cả trong ba vị thánh; Dương Không Lộ được tôn làm anh hai, cùng sang Tây Trúc học đạo với Nguyễn Minh Không; còn Nguyễn Minh Không là vị thánh được tôn là em út, có công chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông, hậu thân của Từ Đạo Hạnh và sau này là hậu thân của vua Lê Thần Tông.

Trong Chương 1, luận án đã nêu ra một số quan điểm lý luận về tiểu sử linh thiêng của tác giả Charles Keyes, theo đó yếu tố quan trọng của một tiểu sử linh thiêng là có nhiều tình tiết, nhiều sự kiện mang tính thiêng trong cuộc đời của một con người, từ đó cũng dẫn tới sự linh thiêng của nhân vật được thờ phụng. Những yếu tố thiêng này như là những mảnh vỡ của một tiểu sử có thực, phần nhỏ của toàn thể cuộc đời [129, tr.40].

Các nguồn tài liệu, thư tịch khác đều cho biết tiểu sử, xuất sứ, hành trạng ba vị thánh khá rõ nét, càng về sau càng có thêm nhiều “mảnh vỡ” trong tiểu sử có nhiều điểm thần bí, linh dị, khác hẳn người thường. Quá trình tu luyện, học đạo, hành đạo của ba vị thánh có câu chuyện trùng hợp và liên quan chặt chẽ với nhau như thánh Từ Đạo Hạnh có nhiều phép thuật, có nhiều công lao hộ quốc an dân được tôn làm anh cả với đầy phép thuật và quyền uy, thể hiện dưới hình tượng "vi phật - vi tiên - vi vương" với hai lần đầu thai làm vua, tương truyền là hậu thân của vua Lý Thần Tông và Lê Thần Tông. Việc hóa kiếp thành vua, thành Phật, thành thánh của Từ Đạo Hạnh đã được nhân dân tôn thờ ở chùa Thầy.

Nguyễn Minh Không là một người có rất nhiều tài năng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đồng thời lại là người văn võ song toàn. Trong tất cả các sách, thư tịch, thần phả nói về ngài, tuy có nhiều sự việc và chi tiết khác nhau, năm tháng không trùng hợp, nhưng đều có những điểm thống nhất chung. Cụ thể, Nguyễn Minh Không là một thiền sư rất năng động, có nhiều uy tín, xây dựng nhiều chùa trong nước và có công lớn trong việc truyền bá đạo Phật thời Lý. Người là một nhà thơ có tiếng, là một thầy thuốc giỏi đã chữa bệnh cho vua, đã dậy nghề đúc kim loại nổi tiếng. Với tài năng siêu việt và pháp thuật cao cường, nhân dân hết lời ca tụng ngài đến mức đã thần thánh hoá thành những câu chuyện thần thoại ly kỳ.

Ngài đã từng trừ yêu trị quái, phục hổ hành long, ngồi thiền định một nơi mà tâm thu tám cõi; đưa một ngọn núi đứng ở nơi này để rời đi đến đứng ở một nơi khác;

giăng chỉ khoanh vùng để làm bờ một cánh đồng rộng lớn rồi tát cạn nước; lấy một túi nhỏ để đựng một kho đồng nặng hàng vạn tấn ở Trung Quốc, rồi xách tay mang về nước; đánh một hồi chuông ở Phả Lại để gọi được trâu vàng từ Trung Quốc chạy sang nước Nam và khi chuông ngừng đánh thì trâu vàng chìm xuống đáy hồ; thò tay vào chảo dầu đang đun sôi, tắm cho vua ở trong chảo để chữa khỏi bệnh “hoá hổ”

cho vua Lý Thần Tông, v.v. [26, tr.15-16].

Thánh Dương Không Lộ được tôn làm anh hai, cùng sang Tây Trúc học Đạo với thánh Nguyễn Minh Không - vị thánh được dân gian tôn là em út, có công chữa bệnh sợ tiếng tắc kè cho vua Lý Thần Tông, là hậu thân của Từ Đạo Hạnh và sau này là cả vua Lê Thần Tôn. Có nhiều tình tiết ly kỳ liên quan đến hành trạng của Thiền sư, như người mọc đầy lông, tiếng gầm như hổ; sư mời cơm đoàn quân nhà vua bằng một niêu nhỏ, nhưng cả bốn chục người ăn no mà vẫn chưa hết theo mô típ nồi cơm Thạch Sanh trong truyện cổ tích.

Có thể thấy rằng các mảnh vỡ linh thiêng, huyền bí và ma mị trong các tiểu sử về ba vị thánh là một sự pha trộn giữa huyền thoại và nền tảng cơ sở lịch sử, gắn với tên tuổi của các nhà vua, các triều đại, cũng như những địa danh trong lịch sử.

Những yếu tố linh thiêng của một tiểu sử cuộc đời các vị thánh luôn gắn với quyền lực ma lực [129, tr.408]. Tuy nhiên trong khi cuộc sống của những vị thánh, những người có quyền uy và những người có ma lực tràn đầy những điều kỳ diệu và cái chết của họ cũng đầy thần bí-được hóa thánh. Một vị thiền sư hóa thánh thì họ càng trở nên “thiêng”, có quyền lực vô biên, có sức hút, ma lực trong cuộc đời. Các vị thiền sư đều “đắc đạo”, vượt xa những con người bình thường, cái linh và ma lực càng được tăng lên vì họ được gắn với cái “tối thượng” sau khi hóa [129, tr.399].

Qua ba tiểu sử của ba vị thánh với nhiều câu chuyện, huyền tích, dã sử, truyền thuyết mang đầy hư cấu và huyền bí. Tựu trung lại, tất cả ba tiểu sử đều gắn với cái thiêng và càng làm tăng thêm ma lực, khiến cho họ càng có thêm quyền lực thần bí. Tiểu sử của vị thánh Phật giáo cung cấp một mô hình về các vị thánh thiêng liêng cho thế gian, cho những người thế tục. Phạm vi ảnh hưởng của những mô hình thiêng hóa như vậy phụ thuộc không chỉ vào tiểu sử linh thiêng, mà còn vào quyền lực của ma lực mà do chính dân gian tạo nên, nhờ đó các đối tượng thờ cúng linh thiêng được đề cao trong tâm thức dân gian.

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)