Tâm thức dân gian

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 31 - 34)

1.2. Cơ sở lý luận

1.2.2. Tâm thức dân gian

“Tâm thức dân gian” là một khái niệm khá trừu tượng để chỉ tư duy, ý thức, cảm nhận, tâm tư, tình cảm của một nhóm người, tộc người, cộng đồng dân tộc trong một môi trường sinh sống, trải qua nhiều kinh nghiệm sống, làm việc trong bối cảnh xã hội và điều kiện tự nhiên với sự ảnh hưởng của giao lưu qua lại, kinh nghiệm ứng xử lâu đời. Trong một công trình nghiên cứu khá sâu sắc về văn hoá

Việt Nam, Linh mục Léopold Cadière đã chỉ ra diện mạo tâm thức dân gian của người Việt trong lĩnh vực tôn giáo:

Nơi người Việt, ở các giai tầng xã hội, tâm thức tôn giáo thể hiện một cách mãnh liệt và chế ngự toàn thể cuộc sống con người... Tâm thức ấy trong mỗi hành vi thường nhật, trọng đại hay bé nhỏ, kết thành một mạng lưới chằng chịt qua các biểu hiện thực hành, khi thì hoành tráng lễ nghi ở đền đài miếu vũ công khai, khi thì âm thầm nhẹ nhàng giây lát bên gốc cây, hòn đá. Lúc thì khấn vái kêu cầu ... lúc thì chỉ lâm râm vái cúi khi bước qua am, qua miếu nhỏ linh thiêng và tự đáy lòng phát lời nguyện ước thẳm sâu nhất. Khi thì nghiêm trang bái lạy, cúi đầu cung kính với áo thụng lụa bóng, khăn mão uy nghi; khi lại tìm đến vị thầy bói mù lòa, tìm đến cô đồng, cô bóng ngất ngây mắt ngời bí nhiệm, hoặc tìm đến thầy bùa thầy pháp, bói quẻ chân gà, hoặc xin xăm xin thẻ ở bác giữ chùa. Họ dâng hương hoa thơm ngát lên chư Phật rực rỡ tòa cao, tọa thiền nhập định Đại Từ Bi, Tam Tịnh, Tam Bảo, nhưng họ cũng bái lạy trước những hình tượng mặt mày nhăn nhó, thờ hổ, thờ rắn... Ma thuật với những thực hành kỳ quái, man dã ấy lại hòa trộn vào những hành vi tôn giáo cao cả nhất [14, tr.82].

Mô tả này của Cadière chỉ ra một thứ “tâm thức dân gian” rất đặc biệt của người Việt trong việc tôn thờ đa thần. Tâm thức ấy nuôi dưỡng một niềm tin vừa đủ vào thế giới tâm linh, vừa để không bị trói buộc hoàn toàn vào một hình thức thờ cúng nhất định nào, vừa tạo cho con người một khả năng thích ứng, linh hoạt, đầy tính thực tiễn, thậm chí thực dụng trong việc thờ phụng bất kỳ vị thần thánh nào đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hàng ngày của họ.

Tâm thức dân gian, như vậy, trước hết là tâm thức của người dân, được thể hiện ra dưới nhiều biểu hiện, có tính lặp lại, tạo thành nét chung của các hành vi thực hành. Trong Từ điển Việt Nam Văn hóa tín ngưỡng phong tục do Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo chủ biên, “Tâm thức folklore” (tâm thức dân gian) được giải thích là thứ tâm thức được “hình thành, phát triển, tạo hợp, lặp đi lặp lại hoặc biến hóa thay đổi, với thời gian sẽ tạo nên nếp chung trong sinh hoạt tinh thần và vật chất của tộc người. Những tầng văn hóa nối tiếp hoặc chồng chất lên nhau tạo cho cả cộng đồng đó một dấu hiệu quen thuộc, có cảm tưởng là ổn định trong ý thức, trong tâm tư và thường trực được biểu hiện ra ở nhiều mặt cụ thể như phong tục tập quán, tín ngưỡng và nhiều lĩnh vực khác” [51, tr.1006].

Trong công trình này, tâm thức dân gian được hiểu là sự nhận thức, cảm nhận ở bên trong con người, nó ẩn đâu đó trong suy nghĩ, niềm tin, tâm tưởng, trái

tim của họ. Nó có thể sâu sắc hoặc bàng bạc, nhưng thường được thể hiện ra qua những câu chuyện, hành vi, thực hành nghi lễ, biểu tượng tôn giáo, các hiện vật và không gian thờ cúng. Hay nói một cách khác, con người chuyển tải cái tâm thức bên trong ra bên ngoài qua hệ thống các biểu hiện văn hóa bằng ngôn từ và phi ngôn từ, bằng diễn xướng, trong không gian và thời gian cũng như thông qua hiện vật gắn với ý nghĩa và biểu tượng.

Bởi tâm thức dân gian là cái vừa ẩn trong nhận thức và cảm nhận của người dân, lại vừa hiện trong các thực hành hàng ngày và trong các sự kiện nghi lễ, nên để hiểu được tâm thức dân gian về các vị thánh, lại cần phải nhìn qua các biểu hiện khác nhau của đức tin, tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của con người. Đối với một bộ phận lớn cư dân châu thổ Bắc Bộ, thờ cúng các vị thần, thánh đã trở thành tâm thức trong đời sống tâm linh hàng ngày. Đi chùa lễ Phật đầu năm, đi lễ vào ngày mùng một hay ngày rằm, kiêng kị ngày xấu, làm lễ cầu cúng cho con học hành đỗ đạt, cúng sao giải hạn, hành hương đầu năm.v.v. đã trở thành các thực hành phổ biến.

Cấu trúc không gian thờ tự (chùa, đền, miếu, nghè), nghi thức tế lễ, cầu khấn, cúng bái, chuyện kể, lá sớ kêu cầu,.v.v đều là những biểu hiện của tâm thức dân gian về ba vị thánh. Tính “linh thiêng” được gán cho không gian thờ cúng thần thánh hội tụ đủ các yếu tố tự nhiên, phong thủy cũng như lược đồ kiến trúc, từ cổng tam quan đến gian thờ phụng, bàn thờ, cung cấm, nơi đặt tượng thánh, nghi thức mộc dục, các cấm kị.v.v. Các thực hành ấy đều thể hiện phần nào tâm thức của người dân Việt và được bắt rễ trong vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ.

Sự hình thành tâm thức dân gian người Việt ở châu thổ Bắc Bộ cần được đặt trong mối quan hệ với môi trường sống và sinh hoạt [48]. Tâm thức dân gian về các vị thần thánh là một sự kiến tạo văn hoá được hình thành trong bối cảnh nghề nông, mà theo Nguyễn Duy Hinh khi viết về thành hoàng làng Việt Nam, là một sự “tập đại thành văn hóa mà người nông dân Việt Nam đã sáng tạo qua bao nhiêu thể nghiệm của bao nhiêu thế hệ” [37, tr.410].

Tuy nhiên, tâm thức dân gian không phải là một sự hoá thạch văn hoá, mà nó cũng luôn thay đổi để đáp ứng, thoả mãn, cũng như phù hợp với bối cảnh của cuộc sống. Các nhận thức, niềm tin và tình cảm được tạo dựng trong quá trình trải nghiệm sống dần tạo nên tâm thức dân gian, nhưng tâm thức của người Việt về thờ phụng các vị thánh cũng thay đổi theo thời gian và không gian, thể hiện qua việc bồi đắp thêm nhiều tình tiết mới trong các huyền thoại, truyền thuyết cũng như trong các biểu hiện thờ thánh nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong tiến trình lịch sử phát triển xã hội. Tâm thức thờ cúng thần thánh cũng thay đổi nhiều về phương diện

cơ sở thờ tự, niềm tin tôn giáo, thực hành nghi lễ và sự cố kết cộng đồng, như nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Mai chỉ ra ở vùng châu thổ Bắc Bộ [67], hay tâm thức tôn giáo truyền thống của người dân cũng bị biến đổi khi bị tác động bởi những hình thức văn hoá và tôn giáo mới xâm nhập, như Phạm Quỳnh Phương chỉ ra khi phân tích sự biến đổi tâm thức tôn giáo truyền thống của người Tây Nguyên hiện nay [89]. Vì vậy, nghiên cứu tâm thức dân gian về các vị thánh đòi hỏi phải được nhìn nhận trong mối quan hệ với những sự biến đổi về đời sống kinh tế, xã hội, tôn giáo đương đại.

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)