Sự ra đời và phát triển chùa tiền Phật hậu Thánh

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 55 - 62)

Chương 2: BỐI CẢNH HÌNH THÀNH TÂM THỨC DÂN GIAN VỀ BA VỊ THÁNH Ở VÙNG CHÂU THỔ BẮC BỘ

2.3. Sự hình thành của các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh

2.3.2. Sự ra đời và phát triển chùa tiền Phật hậu Thánh

Như chúng ta đã biết, thời Lý, Phật giáo rất phát triển. Trong phép tu hành theo như lời thiền sư Vạn Hạnh thì các nhà sư thường coi cuộc đời là ảo ảnh nên họ dồn cả tâm trí, sức lực, tiền của để tập trung xây dựng đền đài, chùa tháp nguy nga tráng lệ. Các vua Lý đều tôn sùng Phật giáo. Lý Thái Tông là môn đệ thế hệ thứ bảy của phái thiền Vô Ngôn Thông, Lý Thánh Tông là thế hệ thứ nhất của phái thiền Thảo Đường. Các ngôi chùa được xây dựng rất nhiều dưới sự bảo trợ của nhà nước với ba loại hình cơ bản là đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Đại danh lam chia làm hai loại: thứ nhất là đại danh lam do vua xây dựng có chức năng kiêm hành cung như chùa Chương Sơn (Ngô Xá, Ý Yên); chùa Long Đọi (Hà Nam);

chùa Tường Long (Hải Phòng); chùa Phật Tích (Vĩnh Phúc). Thứ hai là đại danh lam không kiêm hành cung do hoàng thân quốc thích, quý tộc, quan lại xây dựng như chùa Bà Tấm ở Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội), chùa Hương Lãng đều do Ỷ Lan phu nhân xây dựng. Sau đại danh lam là trung danh lam và tiểu danh lam với các dấu tích của những công trình xây dựng thời Lý ở đất Nam Định ngoài tháp Chương Sơn (Ngô Xá, Ý Yên) còn chùa Nghĩa Xá (Viên Quang tự) ở xã Xuân Ninh, Xuân Trường. Theo sử sách, xưa kia cũng là đại danh lam quy mô bậc nhất nước Đại Việt thời Lý. Theo văn bia chùa Viên Quang được soạn, khắc năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ ba - Giác Hải đại sư khắc bia một mặt (1221) ghi rõ: “Chúng sinh đã hoà độ, thiền sư đã già nua. Người bèn chống gậy ở làng xưa; xuôi thuyền về quê cũ. Xem đất đẹp đầu rồng, cách xóm tanh máu thú. Phía trước mẫu nam, muôn khoảnh mây vàng giãi đất; phía sau sông lớn, ngàn trùng mây biếc liền trời… Bên tả hành cung đất hải, thuế cày đều giảm nhẹ, xuân thu; bên hữu chùa cổ Long Kiều chuông kệ thảy đều nghe sớm tối” [21, tr.206-207].

Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng khiến chùa được xây dựng nhiều trong thời kỳ này là sự phục hưng của Phật giáo. Niềm tin vào Nho giáo bị lung lay đã tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển trở lại. Ở thế kỷ XVI-XVII, trong tình trạng xã hội có nhiều biến động phức tạp, triều đình đã mở cửa cho tầng lớp trên trong xã hội tìm đến và lựa chọn đạo Phật như một thứ công cụ tinh thần để cân bằng tư tưởng xã hội và tranh thủ về mặt chính trị, lôi kéo những người theo đạo Phật về phía mình. Chính vì vậy họ không hạn chế, thậm chí còn tạo điều kiện cho những ông hoàng, bà chúa - những người vốn có sẵn thiện tâm, tham gia vào việc tu bổ, xây dựng đền chùa [47, tr.32].

Vùng châu thổ Bắc Bộ chùa mọc lên khắp nơi, các ngôi chùa dựng từ thời trước thường được trùng tu, đồng thời đến giữa thế kỷ XVII, một số cao tăng từ Trung Hoa đã qua Đại Việt để hành đạo, là thời kỳ đánh dấu việc thiền phái Tào

Động và Lâm Tế được truyền vào nước ta một cách mạnh mẽ, năm 1633, nhà sư Trung Quốc là Chuyết Chuyết thuộc phái Lâm Tế đến chùa Khán Sơn ở Thăng Long. Cùng với Lâm Tế, phái Tào Động cũng lần đầu tiên được truyền vào nước ta.

Ở Đàng ngoài do thiền sư Thuỷ Nguyệt sang Trung Hoa du học mang về (năm 1667), còn Đàng trong do các thiền sư Hưng Liên và Thạch Liêm (Trung Quốc) mang tới. So với Lâm Tế, phái Tào Động phát triển mạnh hơn ở Đàng ngoài với tổ đình lớn là chùa Hồng Phúc (Hoè Nhai, Hà Nội). Rõ ràng, sự khủng hoảng trầm trọng của Nho giáo, được biểu hiện bằng cuộc chiến tranh Nam Bắc triều, Trịnh và Nguyễn phân tranh, đã tàn phá đất nước, xô đẩy con người quay trở lại mạnh hơn với Phật giáo. Đó là điều kiện để các tông phái như Lâm Tế, Tào Động được du nhập sâu vào xã hội Việt [10, tr.21]. Hệ quả tất yếu của sự thay đổi các lĩnh vực đã thúc đẩy kiến trúc Phật giáo phát triển. Trong hệ thống chùa ra đời vào thời kỳ Phật giáo hưng thịnh này, người ta thường chú ý đến những ngôi chùa cũ, nổi tiếng như chùa Mía, chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Keo, chùa Bút Tháp... Kiến trúc của các thời trước đã được kiến tạo lại thành những ngôi chùa với nhiều toà ngang dãy dọc, trong đó có nhiều đơn nguyên kiến trúc mới xuất hiện, làm hình thành nên kiểu nội công ngoại quốc. Loại hình chùa này đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XVI và đến thế kỷ XVII được phát triển rộng khắp, với quy mô lớn hơn [93, tr.54].

Các chùa có kiến trúc tiền Phật hậu Thánh được hình thành nhiều ở phía hữu ngạn sông Hồng. Điều này đã được tác giả Nguyễn Văn Tiến lý giải như sau: trong tâm thức dân gian các vị thánh được thờ ở các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh có pháp thuật cao cường, có khả năng phù chú. Sự linh diệu này có nguồn gốc từ Mật giáo và Đạo giáo. Hơn nữa, Mật giáo theo đường thủy sông Hồng vào Việt Nam.

Vào thời gian đó, phía tả ngạn sông Hồng, Phật giáo Luy Lâu các dòng thiền như Tì ni đa lưu chi, Vô ngôn thông rất phát triển và ăn sâu vào trong văn hóa của người Việt. Do vậy, để phát triển trong vùng đất mới, Mật giáo phải ở xa trung tâm Luy Lâu, tức là bên hữu ngạn sông Hồng [108].

Câu chuyện về sự ra đời của chùa Keo thờ Dương Không Lộ ở làng Hành Thiện (tỉnh Nam Định) đã được sử sách ghi lại tương đối chi tiết. Dưới thời Lý, Nam Định không những là vùng cửa ngõ của châu thổ Bắc Bộ mà còn là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng. Các vua Lý đã xây dựng hai hành cung làm nơi nghỉ chân trong những lần đi kinh lý tại vùng đất này đó là hành cung Ứng Phong và Hải Thanh. Hành cung Hải Thanh, có thể ở gần khu vực chùa Keo, một trung tâm văn hoá lớn thời đó. Làng Hành Thiện trước kia thuộc xã Hành Cung, gần

bến đò Quán Các, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực. Ngược dòng lịch sử, “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Việt sử thông giám cương mục” ghi rõ thời Lý nước ta được chia thành mười hai lộ trong đó có lộ Hải Thanh. Phủ Ứng Phong nằm trong lộ Hải Thanh, về đại thể tương đương với đất của các huyện Mĩ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, và một phần của huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng ngày nay. Phủ Ứng Phong có hai cửa biển là Ba Lạt và Đại An trong đó cửa Ba Lạt là nơi sông Hồng đổ ra biển.

Thời kỳ đó cửa biển ở vào khoảng ngã ba sông nơi tiếp giáp giữa hai huyện Trực Ninh và Xuân Trường. Vùng đất từ Quán Các ra tới cửa biển Ba Lạt mà trung tâm là khu vực chùa Cổ Lễ, khi ấy có tên Nôm là Keo, tên chữ là Giao Thuỷ (có nghĩa là vùng nước ngọt và nước mặn giao nhau khi triều lên). Đây là nơi neo đậu thuyền của những cư dân đánh cá sau những ngày đi biển, họ sống tụ cư thành những vạn chài, xung quanh các điểm tụ cư này thường diễn ra các hoạt động mua bán. Cảnh đó đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, làm phong phú diện mạo văn hoá, hình thành các điều kiện thuận lợi cho cư dân dễ dàng trao đổi, tiếp nhận các luồng văn hoá khác nhau từ nhiều ngả mang lại, tạo thành một dải giao thoa văn hoá. Chính vì lẽ đó thiền sư Không Lộ đã chọn vùng này làm nơi tu hành và xây dựng chùa, truyền bá giáo lý nhà Phật. Thiền sư đã phát công xây dựng chùa Nghiêm Quang, năm 1167 đời Lý Nhân Tông, chùa Nghiêm Quang đã được đổi tên thành chùa Thần Quang. Tại các khu vực có các điều kiện tự nhiên tương tự, chúng ta đều thấy xuất hiện địa danh Keo như chùa Keo Nam Định, Keo Thái Bình, chùa Cổ Lễ (Thần Quang Tự) cũng có tên Nôm là Keo. Trải qua hai triều đại Lý, Trần với sự cực thịnh, huy hoàng của đạo Phật, đến năm Tân Hợi (1611), do dòng sông Hồng đổi dòng, gây nên một trận lụt lội lớn đã xoá sạch dấu tích ngôi chùa Keo sau hơn năm trăm năm tồn tại. Dân vùng này phải chuyển đi hai nơi trong đó một phần dời sang tả ngạn sông Hồng lập làng Dũng Nhuệ. Dân chuyển đến vùng hữu ngạn sông Hồng lập nên làng Hành Cung sau đổi tên là làng Hành Thiện đời Minh Mệnh (1820-1840). Dân hai nơi đều kiến thiết xây dựng làng mới và xây hai ngôi chùa mới nhưng có chung phong cách thờ tự tiền Phật hậu Thánh; kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc và cùng thờ thiền sư Không Lộ. Chùa Keo ở làng Hành Thiện được xây dựng từ năm Hoàng Định thứ 13 (1612) [108].

Quan điểm và tư tưởng của cộng đồng người dân cũng là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành thờ tự các vị thánh. Theo Phạm Thị Thu Hương [45], một yếu tố quan trọng cho sự ra đời của một dạng chùa vừa thờ Phật, lại vừa thờ thánh, là ở lối tư duy, quan điểm của người Việt về thờ thánh. Người Việt kính thờ

những người có khả năng siêu phàm, có công giúp dân, giúp nước. Những người anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc, những người có công với nước, những người có công sáng tạo nghề đều được người Việt thiêng hóa và thờ phụng. Các vị thần bản địa này có thể là một nhân vật lịch sử như Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Trưng Trắc Trưng Nhị, là một ông tổ nghề như Từ Đạo Hạnh, là một nhân vật trong truyền thuyết như Chử Đồng Tử, Sơn Tinh, Thủy Tinh v.v. Một số vị thần của người Việt được nhập vào trong tam bảo của Phật giáo trong đó có cả các vị thánh, được phối thờ sau, hoặc ngang bằng, hoặc trước Phật. Trong những trường hợp này, việc thờ phụng là các nhà sư kiêm đạo sĩ, các vị thiền sư mang nhiều yếu tố Mật tông và ảnh hưởng của Đạo giáo. Theo truyền thuyết, dã sử, họ có nhiều phép thuật, vừa là ông tổ dạy dân cấy lúa, làm con rối, vừa chữa bách bệnh, và có cả phép thuật làm bùa, trấn trạch, cầu an, cầu đảo.

Người Việt không quan tâm nhiều tới những điều cao xa sau khi chết, cũng như kiếp sau, mà có tính thực dụng, quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống dương gian.

Các vị thánh mà họ thờ cúng đa số là nhân thần, được họ hóa thành các vị thánh gần với điều họ mong muốn. Với họ các đấng tối cao, những thế lực siêu nhiên đầy quyền uy, có thể đem phúc đến cho cuộc sống nơi trần gian. Theo quan niệm của người Việt, thần linh phải vì con người, vì cuộc sống của con người và phù hộ độ trì cho họ có một cuộc sống tốt đẹp. Xu hướng hội nhập, cộng sinh tôn giáo là một nét đặc thù trong hệ thống tôn giáo của người Việt. Không một tôn giáo, tín ngưỡng nào thuần khiết khi du nhập vào Việt Nam. Các yếu tố của tôn giáo này và tôn giáo khác cùng với hệ thống tín ngưỡng bản địa hòa quyện với nhau, trở thành một thứ “Đạo”.

Quá trình thánh hóa ba vị thánh trong hệ thống chùa tiền Phật hậu Thánh chính là thể hiện tâm thức người Việt mà theo Vũ Ngọc Khánh là “Đạo Thánh” [47].

Qua nghiên cứu các thư tịch, tư liệu viết về tiểu sử, hành trạng, công lao của ba vị thánh có thể nhận thấy có nhiều xu hướng khác nhau, nhưng có những nét chính khá thống nhất. Các thư tịch, tư liệu chứng minh ba vị thánh là nhân vật có thật trong lịch sử, ban đầu là các nhà sư, tu hành đạo cao đức trọng, có nhiều tài phép, lập công lớn với triều đình và quốc tính cho nên có ảnh hưởng lớn đến triều đình và dân gian buổi đầu của nhà nước Đại Việt thời Lý, thời kỳ mà Phật giáo là quốc giáo với rất nhiều quốc sư có ảnh hưởng lớn đến xã hội bấy giờ như quốc sư Khuông Việt, Ngô Chân Lưu thời Đinh, Tiền Lê; Vạn Hạnh, Khánh Văn thời đầu nhà Lý. Bản thân nhà vua lập nên nhà Lý là Lý Công Uẩn cũng là người lớn lên từ nhà chùa, từ nhỏ đã học giáo lý nhà Phật, am hiểu sâu sắc Phật học, tham chính và qua nhiều chức vụ lên ngôi vua, mở đầu triều đại nhà Lý. Chính thời kỳ này giáo lý

nhà Phật nở rộ với nhiều hệ phái, tiêu biểu nhất là Tì ni đa lưu chi, Vô ngôn thông mà các vị Thánh Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không là các vị tổ của các phái này thuộc các thế hệ khác nhau. Các vị Thánh đã dựng chùa, đúc chuông, hoằng dương Phật pháp, tu tập ở nhiều ngôi chùa lớn như chùa Thầy, chùa Láng, chùa Bi, chùa Keo, Cổ Lễ, chùa Điềm Giang. Cách tu trì của các vị thánh mang dấu ấn Mật tông, có nhiều phép thuật, hộ quốc an dân tạo nên thiện cảm của chế độ phong kiến và tình cảm của nhân dân, với thiện cảm dành sẵn cho các vị thánh, dân gian đã thần thánh hóa, huyền thoại hóa cuộc đời và công lao của các vị sư, gán cho họ những công trạng mang tính chất của các anh hùng văn hóa, chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông, tổ nghề của nhiều làng nghề vùng châu thổ Bắc Bộ, quyên đồng đúc an nam tứ khí, giết quái vật biển trừ hại cho dân. Với những công trạng đó, với lòng yêu kính sẵn có, được nhân dân truyền tụng từ đời này sang đời khác, ba vị thánh được thờ trong chùa “Tiền Phật hậu Thánh” có không gian thờ cúng trong vùng châu thổ Bắc Bộ với nhiều lễ hội nổi tiếng nhất vùng. Thời gian thiêng của các vị thánh trải qua gần một ngàn năm vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đương đại qua khối lượng khá lớn các truyền thuyết, di tích phụng thờ và các sinh hoạt lễ hội xoay quanh ba vị thánh mà đã nhiều nhà nghiên cứu khai thác từ góc độ sử học, văn hóa, nhân học.

Những tín ngưỡng và lễ hội liên quan là cuộc sống tâm linh, tinh thần cơ bản của người Việt ở các làng xã và nổi trội lên trong hệ thống ấy là dạng chùa tiền Phật hậu Thánh, một hình thức thờ cúng có sự pha trộn giữa tâm thức thờ Phật và thờ các vị thần tổ. Qua việc thờ cúng các vị thần tổ này, có thể hiểu về tâm thức tôn giáo của người Việt từ thời kỳ Lý-Trần đến ngày nay. Lý giải điều này, Mai Thị Hạnh cho rằng thời Lý-Trần là thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh ở Việt Nam với vai trò quan trọng của các nhà sư. Theo tác giả, “nhiều người trong số họ không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của dân chúng, họ còn là những cố vấn đắc lực cho triều đình trong các vấn đề về triều chính”. Đặc biệt, vào thời kỳ này, theo tác giả: “nhiều thiền sư đã áp dụng lối tu lối tu Mật giáo ma thuật này, và điều đó đã giúp họ có nhiều pháp thuật tinh thông, có tài biến hóa giúp dân ích nước. Vì vậy, dân chúng đã coi họ như một vị thánh và thờ trang trọng trong một số ngôi chùa” [48, tr.194]. Giải thích về sự ra đời của chùa tiền Phật hậu Thánh, Mai Thị Hạnh cho rằng sự kết hợp giữa thờ Phật và thờ Thánh trong điều kiện Phật giáo phát triển cùng với lối tu Mật giáo của các nhà sư chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự ra đời của kiểu kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh” [29, tr.194]

Việc hình thành và phát triển hệ thống thờ phụng ba vị thánh là sự ra đời của một hệ thống chùa tiền Phật hậu Thánh, thể hiện sự phức hợp trong tâm thức tôn

giáo bản địa của người Việt. Một mặt, họ thờ những vị thánh tổ, hiển linh hóa thánh như kiểu thờ cúng những vị thành hoàng, những người có công với dân, với nước.

Qua đó, họ có thể cầu cúng mọi việc liên quan đến làng, xóm, đến cuộc sống làm ăn, nghề nghiệp, và cuộc sống đời thường của họ. Mặt khác, các vị thiền sư, những người đắc đạo, được thờ phụng như là một đức Phật (Từ Đạo Hạnh) và phối thờ Phật ở tam bảo. Các tác giả đều thống nhất rằng hầu hết các ngôi chùa đều gắn tên tuổi với các vị thiền sư tu hành Mật giáo, hay chí ít là chịu ảnh hưởng của Mật giáo với bùa chú, sấm vĩ và là những vị tổ nghề dân gian nữa. Và nhân dân phụng thờ các vị thiền sư như “những nhân thần, có nghĩa là những con người được coi là có thực, nhưng về sau nhờ học tập, tu luyện, đã có tài thần thông biến hóa, nghĩa là có những khả năng của một vị thần [93, tr.78-79].

Đồng quan điểm này, Mai Thị Hạnh nhận định các chùa Tiền Phật hậu Thánh thờ các nhà sư “có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các thiền sư không còn là những nhân vật chỉ biết cầu kinh niệm Phật nữa, họ còn là những tổ nghề, người giúp dân khai sơn phá thạch, đánh cá, trị thủy, thậm chí còn là người có khả năng hô gió, gọi mưa, hàng long phục hổ. Công tích và sự nghiệp của họ, đã được nhân dân thần thánh hóa và họ đã đi vào Phật giáo như một phần không thế tách rời của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần. “Tiền Phật - hậu Thánh” cùng với tiền Phật - hậu Mẫu là những kiểu chùa thể hiện thành công nhất sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng của cư dân bản địa” [29, tr.196].

Quá trình hỗn dung tôn giáo giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa thể hiện bản chất của Phật giáo ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Các vị Phật được thờ cúng không chỉ trong khuôn khổ của nhà Phật, học Phật pháp và giải thoát, thoát khỏi những điều sân si, tội lỗi. Phật Giáo luôn quan niệm rằng chúng sinh thì vô lượng, mà căn trí thì bất đồng, và mỗi người có một nghiệp riêng, cho nên không thể có một pháp môn giải thoát chung cho tất cả mọi chúng sinh. Con đường đi tới giải thoát không phải chỉ có một, và người đi đến cửa Phật để được giải thoát cũng không giống nhau. Giáo lý Phật giáo rất rộng, thích hợp với đủ mọi lớp người, đủ mọi trình độ, từ bình dân đến trí thức trong xã hội. Việc cầu Phật dẫn tới giác ngộ giải thoát cũng mang tính siêu hình và rất khó đạt được đối với một người dân bình thường, không đi tu, không được hoằng pháp. Và do vậy, trong tâm thức của người dân Việt, đi chùa cầu Phật, cũng cầu những điều thường ngày, cúng sao, giải hạn, cầu những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Hệ thống chùa thờ các vị thiền sư là một sự pha trộn của Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa, là những nơi gần gũi và đáp ứng được tâm thức của người dân Việt.

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)