Mặt bằng, kiến trúc của các ngôi chùa thờ ba vị thánh

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 86 - 90)

Chương 3: HÀNH TRẠNG CỦA BA VỊ THÁNH

4.1. Không gian thờ phụng ba vị thánh

4.1.2. Mặt bằng, kiến trúc của các ngôi chùa thờ ba vị thánh

Nếu như các di tích thờ ba vị thánh được xây dựng ở những nơi thắng tích thì phân bố mặt bằng các công trình kiến trúc bên trong các di tích này càng cho chúng ta thấy trong tâm thức dân gian thánh có vai trò tối linh. Quyền năng của thánh ở các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh chiếm ưu thế hơn Phật, vì ở các ngôi chùa này, phần lớn người dân lại cầu tài, cầu lộc, cầu làm ăn buôn bán, cầu tự, cầu đảo, chứ không phải cầu giải thoát như ở các chùa thờ Phật. Theo khảo sát của NCS, tại các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh điển hình như chùa Thầy thì đền Thượng là đền thờ sau Tam bảo thờ Phật là thờ ba kiếp của Từ Đạo Hạnh: Kiếp làm Vua, kiếp làm Thánh và Kiếp làm Phật. Vì là chùa thờ thánh, nên ở chùa Thầy, những nghi lễ mang tính dân gian, không phải lễ trọng của Phật giáo như cầu tự, thì nghi lễ vẫn được tổ chức ở những nơi thờ thánh trong đền Thượng hoặc chùa Cao. Hay ở chùa Keo ở làng Hành Thiện (Nam Định), việc làm lễ thường được tổ chức trong gian thờ thánh ở phía sau gian thờ Phật.

Về mặt bài trí, khảo sát cho thấy việc bố trí thờ phụng Phật, thánh là không như nhau ở các điện thờ, cũng như tâm thức của người dân đặt vào Phật, thánh cũng có nhiều điểm không đồng nhất và thống nhất với các công trình trước. Trong công trình của mình, tác giả Phạm Thị Thu Hương cho rằng nơi đặt tượng Phật bao giờ cũng nằm vị trí quan trọng hơn nơi thờ thánh [45]. Tác giả nêu một số tiêu chí để xác định chùa tiền Phật hậu Thánh như sau: (1) Là những ngôi chùa được dựng lên với chức năng ban đầu là thờ Phật, sau đó phối thờ thêm các vị thánh (vốn là các nhà sư). Điện thánh thường nằm sau thượng điện của chùa, nhưng có thể do một lý do nào đó (điều kiện kinh tế, diện tích đất đai...), nó có thể nằm ngay trong thượng điện, nhưng không bao giờ ở gian chính giữa mà ở gian bên và được tạo thành một không gian riêng biệt. (2) Điện thánh được bài trí trang nghiêm, chỉ có tượng hoặc bài vị của một vị thánh nhất định, hiếm khi có thêm các tượng khác; (3) không có nhà thờ Mẫu và tượng Mẫu, không có hiện tượng lên đồng, hầu bóng; (4) Người chủ trì các nghi thức tế lễ trong dịp lễ hội hàng năm phải là những ông thầy cúng với tiêu chuẩn lựa chọn hết sức khắt khe. Còn hàng ngày, việc trông coi chùa và lễ thánh đều có ông thống hoặc bà tự. Họ phục vụ, trợ giúp người dân đi lễ (viết sớ, cúng thay lạy đỡ, hướng dẫn làm lễ) [45, tr.21-22].

Về điều này, NCS cho rằng hệ thống kiến trúc, bài trí ở các ngôi chùa thờ ba thánh không như nhau và là một hình thức phức hợp. Cụ thể, mặc dù cùng là chùa

thờ thánh Từ Đạo Hạnh nhưng ở chùa Đại Bi (Nam Định), tam quan không xây ở chính giữa mà chếch về phía đông, thẳng với cung thờ Thánh Từ Đạo Hạnh, cho thấy đó mới là trục thần đạo của chùa, thể hiện vai trò tối linh của thánh [58, tr.21], theo phong thủy ở cung càn, còn ở chùa Thầy thì lại thờ 3 kiếp của Từ Đạo Hạnh trong cùng một gian thờ ở đền Thượng: Thờ ngài như vị Phật (ở chính giữa), thờ ngài như vị vua ở bên trái và như vị thánh ở bên phải của chính điện. Hơn nữa, ở các khu chùa, đền tiền Phật hậu Thánh, vẫn có nhà thờ Mẫu, như ở chùa Keo thờ Dương Không Lộ ở Nam Định, ở điện thờ thánh Nguyễn Minh Không ở làng Tống Xá (Nam Định), khu chùa Cao trên núi ở khu vực chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Sơn Tây, Hà Nội), v.v.. Các nơi có gian thờ Mẫu, nên người dân vào chùa đi lễ Phật, lễ thánh và lễ Mẫu. Mặt khác, đây là các chùa thờ thánh, nên đôi khi việc hành lễ và thờ thánh lại quan trọng hơn. Theo ý kiến của pháp sư Thành, người phụ trách nhóm thầy cúng ở chùa Keo (Nam Định), khi cầu cúng “Chúng tôi thông thường đi cửa thánh trước, sau đó đến cửa Phật. Chùa Keo ở làng Hành Thiện này thờ thánh, còn việc thờ riêng Phật có nhiều chùa thờ Phật. Sao người dân không lễ ở Hà Nội, mà phải về đây lễ. Họ về đây lễ, chủ yếu để lễ thánh chứ? Họ về đây chủ yếu lễ thánh để cầu xin, thánh ban tài ban lộc cho thì phải lễ thánh trước.”17

Nhìn tổng thể các di tích thờ ba vị thánh mang tính chất các ngôi đền thờ thánh nhiều hơn là ngôi chùa thờ Phật. Các di tích đều có kiến trúc trăm gian, làm theo kiểu nội công ngoại quốc. Ngoài cùng là hai lớp cổng mà các nhà nghiên cứu gọi là tam quan ngoại - tam quan nội, tuy nhiên thực chất đấy là nghi môn - lớp cổng ngoài thường thấy trong các kiến trúc các ngôi đền truyền thống. Tiếp theo là tiền đường, thiêu hương, thượng điện. Sau cùng là điện thánh. Hành lang dải vũ các di tích thờ thánh luôn bắt đầu, nối liền từ tam quan chạy suốt chiều dài chùa tới tận nhà tổ tạo thành hành lang khép kín tạo nên kiến trúc nội công ngoại quốc.

Khu vực tối linh nhất, quan trọng nhất trong tâm thức dân gian là điện thánh luôn được xây dựng phía sau chùa với độ cao hơn tất cả các công trình khác trong chùa, kể cả tiền đường, thiêu hương, thượng điện - nơi đặt các pho tượng phật.

Kiểu thức này có thể thấy ở các chùa Thầy (Hà Nội), chùa Keo (Nam Định), chùa Điềm Giang (Ninh Bình).

Kiểu thứ hai nếu điện thánh không được xây dựng thành một công trình riêng biệt mà xây cùng với thượng điện thì điện thánh luôn được xây dựng nằm bên phải chùa, là nơi tối linh trong kiến trúc cổ truyền rồi mới đến Tam bảo và các công trình khác theo kiến trúc truyền thống. Các công trình kiến trúc người Việt luôn

được đặt trên trục thần đạo, các công trình tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện hành lang, giải vũ được xây dựng đăng đối qua trục thần đạo.

Theo khảo sát của NCS, điện thờ ba vị thánh luôn nằm chính giữa - trung tâm trục thần đạo tiêu biểu như chùa Thầy, chùa Keo, chùa Láng, chùa Điềm Giang. Với các chùa không có điện thánh riêng biệt thì tam quan, tiền đường nằm trên trục thần đạo cùng với điện thánh chứng minh trong tâm thức dân gian, thánh tối linh và có vai trò quan trọng trong tâm thức người dân. Điều này cũng giải thích cho tầm quan trọng, sự linh thiêng của các vị thánh được thờ tự trong chùa, chứ không phải các vị Phật như các chùa khác thuần túy của đạo Phật.

Tiêu biểu cho mặt bằng kiến trúc chùa Tiền Phật hậu Thánh có gian thờ tối linh dành cho thánh có thể kể đến chùa Thầy, phía sau thượng điện, qua một khoảng sân hẹp mang tính chất thiên tỉnh (giếng trời) là toà điện thánh. Trong tâm thức của người dân vùng Sài Sơn, thánh Từ Đạo Hạnh có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh nên công trình kiến trúc này được đặt phía sau trên nền cao hơn hẳn. Theo quan niệm truyền thống người Việt, những công trình đặt phía sau cùng luôn là những công trình quan trọng nhất, tối linh thường được gọi là hậu cung, cung cấm v.v. Theo quan điểm của nhà nhân học văn hóa nổi tiếng người Anh Alfred Gell [124], những cái thiêng phải được đặt ở những nơi sâu, kín, vừa tăng thêm tính huyền bí, và tính thiêng. Nếu lấy khoảng đất trống trước chùa làm chuẩn thì nền điện thánh cao hơn khoảng 2,5 m. Điện thánh gần vuông, làm theo kiểu bốn mái như các công trình khác, nóc lợp ngói mũi hài như các tòa tiền đường, thiêu hương, thượng điện. Kết cấu vì nóc theo kiểu giá chiêng - chồng rường, con nhị. Xung quanh điện thánh bao ván đố, cửa bức bàn khiến không gian thờ thánh khá tối, tạo vẻ linh thiêng cho khu điện thánh [105].

Trong tâm thức dân gian, chùa Thầy được người dân gọi là chốn tổ, là nơi tu hành đắc đạo của Từ Đạo Hạnh. Trong chùa có ba pho tượng mà theo tâm thức người dân là ba giai đoạn khác nhau của thánh: “vi Phật - vi tiên - vi Quốc vương”.

Tượng thánh được tạo tác thành tượng vua Lý Thần Tông được cho là hậu thân của thánh và tượng thánh Từ Đạo Hạnh mang dáng dấp một đạo sĩ - pháp sư, ngồi trong khám, trạm khắc cầu kì, phong cách thời Hậu Lê. Ở đây, Từ Đạo Hạnh được thờ cả 3 kiếp, kiếp làm vua, kiếp hóa thánh và kiếp làm Phật, được thờ trong thượng điện.

Trong tâm thức dân gian, người dân đến chùa Thầy vẫn nặng phần thánh hơn bằng chứng là các tế lễ quan trọng, các nghi thức đều được thỉnh đến thánh và mong thánh phù hộ độ trì.

Trang trí, điêu khắc trên các công trình kiến trúc càng cho thấy trong tâm thức dân gian, thánh là quan trọng, linh thiêng. Các điêu khắc trên điện thánh tại chùa Keo (Thái Bình, Nam Định), chùa Thầy, chùa Đại Bi, chùa Điềm Giang, chùa Láng đều vô cùng tinh xảo hơn hẳn chùa Phật, là các công trình nghệ thuật tiêu biểu cho phong cách kiến trúc, nghệ thuật trong lịch sử. Chẳng hạn kiến trúc và mặt bằng chùa Đại Bi, về tổng thể, chùa Bi có kiến trúc, phong cách thờ tự theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, còn gọi là dạng chùa trăm gian. Chùa quay hướng Nam, hướng của Bát Nhã, trí tuệ trên một thế đất đẹp, bằng phẳng nằm giữa thôn Giáp Ba. Theo phong thủy, đó là thế đất đẹp hình đầu rồng, hai bên có hai giếng nhỏ nhân dân hay gọi là mắt rồng. Cụm kiến trúc đầu tiên là tam quan, nghi môn trong đó tam quan không được xây ở chính trục thần đạo mà chếch về phía đông. Sau tam quan là cụm kiến trúc chùa chính gồm: Tiền đường - tam bảo ngoại thờ tam thánh, tượng cửu long, thất phật. Tam bảo nội ở giữa, bên phải là cung thánh (cung cấm), bên trái là tượng quan âm nghìn mắt nghìn tay, tượng quan âm tọa sơn. Tam bảo gồm tượng tam thế. Cung thánh là một công trình kiến trúc bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo hình chiếc kiệu mang đậm phong cách hậu Lê, trong có khám thờ sơn son thiếp vàng.

Cung thánh là nơi trang nghiêm và nơi thiêng, luôn đóng cửa và chỉ những người được cắt cử, trông coi chùa mới được mở vào những ngày lễ, dịp Tết để làm lễ mộc dục và hương khói.

Trong chùa Keo (Nam Định), chúng ta thấy sự có mặt của một số hạng mục vốn không xuất hiện ở các chùa thông thường như nghi môn, điện thánh, tả hữu vu và vườn tháp mang tư cách mộ sư (vì chùa này không có sư)... các công trình kiến trúc mà bên ngoài tam quan là nghi môn, tức là cửa nghi lễ (không mang ý nghĩa triết học như tam quan). Hơn nữa, tả vu, hữu vu chùa Keo được xây dựng vượt lên trước toà tiền đường chùa thờ Phật, nối liền với tam quan thể hiện tính chất chùa kiêm đền thờ. Như vậy qua kiến trúc thì yếu tố thờ thánh đậm nét hơn thờ Phật, hay nói cách khác kiến trúc của chùa Keo mang tính chất là một ngôi đền thờ thánh hơn là một ngôi chùa thờ Phật. Đền thờ thánh được xây dựng phía sau chùa thờ Phật, theo kiến trúc dân gian Việt Nam, những công trình được xây phía sau có ý nghĩa linh thiêng, quan trọng hơn các công trình phía trước.

Hai ngôi chùa Keo nằm hai bên bờ sông Hồng, cùng thờ thánh Dương Không Lộ vốn trước là một đều thuộc trấn Sơn Nam Hạ nên tâm thức người dân vùng này thể hiện nhiều nét tương đồng về thánh Dương Không Lộ. Ngoài các công trình tiền đường, thiên hương, thượng điện như các ngôi chùa khác thì điện thánh

đều được xây ở vị trí trong cùng - khu vực linh thiêng nhất của chùa với độ cao vượt hơn hẳn, cao nhất trong toàn bộ khu chùa. Điện thánh cũng được các nghệ nhân xưa điêu khắc, trang trí cầu kì, tỷ mỷ với tầng tầng lớp lớp các tầng đao mác lưỡi lửa, vân mây thể hiện tâm thức của người dân thánh tối linh trong đời sống của cư dân vùng châu tổ Bắc Bộ.

Không gian và kiến trúc của các chùa tiền Phật hậu Thánh tạo nên một không gian thiêng. Khám thờ thánh trong các ngôi chùa này cũng thể hiện sự uy nghi, quyền năng và tối thượng. Chùa càng thiêng, nếu những không gian, tượng thờ, bàn thờ, v.v.. càng được giữ gìn, tránh sự ô tạp từ bên ngoài. Qua nghiên cứu điền dã tại các chùa tiêu biểu thờ ba vị thánh, NCS thấy rằng vị trí linh thiêng thờ thánh được những người trông coi luôn gìn giữ (không như thành hoàng), trong gian thờ ở cung cấm khóa cửa quanh năm và chỉ mở cửa vào những dịp lễ trọng, dịp Tết, lễ hội.18 Đối với người dân, đi lễ với cái tâm và lễ vọng, còn ngày thường, họ cũng không được vào trong đặt lễ và khấn trước ban thờ thánh như ở chùa Đại Bi, Nam Định.

Một phần của tài liệu Ba vị thánh trong các ngôi chùa tiền phật hậu thánh và tâm thức dân gian ở vùng châu thổ bắc bộ (Trang 86 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)