Chương 3: HÀNH TRẠNG CỦA BA VỊ THÁNH
4.3. Lá sớ và cầu khấn
4.3.1. Thông điệp truyền tải của lá sớ
Trong tập tục người Việt thờ cúng các vị thánh thần, việc thờ phụng và cầu cúng bên cạnh khấn nôm còn có các lá sớ. Lá sớ như là cầu nối cho người trần tấu lên thần thánh phù hộ độ trì. Sớ là một loại văn bản viết bằng Hán Nôm (nay đã được Việt hóa ở một số cơ sở thờ tự và buổi lễ), dùng để trình bày những yêu cầu, mong muốn của người dưới dâng lên Phật, thánh, mong được đáp ứng sở nguyện. Đây có thể được coi như là một văn bản chuyển tải ước vọng của con người. Lá sớ được ứng dụng trong tất cả các loại cầu cúng như dâng sao giải hạn, cúng mừng nhà mới, cúng chữa bệnh, cúng cầu an, v.v.. Mỗi khoa cúng khi hành trì đều phải tuyên sớ. Khoa cúng loại nào thì có lá sớ tương ứng, ví dụ sớ cầu đảo, sớ cầu yên, sớ cầu học hành thi cử, hay có các lá sớ cho từng vị thánh, cho từng ban thờ, phủ. Tức là đối với mỗi công việc thờ cúng, mục đích thờ cúng, thì thầy cúng phải chuẩn bị những lá sớ tương ứng.
Thông thường, để cúng bái, theo ông Thành, một pháp sư ở chùa Keo, thì có 2 phương pháp, thứ nhất chỉ có lá sớ để cầu xin, không phải vào khóa lễ. Nghĩa là có lễ, dâng lễ, sau đó đọc lá sớ và kêu thỉnh các ngài. Nếu thấy việc quan trọng, cần phải vào khóa lễ, thì phải thỉnh các ngài giáng đàn, sau đó lên kinh thánh để nhờ cậy các ngài giúp đỡ. Các pháp sư gọi là vào khoa, và đi kèm với trống, chiêng; các thầy thỉnh thánh giáng đàn, rồi tuyên sớ cầu xin các ngài.
Trong việc cầu cúng bình thường mà người dân có chút lễ, tiền lẻ đặt trong ban thờ hay để vào hòm công đức, các thầy đọc sớ để cầu xin bình an mạnh khỏe ở các gian thờ. Còn khi làm lễ dâng sao giải hạn, thì nhất thiết phải vào khoa. Tại khoa cúng này, thầy cúng có sớ sao vì liên quan đến Nam Tào Bắc Đẩu, đức Ngọc Hoàng, và phải mời các ngài về chứng giám, giải hạn. Chùa Keo, pháp sư dâng hình
nhân thế mệnh về tam giới và quan trọng ở lễ cúng sao giải hạn là dâng đức Ngọc Hoàng, Đế Thích để giải hạn.
Ngoài việc gắn liền với các khoa cúng, thì trong sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng khi cúng nôm cũng dùng lá sớ. Người dân dâng mâm lễ, trong đó có bánh kẹp, hoa quả, tiền vàng, và quan trọng là lá sớ. Đó là một tập tục, một tín ngưỡng gắn với quan niệm lá sớ là một loại văn bản gửi lên các đấng siêu hình, mong các ngài ban cho được “sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm”. Sớ thay cho lời khấn khi đi lễ.
Hiện nay, một số cơ sở thờ tự có phần mềm viết sớ, và chỉ cần nhập thông tin cá nhân như họ và tên, tuổi, địa chỉ, yêu cầu, máy tính sẽ nhập dữ liệu và in ra. Nội dung lá sớ, ngoài yêu cầu về lối viết, hành văn, có một số phần quan trọng thỉnh Phật Thánh: Phần này mở đầu bằng 2 chữ “cung duy”, tiếp theo là hồng danh của các thánh. Dưới mỗi hồng danh là các chữ “tòa hạ” dành cho Phật, “vị tiền” dành cho thánh, thần cùng các bộ hạ các ngài. Các loại sớ phân biệt nhau cơ bản là phần thỉnh cầu: Phần này được mở đầu bằng hai chữ “phục nguyện”. Tiếp theo là đoạn văn biền ngẫu (thường là rất hay) nói về sự mong mỏi được các bề trên ban ân huệ cho bản thân và gia đình. Kết thúc bằng câu “đãn thần hạ tình vô nhậm, kích thiết bình doanh chi chí, cẩn sớ”.21
Sau khi làm lễ xong thì sớ được mang đi hóa tại nơi hóa vàng mã, sớ của nhà chùa, đền. Theo anh Trọng ở làng Hành Thiện, hiện nay ở nhiều chùa, đền, những thầy sư, thầy cúng nhận một khoản tiền giọt dầu, và hàng tháng viết sớ cho các tín chủ, gia đình và thỉnh Phật, thánh vào ngày mồng 1, ngày rằm, và những ngày lễ, húy, kỵ, cũng như những người bà con làm ăn xa, không về được quê hương để đi lễ, thì cũng nhờ bố mẹ ở quê nói cho các thầy giúp.
Liên quan đến tầm quan trọng của lá sớ trong việc truyền tải thông tin cầu khấn cho người dân, tôi nhận được nhiều thông tin khá thú vị từ địa bàn nghiên cứu.
Tại chùa Điềm Giang ở xã Gia Thắng và Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), ông chủ tế đã kể nhiều về tiểu sử, lai lịch của thánh Nguyễn Minh Không. Theo ông, về mặt tâm linh người ta lễ ở chùa là tập quán dân gian, mà “dân gian người ta cầu gì thì người ta nói hết, ví dụ lễ cầu duyên. Hoặc người ta ra chùa nói là nhà cháu hôm nay anh ấy đi ký hợp đồng thì ông lễ cho cháu để anh ấy đi được thuận lợi, thì mình phải cúng bài cúng theo nội dung ấy.” Về lá sớ, theo ông chủ tế, “vẫn là cái sớ này nhưng viết là
21 Mễ Ứng Linh Từ, tuhuyenminh42@facebook, đưa lên mạng ngày 24 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 30
cầu an, giải hạn, cầu tài lộc. Đó là nguyện vọng của con người mang đến cái tốt đẹp, bỏ qua cái xấu.”22 Người dân có thể nhờ người viết sớ, ghi vào trong sớ bất kể việc gì họ cần cầu cúng, ngay cả việc đúc thép một sản phẩm mới, hay ký hợp đồng đúc thép với công ty. Tại chùa Điềm Giang ở Ninh Bình, một bà vãi vợ của ông thủ từ ở chùa, và là người trực tiếp giúp người dân viết sớ, cho biết nhiều thông tin về việc người dân đến tế lễ, trong đó chủ yếu họ đi lễ ở đền để cầu sức khỏe, cầu tự, cầu công danh. Theo bà,
“mọi việc ở đây quan trọng nhất là lá sớ. Lá sớ rất quan trọng, không khác gì lá đơn gửi lên chính quyền, bút sa gà chết.”23
Một số trường hợp cụ thể, các lá sớ cũng thể hiện được bản chất và việc thờ phụng các vị thánh tổ. Ví dụ, đối với cụ tổ nghề đúc Nguyễn Minh Không, thì trong lòng sớ có dòng chữ “giáo dân chế tác điền khí”,24 nghĩa là dạy dân đúc công cụ làm nông nghiệp. Như vậy, có thể coi lá sớ là văn bản tâm linh để dâng thánh và hóa đưa thông điệp của người làm sớ tới thế giới vô hình.
Sự phát triển rầm rộ các dịch vụ cầu cúng tại các chùa, khiến cho các chùa quá tải, tốn kém thuê người viết sớ. Trong thời đại công nghệ phát triển, việc viết sớ cũng được công nghệ hóa, có phần mềm của Trung tâm khoa học tín ngưỡng Việt Lạc Sớ, ra mắt phiên bản 4.0. Trên trang mạng chính thức của công ty, việc nhập tên tuổi một hộ gia đình mới và in ra chỉ mất một phút và nếu hộ gia đình đó có sẵn từ năm trước thì in lá sớ chỉ mất vài giây. Các lá sớ tự động dịch sang chữ nho, chỉ cần nhập vào tên, giới tính, năm sinh bằng tiếng Việt. Cách làm này vừa tiết kiệm, hiệu quả, và còn đóng ấn triện đỏ tự động trên tất cả các tờ sớ được in ra. Ngoài ra khi có tên tuổi, tính năng tự động tính tuổi tính sao, tự động tính hành canh bát quái, tính hạn lâm bát quái. Bên cạnh đó, tính năng song ngữ tự động (chữ nho ở trên, chữ Việt ở dưới). Các dữ liệu được đồng bộ liên tục lên máy chủ, không bao giờ lo bị mất dữ liệu.25 Khi đến chùa Đại Bi, vào cổng tam quan, đập vào mắt phía bên phải là bàn của một vị tăng ngồi trước máy tính. Tăng chỉ cần nhập số liệu của những người đến viết sớ và in ra theo yêu cầu. Hỏi thầy sư trụ trì về tính thiêng của các lá sớ được in từ máy tính, thầy chùa nói rằng việc viết sớ bằng tay hay in bằng máy tính thì cũng không ảnh hưởng tới việc thỉnh thánh.26 Điều quan trọng là cái tâm của người lễ tới Phật thánh, cũng như đức tin và “tín”.
22 Phỏng vấn tại chùa Điềm Giang, xã Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày 22 tháng 01 năm 2018
23 Phỏng vấn tại chùa Điềm Giang ở xã Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày 22 tháng 01 năm 2018
24 Tư liệu điền dã, thu thập tư liệu tại địa bàn làng Tống Xá, Nam Định, ngày 30 tháng 03 năm 2016.
25 https://vietlacso.com/gioi-thieu. Ban đầu phần mềm viết sớ giá 8 triệu đồng, hiện nay giá chỉ từ 1.5 đến 2 triệu đồng. Truy cập ngày 30 tháng 03 năm 2017.